2010/05/11

Thâm ý của Hà Nội khi đưa tin biểu tình ở Thái Lan

Ngô Văn

Suốt mấy năm nay tại Thái Lan, hết phe áo vàng đến phe áo đỏ thay phiên nhau xuống đường biểu tình đòi chính quyền phải trong sạch hóa guồng máy hành chánh, phải diệt trừ nạn tham nhũng, nếu không thì đi chỗ khác chơi cho đảng phái khác lên cầm quyền. Nhiều cuộc biểu tình có khi lên đến cả trăm ngàn người kéo dài trong một tuần lễ liên tiếp làm tê liệt thủ đô Bangkok làm thiệt hại nhiều cho nền kinh tế nước này, đặc biệt là kỷ nghệ du lịch. Ngay đến hội nghị ASEAN mở rộng tại tỉnh Pattaya vào tháng 4 năm 2009 cũng phải đình chỉ vì đoàn biểu tình áo đỏ tràn vào hội trường, sự kiện này làm cho chính phủ Thái Lan bị mất phần nào uy tín với thế giới, nhất là các nước tham dự hội nghị.
Cơn sốt chính trị của Thái Lan được truyền thông quốc tế loan tải rộng rãi kèm theo những lời bình luận về những điểm xấu và điểm tốt. Những người lãnh đạo ở Hà Nội cũng cho phép báo đài Việt Nam đưa tin thật nhiều về những cuộc biểu tình ở Thái Lan, nhưng chỉ rọi đèn kỹ vào những cảnh hỗn loạn, những cuộc xung đột với lực lượng an ninh, cảnh những người biểu tình bị thương, và mấy vụ tử vong. Thâm ý của Hà Nội ai cũng nhìn ra; họ muốn lợi dụng sự việc này để răn đe người dân là biểu tình đòi tự do, dân chủ chỉ đưa đến hỗn loạn, máu đổ xương rơi, làm thiệt hại sự phát triển kinh tế đất nước mà thôi chứ chẳng có lợi lộc gì cả. Đọc báo, nghe đài, xem TV của chế độ CSVN loan tin theo định hướng đó, làm cho nhiều người chán ngán và sợ biểu tình cho dù là biểu tình trong ôn hòa để đòi hỏi nhà nước phải tôn trọng những quyền căn bản của con người, phải bảo toàn lãnh thổ đất nước, không được cắt đất, nhượng biển cho Trung quốc.…

Nếu cứ tiếp tục chấp nhận chế độ độc tài, đảng trị thì chẳng nói làm chi, chứ muốn đất nước phát triển trong tự do, dân chủ thì người dân phải tự đứng lên đấu tranh dành lại. Phải nói thật, chẳng một người Việt Nam nào mà không mơ ước đất nước phát triển được như Nhật Bản, Hàn quốc hay Đài Loan. Nhưng phải nhớ rằng, để có được vị thế như ngày nay, người dân các nước này cũng đã phải trải qua nhiều cuộc xuống đường đấu tranh rất khốc liệt để dành lại chứ chẳng phải do trời ban phát, cho nên họ luôn cổ võ, khích lệ việc người dân các nước đấu tranh cho tự do, dân chủ nhưng phải trong ôn hòa. So với Nhật-Hàn-Đài thì nền dân chủ của Thái Lan đang còn non yếu. Trước năm 1973, Thái Lan còn thua miền Nam Việt Nam về nhiều phương diện. Thời điểm đó quốc gia này chưa thật sự có tự do, dân chủ, chính quyền phần lớn nằm trong tay các tướng lãnh. Đến năm 1975 mới chuyển qua chính quyền dân sự, khi đó những cuộc vận động cho tự do, dân chủ mới thật sự bắt đầu. Cùng thời điểm đó thì đất nước chúng ta đặt dưới quyền cai trị của đảng CSVN. Nhìn lại đoạn đường 35 năm đã qua để so sánh mức độ phát triển giữa hai nước là thấy ngay bên nào phồn thịnh, bên nào đang còn nghèo đói, trong khi người dân Việt chúng ta đâu thua gì người Thái Lan. Nền dân chủ của Thái Lan tuy còn non yếu so với các nước Nhật-Hàn-Đài, nhưng cũng đủ để cho người dân mạnh dạn lên tiếng phản đối những chính sách sai lầm, những chuyện làm bê bối của chính quyền mà những người lãnh đạo không dám ra tay đàn áp, phải giải quyết mọi chuyện bằng đường lối đối thoại. Bằng chứng là Thủ tướng Thái Lan, ông Abhisit Vejjajiva đã nói chuyện trước 100 ngàn người biểu tình phe áo đỏ để kêu gọi giải tán, và vào chiều ngày 28 tháng 3 tiếp Đại diện của họ để lắng nghe ý kiến cho dù phe áo đỏ đòi phải giải tán nội các nội trong vòng 15 ngày. Tuy không chấp nhận điều kiện này, nhưng Thủ tướng Abhisit đã hứa sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào cuối năm nay.
Không một cuộc đấu tranh nào mà chẳng có những sự đáng tiếc xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng không thể vì thế mà bảo đừng đấu tranh; đây là ngôn từ của những kẻ cai trị độc tài. Đành rằng trong khi xuống đường đấu tranh đòi tự do, dân chủ thì không sao tránh khỏi một số chuyện đáng tiếc xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng khi thành công thì nó đem lại lợi ích rất nhiều cho quốc gia, dân tộc. Thử hỏi nếu không có tự do, dân chủ thì làm sao có thể khươi ra được chuyện ông cựu Thủ tướng Thaksin lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm giàu một cách bất chính. Nếu có tự do, dân chủ thật sự thì chắc chắn những quan chức cao cấp đảng CSVN, mà đứng đầu là mấy ông trong bộ Chính trị, có thể mượt tình vơ vét tài nguyên quốc gia mà chẳng sợ ai đụng đến. Nếu chính quyền thật sự của dân, do dân bầu lên thì làm gì có cái chuyện đi biểu tình chống Trung quốc xâm lăng đất nước bị bắt bớ, trù dập. Chỉ cần có được một chút tự do, dân chủ của Thái Lan là tương lai Việt Nam sẽ rẽ sang hướng tốt đẹp, thoát khỏi danh sách những nước nghèo đói nhất thế giới, không phải ngửa tay ăn xin viện trợ các quốc gia giàu mạnh. Thật ra, nền dân chủ của Thái Lan có thể vững mạnh hơn nữa để đưa đất nước này trở thành cường quốc, nhưng vì người dân Thái đang còn kính trọng nhà Vua của họ. Vua Bhumibol Adulyadej tuy cổ động tinh thần dân chủ, nhưng vẫn còn muốn ngôi vị của mình vững chắc nên khi thấy thế lực nào vượt trội là dùng uy tín của mình đè xuống một chút; đó cũng là một trở ngại trên chặng đường dân chủ của Thái Lan.
Việt Nam không còn chế độ quân chủ, nên một khi hoa Dân chủ đã nở trên đất nước thì chắc chắn thì chắc chắn không ai ngăn cản được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét