2010/04/27

Địa lý cường quyền Trung quốc

Tự Luận phỏng dịch
Ưu điểm địa lý của Trung Quốc quá hiển nhiên đến nỗi người ta thường không để ý tới khi bàn về tính năng động của nền kinh tế nước này, hay sự cả quyết về chủ quyền quốc gia của họ. Kỳ thực khía cạnh địa lý thật chủ yếu, vì nó đặt Trung Quốc ở trọng tâm của địa bàn chính trị dù con đường tiến lên ngôi vị bá chủ của nước này không hẳn đã là một đường thẳng.
Ngày hôm nay tham vọng của Trung Quốc cũng hung hãn gần như của Mỹ thời trăm năm trước, nhưng do những động cơ khác nhau. Trung Quốc không theo đuổi một đường lối có tính truyền giáo trong các vấn đề quốc tế để nhằm quảng bá một lý tưởng hay một thể chế chính quyền, mà thường hành động để thỏa mãn nhu cầu năng lượng, luyện kim hay để nâng cao mức sống của khối dân đông đảo của họ.
Trong nội bộ Trung Quốc hai tỉnh Xinjiang và Tây Tạng là hai điểm chính nơi dân địa phương đã từng trì hãm sức kéo chung của Trung Quốc. Để khống chế Xinjiang và tài nguyên dầu hỏa, khí đốt, đồng, và thép thô ở đây Bắc Kinh đã đem dân gốc Hán đến định cư trong suốt mấy thập niên qua. Còn ở vùng cao Tây Tạng là vùng đất lớn nơi có nhiều đồng và thép, với cái nhìn đầy hiềm khích với đấu tranh đòi tự trị của dân địa phương, họ ào ạt làm đường bộ và đường sắt cắt ngang xẻ dọc cả khu vực.

Biên giới phía Bắc lượn quanh Mông Cổ, như thể mảnh đất khổng lồ này đã có lần bị ngoạm ra từ cái lưng Trung Quốc. Mông Cổ hiện đang có mật độ dân số ở mức thấp nhất thế giới và ngày càng bị đe dọa lấn áp bởi biển người Hán đang tấp nập đô thị hóa ngay sát bên cạnh. Đã có lần chinh phục Mông Cổ để có thêm đất canh nông, Bắc Kinh có xác suất sẽ chinh Mông lần nữa, tuy có thể bằng cách gián tiếp lần này qua việc thu mua tài nguyên thiên nhiên xứ này.
Giáp ranh phía Bắc Mông Cổ và ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc là vùng Viễn Đông của Nga, một vùng đất mênh mông lớn gấp hai lần diện tích của Châu Âu với một dân số đã ít lại ngày càng hiếm hoi, và những trữ lượng khổng lồ của khí đốt, dầu hỏa, gỗ, kim cương và vàng. Cũng tương tự trường hợp Mông Cổ, điều đáng ngại không phải ở chỗ bộ đội Trung Quốc sẽ có ngày tràn qua chiếm đóng, hay sẽ đường hoàng tiếp thu vùng đất này, mà là áp lực dân số và vòng cương tỏa của các đại công ty của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.
Vòng ảnh hưởng Trung Quốc cũng đang nới rộng ra về phía Đông Nam, chính là nơi vì các quốc gia tương đối yếu kém mà sự suất hiện của một Đại Hán đã chỉ gặp phản kháng lấy lệ. Thật vậy, ít có trở ngại nào về mặt địa lý để chia cách Trung Quốc với Việt Nam, Lào, Thái lan, Miến điện, và Trung Quốc ngày càng thắng thế trong quan hệ với các láng giềng phía Nam của họ. Thông qua ASEAN Trung Quốc đã có thể tiếp thị những mặt hàng công nghệ cao giá, trong khi chỉ mua lại những sản phẩm nông nghiệp với giá bèo từ các nước này.
Trung Á, Viễn Đông, và Đông Nam Á là những khu vực tự nhiên nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, tuy biên giới chính trị ít có xác suất thay đổi. Đây là điểm khác so với hoàn cảnh của bán đảo Triều Tiên, vì tuy không ai dự đoán Trung Quốc sẽ sát nhập mảnh đất nào trên bán đảo này, và dù Trung Quốc có bảo hộ cho chế độ kiểu Stalin của Kim Jong-Il, kỳ thật họ có kế hoạch lâu dài dành cho Triều Tiên đi ngoài tuổi thọ của lãnh tụ này. Bắc Kinh chắc sẽ muốn có ngày hồi hương để tái định cư 3,000 dân tỵ nạn kinh tế từ Bắc Hàn hiện đang trú ngụ tại Trung Quốc, để qua đó thiết lập một hậu thuẫn chính trị cho Bắc Kinh từ từ giành quyền kiểm soát kinh tế trên vùng đất Triều Tiên.
Trung Quốc cũng may mắn về mặt giáp biển như mặt đất liền, tuy trên biển họ gặp nhiều chống đối hơn. Hải lực Trung Quốc ít thấy được gì ngoài chướng ngại vật trong cái họ gọi là "chuỗi đảo nguyên thủy", là vịnh bán đảo Triều Tiên, quần đảo Kuril và Ryuku của Nhật, Đài Loan, Phi luật Tân, Nam Dương và Úc châu. Và để đối phó với cảm giác bị vây hãm nhiều lúc Trung Quốc đã có những hành động gây hấn, như tháng 3 năm 2009, một đám tàu chiến Trung Quốc đã hung hãn khiêu khích tàu tuần dương tên Impeccable của Mỹ trong khi tàu này đang công khai hoạt động trong vùng biển Nam. Họ cũng có nhiều chuẩn bị để khuynh đảo Đài Loan không chỉ về mặt quân sự nhưng còn cả về kinh tế và xã hội; kế hoạch này thành bại ra sao sẽ có tầm quan trọng mấu chốt cho tương lai chính trị và quyền lực trong khu vực. Nếu Mỹ buông xuôi số phận của Đài Loan cho Bắc Kinh, chắc chắn Nhật, Nam Hàn, Phi, Úc, cũng như nhiều đồng minh khác của Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ bắt đầu lo ngại về thực tâm trong những cam kết của Mỹ, và vì vậy sẽ có thể lân la tới gần Trung Quốc hơn, tạo ra một Đại Hán lớn không kém một nữa địa cầu. Liệu Mỹ có thể làm gì để bảo đảm an ninh khu vực Á châu, để bảo vệ đồng minh tại đây, và để hạn chế sự hình thành của Đại Hán đó mà vẫn tránh được xung đột với Bắc Kinh?
JPEG - 150.2 kb
Một giải pháp dung hòa giữa hai thái cực của, một, kình chống Đại Hán bằng mọi giá, và hai, làm ngơ để mặc Hải quân Trung Quốc tuần cảnh suốt chuỗi đảo nguyên thủy, là tăng cường sự hiện diện của hải và không lực Mỹ tại Đại Dương Châu (Oceania), để làm bằng cho cái giá Trung Quốc phải trả nếu họ liều lĩnh tiến chiếm Đài Loan bằng vũ lực.
Trước sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, quan hệ Mỹ-Trung sẽ ngày càng khó tránh được xung đột trong những năm tháng tới. Nôm na theo đại ý câu nói của nhà chính trị học John Mearsheimer, việc Mỹ, đàn anh của nửa phía Tây quả cầu, tìm cách cản ngăn để Trung Quốc không xưng hùng xưng bá trên phần lớn nửa phía Đông, sẽ có thể là một dấu chỉ cho bi kịch của thời đại mới.
Dịch từ bài viết đăng trong số Hè nguyệt san Ngoại Giao của Robert D. Kaplan, đồng cố vấn cấp cao tại Trung Tâm An ninh Tân Hoa kỳ và ký giả tờ The Atlantic.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét