2010/04/27

8 X phản hồi bài viết trên BBC của bà Đỗ Ngọc Bích

Blogger 8 X

Ban biên tập web VT: Tiết mục "Làng Dân Báo" sẽ giới thiệu thường xuyên đến quý độc giả những bài viết đa dạng từ các cây viết bloggers. Đây là những trăn trở chân thực và "ngoài luồng" của quần chúng Việt Nam.
Xin giới thiệu đến quý độc giả phản hồi của blogger 8 X về bài viết trên BBC của bà Đỗ Ngọc Bích.
Trang blog NguocDongLichSu: http://nguocdonglichsu.multiply.com/journal/item/124/124
— -
Nhân lướt net, ghé BBC đọc bài viết "Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc" của bà họ Đỗ tên gọi Ngọc Bích, đang có học vị được gọi là "tiến sĩ" về "quan hệ quốc tế", bà cho rằng, thế hệ 8 X chúng tôi:
"không nhận ra được rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng"


1. Chuyện đáng bàn
Bà Đỗ đã "xướng" lên một câu nêu trên, và không thèm dẫn chứng.
Tuy nhiên, bà lại đặt câu hỏi liệu chúng tôi có nghi ngờ về những hiểu biết cũng như tuyên bố của nhà nước Việt Nam trong 50 năm qua về lịch sử nước nhà.
Nghi ngờ về cái gì, thì bà cho rằng thế hệ 8 X có biết "nước Việt chúng ta có hình thù gì hay không? Lịch sử 4000 năm dựng nước số liệu ấy từ đâu ra, và rằng thế hệ 8 X tôi có đọc Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Nam Sử Lược hay không? và đọc khi chưa cắt xén hay không?
Về câu hỏi này, tôi phải hỏi lại bà thì mới phải, và khỏi cần bà trả lời, tôi quả quyết bà đọc lõm bõm về sử nhà, rồi đọc một ít bài phản biện, nghi vấn, sau đó gom nhặt tư liệu ít ỏi rồi thành phẩm là một bài te toét như trên.
Hẳn ai đã từng đọc các cuốn được coi là chính sử như đã nêu tên theo nguyên bản gốc hay bản dịch từ sang chữ Việt hiện nay, thì đều biết chính sử đã ghi chép theo dạng dã sử "nguồn gốc nước Việt ta có thời kỳ gọi là thời Hồng Bàng khoảng 2879 trước công nguyên, niên đại Kinh Dương Vương, quốc hiệu Xích Qủy.
Về sau, đến thời Lạc Long Quân, nước Xích Qủy được chia thành những nước nhỏ, gọi là Bách Việt, đến thời đại vua Hùng thì đặt tên nước là Văn Lang. Theo đó, lãnh thổ của nước Văn Lang đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục (Tứ Xuyên Trung Quốc ngày nay), bắc tới sông Dương Tử, nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành).
Vì chính sử ghi chép theo kiểu dã sử như vậy, cho nên bà Đỗ liền nhanh nhẩu đoảng quăng ngay một nghi vấn về thời kỳ Hồng Bàng có tự bao giờ, có thật nước Việt có 4000 ngàn năm, các sử gia thế kỷ 14 có viết đúng hay không, hay là sự tưởng tượng của các sử gia ấy.
Chính vì suy nghĩ thế, bà Đỗ mới có câu hỏi nghi vấn dùm cho 8 X rằng: có bao giờ đọc lại những gì học, biết từ nhà trường, từ các sách lịch sử chính thống do Nhà nước ta chấp thuận phát hành và công bố hơn 50 năm là chính xác hay không?
Nếu người đọc sử hời hợt, hoặc giả a dua, hoặc giả đầu óc chỉ để làm kiểng nghe bà Đỗ nói thế, ắt cũng gật gù cho sự nghi vấn của bà.
Nhưng, kẻ đọc sử bằng lương tâm và sự công bằng, sẽ phải tìm hiểu thêm các bằng chứng xác thực.
Hiện tại ngành Khảo Cổ Học đã nghiên cứu thời kỳ văn hóa Trống Đồng, nguồn gốc của nó, niên đại của nó, mật ngữ mà trống đồng để lại, đã khẳng định cội nguồn dân Việt có hơn 4000 ngàn năm, và chưa hết theo các khám phá của các nhà nghiên cứu về sinh học, cụ thể gen ADN của của người Việt, cho thấy gốc tích người Việt đã có từ ngàn xưa, và còn di cư sang phương Bắc.
Bên cạnh việc quăng một câu hỏi 8 X về có đọc sử nhà hay không? bà Đỗ cũng công nhiên khẳng định thay cho nước láng giềng rằng:
"Họ không nhận ra được rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng”
Việc bà Đỗ hiểu rằng hay tự cho rằng 1000 ngàn năm Bắc thuộc bị coi là một phần da thịt Trung Quốc, thì quả là não trạng của bà mất đi khả năng phân tích rồi chăng?
Bị đồng hóa, bị ảnh hưởng văn hóa, không có nghĩa rằng đất nước này là một phần của đất nước kia.
Hơn nữa, lịch sử của dân tộc ta cho thấy, trong suốt 1000 năm đô hộ (từ 207 TCN đến 906), dân tộc ta không hề bị khuất phục, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổi lên, và dành quyền tự trị ít nhiều, kể sao cho xiết, những Bố Cái Đại Vương, Mai Hắc Đế, những Bà Trưng Bà Trệu, Ngô Quyền...
Trong 1000 năm bị đô hộ ấy, kẻ đô hộ có quyền đốt sách, giết học trò, giết hiền triết, xóa sạch chữ viết (chữ Khoa đẩu), thì làm sao người Việt chúng ta không bị ảnh hưởng cho được chứ, nhưng chưa bao giờ dân ta bị mất gốc, tất cả văn hóa tập tục của dân Nam, người Hán không thể xóa bỏ được, chính vì không xóa bỏ được, người Hán bằng bơm tư tưởng vào những lớp người bị đô hộ rằng văn hóa ấy, tập tục ấy là của người Hán.
Một điều quá đau lòng, nhưng vẫn phải nói, 1000 năm đã trôi qua, nhưng tàn tích của chính sách, và tư tưởng đô hộ ấy, vẫn còn ảnh hưởng đến người Việt tận bây giờ, trong đó và điển hình của tháng 4/2010, người bị phát hiện là chính bà Đỗ, tiềm thức bị đô hộ của bà vẫn nằm sâu và bây giờ phác tác, và đỉnh điểm là lời phát ngôn trên.
Than ôi, quả thực quả thực sức mạnh của 1000 năm đô hộ.
Tạm ngừng than van, hãy quay lại bài viết bà Đỗ, bà cho rằng:
Việt Nam ta “nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975)".
Tôi thật không rõ, bà đọc được tư liệu ở đâu ra rằng Việt Nam ta những năm 1950 - 1975 nhận ân huệ từ Trung Quốc nhỉ? Tôi thì có học sử hiện đại theo sách giáo khoa của nước nhà, và các tài liệu lịch sử chính thống khác, không thấy một chữ nào, hay một ngụ ý là nước ta nhận ân huệ từ nước khác.
Theo sách giáo khoa, và sử liệu được nhà nước công bố, tôi chỉ biết dân tộc tôi đồng lòng, sức người nhà nhà người người như một dù hy sinh cả dãy Trường Sơn cũng phải thống nhất đất nước.
Vậy, ân huệ mà bà Đỗ nói là ân huệ nào? Sao người dân, và thế hệ 8 X tôi không biết nhỉ? Nếu bà Đỗ cho rằng bà đọc tư liệu này là tư liệu mật, do cố tình hay vô ý đọc được mà có thông tin ấy, thì tôi, tôi cho rằng, bà Đỗ tự tiện công bố bí mật quốc gia khi chưa xin phép các cơ quan hữu trách của nhà nước.
Như vậy, chiếu theo quy định của Bộ Luật Hình Sự, bà Đỗ đã ngấp nghé trong cái phần đối tượng điều chỉnh của cái tội Lộ bí mật quốc gia (nếu có) hoặc "lạm dụng quyền tự do dân chủ" mà nói những điều không đúng sự thật.
Kế tiếp, bà Đỗ lại oang oang khẳng định kiểu như đinh đóng cột:
"Một thực tế là lịch sử Việt Nam suốt hơn 2.000 năm từ thời Triệu Đà đến thời Nguyễn, cho dù thỉnh thoảng có tuyên bố "Sông núi nước Nam, Vua Nam ở", thì Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc"
Tôi thực sốc, và choáng váng trước cái tệ không cần biết, và không cần chịu trách nhiệm phát ngôn của bà tiến sĩ.
Cái thực tế mà bà Đỗ nói là thực tế nào? Ở đâu ra? Một phần của Trung Quốc là phần gì? Phần lãnh thổ, hay thời kỳ bị đô hộ được bà coi là thời kỳ nước ta "vui lòng" chấp nhận phần lãnh thổ và dân Việt là một phần của nước láng giềng?
Nếu bà cho rằng, đất đai hay dân tộc ta từng là một phần của Trung Quốc, thì hẳn bà không bao giờ học qua tiểu học trên mái trường Nhà nước Việt Nam.
Thưở còn cấp 1, tôi được học từ sách giáo khoa, được đọc từ các sử liệu chính thống được công bố bởi các nhà xuất bản có uy tín của Nhà nước, thì trong suốt 2000 năm từ thời Triệu Đà ấy, tính luôn 1000 năm Bắc thuộc như tôi đã nói trên, dân tộc ta không ngừng đấu tranh dành quyền tự chủ dân tộc, vậy phần thực tế đất Việt này là của Trung Hoa là bà lấy ở đâu ra?
Sách giáo khoa, và các sách lịch sử chính thống, kể cả không chính thống từ nhiều nguồn, kể cả sử Trung Hoa (lâu lâu có nói đến dân Nam một cách trung thực) thể hiện từ triều Đinh cho tới triều Nguyễn, dân, quan, vua đã nhiều lần “vườn không nhà trống”, nhà nhà người người cùng tụ họp tại “Hội nghị Diên Hồng” để quyết đuổi vó ngựa phương Bắc.
Nói đến đây, tôi nhớ đến hình ảnh Trần Quốc Toản bóp nát quả cam vì không dự việc nước, và sau đó quyết thêu 6 chữ vàng báo hoàng ân. Tôi tin lòng yêu nước và tinh thần yêu nước của lớp người trẻ vẫn luôn có, và họ sẽ được đánh thức đúng lúc.
Với cách nhìn không tôn trọng lịch sử, không tôn trọng người Việt, phỉ báng tổ tiên, bà Đỗ tiếp tục:
"Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha... từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn, v.v.."
Bà Đỗ đã ngang nhiên thẳng mồm nhổ toẹt vào mặt các vì vua kính yêu của người Việt, trong đó có vua Trần đã nói một câu thống thiết trong một trận chiến với quân Tống
"Một tấc đất của tiền nhân, cũng không để rơi vào tay của quân xâm lược"
Theo chính sử chép, theo huyền sử, theo văn hóa truyền miệng, các đời vua từ Đinh Lý Trần Lê Nguyễn phát tích từ mảnh đất của dân Việt ta, chưa bao giờ có sự cố nào là "tráo phụng đổi long" cả, bên cạnh đó các vì vua của các triều luôn luôn đề cao tinh thần dân tộc, quyết một lòng đuổi kẻ thù cũ đang tâm giày xéo cỏ nước Nam, và đương nhiên triều đại nào cũng có gian thần, cũng có hôn quân nhu nhược bán nước cầu an, và dĩ nhiên đối với nhóm người này, chúng ta không nên nói nhiều, lịch sử luôn công bằng.
Liên quan đến khẳng định vừa rồi, bà Đỗ quả là đã và đang lạm dụng quyền tự do dân chủ mà nói bậy bạ quá thể, Nhà nước ta không nên, và không được nương tay với bà này, cũng như không thể khoan hồng.
Quay lại với bài viết bà Đỗ, bà đã đánh động đến vấn đề nóng bỏng của biển đông hiện nay. Theo đó, bà Đỗ nghi ngờ các tài liệu, chứng cứ lịch sử, các tuyên cáo của nhà nước công bố.
Bà Đỗ ngờ rằng các bản triều mộc của nhà Nguyễn, các công hàm gì của triều Nguyễn về Hoàng Sa, Trường Sa là không có nghĩa lý gì cả, và hàm ý cần phải đặt lại vấn đề về giá trị pháp lý của các chứng cứ này.
Và cuối cùng, sau một hồi nói vô trách nhiệm bà Đỗ quăng luôn câu kết luận.
"Rút cục, có thể nói chủ nghĩa dân tộc mù quáng đôi khi cũng tai hại không kém gì chủ nghĩa bành trướng đế quốc vậy"
Kết luận như vậy nghĩa là sao, hay bà có ý cho rằng, thanh niên thế hệ 8 X không nên yêu nước quá, yêu quá kẻo rồi thành ra "chủ nghĩa bành trướng đế quốc"... so sánh hai khái niêm đó với nhau, vậy mà bà Đỗ so sánh được, bà quá mâu thuẫn trong tư duy quá nhỉ? Hay nỗi bận long về nguồn gốc của bà đã khiến bà có so sánh không ăn nhập gì với nhau thế.
À, hay là bà đang muốn nhắn nhủ điều gì với chúng tôi? quả thực tôi chưa hiểu ẩn ý qua bài viết của bà.
2. Cách nhìn khác về bà Đỗ
Bài viết bà Đỗ, quả thực thách đố lòng tự trọng dân tộc, thách đố sự hiểu biết thế hệ 8 X chúng tôi.
Với mong muốn suy xét sự việc một cách khách quan, tôi tự hỏi "không rõ bà Đỗ viết vì động cơ mục đích gì? Mục đích xấu xa hay mục đích cao cả, có khi nào bà Đỗ làm khổ nhục kế, chịu búa rìu dư luận, nhằm kích thích lòng tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ chăng?" Hay bà Đỗ "sử dụng tiền nước lạ, nhằm viết bài bêu rếu lịch sử nước nhà chăng" và điều quan trọng, sắp đến giỗ Tổ, giỗ vua Hùng, bà quăng một bài viết liên quan đến nguồn gốc dân Việt lên BBC là có ý gì?
Nhưng nếu bà Đỗ là kẻ xấu, thì chuyện quan trọng vô cùng, theo BBC hiện tại bà Đỗ dịch thuật các tài liệu cổ sử và dạy Việt học tại Yale, như thế thì quả nguy hiểm lắm thay.
Với kiểu nhận thức hoặc cố tình nhận thức sai sự thật, vu khống, không trung trung thực, phỉ báng tiền nhân như thế, bà Đỗ hẳn sẽ cho người Mỹ cái nhìn sai sự thật về lịch sử dân tộc Việt, và lãnh hải, lãnh thổ của dân Việt, điều này quá là lo ngại.
p/s Bài viết trong 45 phút, thể hiện sự bức xúc một cách công khai của 8 X đối với bài viết bà họ Đỗ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét