Lý Thái Hùng
Năm nay đánh dấu 35 năm của biến cố 30 tháng 4. Biến cố này được gọi nhiều tên khác nhau tùy theo vị trí của từng người liên hệ, nhưng chắc chắn một điều: đây không phải là ngày vui. Người Cộng sản thì gọi đây là ngày giải phóng. Người Việt Nam thì gọi đây là ngày Quốc hận. Mặc dù đã có rất nhiều tài liệu, sách báo viết về biến cố 30 tháng 4 dưới nhiều góc nhìn khác nhau; nhưng một biến cố đã khiến cho hàng triệu người phải rời bỏ đất nước thân yêu của mình ra đi tìm tự do, không chỉ ngay sau khi cuộc chiến chấm dứt mà còn kéo dài cả hơn 10 năm sau đó, thì không thể nào gọi đó là ngày giải phóng. Tiếp tục sống trong não trạng của cái gọi là “ngày giải phóng” hay “ngày chiến thắng” như đảng Cộng sản Việt Nam đã cố huy động cả nước tổ chức những buổi lễ nhạt nhẽo và vô nghĩa vào tháng 4 hàng năm, chỉ cho người ta thấy là giới lãnh đạo Hà Nội không có khả năng nhìn về tương lai. Tại sao?
Thứ nhất, nhìn những cách ứng xử về ngày 30 tháng 4 của giới lãnh đạo Hà Nội trong 35 năm qua, họ cứ loay hoay biện minh về công lao “đánh Mỹ cứu nước” để tiếp tục nắm giữ sự độc quyền cai trị và sản xuất ra không biết bao nhiêu là tài liệu, bài vở để ca ngợi về cuộc chiến trước năm 1975, hầu tiếp tục đánh lừa những thế hệ Việt Nam mới. Thậm chí trong tháng 4 năm nay họ đã cho in 12 đầu sách để nói về cuộc chiến “thần thánh” của đảng Cộng sản Việt Nam, kể cả việc cho in lại bài nói chuyện và những tin tức gọi là tối mật của chính quyền Miền Nam ở vào giây phút hấp hối. Một chính quyền biết nhìn về tương lai là phải biết động viên dân tộc vào những gì cần phải hãnh diện và những thành tựu mà thế giới đồng tình chia xẻ. Biến cố 30 tháng 4 không phải là biến cố có “triệu người vui và triệu người buồn” như ông Võ Văn Kiệt nói ở cuối đời, mà đúng ra chỉ có một thiểu số vui mừng, trong khi đại khối dân tộc thất vọng và nhục nhã vì thảm kịch này.
Không chỉ có những người dân miền Nam gọi biến cố 30 tháng 4 là ngày quốc hận khi Sài Gòn sụp đổ, mà những năm sau đó ở miền Bắc và kéo dài cho đến ngày hôm nay những người đã từng đi theo đảng Cộng sản “giải phóng” miền Nam như ông Bùi Tín, ông Vũ Cao Quận và nhiều người khác đã lần lượt nhìn ra đó là cuộc chiến phi nghĩa. Nhân danh điều phi nghĩa để áp đặt sự lãnh đạo một cách ngạo mạn và độc tài trên cả nước đã cho chúng ta thấy ngay hệ quả: Đất nước tụt hậu, dân khí suy đồi một cách liên tục trong 35 năm vừa qua. Trong Hội nghị lần thứ 12 của Trung ương đảng khóa X từ ngày 22 đến 28 tháng 3, đảng Cộng sản Việt Nam đã nói rằng họ sẽ “phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại hóa.” Câu hỏi đặt ra là trong 20 năm qua, đảng Cộng sản Việt Nam đã mở cửa, đổi mới nền kinh tế dựa trên; 1/ sức lao động rẻ; 2/ tài nguyên thiên nhiên; 3/ đầu tư ngoại quốc; 4/ buôn bán địa ốc; 5/ cho thuê rừng, thì dựa vào đâu để có thể đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại khoảng 10 năm nữa, trong khi nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam đã bị phá sản, ngành công nghiệp chế biến bị hàng hóa Trung Quốc đè bẹp không có tương lai? Chúng ta có thể khẳng định rằng chủ trương nói trên của đảng Cộng sản Việt Nam cũng chỉ là bánh vẽ trong cái nhìn không tưởng về tương lai mà thôi.
Thứ hai, nhìn lại chặng đường 35 năm, đảng Cộng sản Việt Nam đã đối diện với những nghịch lý do chính họ gây ra qua bốn thời điểm đáng chú ý: 1/ Từ năm 1975 đến năm 1985 là giai đoạn mà họ vô cùng ngạo mạn và hiếu chiến nhất, đẩy đất nước rơi vào tình trạng thiếu đói và bị thế giới cô lập do hậu quả của cuộc chiến xâm lược Kampuchia và gây hấn với Trung Quốc. 2/ Từ năm 1986 đến năm 1990 là giai đoạn mà họ gặp khủng hoảng nặng nề vì bỗng chốc trở thành mồ côi giữa chợ do sự tan rã đột ngột của khối Cộng sản Đông Âu và Liên Xô cũ vào đầu thập niên 90. 3/ Từ năm 1991 đến năm 2000 là giai đoạn mò mẫm đổi mới với sự xung đột gay gắt trên thượng tầng lãnh đạo về mức độ mở cửa và đu giây giữa hai đối thủ Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh; 4/ Từ năm 2001 đến năm 2010 là giai đoạn mở cửa buôn bán một cách rộng lớn với Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây, nhưng lại dẫn đất nước đi vào quỹ đạo chi phối của Bắc Kinh.
Một đảng cầm quyền mà liên tục phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác trong nhiều năm dài nhưng lại tiếp tục nắm giữ quyền lực trong tay thì sẽ dẫn đến hai hậu quả: 1/ Lãnh đạo và cán bộ liên hệ tạo thành những băng nhóm theo cơ chế của đảng và nhà nước như giao thông, công an, kinh tế, ngoại thương, viễn thông... để chi phối các sinh hoạt xã hội theo nhu cầu của họ chứ không phải nhu cầu của người dân hay của quốc gia. 2/ Tài nguyên quốc gia chạy vào túi riêng của một thiểu số có quyền, có chức trong khi đại đa số nhân dân sống trong nghèo khó. Những kẻ có quyền và có tiền trong tay không bao giờ dám thay đổi thật sự vì họ không chỉ sợ mất những quyền lợi đang thụ hưởng mà còn sợ sự thay đổi có thể dẫn đến những nguy hiểm cho chính họ khi xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Đó là lý do tại sao lãnh đạo Hà Nội nói đến đổi mới, cải cách, dân chủ hóa nhưng luôn luôn phải đi theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” vì đó là lằn mức sau cùng mà họ có thể lùi trong an toàn nếu có những áp lực thay đổi. Chúng ta có thể khẳng định rằng thành phần lãnh đạo tại Hà Nội không quan tâm về tương lai của dân tộc mà chỉ quan tâm về việc họ có thể xử dụng câu thần chú “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong bao lâu nữa mà thôi.
Thứ ba, mỗi 30 tháng 4, người ta hay nghe giới lãnh đạo Hà Nội nói nhiều đến hòa giải dân tộc, quên hận thù hướng về tương lai, nhưng rõ ràng đó toàn là giả dối. Họ không dám đặt vấn đề hòa giải dân tộc với những người có quan điểm chống lại sự độc tài của đảng Cộng sản ở trong nước như Hoà Thượng Thích Quang Độ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Kỹ sư Đỗ Nam Hải, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế mà lại chạy ra tận hải ngoại nói chuyện hòa giải với những người vốn mang đầu óc thỏa hiệp như Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Đặng Long Cơ, Nguyễn Hữu Liêm... Họ nói quên hận thù hướng về tương lai mà hàng năm lại dành hàng triệu Mỹ kim tổ chức rùm beng những buổi lễ “mừng giải phóng” thành phố này, thành phố kia trong tháng 4, trong khi lãnh đạo đã không một lời xin lỗi về những thảm kịch đã gây ra cho dân tộc như Kinh tế mới, Tù cải tạo, đánh tư bản mại sản sau năm 1975.
Nền tảng chung mà dân tộc Việt Nam theo đuổi không chỉ mới có trong 35 năm qua mà đã khởi đi từ hơn 150 năm...
Muốn phát triển và vươn lên với thế giới bên ngoài, mỗi đất nước phải có một nền tảng chung để tạo sự đồng thuận trong lòng dân tộc. Không có sự đồng thuận này, những cải cách về kinh tế, những thay đổi về chính trị, thậm chí những thay thế về lãnh đạo cũng chỉ là những thay đổi ngoài da. Nền tảng chung của Việt Nam không thể nào là “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cái này chỉ có thể là định hướng của một đảng, một nhóm người nhưng không thể áp đặt lên toàn thể xã hội. Nền tảng chung mà dân tộc Việt Nam theo đuổi không chỉ mới có trong 35 năm qua mà đã khởi đi từ hơn 150 năm kể từ khi người Pháp bắn phát súng đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng năm 1858. Đó là một Việt Nam Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ và Phú Cường thật sự bằng chính sự chọn lựa của người dân. Không nhìn thấy khát vọng này của dân tộc mà cố tình áp đặt lên người dân những chủ thuyết ngoại lai và dùng bạo lực trấn áp những ai không đồng ý kiến thì chỉ là những kẻ cản đường tiến tới tương lai của dân tộc mà thôi.
Mỗi người có những cảm nhận khác nhau khi đối diện ngày 30 tháng 4. Nhưng có một cảm nhận chung là không một ai hài lòng về hiện tình đất nước ngày nay kể từ 30 tháng 4 năm 1975. Tại sao những người Việt tỵ nạn chỉ mất 20 năm từ hai bàn tay trắng đã dựng nên cơ nghiệp rất thành công ở xứ người, trong khi đất nước Việt Nam vẫn lẹt đẹt đi sau nhân loại với 65% dân số còn ở mức sống nghèo nàn? Hà Nội đã đổ lỗi cho hậu quả tàn phá của những năm tháng chiến tranh, rồi lại đổ lỗi cho sự chống phá của các thế lực thù địch. Hãy nhìn Nhật Bản cũng bị chiến tranh tàn phá và phải xây dựng lại từ một đất nước chiến bại vào tháng 8 năm 1945. Non 30 năm sau, Nhật Bản đã trở thành một quốc gia công nghiệp, tổ chức Hội chợ Quốc Tế lần đầu tiên tại Á Châu vào năm 1970 trong sự thán phục của nhân loại vào lúc đó.
Lãnh đạo Hà Nội đã không những không biết gỡ bỏ những rào cản của quá khứ để nhìn về tương lai, mà chính họ còn là cản trở để tiến tới tương lai của toàn dân tộc.
Lý Thái Hùng
Ngày 29/4/2010
Ngày 29/4/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét