2010/03/26

Hành trình rút khỏi Hoa Lục của Google

Ngô Văn

Hơn hai tháng trước đây, công ty Google tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc để phản đối hệ thống kiểm duyệt của quốc gia cộng sản này, và từ chối hợp tác với chính quyền Bắc Kinh trong việc ngăn chận các thông tin trung thực, nhưng Bắc Kinh cho là có hại cho chế độ của họ; cũng như bắt Google phải cung cấp danh sách khách hàng sử dụng Internet để chuyển tải những tin tức, bài viết có ý tuởng chống lại chế độ. Trong thời gian này cả thế giới đều chú mục theo dõi những động thái của cả hai bên. Có thể tóm tắt như sau: Phía Google cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn cố gắng tiếp tục thương lượng với chính quyền Bắc Kinh; còn phía Bắc Kinh thì tuyên bố rằng, họ rất muốn Google ở lại nhưng với điều kiện là Google phải tuân thủ theo luật lệ và điều kiện của họ đưa ra.
Ngày 14 tháng 3 năm 2010, Thủ tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo họp báo nói với các ký giả rằng, trong vấn đề Google tuyên bố sẽ rút khỏi Trung Quốc, nếu đó là khuyết điểm của ông thì cũng chỉ vì ông ít tiếp xúc với các xí nghiệp nước ngoài. Và ông Ôn Gia Bảo hứa rằng ông sẽ cố gắng gặp gỡ các xí nghiệp nước ngoài nhiều hơn để trình bày cho họ hiểu rõ về chính sách của Trung Quốc.

Khi được nhật báo Sankei của Nhật phỏng vấn về vấn đề này, một quan chức cao cấp của bộ Thông tin Trung Quốc cho rằng, Google thiếu hiểu biết về chính sách của Trung Quốc. Còn lập trường của Trung Quốc là nhất quán, không thể chấp nhận việc ngưng việc kiểm duyệt theo sự yêu cầu của Google.
Trong tuần qua, các báo đài ở Trung Quốc loan tin rằng thượng tầng nội bộ Google chia ra làm hai khuynh hướng. Một khuynh hướng muốn ở lại Trung Quốc làm ăn để kiếm lời, còn khuynh hướng kia muốn rút lui, cho dù có bị lỗ lã, hoặc phải phủi tay vô trách nhiệm đối với gần 700 nhân viên của họ. Không biết là các cơ quan truyền thông vừa kể của Trung Quốc lấy tin đó từ đâu, nhưng họ nhận định là: “hình như phe muốn ở lại đang thắng thế”. Trong khi đó thì ngày 13/03/2010, tờ Financial Times của Anh đăng tin cho hay, Phó Giám đốc của Google là ông Nicole Wong nói rằng, 99,9% là họ sẽ rút lui khỏi thị trường Trung Quốc. Ông Nicole cũng là người đã ra trước Quốc hội Hoa Kỳ trình bày lý do tại sao Google phải rút khỏi thị trường Trung Quốc, và nhấn mạnh là Google không thể nào đồng tình với chế độ kiểm duyệt của Trung Quốc. Ngoài ra, ông Nicole còn là một chứng nhân cho Google và hơn 20 công ty khác của Hoa Kỳ bị tin tặc Trung Quốc tấn công, để yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ áp lực Bắc Kinh phải ngưng ngay những cấm cản gây trở ngại cho việc loan tải thông tin trung thực.
Ngày 22/03/2010, Google Trung Quốc ra thông báo là họ đã dời cứ điểm sang Hồng Kông và bắt đầu đưa lên mạng những thông tin trung thực được dịch sang Hoa ngữ, mà không qua khâu kiểm duyệt của Bắc Kinh. Tuy nhiên Google cũng thú nhận rằng, họ khó duy trì được trang mạng này lâu dài, vì ở Trung Quốc không có tự do ngôn luận. Google Trung Quốc vẫn để lại ở Bắc Kinh, và Thượng Hải khâu nghiên cứu, hầu duy trì quyền pháp nhân ở Trung Quốc, cũng như duy trì công ăn việc làm cho một số nhân viên của họ.
Trước các diễn tiến này, chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh cho báo đài của họ lên tiếng đả kích Google một cách thậm tệ. Trong bài bình luận ngày 20/3/2010, Tân Hoa Xã đã kết án tập đoàn Google là công cụ của chính phủ Mỹ và có liên hệ với cơ quan tình báo CIA. Bài bình luận cũng cho rằng, những dữ liệu về tìm kiếm thông tin trên mạng của Google sẽ được tình báo Mỹ lưu giữ và sử dụng. Tờ China Daily thì cho rằng Google hoàn toàn sai lầm, vì “ở Trung Quốc tất cả mọi quyền tự do căn bản của người dân đều được chính quyền triệt để tôn trọng”. Tờ báo viết tiếp, việc “Google cho rằng chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt báo chí, Internet là một sự dối trá, chính Google mới là kẻ che đậy sự thật chứ không phải chính quyền Bắc Kinh. Làm như thế Google sẽ mất uy tín với người dân Hoa lục.”
Còn đài phát thanh Trung Quốc hướng ra nước ngoài thì tố cáo Google “xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, việc Google rút khỏi thị trường Hoa lục có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một số người sử dụng Internet, nhưng chính Google là người bị thiệt hại nặng nhất”. Các báo, đài khác ở Hoa lục đã xào nấu lại những luận điệu vừa kể rồi cho loan tải liên tục trong suốt tuần qua. Nhiều người cho rằng đây là điệp khúc cuối cùng trong hành trình rút khỏi thị trường Trung Quốc của Google.
Cũng như tại những quốc gia độc tài và bưng bít thông tin khác, tất cả những gì mà nhà nước Bắc Kinh và hệ thống báo, đài của họ ra sức tấn công Google và tuyên truyền về quyền tự do ngôn luận, quyền sử dụng Internet, chỉ có thể đánh lừa được những người đầu óc u mê tăm tối; chứ với bất kỳ ai có chút đầu óc và theo dõi thông tin, thì những tuyên truyền đó chẳng có ý nghĩa gì cả, và chỉ cho thấy sự trơ trẽn của Trung Quốc trước việc Google quyết định rút lui khỏi nước này. Chính vì vậy mà có thể nói rằng, ngu dân là một trong những chủ trương của các chế độ độc tài. Từ đó người ta cũng thấy sự trơ trẽn của cộng sản Việt Nam khi chế độ này cho rằng, vì dân trí của Việt Nam còn thấp nên phải hạn chế tự do dân chủ, mà họ quên rằng, cái gọi là “dân trí thấp” đó [nếu có] thì do đâu mà ra, trong khi chính chế độ nắm độc quyền giáo dục từ mấy chục năm qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét