2010/03/28

Khốn nạn thay nền văn hóa "Nhiệt liệt"!

Trong tiếng Việt, "Nhiệt liệt" là một trợ động từ kiêm tính từ, dùng để thể hiện lòng hăng hái, nhiệt tình, biểu lộ thái độ hoan nghênh hết mình. Không rõ tự khi nào, người dân, các cơ sở làm ăn tư nhân, hay cơ quan công quyền bắt đầu sử dụng phổ thông "nhiệt liệt", nhưng có lẽ người cộng sản Việt Nam (xin gọi tắt là Việt Cộng) chính là kẻ đã lạm dụng ngôn từ này nhất.
Ở miền Bắc sau năm 1954, và ở miền Nam kể từ sau năm 1975, người dân phải làm quen với các khẩu hiệu, băng rôn với những hàng chữ màu vàng hoặc màu trắng trên nền vải đỏ, được treo, dán đầy rẫy khắp mọi nơi. Nội dung thì lúc nào cũng bắt đầu với chữ "Nhiệt liệt", chẳng hạn như "Nhiệt liệt chào mừng đại hội Đảng,...", "Nhiệt liệt ủng hộ nhân dân Campuchia,..." hay "Nhiệt liệt hưởng ứng phong trào thi đua,...".

“Nhiệt liệt chào mừng ... bão lụt!”
Cho đến ngày hôm nay, sau mấy mươi năm thì "Nhiệt liệt" đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một căn bệnh phổ thông, không thể không có ở hầu hết tất cả các cơ quan, công sở, trường học. Đi đâu người ta cũng thấy "Nhiệt liệt chào mừng", "Nhiệt liệt hưởng ứng". Trên văn đàn, báo chí, tin tức còn có "Nhiệt liệt biểu dương", "Nhiệt liệt hoan nghênh",... đủ thứ loại "nhiệt liệt", nhiều đến nỗi trở thành "nhiệt liệt" vô tội vạ, chẳng hạn như câu chuyện "Nhiệt liệt chào mừng ... bão lụt!" mà tác giả Trương Duy Nhất có nêu trên trang Blog của mình.
JPEG - 73.4 kb
Muôn màu muôn vẻ các hình thức "Nhiệt liệt".
Đó là câu chuyện về bản tin do đài VTV trong nước tường thuật gần đây khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi kiểm tra tình hình phòng chống bão lụt tại ... Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Hôm đó khi ông Hải đến cơ quan này thì người ta đã treo sẵn một cái băng rôn to đùng "Nhiệt liệt chào mừng Phó Thủ tướng,...". Khi đó đoạn phim trên Tivi chiếu cảnh ông Phó thủ tướng đang ngồi chễm chệ trước băng rôn khẩu hiệu "Nhiệt liệt", trong khi giáo huấn, ra chỉ thị về phòng chống bão!
Trách ông Phó thủ tướng cũng oan, bởi vì mấy ông cán bộ thuộc cấp đã quen xu nịnh cấp trên rồi, nay có một ông cán bộ gộc như vậy đến thăm mà không "Nhiệt liệt" thì đâu có được. Nhưng đáng trách hơn cả là người ta đã "nhiệt liệt" với nhau ngay trong lúc người dân gặp hoạn nạn bão lụt, chẳng ra thể thống gì cả.
Cho nên mới nói, nguyên văn của băng rôn "Nhiệt liệt chào mừng Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thăm, đôn đốc kiểm tra công tác phòng chống bão lụt" cần được nói ngắn gọn lại là "Nhiệt liệt chào mừng ... bão lụt" cho hợp với ý tưởng "nhiệt liệt" của các quan chức tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Rồi đến "Nhiệt liệt chào mừng đoàn lưu học sinh Trung Quốc sang học tiếng Việt"
Có lẽ khi nền văn hóa "Nhiệt liệt" đã phát triển cao độ, "nhiệt liệt" với nhau chán chê rồi thì người ta quay ra “nhiệt liệt” một cách vô duyên bợ đỡ khi có một nhúm nhỏ du học sinh Trung Quốc sang Việt Nam học tiếng Việt.
JPEG - 42.5 kb
Hình 1: Tấm băng rôn to đùng "Nhiệt liệt chào mừng đoàn lưu học sinh Trung Quốc sang học tiếng Việt tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội".Hình 2: Ký Túc Xá dành riêng cho con cháu “Thiên tử” hơn hẳn KTX dành cho sinh viên VN
Theo tác giả Người Nước Việt kể lại thì khoảng đầu tháng 3 này có một đoàn 40 lưu học sinh đến từ Học viện Nghề nghiệp Quảng Tây – Trung Quốc tham dự khóa học tiếng Việt tại Đại Học Văn Hóa Hà Nội
Câu chuyện tưởng chừng như quá đơn giản, không có gì ... ầm ỹ, thế nhưng ban giám hiệu Đại Học Văn Hóa Hà Nội lại xem trọng nhóm lưu học sinh Trung Quốc này đến đỗi họ đã cho treo một băng rôn ngay sau cổng trường, hễ bất cứ ai đi vào khuôn viên của trường đều đi qua bên dưới và thấy rõ băng rôn với hàng chữ "Nhiệt liệt chào mừng đoàn lưu học sinh Trung Quốc sang học tiếng Việt tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội".
Ối dào, quý hóa quá, năm thuở mười thì mới có con cháu Thiên tử sang chơi, ghé lại thăm trường, lại còn bỏ công học tiếng Việt nữa chứ. Thảo nào ban giám hiệu Đại Học Văn Hóa Hà Nội vui mừng, xum xoe lấy điểm đến độ hân hoan, "Nhiệt liệt" chào đón đến như thế.
Cũng theo lời kể của tác giả Người Nước Việt thì mặc dầu đoàn lưu học sinh Trung Quốc có mặt tại trường đã hơn 2 tuần mà chưa thấy trang web của nhà trường thông báo gì cả. Cũng vào thời điểm đó, xảy ra vụ việc "Tàu lạ" húc chìm một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam hôm 15/03, nhưng may mắn 7 ngư dân thoát chết.
Có phải vì tính "nhạy cảm" của vụ việc này nên nhà trường sợ sẽ xảy ra những chuyện không hay cho nhóm du học sinh Trung Quốc, nên mãi đến gần đây mới đưa tin lên trang web của nhà trường. Những hình ảnh tường thuật buổi lễ khai giảng khóa học cho thấy ngày tháng ghi trên băng rôn biểu ngữ là 13/03/2010, nhưng mãi đến 10 ngày sau, tức là hôm 23/03/2010, bản tin về buổi lễ khai giảng khóa học này mới được đưa lên trang web nhà trường.
Và, Hai Bà Trưng "nhiệt liệt" cầu an Mã Viện tại Đông Hưng, Trung Quốc
Gần đây nhất, qua bài "Hai Bà Trưng tế Mã Viện ở Đông Hưng", tác giả Chân Mây đã cho biết trong khi tại Việt Nam người ta nhộn nhịp tổ chức Lễ hội kỷ niệm 1970 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng hôm 21/03 thì tại "nước lạ" kế bên, tại Đông Hưng, Trung Quốc (thành phố giáp ranh với Móng Cái, Việt Nam) cũng tổ chức “Miếu Hội Phục Ba Tướng Quân” (tức là tên tướng Mã Viện của đoàn quân Đông Hán xâm lược).
Nói đến Hai Bà Trưng thì hễ là người Việt Nam, ai ai cũng đều biết hai Bà là anh hùng dân tộc, đã can đảm đứng lên đánh đuổi quân xâm lược Hán vào năm 40 sau Công Nguyên khiến viên Thái thú Tô Định tàn ác phải bỏ chạy về nước. Năm 42, nhà Hán sai Mã Viện sang đánh dẹp. Hai Bà yếu thế chống không lại, đến bước đường cùng đã gieo mình xuống sông Hát Giang tự vẫn. Sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà, Mã Viện ra lệnh gom hết trống Đồng rồi nấu chảy, đúc thành một cột đồng to lớn, chôn xuống đất cùng với lời nguyền thâm độc "đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (cột đồng đổ, Giao Chỉ bị diệt).
Sử sách đã rành mạch như thế từ biết bao đời nay, thế nhưng nhà nước Việt Cộng lại gởi sang một đoàn văn công hát tuồng, để ghi lại "chiến công hiển hách của Phục Ba tướng quân". Theo tác giả Chân Mây cho biết thì thì đây không phải là lần đầu tiên, mà nhà nước VC đã "âm thầm" gởi Đoàn Nghệ Thuật Việt Nam sang tham dự "lễ hội" này từ năm 2008.
Không biết các ông các bà trong Bộ Chính Trị, Trung Ương ĐCSVN sẽ hãnh diện hay chột dạ tự ái khi báo chí Trung Quốc "ca ngợi" sự tham dự của Đoàn Nghệ Thuật Việt Nam là một "hiện tượng văn hóa" hiếm có xưa nay.
Mà đúng là một "hiện tượng văn hóa" hiếm có thật vì ai đời một dân tộc từng đánh đuổi ngoại xâm thì nay lại xúm xít quý lạy, "nhiệt liệt" tung hô một tên tướng của đội quân xâm lăng mà đã từng ra tay chém giết hàng vạn đồng bào, binh sĩ Việt không thương tiếc.
Tệ hại hơn nữa là người ta đã nhân danh nghệ thuật, diễn tuồng bắt anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng phải quỳ lạy, rót rượu tạ tội với hồn ma Mã Viện.
JPEG - 107.4 kb
Nhật báo Đông Hưng ngày 17/02/2008 đưa tin “Kỷ Niệm Dân Tộc Anh Hùng, Quảng Dương Phục Ba Văn Hóa”, và giới thiệu Đoàn Nghệ Thuật VN (ghi chú trong khung đỏ).
JPEG - 59.1 kb
Văn tế Mã Viện được phiên âm ra tiếng Việt cho dễ đọc.
JPEG - 84.1 kb
Thi Sách ngồi đờn cò cho Hai Bà đọc văn tế khóc Mã Viện!
JPEG - 67.3 kb
Tình Hữu nghị Việt-Trung: Đoàn Văn Công kính viếng Mã Tướng Quân!
JPEG - 92.3 kb
Thi Sách và Trưng Trắc chụp hình lưu niệm với văn công Trung Quốc và dân địa phương.
Những hình ảnh ghi lại cho thấy các ông bà trong Đoàn Văn Công cũng thắp nhang quỳ lạy khấn vái truớc bức tượng của hồn ma Mã Viện, cười vui hỉ hả trong lúc trao đổi câu chuyện với các quan chức và dân địa phương. Các ông bà nghệ sĩ nhân dân này, kẻ đóng vai Thi Sách múa may quay vòng rồi đến tạ tội với Mã Viện, phụ nữ thì nhập vai Hai Bà Trưng quy hàng, rót rượu, dâng kiếm lên Mã Viện.
Ôi đau đớn thay, kinh khủng quá. Lịch sử Việt Nam sẽ ghi nhận có một triều đại Hậu Hồ đã vâng lời quan thầy Trung Quốc, can tâm viết lại lịch sử, xóa bỏ tất cả những chiến công hiển hách của ông cha ta chống quân Tàu xâm lược.
Úc Châu ngày 26/03/2010
Lê Minh
Nguồn tham khảo:
3/. Website Thế giới Người Việt: "Hai Bà Trưng tế Mã Viện ở Đông Hưng" (Chân Mây)
(Đặc biệt chân thành cám ơn tác giả Chân Mây đã bỏ công sưu tầm thông tin, hình ảnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét