Trung Điền
Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa X đang nhóm họp tại Hà Nội từ ngày 22 kéo dài đến 28 tháng 3. Tại hội nghị lần thứ 12 này, Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thảo luận lần chót các dự thảo văn kiện trước khi tung ra ngoài để gọi là nhận “các góp ý của nhân dân”, như bản bổ sung Cương Lĩnh năm 1991, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020), Báo cáo chính trị, Tu sửa Điều lệ đảng. Tuy nhiên, trọng tâm chính của hội nghị lần này - giống như những lần Hội nghị Trung ương rơi vào thời điểm 8 tháng trước khi đại hội đảng diễn ra - có hai nhiệm vụ quan trọng. Đó là chung quyết những nguyên tắc tuyển chọn nhân sự cho Trung ương khóa XI và quyết định về số lượng, tư cách và phân bố số lượng đại biểu tham dự đại hội đảng lần thứ XI vào tháng 1 năm 2011.
Vì thảo luận hai vấn đề liên quan đến nhân sự - chọn 1,200 đại biểu tham dự đại hội và chọn khoảng 200 ứng viên đề cử vào Trung ương đảng – có liên hệ trực tiếp đến quyền lợi của mỗi phe nhóm (phe Nông Đức Mạnh, phe Nguyễn Minh Triết, phe Nguyễn Tấn Dũng, phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh, phe Quân đội, phe Công an, phe thân Tàu, phe thân Tây Phương... ) nên chắc chắn sẽ xảy ra những xung đột gay gắt về nguyên tắc và cách tuyển chọn để dành ưu thế cho mỗi phe.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 vào tháng 6 năm 2009, tiểu ban nhân sự gồm có 12 người được thành lập do Nông Đức Mạnh lãnh đạo. Tiểu ban này có bốn nhiệm vụ: 1/ Đưa ra một số nguyên tắc liên quan đến độ tuổi, thành phần và tư cách đạo đức để chọn lựa ứng viên Trung ương đảng; 2/ Hướng dẫn việc thành lập danh sách đề cử đại biểu và ứng viên Trung ương đảng tại các đảng bộ; 3/ Đệ nạp danh sách đề cử ứng viên Trung ương đảng cho Bộ chính trị quyết định theo hình thức bỏ phiếu kín; 4/ Hướng dẫn cuộc bỏ phiếu bầu ủy viên Trung ương trong đại hội đảng dựa theo danh sách chung quyết của Bộ chính trị.
Theo diễn tiến của những đại hội đảng IX và X trước đây, thì hai nhiệm vụ đầu của tiểu ban nhân sự sẽ được thảo luận và thông qua trong Hội nghị Trung ương đảng lần này. Riêng về nhiệm vụ số 3 - bộ chính trị biểu quyết danh sách đề cử ứng viên trung ương đảng cho khóa XI - sẽ diễn ra vào khoảng tháng 12 năm 2010. Tại thời điểm này, Trung ương đảng Khóa X mới quyết định ngày chính thức khai mạc đại hội XI, dự trù trong tháng 1 năm 2011. Câu hỏi đặt ra là tại sao phải chờ sau khi Bộ chính trị bỏ phiếu bầu chọn danh sách ứng viên trung ương đảng khóa XI thì Trung ương đảng mới quyết định ngày họp chính thức? Có hai lý do:
Thứ nhất là danh sách đề cử ứng viên trung ương đảng mà tiểu ban nhân sự thiết lập để cho Bộ chính trị bỏ phiếu chọn lựa sẽ là danh sách rất dài, với nhiều phe nhóm ảnh hưởng vào nên sẽ tạo ra những vụ ngã giá. Đây là thời điểm mà những vụ án tham nhũng hay những hiện tượng tiêu cực được các phe khai thác tung ra để tìm cách triệt hạ những ứng viên của phe kia. Ngay vào lúc Bộ chính trị khóa IX biểu quyết danh sách ứng viên trung ương đảng cho khóa X vào đầu tháng 4 năm 2006 thì vụ tham nhũng PMU 18 trong Bộ giao thông, vụ tiêu cực trong Bộ giáo dục, Bộ y tế, Bộ ngoại giao được tung ra khiến cho các “ngôi sao” của 4 Bộ nói trên bị loại ra khỏi danh sách ứng viên. Nói cách khác là khi đại hội X (2006) diễn ra, đã không có một nhân sự nào của Bộ giao thông, Bộ y tế, Bộ giáo dục, Bộ ngoại giao được bầu vào Trung ương Đảng.
Thứ hai là ngoài danh sách quyết định ứng viên Trung ương đảng, Bộ chính trị còn cho bầu chọn thử thành phần ủy viên được tín nhiệm vào Bộ chính trị khóa tới. Đây là lúc mà các phe sẽ tranh nhau kịch liệt để tìm cách đưa nhân sự của mình vào Bộ chính trị hầu giành lấy vị trí chủ đạo của phe mình trong đảng.
Nếu các phe không giải quyết ổn thỏa danh sách tuyển chọn, thì khó có thể quyết định ngày tổ chức đại hội đảng vì cốt lõi của đại hội đảng không phải là đường lối chính sách mà chính là thành phần nhân sự của phe nào được đề cử nhiều vào vị trí Trung ương đảng. Do đó mà hiện nay, Hà Nội chỉ công bố thời điểm tổ chức một cách tổng quát, trong thực tế chưa ấn định ngày rõ ràng. Điều này giúp ta thấy rõ hơn sự phức tạp và tranh chấp nội bộ trong việc tuyển chọn nhân sự vào trung ương đảng của Cộng sản Việt Nam.
Kinh nghiệm của việc tuyển chọn nhân sự trung ương đảng khóa X vào năm 2006 cho thấy, tiểu ban nhân sự đã đề cử một danh sách là 285 ứng viên, trong đó có 200 là ứng viên chính thức và 85 là dự khuyết. Nhưng khi Bộ chính trị bỏ phiếu kín chọn ra danh sách đề cử cho đại hội X, thì chỉ chọn 256 ứng viên gồm 175 ủy viên chính thức và 81 ủy viên dự khuyết. Khi ra đại hội X cho 1,176 đại biểu bỏ phiếu sau cùng thì chỉ còn 185 ủy viên, trong đó có 160 chính thức và 25 dự khuyết.
Mặc dù tiến trình chọn lựa nhân sự rất là phức tạp và khó khăn nói trên, nhưng những khuôn mặt lãnh đạo được coi là có “tầm vóc” và “bề dày” hiện nay không có ai. Tất cả đều là cá mè một lứa. Thậm chí những thành phần bị chính đảng viên và dư luận kết án là tham ô, ngu dốt và vô tư cách như Lê Thanh Hải, Phạm Quang Nghị, Trương Tấn Sang, Tô Huy Rứa, Nguyễn Chí Vịnh… lại có nhiều dấu hiệu thăng tiến trong kỳ đại hội XI vào tháng 1 năm 2011.
Trong 15 uỷ viên Bộ chính trị hiện nay những nhân sự sau đây sẽ phải về hưu vì hạn tuổi đã quá 65 gồm có 1/ Nông Đức Mạnh (sinh năm 1940), 2/ Nguyễn Minh Triết (sinh năm 1942), 3/ Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944), 4/ Phạm Gia Khiêm (sinh năm 1944), 5/ Trương Vĩnh Trọng (1942), 6/ Nguyễn Văn Chi (sinh năm 1945), 7/ Nguyễn Sinh Hùng (sinh năm 1944). Những nhân sự sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa là 1/ Lê Hồng Anh (sinh năm 1949), 2/ Nguyễn Tấn Dũng (sinh năm 1949), 3/ Trương Tấn Sang (sinh năm 1949); 4/ Phùng Quang Thanh (sinh năm 1949); 5/ Lê Thanh Hải (sinh năm 1950); 6/ Hồ Đức Việt (sinh năm 1947); 7/ Phạm Quang Nghị (1949); 8/ Tô Huy Rứa (sinh năm 1947).
- 8 ủy viên Bộ Chính Trị ở lại thêm một nhiệm kỳ: Lê Hồng Anh, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Phùng Quang Thanh, Lê Thanh Hải, Hồ Đức Việt, Phạm Quang Nghị, Tô Huy Rứa
Theo thông lệ của đảng Cộng sản thì 8 nhân sự còn ở lại từ Bộ chính trị khóa X sẽ chia nhau 4 cái ghế theo thứ tự quan trọng ở trong đảng là: 1/ Tổng bí thư; 2/ Thủ tướng; 3/ Chủ tịch nước; 4/ Chủ tịch quốc hội. Và cũng theo thông lệ phân chia quyền lực giữa cán bộ phe miền Bắc, phe miền Nam thì dù Trương Tấn Sang (Thường trực Ban Bí Thư - gốc miền Nam) đang cố nhờ Nông Đức Mạnh giúp đỡ nhưng khó giành được ghế Tổng bí thư kỳ này mà có thể sẽ nhận ghế Chủ tịch nước thay Nguyễn Minh Triết. Người có nhiều xác suất thay thế Nông Đức Mạnh là Hồ Đức Việt (Trưởng ban tổ chức, cháu nội Hồ Tùng Mậu – gốc miền Bắc). Phạm Quang Nghị (Bí thư Hà Nội) sẽ cố giành ghế Chủ tịch Quốc hội và Nguyễn Tấn Dũng sẽ cố trụ ghế Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Điền khuyết vào chỗ 7 Ủy viên Bộ chính trị về hưu trong khóa XI, hiện có 8 “ngôi sao” đang được đánh bóng là 1/ Phạm Bình Minh (sinh năm 1959 – con trai Nguyễn Cơ Thạch và hiện là Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao); 2/ Huỳnh Thị Nhân (sinh năm 1952 – Phó bí thư thường trực Thành phố Sài Gòn); 3/ Phạm Khôi Nguyên (sinh năm 1952 - Bộ trưởng tài nguyên và môi trường); 4/ Hoàng Trung Hải (sinh năm 1959 – con rể cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An – Phó thủ tướng); 5/ Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953 -Bộ trưởng Công thương); 6/ Nguyễn Thiện Nhân (sinh năm 1953 – Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng giáo dục); 7/ Vũ Văn Ninh (sinh năm 1955 - Bộ trưởng tài chánh); 8/ Lê Doãn Hợp (sinh năm 1951 - Bộ trưởng thông tin & Truyền thông).
- 8 nhân vật tranh vào Bộ Chính Trị: Phạm Bình Minh, Huỳnh Thị Nhân, Phạm Khôi Nguyên, Hoàng Trung Hải, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh, Lê Doãn Hợp
Ngoài ra, những khuôn mặt sau đây sẽ được đề bạt vào làm ủy viên Trung ương đảng khóa XI gồm có Trần Tuấn Anh (con trai của Trần Đức Lương - cựu Tổng lãnh sự San Francisco và hiện là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ), Nguyễn Cẩm Tú (con trai cựu ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm – đang là thứ trưởng Bộ công thương), Nguyễn Chí Vịnh (con trai tướng Nguyễn Chí Thanh - đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)..
Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra 7 điều kiện để không giới thiệu ứng viên vào Trung ương đảng khóa XI như sau: 1/ Bản lĩnh chính trị không vững vàng, chao đảo; 2/ Độc đoán, chuyên quyền, trù dập; 3/ Cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chọt, phe cánh; 4/ Giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, sống không có đạo đức; 5/ Không chịu học hỏi, bảo thủ, nói nhiều làm ít, làm việc kém hiệu quả; 6/ Không tôn trọng kỷ cương của đảng; 7/ Lý lịch chính trị không rõ ràng nhưng chưa có cơ quan nào xác minh. Nếu mà đảng Cộng sản Việt Nam triệt để áp dụng 7 nguyên tắc này thì số người vào Trung ương đảng sẽ không có ai. Vào năm 1991, Đỗ Mười đã từng than rằng “tham nhũng đang là quốc nạn”; năm 2001, Lê Khả Phiêu đã than “đảng viên xuống cấp, chi bộ không họp hành”; năm 2006, Nông Đức Mạnh than thở “hiện tượng kiểm tra, kỷ luật đảng quá lơ là”. Những hiện tượng này cho thấy là Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đang thảo luận vấn đề nhân sự lãnh đạo trên một cái nền ruỗng nát. Đó là sự biến chất của đảng Cộng sản mà họ gọi là “tự diễn biến nội bộ”.
Trung Điền
Ngày 25/3/2010.
Ngày 25/3/2010.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét