Trong các dịp xuất hiện trước công chúng, hầu hết lãnh tụ của những chế độ độc tài hiện nay đều bám rất chặt vào các kịch bản chi tiết đã soạn từ trước, đặc biệt là các bài diễn văn. Ngày nay, với phương tiện Internet chớp nhoáng và những ám ảnh suốt từ sau các biến cố đổi đời tại Đông Âu và Liên Sô, những bài học "sẩy một ly đi một dặm" lại càng đẩy các nhà độc tài còn lại trên trái đất vào những kỷ luật khắt khe, theo đúng từng lời nói, từng cử chỉ, từng diễn tiến của mọi buổi lễ lạc trong kịch bản. Gần đây nhất, ngay cả giới ký giả quốc tế đầy kinh nghiệm tháp tùng phái đoàn Tổng thống Mỹ Obama thăm Trung Quốc còn phải ngạc nhiên trước sự gia tăng mức độ tự kiểm soát của toàn ban lãnh đạo Hồ Cẩm Đào so với những năm trước. Và Bắc Kinh cũng từ chối luôn các cơ hội cho ông Obama tự do tiếp cận với dân Tàu. Thật vậy, đã hết rồi cái thời thoải mái của các lãnh tụ "xuất khẩu thành trường ca" 3, 4 giờ liền giữa các sân vận động nắng chói chang, mà nổi tiếng nhất là bác Fidel Castro. (Dĩ nhiên bác Fidel đứng nói trên khán đài trong bóng mát).
Chính vì thế, mà những dịp phát biểu không cầm giấy là những cửa sổ cơ hội hiếm hoi ngày nay để người ta đọc được ít nhiều suy nghĩ trong đầu các lãnh tụ chuyên chế. Khá may mắn cho người Việt Nam, chỉ trong vòng không đầy 2 tháng, người ta đã được nghe 2 lần phát biểu “ứng khẩu” của ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch Nhà Nước CHXHCNVN. Lần thứ nhất tại Cuba vào đầu tháng 10/2009 (có lưu giữ tại http://www.youtube.com/watch?v=fJtl4lApWIU). Và lần thứ nhì tại đại hội có tên "Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất" vào cuối tháng 11/2009 (có lưu giữ tại http://www.youtube.com/watch?v=IbHnOIA4qR0&feature=channel (phần 1) và http://www.youtube.com/user/missthuymiss#p/u (phần 2).
Hai bài phát biểu kể trên đã tạo nhiều phản ứng trong công luận người Việt, đặc biệt trên các diễn đàn mạng Internet. Nhiều đoạn viết, bài viết lên tiếng bất mãn về cách trình bày "quá dưới trung bình" của một người đang giữ vai trò Chủ Tịch của một nước. Cũng có người phản đối cách dùng chữ "cu ba" mà họ cho là ông cố tình dùng để đùa giỡn, và xem đó là quá tục tĩu trong một buổi tiệc ngoại giao. Tuy nhiên, trong bài này người viết xin đề nghị chúng ta tạm để qua bên những phê phán đó và chỉ tập trung vào cốt lõi những suy nghĩ của ông Triết. Và hy vọng qua đó chúng ta thấy được ít nhiều những tư duy cơ bản của thành phần lãnh đạo Việt Nam hiện nay.
1. Tầm nhìn ra thế giới bên ngoài
Có thể nói điều đầu tiên làm nhiều người thấy lạ khi nghe ông Triết bộc bạch là sự kiện ông nhắc lại lịch sử cận đại. Đã lâu lắm rồi các lãnh đạo CSVN tránh nói đến những từ ngữ nhạy cảm của thời “chống Mỹ cứu nước”. Ông Triết thì không.
Nếu nghĩ tốt cho ông Triết — nghĩa là cứ xem cách diễn tả chất phát của ông là biểu hiện của sự chân thật — thì người nghe sẽ dễ thấy ông không chỉ nhắc lại lịch sử mà còn có vẻ như vẫn đang thành thật sống ở thời điểm của hơn 30 năm trước. Ông vẫn thấy Cuba và Việt Nam đang “thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới”. Nghĩa là vẫn không khác gì cái thời cả Havana và Hà Nội cùng xung phong làm công cụ đắc lực cho Liên Sô tấn công Tây Phương. Đây là thời Chiến Tranh Lạnh mà 2 siêu cường Mỹ, Liên Sô đánh nhau bằng các "đại diện". Ông Triết có vẻ vẫn hãnh diện về những ngày tự nguyện cầm ngọn cờ đầu của thế giới cộng sản thực hiện tham vọng nhuộm đỏ toàn vùng Đông Nam Á bằng sức lực và sinh mạng của người Việt Nam... Hình như ông Triết quên hẳn rằng chính Liên Sô cũng không còn trên trái đất này nữa.
Ông Triết còn khoe rằng có bà thủ tướng New Zealand nói nội các của bà là thế hệ lớn lên cùng lúc với chiến tranh Việt Nam; ông thủ tướng Na Uy bộc bạch đã từng đi quyên góp ủng hộ cho Việt Nam trong thời gian chiến tranh; ông tổng thống Áo khoe đã từng sửa lưng Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara (cũng trong thời gian chiến tranh Việt Nam), v.v… Dù các nhân vật ông Triết kể tên có nói như vậy hay không, hoặc ông có hiểu lầm ý của họ hay không, có lẽ không quan trọng. Điều quan trọng ở đây là trạng thái đầu óc của ông Triết rõ ràng dừng lại trong quá khứ, không đến được hiện tại.
Vì ở hiện tại, cái hào quang của hơn 30 năm trước hầu như đã tắt lịm kể từ sau khi bức tường Bá Linh xụp đổ vào cuối thập niên 80 để cả nhân loại chứng kiến tận mắt số phận của mấy trăm triệu nạn nhân sống dưới các chế độ cộng sản tại Đông Âu và Liên Sô suốt từ sau Thế Chiến II. Và liên tiếp từ đó đến nay nhân loại có khá đủ tin tức về cách cai trị phản nhân bản của 4 nước độc tài cộng sản còn sót lại trên trái đất — Tàu, Việt, Bắc Hàn, CuBa. Có thể nói, nhắc đến Việt Nam ngày nay, ngoài giới buôn bán ra, hầu hết nhân loại chỉ nghĩ ngay đến những con số nạn nhân mà cuốn Sách Đen Cộng Sản ghi lại về trường hợp Việt Nam; chỉ biết lắc đầu về những chỉ số tham nhũng mỗi năm mỗi cao hơn mà các tổ chức nghiên cứu kinh tế quốc tế thu thập; chỉ biết kinh ngạc về nền luật pháp Việt Nam với bức hình bịt miệng Cha Lý tại tòa; chỉ thấy ngán ngẩm khi đọc tin nhà cầm quyền Việt Nam lại thu hẹp thêm quyền sử dụng Internet, cho công an đánh phật tử đang tu học, đánh giáo dân đang xây nhà nguyện, đánh tín hữu đang học kinh thánh tại gia, v.v… Những tin tức đó đã dần dần biến thành những văn bản chính thức, như Danh Sách các Nước Cần Đặc Biệt Quan Ngại, vô số các thư phản đối của đủ loại dân cử, chính phủ, và tổ chức nhân quyền quốc tế. Và gần đây nhất là các cảnh báo của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc khi đánh giá tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vào tháng 5/2009, cũng như Nghị Quyết của Quốc Hội Âu Châu về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam tháng 11/2009.
Vì thế, có người giải thích sự thành thật sống trong quá khứ của ông Nguyễn Minh Triết là phản ứng tâm lý chạy trốn hiện tại. Hiển nhiên ở vị trí Chủ Tịch Nước, khó mà ông Triết không biết cái thực tế ê chề đang diễn ra. Ông chọn cách bịt tai, chạy về miền quá khứ, vừa để động viên chính mình trong ánh hào quang cũ vừa để có chút thanh thản trong lòng vì khỏi phải đối diện với các bắt bẻ của hiện tại. Quả thật, các sự kiện ở hiện tại khó tranh luận quá vì có nói sao đi nữa vẫn không tránh né được điểm kết luận sau cùng. Đó là thiểu số lãnh đạo hiện nay không còn lý do gì để độc quyền cai trị dân tộc Việt Nam nữa. Vô số dữ kiện cho thấy cái nhóm rất nhỏ này đang bất chấp tình trạng suy hoại đất nước về mọi mặt — từ y tế, giáo dục, đến kinh tế và lãnh thổ — chỉ để duy trì lợi quyền riêng rất lớn cho họ.
Tuy nhiên cách chạy trốn hiện tại chỉ có tác dụng giải khuây ngắn hạn. Sau những lúc tìm quên đó, các lãnh tụ Việt Nam vẫn phải đối diện với thực tại. Và có lẽ chính vì biết thế giới đang nhìn mình chỉ là những anh du đảng mặc vét-tông, biết họ có quá nhiều hồ sơ xấu về mình, nên ông Triết khá ngỡ ngàng khi thấy thế giới cho ông những giây phút đứng ngang hàng. Ông kể:
"Mới tháng 9 vừa rồi tôi đi dự hội nghị các nhà lãnh đạo của 15 nước hội đồng bảo an LHQ. Mình đến cuộc họp này với một cái tư thế là mạnh mẽ, mà mình là người có tiếng nói mạnh mẽ, chưa bao giờ mình lại cất cao tiếng nói như thế. Và ngay Đại hội đồng LHQ vừa rồi, kỳ họp 64. Cũng ở diễn đàn đó mình lại lên tiếng, mình phê phán cái việc là cấm vận CuBa. Và trong cái cuộc họp đó, ngoài những cái ý kiến chung thì tôi có thêm một cái ý kiến: tôi hoan nghênh ông Obama. Ổng tuyên bố là ổng sẽ đóng cửa nhà tù Guatanamo mà. Nhưng mà tôi nói rằng ông Obama ơi, vấn đề này là khó lắm đó. Tôi chúc ông phải nỗ lực để thực hiện cho bằng được cái này. Tôi nói mà tôi nhìn Obama, tôi thấy ổng ... ahhh ... cũng chăm chú lắm, cũng lắng nghe. Như thế là mình vừa động viên Obama, nhưng mà mình vừa muốn phân hóa cái … cái nội bộ của ổng ... Như vậy đó, tôi muốn nói với các đồng chí với quý vị rằng cái vai trò, cái vị thế của mình bây giờ cũng ngang hàng với người ta, cũng nói năng cũng đúng mức đàng hoàng ...”
Khổ nỗi không có ai nhắc cho ông Triết biết là cử tọa tại LHQ, với các điều khoản sinh hoạt của thế giới văn minh, cũng đành ngồi nghe các lãnh tụ khét tiếng "du đảng" khác phát biểu trước và sau ông, từ Mahmoud Ahmadinejad của Iran đến Kadafi của Libya và Hugo Chavez của Venezuela. Riêng lãnh tụ Kadafi - nhà độc tài từng cho đặt bom nổ phi cơ chết 270 người tại Anh quốc năm 1988 - còn dẫn theo một đoàn bảo vệ hùng hậu chỉ bao gồm toàn lính nữ và đòi cắm một dãy lều giữa thành phố New York để ông sống như giữa sa mạc Libya. Thế giới chỉ đành ... mỉm cười. Nhưng với các lãnh tụ kể trên thì: "người ta không ’dám’ chửi, tức là mình phải ngon".
Có người dễ tính hơn cho rằng cảm giác của ông Triết chỉ phản ảnh loại tâm lý của một cậu trai mới tới tuổi dậy thì trên chính trường thế giới, nghĩa là đang lẫn lộn trong đầu những ý nghĩ vừa muốn làm người lớn vừa chưa dứt tính trẻ em. Vì chỉ với loại tâm lý đó mới giải thích được kiểu nói cố gắng tự thuyết phục là mình quan trọng vì đã "dám" chạm đến Tổng Thống Mỹ. Rồi liền sau đó lại mừng húm là không thấy ông ấy tức giận gì mình cả.
Nhưng để chính xác và đầy đủ hơn thì có lẽ phải giải thích thái độ của ông Triết qua lăng kính của một người tự ti — tự thấy cá nhân mình và quốc gia mình được đối xử vượt quá giá trị mà mình có. Xin nói rõ một nước nghèo và biết mình nghèo không đồng nghĩa với cảm giác thấy mình thấp kém. Một thí dụ rất rõ là nước Tiệp bé nhỏ (và lại càng nhỏ hơn nữa sau khi tách rời khỏi nước Khắc), nhưng thái độ yêu mến lẫn thán phục của thế giới đối với tổng thống Václav Havel và thái độ của ông Havel đối với thế giới đều khác hẳn. Cảm giác thấp kém ở đây đến từ nhận thức rằng thế giới vừa tươi cười bắt tay vừa xem mình chỉ là một tay du đảng.
Với lăng kính ấy, nếu chuyển từng suy nghĩ của ông Triết ra chữ viết và cũng bằng loại ngôn ngữ chất phát ông thường dùng, có lẽ người ta sẽ đọc được những giòng tiêu biểu như sau:
- Mình chỉ đại diện cho Việt Nam thôi mà họ cho lên đó nói ... Vinh dự thật!
- Dù họ có biết mình chỉ đè dân mà lên chứ có ai bầu bán gì, thế mà khi mình nói họ vẫn phải ngồi im mà nghe, vẫn phải quay phim, chụp hình ... Trọng lượng của chức danh nặng thật!
- Mình lại còn nhắc đến cả tên họ của Hắn nữa. Tuy khen một câu mình vẫn quèo được một cái ... Đảm lược quá!
- Mà Hắn vẫn phải ngồi nghe mới sướng chứ, không dám tỏ thái độ gì hết ... Ai có ngờ là mình dám làm điều đó!
- ....
Và thế là tung tăng ra về với ý tưởng "Mình đến với một cái tư thế là mạnh mẽ, mà mình là người có tiếng nói mạnh mẽ, chưa bao giờ mình lại cất cao tiếng nói như thế!".
Tuy vậy, ông cũng nhận ra một bài học. Nếu ông "nói năng cũng đúng mức đàng hoàng", nghĩa là thôi hẳn những tuyên bố theo kiểu bất cần người nghe như "Việt Nam: lương tâm nhân loại", "CNCS: Đỉnh cao trí tuệ loài người", "Đế quốc Tư bản dẫy chết", hay "Công nhân tư bản bị bóc lột tận xương tủy", v.v... thì có vẻ như thế giới không còn coi mình như người điên nữa.
Hiển nhiên việc cá nhân ông Triết cảm thấy tự ti rồi sinh ra tự tôn, tự hào vô căn cớ cũng chẳng sao và chẳng phải là chuyện hiếm hoi. Chỉ khổ nỗi loại tâm lý đó đang là những ngọn đèn dẫn đầu cả nước bước đi. Và càng khổ hơn nữa khi bộ máy bạo lực của nhóm người cương quyết cai trị đất nước lại cấm ngặt bất cứ người dân nào vượt lên trước họ và trừng phạt thẳng tay những ai dám chỉ ra rằng đó là loại tâm lý bệnh hoạn cho tương lai đất nước. Vì khi quá xa lạ với những sinh hoạt và tiêu chuẩn của thế giới văn minh nhưng lại cấm dân không được khôn hơn mình, những người lãnh đạo như ông Triết chỉ còn con đường nhắm mắt bám theo lưng một đàn anh nào đó như Trung Quốc. Và với tâm lý tự thấy thấp kém ở mức đó thì những người lãnh đạo này chỉ có thể đưa đất nước lên đến tới mức làm thuê hay làm học trò của các nước lớn là đã mãn nguyện lắm rồi. Bên dưới những lời lẽ tuyên truyền, họ không thực sự tin dân tộc Việt Nam có thể vươn lên bằng nhân loại. Do đó, ngày nào cả nước còn phải bước đi đằng sau những ngọn đèn này, khoảng cách tụt hậu của Việt Nam so với thế giới chỉ có thể ngày một xa hơn.
2. Cách nhìn vào các vấn nạn bên trong:
Tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, ông Triết biết đại đa số là những người muốn về làm ăn buôn bán tại Việt Nam, do đó mối quan tâm hàng đầu của họ là nạn tham nhũng. Ông cũng biết thế giới đã thu thập khá nhiều dữ kiện về lãnh vực tham nhũng tại Việt Nam và quá nhiều người Việt tại nước ngoài đã đọc các bảng sắp hạng hàng năm về tham nhũng trên thế giới. Vì vậy ông Triết dành khá nhiều thời giờ trong bài phát biểu cho vấn nạn này:
“Chúng ta từ một nước trong chiến tranh, chưa có kinh nghiệm trong quản lý. Là ở nước người ta đó, thì muốn tiêu cực muốn tham nhũng cũng khó vì cái hệ thống luật phát nó chặt chẽ. Còn ở Việt Nam của mình, thì có khi không muốn tham cũng động lòng tham,... Cái người thủ quỹ cứ giữ tiền khư khư ở quỹ lúc nào cũng có số dư, cho nên lúc bí quá thì em mượn một chút, (cử tọa cười). Mượn thì hổng thấy ai đòi hết ...(cử tọa cười) thấy hông,... thì em mượn thêm. Chứ hổng phải người Việt Nam tham nhũng nhất thế giới đâu,... Nói một hồi thì thấy người Việt Nam tham nhũng nhất thế giới, không phải vậy. Cho nên tôi đề nghị quý vị ở nước ngoài khi nghe những thông tin này rồi nhìn về Việt Nam cũng đừng có hốt hoảng nghĩ rằng sao trong nước mình tiêu cực quá. Mà hồi xưa mấy ổng đánh giặc sao giỏi thế mà bây giờ mấy ổng tiêu cực thế ...(ông cười). Đây là quy luật muôn đời ... (cử tọa cười). Con người ta trong mỗi người ai cũng có hỉ nộ ái ố hết trơn…. Chúng ta là con một nhà, là con Lạc cháu Hồng, cùng một bọc trứng sinh ra ..."
Có lẽ phải đọc nhiều lần cả đoạn phát biểu trên người ta mới hy vọng tìm được câu trả lời của ông Triết cho thắc mắc tại Việt Nam có tham nhũng trầm trọng hay không. Đầu tiên, hình như ông công nhận là tại Việt Nam có tham nhũng nhiều vì không có hệ thống luật pháp chặt chẽ như ở nước khác. Ông xác nhận lần nữa tại Việt Nam có quá nhiều cơ hội tham nhũng đến độ "không muốn tham cũng động lòng tham". Nhưng lập tức ông thu gọn lại và cho biết tham nhũng là chuyện của những người ở các vị trí thủ quĩ mà thôi. Và như thế thì rất nhỏ. Ông khẳng định luôn rằng không phải "người Việt Nam tham nhũng nhất thế giới" đâu (Có lẽ ý ông là "giới cầm quyền tại Việt Nam" không tham nhũng nhất thế giới, vì theo định nghĩa thì "thường dân" không có chức quyền thì không thể tham nhũng). Tưởng thế đã yên, bất ngờ ông lại mở rộng số người tham nhũng ra và lần này mở rất rộng. Ông không chỉ nói tham nhũng là một qui luật mà còn cam đoan rằng ai từng vui buồn thương ghét thì cũng từng tham nhũng. Và cử tọa tại đại hội đó cũng không thoát. Ông Triết đột ngột nhắc rằng ông và cử tọa đều mang giòng máu Lạc Hồng. Nên nếu ông có tính tham nhũng thì người Việt tại nước ngoài cũng có tính đó trong máu.
Nhưng dù lòng vòng thế nào đi nữa, thông điệp chính và rất rõ của ông Triết vẫn là tình trạng tham nhũng hiện tại là chuyện chấp nhận được.
Điều mà ông Triết không dám nói rõ hơn là thực tế còn xa hơn lằn mức đó. Các lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN đều đã đồng ý từ lâu là phải cộng sinh với tham nhũng. Thỉnh thoảng đã có một vài cán bộ cao cấp về hưu dám chỉ thẳng vào cốt lõi của vấn đề. Đó là "Diệt hết tham nhũng thì lấy ai điều hành". Hay nói cách khác, cho phép tham nhũng là cách trả lương hậu hĩnh cho toàn bộ hệ thống cán bộ, viên chức, từ thấp đến cao, đang chống đỡ cho quyền cai trị độc tài của Đảng CSVN hiện nay. Hiển nhiên, có hàng triệu quan chức tham nhũng chứ không phải chỉ những người đang ở vị trí thủ quĩ; và có cả ngàn cách tham nhũng chứ không chỉ đơn giản là lấy cắp tiền quỹ. (Ông Triết có chất phát cách mấy cũng không thể đóng tròn vai "ngây thơ" về điểm này). Thật vậy, nếu không có "ăn" và "ăn lớn" thì mấy ai muốn vào các ngành an ninh, công an thuộc bộ máy đàn áp, hay ngay cả muốn vào Đảng trong thời buổi này, để mang tai tiếng và ác nghiệp. Điều đã trở thành qui luật mà ai cũng biết: Đảng phải dung dưỡng tham nhũng mới có thể tồn tại.
Trên căn bản qui luật đã quá hiển nhiên đó, các cố gắng ngụy biện của bộ phận lý luận Đảng đều dễ bị bẻ gẫy. Chẳng hạn như luận điệu: "Chúng ta từ một nước trong chiến tranh, chưa có kinh nghiệm trong quản lý." Trước hết, người nói câu này cần được nhắc rằng 34 năm (1975-2009) hòa bình đã dài gấp rưỡi cả cuộc chiến tính từ đầu đến cuối (1955-1975). Người Nhật, Đức, và Nam Hàn mất bao nhiêu năm để không chỉ vượt qua tàn tích chiến tranh mà còn vươn lên hàng đầu của thế giới? Một nhà nước 34 năm sau vẫn dùng lý cớ "một nước trong chiến tranh" để biện minh và liên tục thụt lùi so với các nước chung quanh (chỉ cần so với các nước Đông Nam Á thôi), thì tại sao lại cứ nhất định đòi nắm độc quyền cai trị? Đã đến lúc dân tộc phải chọn một thể chế và những người có khả năng hơn chưa?
Kế đến là luận điểm: "Ở nước người ta đó, thì muốn tiêu cực muốn tham nhũng cũng khó vì cái hệ thống luật phát nó chặt chẽ". Khi nói được câu đó, hiển nhiên người nói cũng hiểu do đâu mà luật pháp của các nước khác "chặt chẽ". Chặt chẽ là vì không một ai tại các nước này được phép đứng trên luật pháp, dù có là nữ hoàng, thủ tướng, tổng thống, hay tỉ phú; chặt chẽ cũng là vì ngoài 3 ngành độc lập kiểm soát nhau của chính phủ còn có hệ thống báo chí độc lập và các tổ chức Phi Chính Phủ - Vô Vị Lợi giám sát các lợi ích chung của xã hội, v.v... Tất cả các yếu tố then chốt để bảo đảm tính "chặt chẽ" ấy hiển nhiên đều KHÔNG TỐT chút nào cho sự nắm quyền toàn trị của các lãnh tụ độc tài. Rõ ràng, những người lãnh đạo biết rõ giải pháp để chận và ngăn ngừa tham nhũng nhưng họ chỉ không làm vì nó vi phạm vào qui luật Đảng phải dung dưỡng tham nhũng mới có thể tồn tại. Và thế là người đưa ra nhận xét về "luật pháp chặt chẽ" lại đành mâu thuẫn với chính mình bằng một câu khác: "Ở nước nào cũng có tham nhũng cả".
Luận điểm bào chữa rằng Việt Nam không có kinh nghiệm hay khả năng quản lý để chống tham nhũng cũng khó thuyết phục được ai. Sau hơn 20 năm kể từ khi mở cửa với thế giới, 1986, mà nhà nước vẫn không học đủ kinh nghiệm quản lý thì tại sao cứ nhất định độc quyền cai trị đất nước? Ngay cả trong trường hợp lãnh đạo nhà nước học chậm đi nữa, thì với mỗi kinh nghiệm quản lý thu thập được hàng năm, con số tham nhũng lẽ ra phải giảm xuống theo hàng năm, chứ không thể liên tục gia tăng như đang thấy hết năm này sang năm khác. Và sau hết, một chế độ có guồng máy nhân sự đủ lớn rộng để kiểm soát ngặt nghèo tới tận tư tưởng, lời nói, chữ viết của từng con người lại không thể theo dõi các đồng tiền, là vật hữu hình sờ mó được, đến từ đâu và đi đâu. Sự kiện này cũng cho thấy số tiền hàng trăm triệu mà thế giới, đặc biệt là 3 nước Bắc Âu, đổ vào suốt gần 20 năm qua để giúp Việt Nam cải tiến hệ thống luật pháp, hành chính đã trở thành muối bỏ biển vì chỉ đẻ ra được các bộ luật dày cộm cho mục tiêu trang trí các văn phòng quan chức lớn.
Tuy ông Nguyễn Minh Triết chỉ nhắc tới nạn tham nhũng, nhưng nếu nhìn rộng ra các vấn nạn khác đang đe dọa trầm trọng xã hội Việt Nam, người ta đều thấy cùng một cách ứng phó tương tự của những người cầm quyền — từ nạn buôn bán trẻ em, suy thoái học đường, tràn lan ma túy và đĩ điếm, đến con số tai nạn thương vong hàng ngày trên cả nước, nạn phá trọc núi rừng, hủy hoại sông nước, v.v.
Trong mọi trường hợp, điều duy nhất họ cần giữ là làm sao để không mất Đảng — hay chính xác hơn là không mất quyền cai trị của cái vòng vài chục gia đình ở thượng tầng. Mọi thứ khác đều là chuyện nhỏ, để lâu rồi sẽ quen.
Kịch bản đối phó với hầu hết mọi vấn nạn vẫn là:
- Trước tiên nói vòng vo để tạo tối đa hoả mù thật lâu về sự hiện hữu của vấn nạn. Bịt miệng những người lên tiếng cảnh báo sớm.
- Khi đã phải chấp nhận là có vấn nạn thật thì lập tức tầm thường hóa nó bằng nhiều cách.
- Cấm ngặt mọi phân tích quá sâu vào cốt lõi vấn đề để không đụng đến các lãnh tụ ở thượng tầng và không đụng đến nguyên do độc quyền cai trị của Đảng.
- Tạo ấn tượng nhà nước đang giải quyết cho dân trong nước và, nếu cần, cho thế giới thấy. Hy sinh một vài "con dê tế thần" khi cần thiết.
- Tuyên truyền những ngụy biện qui trách nhiệm vào các cá nhân chứ không vào cơ chế, không vào Đảng.
- Và quan trọng hơn hết, tập cho dân quen với vấn nạn, và chấp nhận cộng sinh.
Đây chính là mối nguy lớn cho đất nước khi dân tộc chúng ta đang "sống quen" dần với từng quốc nạn - mà nguy hiểm nhất là tình trạng sống quen với nạn xâm thực thâm hiểm từ Phương Bắc, đang gậm nhấm từng phần lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.
3. Ông Triết không phải là luật trừ
Theo thứ tự bình thường trong hệ thống lãnh đạo các đảng cộng sản, ông Triết chỉ đứng ở hàng số 2. Nhưng theo nhận xét của giới theo dõi tình hình Việt Nam thì nhân vật số 1, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, còn yếu hơn cả ông Triết. Ông Mạnh không hề dám rời các bài diễn văn viết sẵn, và trên các bản viết đó chỉ luôn luôn lập lại các bài mà cả chế độ đã ca suốt mấy chục năm qua. Đến nhân vật số 3, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, có lẽ đỡ một chút nhưng cũng không khá hơn bao nhiêu vì khả năng chuyên môn thực sự của ông thuộc về ngành công an. Chỉ cần nghe ông trả lời các câu hỏi của các đại biểu quốc hội một lần, người ta cũng đã có thể cảm nhận được ông có nắm bắt các công việc quốc gia hay không. Gần đây ông Dũng còn đưa cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng ra làm tấm gương sáng cho mình trong việc không hề xử lý kỷ luật một đảng viên nào trong cả hệ thống nhà nước suốt những năm cầm quyền. Điều đáng nói là câu phát biểu về "tấm gương Phạm Văn Đồng" được ông Dũng dùng để trả lời một câu hỏi của đại biểu Quốc Hội về tình trạng phạm pháp nhiều lần của một quan chức cấp tỉnh được nêu đích danh và nói rõ vụ việc phạm pháp. Cũng cần nói thêm Thủ Tướng Phạm Văn Đồng vào cuối đời đã gói ghém cả sự nghiệp của ông bằng câu than thở: ông là người thủ tướng ở chức vị đó lâu đời nhất nhưng cũng là người thủ tướng có ít quyền hạn nhất.
Khi nhìn rõ thực chất khả năng điều hành của 3 lãnh tụ đưong quyền cao nhất đang dẫn dắt đất nước, người ta mới có thể hiểu được thái độ an tâm phó thác, và nhiều phần hãnh diện của cả bộ phận lãnh đạo đảng CSVN khi được các lãnh tụ Trung Quốc chấp nhận cho làm học trò. Có lẽ diễn tả sinh động nhất cho tâm trạng đó là bức hình đầy sung sướng của Phó Thủ Tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải khi được bắt tay Thủ Tướng Tàu Ôn Gia Bảo.
Câu hỏi được đặt ra là: để lên được tới các chức vị thượng tầng đó chắc chắn các ông Mạnh, Triết, Dũng đều phải có tài biến báo, xoay trở, đòn phép cao lắm mới leo nổi hết các nấc thang nội bộ. Không lẽ 3 ông có đầy tài năng tranh quyền nội bộ nhưng lại không có các tài năng nào khác? Có người giải thích rằng không phải thế hệ lãnh đạo nào cũng "yếu" như hiện nay. Các lãnh tụ đời trước khá hơn. Sở dĩ 3 "ông lành" này được đưa lên là vì các phe phái tranh chấp vào lúc đó bất phân thắng bại. Để 3 ông này ngồi ở vị trí cao nhất mới bảo đảm an toàn cho mọi phía vì các ông sẽ không làm gì "quá táo bạo".
Nhưng nếu giải thích như thế thì ai là thành phần đang thực sự điều hành đất nước? Ai thực sự đang lấy quyết định đằng sau sân khấu?
Có lẽ chỉ có 2 giả thuyết tương đối thỏa đáng. Thứ nhất, có thể đang có những người tài, vì lý do nào đó, chịu đứng phía sau để giúp các lãnh tụ Mạnh-Triết-Dũng điều hành. Nhìn vào lịch sử và bản chất của các đảng cộng sản, với những cuộc đạp lên nhau chạy đua vào những chức vụ cao nhất để không chỉ kiếm lợi quyền mà còn để bảo đảm an toàn cho chính mình, người ta khó tin vào giả thuyết hiện có những nhân tài chịu đứng sau và đứng dưới. Và nếu nhìn lại các quyết định của tân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bãi nhiệm hàng loạt các chuyên gia có tâm huyết ngay khi ông lên nhậm chức, người ta lại càng khó tin vào giả thuyết trọng dụng người tài phía sau.
Như vậy chỉ còn giả thuyết thứ nhì là cả nước đang được điều hành từ xa qua loại "quan thái thú" như Nguyễn Chí Vịnh, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục 2 Bộ Quốc Phòng, sau khi cả Bộ Chính Trị Đảng CSVN đã nhận Bắc Kinh làm thầy và làm người bảo trợ. Nhiều chỉ dấu chứng minh cho giả thuyết này đã xuất hiện hàng ngày trên sách, báo, đài, trang mạng, pa-nô của nhiều ban ngành nhà nước CSVN và còn đang hiện rõ hơn nữa trước thềm đại hội XI của đảng CSVN.
Đây quả là một tai họa lãnh đạo và sẽ để lại vô số khóc hận cho nhiều thế hệ con cháu Việt Nam tương lai!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét