2009/11/28

Bộ mặt khác của Trung Quốc mà TT Obama không nhìn thấy


Các nhà trí thức bất đồng chính kiến đã trở nên gần gũi với Cơ Đốc giáo

(Bắc Kinh) - Ở phía Đông Bắc của thành phố này, không xa khách sạn Friendship cũ cho lắm, có một rạp chiếu bóng nhỏ chuyên trình chiếu những phim hoạt họa. Là một kiến trúc bình dị trên một đường phố bình dị, rạp chiếu bóng này là một nơi du khách khó có thể biết đến, nói chi đến một vị tổng thống viếng thăm. Nhưng nếu TT Barrack Obama muốn hiểu một điều gì đó rất thật về Trung Quốc, ông ấy nên sử dụng thời gian viếng thăm của mình tại nơi này thay vì tham dự nhiều dạ tiệc tầm cỡ quốc tế khác nhau, chụp hình ở Cấm Thành, và có mặt ở những buổi gặp gỡ người dân đã được sắp xếp chu đáo trong suốt chuyến thăm viếng tuần nay.

Đúng 10 giờ sáng Chủ Nhật, hơn 500 thành viên của giáo hội Shouwang tụ tập đông đủ ở rạp chiếu bóng này để dự một buổi lễ. Giáo hội Shouwang, do mục sư Jin Tianming sáng lập năm 1993, là một trong những giáo hội bất chính quy lớn nhất Bắc Kinh với gần 800 giáo dân. Nhưng cho đến cuối tuần qua, họ chưa bao giờ có được con số giáo dân nhiều đến thế cùng tụ họp trong một tòa nhà ở Bắc Kinh.

Giáo hội Shouwang ở Trung Quốc được biết đến như một giáo hội "tư gia", có nghĩa là nó là một tổ chức bất chính quy trong một đất nước mà tất cả những tổ chức tôn giáo đều phải đăng ký với Ban Quản Trị Sự Vụ Tôn Giáo Quốc Gia (State Administration for Religious Affairs). Chính quyền Trung Quốc chính thức công nhận khoảng 10 triệu tín đồ Tin Lành và 4 triệu tín đồ Công Giáo thuộc các giáo hội đã chính thức ghi danh, chuyên về các hoạt động tín ngưỡng và ban truyền giáo điều yêu nước.

Nhưng các nhà quan sát ở Trung Quốc và hải ngoại đều tin rằng số người Trung Quốc thuộc các giáo hội bất chính quy giờ có thể vượt qua con số 100 triệu người. Con số này đã nhanh chóng gia tăng khi càng ngày càng nhiều người Trung Quốc, điển hình là những dân cư trí thức thành thị, bắt đầu quay mặt với chủ nghĩa vô thần của ĐCSTQ.

Cuộc sống đối với những giáo hội bất chính quy này không bao giờ được trôi trãi, và gần đây đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Phỏng theo tổ chức từ thiện Công Giáo China Aid, đây là kết quả của một chỉ thị được ban hành vào tháng Tám. Tại sao giới lãnh đạo Trung Quốc đầy quyền uy lại sợ những giáo hội này khi phần đông không dính dáng gì đến chính trị? Có thể là tại vì họ [lãnh đạo TQ] đã trở nên e ngại hơn về sức mạnh chính trị của tôn giáo trước những biến động mà họ đã đối đầu với tín đồ Phật giáo ở Tây Tạng và tín đồ Hồi giáo ở Xinjiang. Hay có thể là vì các nhà trí thức bất đồng chính kiến, như luật sư nhân quyền Gao Zhisheng đã bị bỏ tù, hay có khuynh hướng thiên về Công Giáo?

Dù lý do là gì đi chăng nữa, giáo hội Shouwang trong những tuần lễ gần đây đã phải cử hành lễ ngoài trời, kể cả trong bão tuyết, vì những nỗ lực tìm kiếm một nơi để hành lễ nhiều lần bị từ chối. Hai mươi phút sau giờ hành lễ hôm Chủ Nhật, Mục sư Tianming tuyên bố rằng "có nhiều anh chị em của chúng ta đã bị giữ lại tại cư gia và họ không thể đến dự lễ. Nhưng tất cả chúng ta là một trong vòng tay của Chúa, nên chúng ta sẽ chờ họ đến để khai lễ."

Sau thêm một giờ cầu nguyện và ca hát, đám đông tụ họp vui mừng vỗ tay - một trong số những tín đồ bị giam tại gia đã có thể ra khỏi nhà và đến dự lễ. Buổi lễ đã được bắt đầu; và trước khi kết thúc, thêm một tín đồ thâm niên nữa đã đến được. Chủ Nhật tuần trước, chính mục sư Tianming đã bị giữ tại cư gia.

Câu chuyện này không có gì lạ đối với Bắc Kinh. Đầu tháng này, lực lượng an ninh đã khóa cửa thánh đường Wanbang ở Thượng Hải và giải tán đám đông 2,000 tín đồ. Tại quận Shanxi, các vị đứng đầu một trong những giáo hội "tư gia" lớn nhất Trung Quốc, với hơn mấy mươi giáo phận và mấy mươi nghìn tín đồ, đã bị bắt giữ trong một đợt đàn áp đã trở nên tồi tệ hơn kể từ tháng Chín. Chính giáo hội Shouwang đáng lẽ cũng không được phép cử hành Thánh lễ ở rạp chiếu bóng nếu không phải vì chuyến viếng thăm của TT Obama đã cho giới lãnh đạo TQ một lý do để tránh gây khuấy động.

Giờ ông Obama đã rời khỏi TQ sau một chuyến viếng thăm gây nhiều chú ý bởi những lưu tâm về sự nhạy cảm của giới lãnh đạo TQ. Trong hành trình tìm sự vững bền và "sự hài hòa", những nhà lãnh đạo này vẫn tiếp tục hạn chế các quyền tự do căn bản. Đóng cửa các giáo hội bất chính quy này là một phần của khuynh hướng đó.

Nhưng tự do tín ngưỡng là quyền căn bản mà chính những nhà cầm quyền tàn bạo nhất của lịch sử cũng không có khả năng hủy bỏ hoàn toàn: Đế quốc La Mã đã không làm được đối với Công Giáo khi xưa; chủ nghĩa CS đã không làm được trong mọi nỗ lực dùng Sử thay thế Thánh Thần của họ; Joshep Stalin, Mao Trạch Đông, và Kim Il Sung, đã không làm được khi cố gắng dùng bản thân họ thay thế Thánh Thần. Cho nên dù giáo hội Shouwang không có nơi để hành lễ trong ngày Chủ Nhật sắp tới, giáo hội vẫn sẽ còn đó, càng vững lòng vào đức tin của mình hơn nữa. Đây là một bộ mặt của Trung Quốc - một bộ mặt mà Ông Obama đã chọn không nhìn thấy - một bộ mặt rồi đây sẽ quyết định tương lai của đất nước đó.

Leslie Hook
The Wall Street Journal

KDchuyển ngữ

Bà Hook là một cây viết cho một trang biên tập của tờ Wall Street Journal Á Châu.

Nguồn: http://online.wsj.com/article/SB10001424052748704431804574539120649781240.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét