Đọc bài báo của bác Phùng Liên Đoàn, Điện hạt nhân: Bài học từ 127 nhà máy… (Bauxitevietnam, 22.11.2009), mới chợt hiểu ra rằng cái nghề sử nhai lại, ăn theo của tôi, nói cả ngàn câu không bằng một điều bác nói. Tôi chỉ ước ao, giá như các dự án, chính sách của Chính phủ Việt Nam hiện nay cũng tính toán đủ lẽ, đủ mọi đường và nhiều cách như bác.
Cha mẹ giỏi thì đời con đỡ khổ. Lãnh đạo tài thì vận nước hưng vinh. Đó là quy luật của muôn đời. Mushuhito (Meiji) năm 1858, khi ông 19 tuổi, đã đem đến cho nước Nhật sự đổi thay vô tiền khoáng hậu: Một nước mà tài nguyên hầu như chỉ có bão tố và động đất, đúng 100 năm sau (1968) đã làm được như lời thề của ông – Học hỏi phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt phương Tây sau 100 năm.
Bài học của Nhật Bản cũng như bài học từ vở bi kịch nổi tiếng của Sophocles (thế kỷ V tr. CN) – Eudipe làm vua (Eudipus The King), từ Hy Lạp, là bài học về trách nhiệm của nhà lãnh đạo. Nếu thật sự vì dân thì nhà lãnh đạo thời nay hay thời xưa đều phải lo đủ mọi đường, sao cho cuộc sống của người dân tốt nhất cho dù nhà lãnh đạo có bị nhiều mất mát. Cách tính và những gì mà Phùng Liên Đoàn đã đưa ra trước bàn dân thiên hạ là cách lo toan chỉnh chu và nhân văn hết mực. Bác Phùng Liên Đoàn đã lo cho dân (việc làm), lo cho nước (những hậu hoạ và nợ nần vô lý, trong khi có cách thức khác tốt hơn), lo cho cả ngày mai khỏi bất trắc, tai ương…
Tôi đọc mà cứ nghĩ rằng ước gì Chính phủ của ta hiện nay có một vài người (chỉ cần một vài thôi) tâm huyết, nhìn xa, hiểu rộng như Phùng Liên Đoàn trong cách nghĩ về điện hạt nhân. Chắc chắn khi đó vận nước sẽ thay đổi, vì cuộc đời chẳng khác gì một bàn cờ, chỉ tính sai một nước đi thôi, thực tế sẽ là sụp đổ và thảm hoạ. Nếu (xin lỗi nếu tôi hiểu sai) điện hạt nhân là cái bánh ngon và to nhất, chưa từng có bao giờ nên không thể không có, không thể không “ăn”, thì trước khi ăn cái bánh màu mỡ đến mức khó lường ấy, cũng nên tính cho kỹ, cho hết các hậu hoạ – ít nhất là cho đủ “một số đời”. Vì sao nước thì nghèo mà cái gì cũng muốn làm to, hoành tráng, ước vọng thật nhiều bằng gánh nặng nợ nần? Cứ hy sinh tương lai để thoả mãn tham vọng của hiện tại là tư duy theo lối nào? Chẳng có người cha có lương tâm nào sau khi chết lại để một núi nợ và nguy hiểm cho con cái. Đó là nguyên tắc của sự trường tồn. Vẫn biết các nhà lãnh đạo thời nay coi người dân chẳng khác gì những con số, nhưng cứ hoài vọng rất mỏng manh rằng, ít nhất các vị, trong một thời điểm lắng lại nào đó, ở một nơi nào đó, bất chợt nghĩ đến hậu vận nước nhà.
Đã có ai ở Việt Nam đi chui nhủi hết nhà máy điện hạt nhân này đến nhà máy điện hạt nhân khác như Phùng Liên Đoàn hay chưa? Nếu chưa, tại sao không mời về để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm? Tại sao lấy cái tư duy từ vai cày để đo cung cách chế tạo xe hơi? Chúng ta cứ bàn, cứ thảo luận về điều mà mình không hề biết rõ, đó là cung cách mà cha ông đã nói: Người mù sờ voi. Một Chính phủ điều hành vận mạng quốc gia mà không hiểu hết những bất trắc khó lường, những gánh nặng kinh tế cuả đất nước thì làm sao có thể đoan chắc được rằng đất nước sẽ mạnh giàu?
Huế, 22.11.2009
H.V.T
HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
— -
Phùng Liên Đoàn [1]
Trong quá trình làm việc xây dựng và đánh giá điện hạt nhân tại Mỹ, tôi đã được chứng kiến và đôi khi tham dự sự kiện 127 lò điện hạt nhân với công suất 140,000 MWe được đặt mua, xây dựng, nhưng phải bỏ dở.
Các lò ĐHN là thuộc thế hệ II, loại PWR, BWR, HTGR. Lò loại FBR thuộc thế hệ I còn thử nghiệm. Nhà máy có đánh dấu * là đang xây mà phải bỏ.
Tài liệu tham khảo
Tôi xin đính kèm các tài liệu sau:
● Bảng liệt kê 127 lò ĐHN thế hệ II của hơn 50 hãng điện đã phải bỏ giữa những năm 1970-1990. Mỗi lần bỏ như vậy, hãng điện tốn kém giữa 100 triệu USD và 1 tỉ USD, tùy trường hợp còn trong vòng thiết kế hay đã xây dựng dở dang.
● Sơ đồ nguyên tắc của ba loại nhà máy ĐHN loại PWR, BWR và LMFBR bị bỏ dở. Tôi đã có cơ hội thiết kế cả 3 loại và đã làm việc với nhiều người có tiếng tăm phát minh hoặc thiết kế các loại lò này.
● Hình chụp một nhà máy “thành công” và hai nhà máy bỏ dở của WPPSS (Washington Public Power Supply System.)
(a) Chú thích: Công ty chế tạo và loại lò là như sau:
B&W: Babcock and Wilcox, PWR – nước nén dưới áp suất 150 atm
CE: Combustion Engineering, PWR – nước nén dưới áp suất 150 atm
W: Westinghouse, PWR – nước nén dưới áp suất
GE: General Electric, BWR – nước sôi dưới áp suất 70 atm
DOE, PMC & TVA: LWFBR – loại neutron nhanh, tải nhiệt bằng Na đang ở thời kỳ thử nghiệm (thế hệ I)
Nguyên nhân việc phí phạm ngân sách
Nguyên nhân chính Mỹ phải bỏ dở nhiều nhà máy ĐHN thế hệ II gồm:
● Quá tự tin và nghe lời các nhà kinh tế và kỹ thuật “dự đoán” sự cần điện trong tương lai. Họ đều dùng dữ kiện trong 5-10 năm trong quá khứ rồi tích lũy lên cho 10-20 năm trong tương lai. Phương pháp này không bao gồm rất nhiều yếu tố mà họ không biết rõ về khả năng của kỹ thuật và của người dân. Giá điện càng tăng và kỹ thuật càng tân tiến thì người ta dùng càng ít năng lượng. Tỉ số E/GNP của các nước đang mở mang có thể là 2 trong khi càng văn minh thì càng nhỏ lại. Tỉ số này của Nhật và Pháp có thể là 0.8.
● Quá tin tưởng vào nguồn năng lượng ĐHN: rất mới, rất to lớn và rất hấp dẫn mà lại không làm ô nhiễm khí quyển.
● Không biết rằng có cả trăm ngàn chi tiết của nhà máy cần phải thiết kế đúng chuẩn mực và bị giám sát chặt chẽ – sai một ly cũng không được châm chế; vì thế trong quá trình giám sát, có cả 5,000 – 10,000 chi tiết phải làm lại, gây tốn kém về nhân lực, vật lực, và thời gian.
● Không biết sự rắc rối của kiện tụng: quan tòa và luật sư không để ý tới vấn đề thời gian, trong khi đó giá thành của nhà máy ĐHN cứ tăng lên như diều với thời gian.
Hai nhà máy ĐHN 2 x 1100 MW xây dở dang nằm chết ở Satsop gần thủ đô Olympia của tiểu bang Washington. Hai tháp lớn là dùng để tải nhiệt cho tua bin tạo điện. Hai lò hạt nhân sẽ nằm trong hai nhà vòm nhỏ hơn (chỉ cao khoảng 100m), một vòm còn chưa có mái. Hai nhà máy này tính tốn 6.2 tỉ USD, nhưng sau đó tăng giá thành hơn 12 tỉ, cho nên phải bỏ dở. Hiện nay có một nhà máy đốt hơi khí 600 MW tọa lạc tại đây
Nhà máy ĐHN Bellefonte của TVA tại biên giới ba tiểu bang Alabama, Tennessee và Georgia, 2 x 1235 MWe PWR, cách nơi tôi ở khoảng 150 cây số đã bị bỏ dở 30 năm, sau khi xây cất tốn kém 3 tỉ USD (năm 1980, đáng giá 10 tỉ USD ngày nay). Tôi đã đi thăm nhà máy này khi đang xây cất.
Nhà máy Marble Hill, 2 x 1130 MWe PWR, tại Indiana bị bỏ dở năm 1974, sau khi đã tiêu tốn 2.8 tỉ USD (12.7 tỉ USD ngày nay)
Nhà máy Perry, 2 x 1205 MWe, nằm trên biển hồ Erie cạnh tỉnh Cleveland, tốn kém 6 tỉ USD năm 1994 (8.6 tỉ ngày nay) mà chỉ hoàn thành được một lò. Lò thứ hai, Perry 2, bị bỏ dở. Chính vì thế mà chỉ thấy một tháp làm nguội nước hoạt động.
Vài hậu quả
Mỗi hãng điện của Mỹ trong bảng liệt kê lớn giữa 10,000 MWe–40,000 MWe, nghĩa là tương đương với Điện Lực Việt Nam. Chỉ có hai hãng – WPPSS và TVA (Washington Public Power Supply System và Tennessee Valley Authority) là có tính cách bán công; số còn lại đều là tư. Công ty tôi làm việc có dịch vụ xây nhà máy WPPSS-3, và tôi đã từng chui trong lòng lò Browns Ferry 2 của TVA và Oconee 2 của Duke mà muôn thuở sẽ không ai chui được như vậy nữa vì phóng xạ nay rất cao. Họ đều bị lỗ nặng, và chứng khoán thị trường của họ xuống giá rất thấp giữa những năm 1979-1990 vì họ không có đủ tiền lời để trả cho các cổ đông thành ra người ta đem tiền đầu tư vào nơi khác. Riêng WPPSS, đại diện cho hơn 70 công ty điện nhỏ thuộc loại “làng, huyện” thì lỗ 2.3 tỉ USD (năm 1990, tương đương với 3.8 tỉ năm 2009) , đưa nhiều làng huyện vào tình trạng phá sản. Một ông chánh án phán rằng WPPSS “không có quyền đại diện cho các làng huyện đi vay”, thành ra các làng huyện “không có trách nhiệm”. Sự kiện này đưa tới việc WPPSS phải “phủi nợ” đối với cả trăm ngàn người dân Mỹ cho họ vay nợ, gây một xúc động to lớn dẫn tới hơn 400 vụ kiện cáo. Đến năm 1990, người cho vay không những không có đồng tiền lãi nào mà chỉ còn có thể thu hồi 10% tới 30% tiền của mình. WPPSS phải đổi tên thành Northwest Energy và phải tăng giá thủy điện 40% để trả nợ tới năm 2018 (hơn 46 năm từ năm 1972). Chỉ có mấy ông bà luật sư được béo bở suốt 10-20 năm kiện tụng.
Thế Nhật, Hàn và Đài Loan thì sao?
Các nước này khi bắt đầu làm nhà máy ĐHN thì đã ở trình độ kỹ nghệ cao, dân sinh cao, và đã học được kinh nghiệm của Mỹ. Họ đã xuất khẩu xe hơi (Toyota xuất khẩu từ năm 1960), máy ảnh (máy ảnh Nhật được khắp quốc tế dùng, đè bẹp máy ảnh Đức), đồng hồ (ngang ngửa vói Thụy Sĩ), TV (Sony và Samsung hầu như ai cũng dùng), điện tử (kinh tế Đài Loan năm 1970 gần bằng toàn thể kinh tế trong lục địa có dông dân gấp trăm lần), đóng tàu. Người dân của họ đã có thâu nhập ở trình độ 2000 USD (Hàn), 3000 USD (Đài Loan), 8000 USD (Nhật) ở thập kỷ 1970-1980. Không nước nào có nhiều tài nguyên năng lượng và không nước nào xuất khẩu nguyên liệu thô như than, bauxite, gỗ. Họ cần năng lượng, họ có hạ tầng cơ sở, và người dân họ được ăn học nhiều hơn người dân ta.
Hoàn cảnh nước ta
Trong hoàn cảnh hiện tại, nước ta thu nhập bình quân đầu người chưa đạt được 800 USD. 70-80% người dân còn sống rất lam lũ trong những căn nhà lẹp xẹp, không có điện, không có nhà vệ sinh. Ta nhập khẩu toàn vật dụng kỹ thuật cao, như máy móc, xe hơi, xe gắn máy, máy ảnh, TV, máy điện toán, điện thoại cầm tay, thức ăn uống đắt tiền, ngay cả xăng dầu. Trong khi đó ta xuất dầu thô, gạo, cà phê, gỗ, than, bauxite. Ngân sách của ta năm nào cũng nhập siêu, nếu không có đô la của các nước cho vay và của Việt kiều gửi về thì ta không thể có nếp sống phồn hoa giống như ta chứng kiến ở Hà Nội và Sài Gòn. Đáng buồn và đáng hổ thẹn nhất là hầu hết thanh niên thanh nữ ta đều muốn “xuất ngoại”; cả triệu phụ nữ ta mong muốn lấy chồng ngoại quốc mà không biết sẽ bị đối xử như tôi đòi; và cả triệu thanh niên thanh nữ của ta cầm nhà cửa đất đai để “được” đi “xuất khẩu lao động” rồi bị tư bản chèn ép như nô lệ. Trong bối cảnh đó, ta nên xét lại làm cách nào gây thêm nội lực để tạo hạnh phúc và lòng tự tin cho người dân ta, cho con cháu ta.
Điện hạt nhân Việt Nam
Một chương trình làm nhà máy điện hạt nhân như dự kiến từ nay tới năm 2020 sẽ đưa đất nước đi sâu vào sự hãnh diện giả tạo, bởi vì hầu như 100% nhân lực cao cấp, vật liệu cao cấp, thiết bị cao cấp, ngay cả nhiên liệu hạt nhân và sự xử lý nhiên liệu thì ta đều phụ thuộc vào nước ngoài, không dùng đến trí tuệ Việt Nam. Ngay cả tiền đầu tư ta cũng phải đi vay. Tôi cầu mong những nhà làm chính sách của ta nên nghĩ rằng khi nhà máy ĐHN xây xong thì chúng ta phần lớn đã già hoặc đã chết. Chúng có sản xuất điện không thì ta không biết, nhưng số tiền to lớn 20-30 tỉ nợ nần thì con cháu ta sẽ phải trả hoặc sẽ phải cầu khẩn quốc tế “giảm nợ.” Xưa kia, tôi thường nghe những người đi vay nợ ở làng quê năn nỉ người giàu có: ”Cụ cứ cho cháu mượn đi, sau này nếu cháu không trả được thì cái ‘út’ nhà cháu lên hầu cụ để trừ nợ!” Chẳng lẽ ta muốn hoàn cảnh tương tự xẩy ra cho con cháu ta trong tương lai, hoặc bắt chúng đào xới nguyên liệu thô của quốc gia đem bán, hoặc xuất khẩu cả 5 –10 triệu thanh niên thanh nữ của ta đi làm tôi mọi cho người trên thế giới?
Đứng về phương diện quốc phòng, trước tình hình hòa bình bấp bênh với các nước láng giềng, một hệ thống nhà máy ĐHN sẽ là mục tiêu đầu tiên bị phá hoại, và sẽ bị phá hoại rất dễ. Trong trường hợp đó, không những việc bảo vệ tổ quốc bị yếu hẳn đi, mà ví dụ có hòa bình vãn hồi thì kinh tế của ta cũng bị thui chột nhiều chục năm.
Ngân sách phiêu lưu cho điện hạt nhân có thể dùng tạo điện nội hóa và tạo công ăn việc làm cho nhiều triệu người dân
Nhưng ta có nhiều phương pháp thực hiện đầy đủ điện cho người dân trong tương lai mà chưa cần đến nhà máy ĐHN. Ngoài những dự án thủy điện và điện từ than đá có sẵn, ta có thể phát triển những phương pháp quản trị điện nhạy bén hơn và sử dụng điện thông minh hơn. Ta cần dùng các phương pháp rất Việt Nam, với trí tuệ và vật lực Việt Nam, nhân bản hơn, nhanh chóng hơn, và rẻ tiền hơn dự án ĐHN. Trong một bài phỏng vấn, tôi đã đề cập 10 phương pháp như sau:
1. Tránh mất điện vì dây điện nhỏ và chằng chịt. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN để mắc nối lại hệ thống phân phối điện chằng chịt ở Hà Nội, Saigon, Hải Phòng, Đà Nẵng và toàn thể các thành phố. Dùng dây điện có điện trở thấp (nghĩa là to hơn, tốn tiền hơn) và khuyến khích như vậy trong cả triệu căn nhà. Hiện ta mất mát điện khoảng 11% vì hiệu ứng Ohm (nhiều hơn nếu tính sự mất điện trong cả triệu nhà vì dây điện quá nhỏ), trong khi các nước Âu Châu và Mỹ chỉ mất khoảng 6% và Israel chỉ mất khoảng 3%. Với phương pháp này ta cũng tránh được nhiều nạn cháy chết người và thiệt hại tài sản lớn. Ta cũng tạo được nhiều trăm ngàn công việc cho người dân.
2. Dùng đèn neon loại mới. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN để mua bóng đèn neon (loại neon mới không cần phải hình ống) hoặc lập xưởng chế tạo bóng đèn neon rồi bán rẻ cho người dân. Việc này sẽ tiết kiệm khá nhiều điện trong vòng 1-3 năm và người dân sẽ nhẹ gánh hơn khi giá điện liên tục gia tăng. Củng sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều trăm ngàn người.
3. Sử dụng máy điều hòa không khí hữu hiệu hơn: Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN giúp các công sở và nhà tư có máy điều hòa dùng cửa sổ có hai lớp kính và bịt kín các lỗ hổng để máy làm lạnh không khí dùng ít điện thôi mà không ảnh hưởng tới khí hậu mát mẻ. Chỉ mua mới các máy lạnh có dùng “ống dẫn nhiệt” (heat pipe) do một người Việt là Đinh Khánh chế tạo (www.heatpipetechnology.com), lấy hơi nước trong không khí ra trước việc làm lạnh không khí, và như vậy tốn ít điện hơn. Các công tác này sẽ giúp tạo rất nhiều dịch vụ kinh tế và công việc cho cả triệu người.
4. Dùng nhà máy than tốt hơn. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN để khuyến khích và đặt giải thưởng cho cán bộ và công nhân các nhà máy đốt than học hỏi cách điều hành với năng suất 90%-95%. Đầu tư thiết bị tẩy SOx và hút bụi trước khi cho khói tuôn ra ống khói. Tôi không tin có người nói “ta phải nhập khẩu than.” Báo cáo mới nhất của tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn cho biết ta quản lý mỏ than rất kém, “được 3 mất 7”. Một tỉ tấn than sẽ giúp ta có 8000 MWe nhà máy chạy liền 30 năm, ngang ngửa với 8000 MWe ĐHN, như vậy điện do các nhà máy than này sẽ rẻ hơn ĐHN nhiều, mà than là nguyên liệu của ta, giúp tránh phải dùng 50 tỉ USD ngoại tệ. Phương pháp này giúp tạo công ăn việc làm cho cả triệu người tại mỏ than, tại nhà máy, trên các tầu chở than, và tại các bến bốc than.
5. Quản lý thủy điện tốt hơn. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN để sửa sang các đập nước, huấn luyện người điều hành về dự toán thời tiết, huấn luyện họ cộng tác với nhau, vét sâu hồ chứa nước, tu bổ phương pháp ngăn ngừa, điều hành lũ lụt và giúp đỡ người dân có biện pháp phòng vệ nước lũ ở hạ nguồn. Đồng thời tăng gia trồng rừng trên thượng nguồn. Việc này sẽ tránh được những thiệt hại xả lũ năm 2009 và gây thêm hạnh phúc cho người dân sống gần đập nước. Việc này cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều chục ngàn người và huấn luyện cho chuyên viên của ta nhạy bén hơn về truyền thông, thực hiện công nghệ, và bảo vệ môi trường.
6. Dùng phương pháp trữ điện tại các đập nước. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN nghiên cứu việc lập các hồ dự trữ điện tại các đập nước (phương pháp này gọi là pumped storage) để vừa tránh sự cố lũ lụt, vừa làm tăng lợi ích giữa ngày và đêm của các đập nước. Như vậy ta vừa tránh lũ lụt cho người dân vừa tạo thêm công ăn việc làm tại các đập thủy điện.
7. Tìm kiếm khí đốt. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN để thăm dò và phát triển khí đốt bằng phương pháp khoan ngang ở nhiều độ sâu, với mục đích tìm nhiều hơi khí như mới phát triển vài năm nay tại Mỹ. Việc này sử dụng tốt trí tuệ Việt Nam, kích thích giáo dục áp dụng vào đời sống quanh ta, và giúp phát triển từng địa phương. Kỹ nghệ dùng khí đốt sẽ tạo công ăn việc làm cho cả triệu người.
8. Sản xuất điện ở tầm nhỏ. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN giúp từng địa phương tìm cách tạo điện và nhiên liệu ngay ở địa phương của mình. Nếu làm nhỏ ở địa phương thì mạng lưới điện sẽ bền vững hơn và đường dây 500 KV Bắc Nam có công dụng hơn. Hiện ta có làm nhưng quản lý chưa tốt. Nhưng ta nên có phương pháp thống nhất chia sẻ kiến thức và nêu cao tinh thần minh bạch để các lỗi lầm do tính tùy tiện được giảm thiểu. Ta nên khuyến khích người dân đóng góp ý kiến theo tinh thần của Pháp Lệnh Dân Chủ mà Quốc Hội đã ban hành ngày 20 tháng 4 năm 2007.
9. Tiết kiệm than củi và nấu cơm bằng gió. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN giúp người dân dùng bếp ít tốn than củi giống như ở Trung Quốc. Dùng các quạt gió nhỏ để thắp sáng ban đêm. Tôi nghĩ, tuy trên thế giới chưa thấy nói, nhưng trí thức của ta có thể thí nghiệm dùng các “chong chóng nhỏ nhưng quay suốt ngày đêm cộng với một dynamo (giống xe đạp) rồi trữ điện vào một bình điện (giống như bình điện xe hơi)” và như vậy người dân quê có triển vọng nấu cơm bằng gió! Thế giới chưa làm vì họ dùng rất nhiều điện, trong khi người nghèo của ta sẽ sử dụng tốt khi chỉ có một bình điện nhỏ “trời cho” mỗi ngày. Kỹ nghệ “chong chóng điện” sẽ rất Việt Nam và lợi cho kinh tế Việt Nam. Việc này sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều triệu người.
10. Áp dụng chính sách phân biệt giá điện. Dùng vài phần trăm tiền nhà máy ĐHN để có các phương pháp và thiết bị thực hiện chính sách dùng càng nhiều điện thì giá điện càng cao; dùng điện ban ngày thì đắt hơn dùng điện ban đêm; dùng điện sản xuất thì rẻ hơn dùng điện ăn chơi. Như vậy là điều hòa tốt việc sản xuất điện không lên xuống quá mức, khuyến khích không phung phí điện và người giầu dùng nhiều điện thì phải trả nhiều hơn người nghèo. Chắc Việt Nam đã có chính sách này nhưng tôi không có dữ kiện. Căn bản thông suốt trong các phương pháp tôi đề nghị là chính phủ chỉ nên làm chính sách, còn các chi tiết thì phải để thị trường tiếp tay. Ta cần cách quản lý tốt dựa trên sức mạnh và sự khéo léo của sự cạnh tranh với kỷ luật thanh liêm, công bình và minh bạch. ĐHN là một kỹ thuật không biết tha thứ những người và những quốc gia xử dụng nó không đến nơi đến chốn. Ta không nên chơi sóc đĩa với tương lai của con cháu ta mà xác suất rất cao là ĐHN sẽ không thương tiếc sự hối hận của ta.
Chú thích
1. Ông Phùng Liên Đoàn, 70 tuổi, là Tổng Giám đốc Công ty tư vấn Professional Analysis, Inc. (PAI) tại Mỹ, chuyên môn về các dịch vụ nguyên tử và môi trường. Ông Đoàn đã từng là cố vấn cho Bộ Năng Lượng (Department of Energy-DOE) và Cơ Quan Giám Định Luật Lệ Hạt Nhân (Nuclear Regulatory Commission- NRC) của Mỹ. Ông đã tham gia thiết kế 4 nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) và viết hơn 100 khảo cứu và phúc trình về sự an toàn và giá thành của ĐHN so với các nguồn tạo điện khác. Ông cũng đã tham gia tẩy uế phóng xạ tại 10 trung tâm nguyên tử khắp nước Mỹ, cùng là khảo cứu hiện tượng hâm nóng khí quyển do việc sử dụng năng lượng toàn cầu. Ông là đồng tác giả tài liệu WASH-1400 về sự an toàn của 100 nhà máy ĐHN của Mỹ mà cả thế giới đã noi gương; và sách The Second Nuclear Era: A New Start for Nuclear Power, Praeger Publishers, New York, tiên đoán sẽ có sự phục sinh của ĐHN. Ông Đoàn tốt nghiệp cử nhân toán và vật lý tại đại học Florida State University, thạc sĩ vật lý và nguyên tử tại Massachusetts Institute of Technology (MIT) và tiến sĩ nguyên tử tại MIT. Ông Đoàn đã từng làm việc tại Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Đà Lạt, 1964-1967. Ông Đoàn và gia đình đã bỏ hầu hết tiền để dành và tiền hưu để làm việc từ thiện ở Việt Nam.
2. Về vấn đề Điện hạt nhân tại Việt Nam, ông Đoàn đã có những ý kiến sau:
o Giảm thiểu 15 rủi ro của nhà máy điện hạt nhân, http://www.bauxitevietnam.info/c/15546.html
o Điện hạt nhân sẽ tăng gấp ba, http://www.bauxitevietnam.info/c/17478.html
o Đừng sợ nhà máy điện hạt nhân nguy hiểm, hãy lo con cháu ta mắc nợ dài dài, http://www.bauxitevietnam.info/c/18007.html
o Phỏng vấn: Điện hạt nhân không phải là chuyện để đua đòi, http://bauxitevietnam.info/18107/dien-hat-nhan-khong-phai-la-chuyen-de-dua-doi/
o Phỏng vấn: 10 phương pháp không cần ĐHN mà vẫn giúp Việt Nam tăng thêm nội lực, http://bauxitevietnam.info/18186/10-phuong-phap-khong-can-dien-hat-nhan-ma-van-giup-viet-nam-tang-them-noi-luc/
3. Nguyễn Thành Sơn: “Ngành than sau 15 năm phát triển – “được” 3 “mất” 7″, http://bauxitevietnam.info/17870/nganh-than-sau-15-nam-phat-trien-duoc-3-mat-7/
Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét