2009/11/26

Hà Nội Tiếp Tục Lội Ngược Dòng Toàn Cầu Hóa


Một trong những nét đặc thù nhất của Thế Kỷ 21 chính là sự xuất hiện của mạng Internet. Chính nó đã làm bùng nổ cuộc cách mạng tin học, với dòng chảy Toàn Cầu Hóa. Nhưng điểm quan trọng của Internet là đã không chỉ làm cho khoảng cách của loài người ngắn lại mà còn có thể trao đổi và nhận biết những gì đang xảy ra trong tích tắc. Ông Thomas Friedman, trong tác phẩm nổi tiếng The World Is Flat” (Thế Giới Phẳng) xuất bản vào năm 2005 đã đánh giá rằng, sự ra đời của Internet đã làm cho thế giới biến từ tròn sang phẳng. Mọi trao đổi, giao dịch của loài người ngày nay - ở bất cứ đâu và lúc nào - đều được nối kết trên một màn ảnh phẳng.

Sự xuất hiện của mạng Internet đã đưa lãnh vực TIN HỌC trở thành một yếu tính quan trọng trong vấn đề phát triển kinh tế quốc gia. Nói cách khác, trí tuệ và hội nhập đã trở thành một nền tảng căn bản cho việc xây dựng một nền kinh tế mới cho những quốc gia nào biết đầu tư vào tin học. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Mã Lai, Nam Hàn… là những quốc gia tiêu biểu của nỗ lực nói trên.

Cách đây vài năm, khi đón nhà tỷ phú Bill Gates viếng thăm Việt Nam và đón nhận hãng Intel đầu tư xây dựng một công trường tại Việt Nam, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã nói đến ước mơ phát triển ngành tin học Việt Nam thành một mũi nhọn của nền kinh tế. Không biết cho đến nay nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã thực hiện được ước mơ đó như thế nào và kết quả ra sao, nhưng qua một số biện pháp của Bộ thông tin và Truyền thông thì thấy là họ đang lội ngược dòng.

Tháng 8 năm 2008, Hà Nội ban hành Nghị Định 97 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Đến tháng 3 năm 2009, Hà Nội lại ra tiếp Nghị Định 28 quy định về việc xử phạt hành chánh trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng Internet.

Với quy định nói trên, bước đầu tiên là Hà Nội đã ra tay kiểm soát các trang Blog (trang nhật ký điện tử).

Từ mùa Hè năm nay, Cộng sản Việt Nam đã một mặt bắt giữ một số Bloggers như Người Buôn Gió, Đoan Trang, Mẹ Nấm với lý do xâm phạm an ninh quốc gia, mặt khác trấn áp một số Bloggers như Osin, Đào Hiếu và buộc nhiều Bloggers khác phải ngưng trang Blog hoặc phải thay đổi nội dung không đụng đến các vấn đề tế nhị với Trung Quốc.

Bước thứ hai là từ giữa tháng 11 trở đi, Hà Nội đã gửi thông tư đến các công ty tin học như FPT và VNPT thông báo về việc kiểm soát những dịch vụ liên quan đến Facebook, Twitter, Youtube. Trong buổi trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội vào ngày 17 tháng 11 vừa qua, Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã nói là sẽ tăng cường kiểm soát mạng Internet vì cho là mạng này đang bị lợi dụng để tán phát những thông tin “độc hại và có dụng ý xấu” chống lại chế độ.

Cùng thời gian này, Tổng Thống Mỹ Barack Obama, trong buổi nói chuyện với sinh viên tại Thành Phố Thượng Hải, Trung Quốc đã cho rằng, tự do Internet - như nước Mỹ với sự chấp nhận các luồng thông tin và phê phán khác nhau của người dân - sẽ giúp cho chính quyền mạnh hơn và xã hội phát triển tốt hơn.

Phát biểu của ông Lê Doãn Hợp và ông Barack Obama cho thấy tầm nhìn về tự do Internet của Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn hoàn toàn khác nhau. Một bên thì ca tụng tự do Internet là động lực của phát triển xã hội. Đàng khác thì lo sợ đó là căn nguyên của sự tan rã chế độ độc tài. Sự kiện này cho thấy là tầm kích của một chính quyền tuỳ thuộc rất nhiều vào bản lãnh chính trị của giới lãnh đạo có đủ tự tin để lắng nghe những phê phán, góp ý của quần chúng hay không. Tự do Internet và tự do truyền thông còn là nguyên động lực giúp tạo ra những thay đổi tốt trong xã hội dựa trên tinh thấn trách nhiệm của mỗi công dân.

Hiện nay có khoảng 25 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam. Trong số này có hơn 3 triệu người sử dụng Blog và hơn 1 triệu người khác đang sử dụng Facebook, Twitter để quảng bá những suy nghĩ, quan tâm của mình đến bạn bè liên hệ. Điều này cho thấy là nhu cầu thông tin và liên lạc của người dân ngày một mở rộng và xã hội Việt Nam không còn là xã hội đóng kín như dưới thời toàn trị. Người dân Việt Nam ngày nay, tuy không phải là đa số, đã tìm cách sử dụng những phương tiện hiện đại của nhân loại để vươn ra với thế giới bên ngoài. Đây là tiến trình tất yếu của toàn cầu hóa ngày nay.

Sự kiện Cộng sản Việt Nam tìm cách kiểm soát những trao đổi của người dân trên mạng Internet từ các trang Blog đến Facebook, Twitter là một nỗ lực vô vọng vì:

Một là sự lưu thông của mạng Internet ngày nay được ví như một dòng thác lũ. Hà Nội chỉ có thể làm cho dòng chảy chậm đi một chút ở thời gian đầu, nhưng chắc chắn là họ sẽ bị cuốn trôi theo dòng thác khi mà số người sử dụng ngày càng gia tăng.

Hai là sự rập khuôn bắt chước Trung Quốc từ cấm các trang Blog cho đến cấm dùng Facebook, Youtube… cho thấy là Hà Nội và Bắc Kinh đã tự cô lập chính mình và chắc chắn sẽ bị đào thải trước sức mạnh quật khởi của người dân khi họ bị đẩy quá giới hạn chịu đựng.

Tóm lại, viêc ngăn chận mạng Internet và kiểm soát các trang Blog, Facebook sẽ chỉ làm cho Hà Nội tiếp tục suy yếu chứ không an toàn như họ mong đợi. Những hành động ngăn chận của Hà Nội không chỉ làm cho người dân thêm căm phẫn mà còn khiến cho các đảng viên, cán bộ Việt cộng khi nhìn thấy lãnh đạo nói một đàng (hội nhập vào dòng chảy toàn cầu hóa) nhưng lại làm một nẻo (kiểm soát những phương tiện giúp người dân tham gia vào tiến trình hội nhập). Hàng triệu người sử dụng Internet ở trong và ngoài Việt Nam sẽ không ngồi yên để cho Hà Nội muốn làm gì thì làm. Năm 2010 sẽ là năm bùng nổ trận chiến Internet tại Việt Nam. Đây là trận chiến khởi đầu cho ngày tàn của một chế độ bạo tàn, ngu dốt và đang đi ngược lại với sự tiến hóa của nhân loại.

Trung Điền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét