2009/10/12

Tại Sao Hà Nội Không Dám Xử Tội Treo Biểu Ngữ Của 9 Người Yêu Nước


Một lần nữa nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã lún sâu vào tội phản dân tộc khi kết án 59 năm tù (gồm 32 năm giam cầm và 27 năm quản chế) đối với 9 nhà dân chủ yêu nước gồm nhà thơ Trần Đức Thạch, Nhà giáo Vũ Hùng, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Sinh viên Ngô Quỳnh, ông Nguyễn Văn Túc, ông Nguyễn Mạnh Sơn, ông Nguyễn Văn Tính, ông Nguyễn Kim Nhàn trong các phiên tòa tại Hà Nội và Hải Phòng trong các ngày 6, 7, 8, và 9 tháng 10 vừa qua. Những nhà dân chủ yêu nước đã bị kết án nặng nề chỉ vì họ lên tiếng kêu gọi mọi người cùng nhau bảo vệ đất nước đang bị phương Bắc đe dọa.

Tuy nhiên, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã dùng còng 88 (điều 88 - tuyên tuyền chống nhà nước) của bộ luật Hình sự để kết án 9 nhà dân chủ thay vì xét xử về việc họ đã cùng nhau treo biểu ngữ “Bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo Việt Nam - tự do dân chủ đa nguyên” tại Hà Nội và Hải Phòng. Trong bản kết luận điều tra của công an và cả bản cáo trạng của Viện kiểm sát, Cộng sản Việt Nam đã chỉ đề cập về một số bài viết, một số phát biểu của các nhà dân chủ mà họ cho là có “âm mưu chính trị” nhằm chống lại nhà nước.

Tại sao Hà Nội lại tránh né việc xét xử các hành động tụ họp treo biểu ngữ?

Thứ nhất, việc Hà Nội không dám đưa ra xét xử tội treo biểu ngữ vì sẽ đụng đến hai vấn đề cấm kỵ đối với chế độ. Đó là vấn đề xâm lược của Bắc Kinh đối với các lãnh hải, lãnh đảo của Việt Nam và tội bán nước của Hà Nội trong các hành vi đồng loã với Bắc Kinh từ công hàm Phạm Văn Đồng vào năm 1958 kéo dài cho đến nay. Do đó khi đưa ra xét xử, Hà Nội không thể kết án xoay quanh các hành động liên quan đến việc treo biểu ngữ vì còn phải đề cập đến nội dung và sự ảnh hưởng của nó. Đi sâu vào nội dung, Hà Nội sẽ bế tắc trong việc kết tội đối với vụ treo biểu ngữ của các nhà dân chủ. Đồng thời những phản biện qua lại về các hành vi xâm lược của Bắc Kinh giữa cán bộ Việt cộng và các nhà tranh đấu trong phiên tòa, chắc chắn sẽ đẩy Hà Nội vào thế tiến thoái lưỡng nan: Tấn công Bắc Kinh để giữ thể diện hay bênh vực Bắc Kinh để giữ chỗ dựa an toàn.

Thứ hai, khi mang vụ treo biểu ngữ ra kết án, Hà Nội còn đối diện một vấn đề nghiêm trọng khác là phản ứng chống đối của các đảng viên đảng Cộng sản về hành động bán nước của họ. Từ khi một số cựu chiến binh ký vào thỉnh nguyện thư gửi cho ông Mạnh và ông Dũng yêu cầu rút lại công hàm Phạm Văn Đồng vào tháng 5 năm 2008, ban bí thư và bộ chính trị Cộng sản Việt Nam đã phải phổ biến hàng loạt các tài liệu học tập nhằm giải thích quan điểm của đảng về các thái độ xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, hầu hết đảng viên đảng Cộng sản đã không đồng tình về các giải thích và trong những buổi họp nội bộ, đa số đã yêu cầu trung ương đảng phải có thái độ phản đối mạnh mẽ hơn đối với Trung quốc. Do đó, Cộng sản Việt Nam không thể tự bắn vào chân mình khi họ biết là không thể nào vừa làm hài lòng Bắc Kinh, vừa làm hài lòng nội bộ đảng, bởi thái độ ươn hèn của họ trong thời gian vừa qua.

Thứ ba, Hà Nội lo sợ kết quả của phiên tòa sẽ tạo sự phẫn nộ của dư luận và có thể bị kích động tạo thành một phòng trào chống đảng và nhà nước về tội bán nước, phản dân tộc khi đưa ra xét xử những người vì lòng yêu nước đã treo biểu ngữ kêu gọi mọi người bảo vệ đất nước. Mặc dù Hà Nội mang điều 88 ra xét xử đối với 9 nhà dân chủ; nhưng có thể nói là dư luận người Việt ở trong và ngoài nước rất quan tâm theo dõi, nhiều quốc gia đã cử đại diện đến dự thính tại các phiên tòa vừa qua. Tuy gọi là xử công khai; nhưng mọi diễn tiến và nội dung của phiên tòa đã bị Hà Nội kiểm soát gắt gao. Ngay cả việc loan tải kết quả của phiên tòa, lần này Hà Nội chỉ cho loan tải một cách lấy lệ trên một số kênh truyền hình địa phương, hoàn toàn khác với cách cho loan tải rầm rộ của những phiên tòa trước đây để dằn mặt dư luận.

Chính vì biết thủ đoạn tránh né của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, 9 nhà dân chủ yêu nước và cả những luật sư biện hộ đã chống lại các luận cứ kết tội của công an và Viện kiểm sát. Tất cả các nhà dân chủ đã không nhận mình có tội vi phạm điều 88 như CSVN đưa ra. Ngược lại họ đều chủ trương rằng những bài viết, những phát biểu đều nằm trong khuôn khổ của quyền tự do được quy định trong hiến pháp cũng như trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Cộng sản Việt Nam công nhận.

Các nhà dân chủ cũng đã khẳng định rằng họ là những người yêu nước và các hành động của họ - treo biểu ngữ - là thái độ biểu hiện lòng yêu nước mà tất cả mọi người Việt Nam đều phải làm và cần làm trước những đe dọa của ngoại bang. Trong bài luận cứ bào chữa trước phiên tòa xử Kỹ sư Phạm Văn Trội hôm mồng 7 tháng 10 tại Hà Nội, Luật sư Huỳnh Văn Đông đã nói:

“Trong vụ án này nếu có tội, anh Phạm Văn Trội chỉ phạm một tội duy nhất là tội dám nói lên những tiêu cực còn tồn tại trong xã hội, dám nói thật và nói thẳng những quan điểm, chính kiến của mình và chấp nhận hậu quả cho những hành động đó nhưng tội danh này không có trong Bộ luật hình sự Việt Nam. Nếu xét xử và buộc tội anh Phạm Văn Trội có hành vi tuyên truyền chống nhà nước bằng cái đơn tố cáo chính sách an ninh nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam, thì tôi nghĩ rằng cả tập thể Tòa soạn báo đảng Cộng sản cũng phải đi tù nốt vì hành vi công khai dâng biển cho Trung Quốc bằng việc biểu dương sức mạnh của quân đội Trung quốc trên vùng biển Hoàng sa - Trường sa Việt Nam thông qua bài báo trên trang báo của đảng Cộng sản ngày 4 tháng 9 vừa rồi. Nhưng chúng ta chỉ thấy ông Tổng Biên Tập chỉ bị “khiển trách” hết sức nhẹ nhàng và bị phạt 30 triệu đồng . Dư luận bất bình trước những thông tin được loan tải trên trang nhà của ĐCS và càng bức xúc trước “hình phạt” như gãi ngứa đối với cá nhân có trách nhiệm nên có người gọi đó là thứ “Công lý bất công”.

Luận cứ bào chữa của Luật Sư Huỳnh Văn Đông đã nói lên tất cả bộ mặt thật của chế độ Hà Nội đã dùng “công lý trá hình” để trù dập những tiếng nói bất khuất, yêu nước. 59 năm tù là một bản án rất nặng đối với 9 nhà dân chủ yêu nước chỉ vì cùng nhau treo một biểu ngữ kêu gọi mọi người bảo vệ đất nước. Lịch sử Việt Nam chắc chắn phải ghi lại 9 tấm gương yêu nước ngày hôm nay đã dám hành động vì đại nghĩa để chống lại Phương Bắc và tập đoàn tay sai lãnh đạo Hà Nội. Nhưng cũng từ bài học của lịch sử, những chế độ bán nước hại dân thì không bao giờ tồn tại lâu dài. Sinh viên Ngô Quỳnh, trong lời phát biểu sau cùng trước tòa án Hải Phòng vào ngày 9 tháng 10 đã nói: “Tôi hãnh diện những điều tôi đã làm và tôi mong thế hệ của tôi và các em của tôi sớm nhìn thấy một Việt Nam độc lập, tự do dân chủ”.

Trung Điền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét