Theo dõi vụ xử án tại Hà Nội và Hải Phòng trong những ngày vừa qua, lòng tôi cứ nhớ đến những vụ án tương tự cách đây gần tám chục năm. Đó là vụ chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp xét xử các nhà cách mạng Việt Nam tranh đấu cho nền độc lập tự chủ của nước nhà. Đó là vụ xử án anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học và các đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông ngày 23.3.1930. Với chính sách đàn áp dã man mọi cuộc nổi dậy của nhân dân ta, tên toàn quyền thực dân Pasquier [1] sau khi dẹp tan cuộc khởi nghĩa Yên Bái và bắt được nhiều chiến sĩ yêu nước, đã không giao cho ngành tư pháp thụ lý mà đã ký nghị định thành lập cái gọi là "Hội Đồng Đề Hình" [2] để kết tội các tù nhân chính trị mà không cần các thủ tục pháp lý như biện hộ, chống án v.v... Hội đồng này đã tuyên bố hàng trăm bản án tử hình, hàng trăm bản án tù đày biệt xứ đối với những người yêu nước chống đối chúng.
Vụ xử án chín người yêu nước trong các ngày 6, 7, 8 và 9/10/2009 vừa qua tại Hà Nội và Hải Phòng thật không khác gì các phiên xử tù nhân chính trị thời thực dân Pháp Pasquier, nếu không muốn nói là tệ hại hơn, bỉ ổi hơn. Tệ hại hơn ở chỗ CSVN đã dùng ngay hệ thống tư pháp của mình bao gồm điều 88 bộ luật Hình Sự và tòa án của họ để gán ghép tội lỗi cho những người công dân Việt Nam. Đây là điều mà tên toàn quyền thực dân Pasquier không dám làm để tránh bị người ta đánh giá nền tư pháp của Pháp là man rợ, mà phải lập ra Hội Đồng Đề Hình để xử tội những người yêu nước Việt Nam. Bỉ ổi hơn ở chỗ thực dân Pháp là quân xâm lược chiếm đóng nước ta, nên chúng thẳng tay đàn áp dân thuộc địa nổi loạn bằng bạo lực chống lại chúng. Trái lại, chính quyền cộng sản coi những người Việt Nam chống đối lại chúng một cách ôn hòa, bất bạo động, như kẻ thù khác giống nòi và đã không ngần ngại gán ghép những người yêu nước vào cái tội vu vơ là "tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam" để giáng lên đầu họ những án tù nặng nề, vô lý.
Họ là ai? và họ đã làm gì nên tội?
Sinh viên Ngô Quỳnh, sinh năm 1984 đã tham gia cuộc biểu tình bất bạo động của sinh viên Hà Nội nhân cuộc rước đuốc thế vận Bắc Kinh, ngày 29/4/2008, hô hào bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối Trung Quốc xâm lược. Anh bị kết án 3 năm tù kèm theo 3 năm quản chế.
Ông Nguyễn Kim Nhàn, 60 tuổi, dân oan bị chính quyền tịch thu nhà đất, đi khiếu kiện nhiều năm ở nhiều nơi, đặc biệt là Hà Nội. Đầu tháng 9/2008 đã cùng một số người treo biểu ngữ phản đối các tệ nạn đang hoành hành trên đất nước. Ông lãnh án 2 năm tù và 2 năm quản chế.
Ông Nguyễn Mạnh Sơn, 66 tuổi, cựu đảng viên đảng CSVN, cán bộ hồi hưu, đã có nhiều bài viết và thơ đòi hỏi đa nguyên, đa đảng. Ông đã cùng các bạn treo biểu ngữ trên cầu vượt tại Hải Phòng hồi đầu tháng 9/2008 đòi hỏi bảo vệ biên giới và chủ quyền quốc gia cũng như thực hiện đa nguyên đa đảng. Ông bị kết án 3 năm 6 tháng tù và 3 năm quản chế.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, 60 tuổi, là một trong những người đứng đầu khối Dân Chủ 8406. Bị công an bắt và đánh đập dã man khi ông cùng sinh viên tổ chức biểu tình bất bạo động chống Trung Quốc xâm lăng biển đảo Việt Nam. Ông bị 6 năm tù và 3 năm quản chế.
Ông Nguyễn Văn Tính, sinh năm 1942, cựu cán bộ giảng dậy, đã sớm có ý thức dân chủ và đã bị tù trong 2 thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Ông đấu tranh đòi dân chủ đa nguyên. Ông lãnh bản án 3 năm 6 tháng tù và 3 năm quản chế.
Ông Nguyễn Văn Túc, 45 tuổi được biết đến qua nhiều bài viết tố cáo những bất công xã hội và nạn tham nhũng cũng như sự hủ hóa của đảng CSVN. Ông bị bắt vì tham gia treo biểu ngữ trên cầu vượt ở Hải Phòng. Ông bị tuyên án 4 năm tù và 3 năm quản chế.
Anh Phạm Văn Trội, sinh năm 1972, tham gia tranh đấu cho Nhân Quyền từ năm 2006. Nhiều lần bị công an sách nhiễu, đấu tố, đánh đập. Anh bị 4 năm tù và 3 năm quản chế.
Ông Vũ Hùng, 43 tuổi, là giáo viên tại tỉnh Hà Tây, đã bị bắt và sách nhiễu bởi công an nhiều lần từ năm 2007. Thày giáo Hùng đã tham gia cuộc biểu tình bất bạo động của sinh viên Hà Nội chống Trung Quốc và bị bắt, bị hành hung dã man. Thày giáo Hùng bị tòa án Hà Nội kết án 3 năm tù và 3 năm quản chế.
Nhà thơ Trần Đức Thạch, sinh năm 1952, là bộ đội phục viên của chế độ. Ông đã sớm có những tư tưởng tự do, dân chủ, chống độc tài từ thập niên 90. Ông đã bị tòa án Hà Nội lén lút đưa ra xét xử vào ngày 6/10/2009. Thân nhân và bạn bè không được thông báo, không có luật sư biện hộ mặc dù CSVN tuyên bố là công khai xét xử theo đúng pháp luật. Ông bị kết án 3 năm tù và 3 năm quản chế.
Chín bản án vừa rồi là một xỉ nhục cho chế độ cộng sản tại Việt Nam. Các tòa án của chế độ đã không có bằng chứng cũng như yếu tố thuyết phục để buộc tội các bị cáo. Kết tội các bị cáo "tuyên truyền chống Nhà Nước" trong lúc mọi phương tiên thông tin tuyên truyền đều nằm trong tay Nhà Nước là chuyện bỉ ổi không thể tưởng tượng nổi. Như vậy, thực chất là không có vấn đề "tuyên truyền chống Nhà Nước". Vấn đề ở chỗ nào?
Nhìn lại quá trình cũng như bản cáo trạng, người ta thấy cả 9 bị cáo đều có chung một số hoạt động. Đó là họ tuyên xưng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ đòi hỏi toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ biên giới, biển đảo.
Họ lên án và phản đối Trung Quốc xâm lược. Chính những hoạt động này đã đụng chạm đến chủ nhân của bọn bán nước. Bọn này đã cúi đầu làm theo chỉ thị của Bắc Kinh để trừng phạt những kẻ nào dám chống Thiên Triều. Lịch sử đã ghi nhiều tên việt gian bán nước, theo ngoại bang giết hại người Việt Nam yêu nước. Nhưng hồi đó, quân ngoại bang chiếm đóng nước ta, đô hộ dân ta, nên có nhiều kẻ vì ham danh lợi, vì bị ép buộc đã làm việc cho giặc. Ngày hôm nay, bao nhiêu xương máu đã đổ ra để giành được độc lập, tại sao còn có chuyện Trung Quốc hoành hành tại nước ta? Hiển nhiên là có kẻ bán nước đang nằm ở thượng tầng Nhà Nước CSVN. Bọn này sợ đụng chạm đến quan thày của chúng và sẽ mất đi sự che chở, mất đi con đường tháo chạy khi nhân dân đứng lên hỏi tội chúng. Vì thế đã có những phiên tòa, những bản án phi lý, bất công vừa qua.
CSVN đã một lần nữa chứng tỏ trước nhân dân ta là họ dựa vào thế lực ngoại bang, làm tay sai, đầy tớ ngoại bang và quay lại đàn áp nhân dân ta. Bọn bán nước mượn danh giai cấp công nhân để lên nắm chính quyền, nhưng giai cấp công nhân là giai cấp cần cù lao động để làm ra miếng ăn, làm ra của cải. Bọn mạo danh, bản chất là thành phần cặn bã của xã hội, chây lười, ăn bám, bóc lộ, độc tài.
Là người Việt Nam ai cũng phải thấy được phải lấy dân tộc làm căn bản, lấy đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Tại khu di tích lịch sử Nguyễn thái Học ở Yên Bái, nơi thực dân Pháp đã dựng máy chém, nơi các liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã hiên ngang hiến mình cho Tổ Quốc, giữa hai phần tượng đài và phần mộ là một tấm bia lớn cách điệu. Trên hai mặt bia đều khắc dòng chữ vàng “Yên Bái, đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ ” (Louis Aragon). Mỉa mai thay, những lời lẽ này lại do chính quyền Yên Bái khắc ghi khi xây dựng khu di tích này từ 1991 đến 2002.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét