2016/04/08

Ráng làm người tử tế

Phạm Nhật Bình


Trong phiên họp cuối cùng, gọi là để chia tay các thành viên chính phủ trước khi về cầm sổ hưu vào ngày 6 Tháng 4 sắp tới, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ngỏ lời khuyên những người sắp về vườn cùng với mình kỳ này mấy điều thoạt nghe thật chí tình. Ông nói với những người đồng hội đồng thuyền rằng hãy “ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, ráng làm người tử tế, sống tử tế”.

Giữ gìn sức khoẻ

Trước hết xin lạm bàn về sức khỏe cán bộ. Đối với loại cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng như thủ tướng và các bộ trưởng, từ trung ương đã có Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Cán bộ Trung ương. Ngoài ra hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, từ lâu đã mọc đầy các Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Cán bộ trực thuộc địa phương.

Đây thực sự là những bệnh viện trá hình với bác sĩ tốt nhất, máy móc dụng cụ y khoa tối tân nhất và thuốc men điều trị cũng thuộc loại đắt tiền nhất. Nhiệm vụ của những bệnh viện loại quý tộc này dĩ nhiên nằm trong tên gọi rất rõ ràng của nó: “Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Cán bộ đảng”. Có thể nói đây là nơi dành riêng của triều đình cộng sản, người dân không được héo lánh tới.

Những cơ ngơi đặc biệt này tồn tại song song với hệ thống bệnh viện công cộng, nơi mà bệnh nhân thường chen chúc nằm hai, ba người một giường hay thậm chí phải trải chiếu nằm cả dưới gầm giường. Cán bộ trái gió trở trời vào Ban Bảo vệ và Chăm sóc để chữa trị chắc chắn sẽ hưởng đầy đủ mọi tiện nghi tân tiến không thua bất cứ một nền y tế nào trên thế giới.

Và lại càng chắc chắn hơn, các quan cộng sản sẽ không rơi vào tình trạng bị bó bột rồi cắt chân như em học sinh Hà Vy 15 tuổi ở Lâm Đồng vừa qua. Hay như bệnh nhân Hứa Cẩm Tú ở Cần Thơ được Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ mổ thận trái, bác sĩ tiện tay cắt luôn thận phải.

Em Hà Vy bị cưa chân do sự tắc trách của bệnh viện

Cán bộ vào Ban này để “nghỉ dưỡng” hay điều trị cũng không sợ tình trạng viện phí tăng chóng mặt và hứa hẹn còn tăng tiếp như ở các bệnh viện công hiện nay. Như thế lời khuyên của thủ tướng tuy có vẻ “thâm tình đồng chí” với nhau nhưng quả là thừa. Sức khỏe cán bộ đã có đảng chăm lo tận tình cho tới lúc qua đời, bình thường hay bất đắc kỳ tử.

Dưới thời phong kiến, các ông vua bà chúa chỉ có một vài ngự y trong triều đình. Nay tiến sang thời Cộng Sản, các vua quan cộng sản có “ngự y – ngự viện” ở khắp nơi, chi phí thì người dân đồng đều đóng góp. Quả là “công bằng” và “tử tế”.

Công dân tốt

Lời khuyên tiếp theo “ráng làm công dân tốt” có thể gộp chung với “ráng làm đảng viên tốt”. Vì lẽ đối với những người cộng sản, làm công dân tốt tất nhiên không thể bằng một đảng viên tốt. Một công dân tốt bất quá chỉ lo chạy vạy miếng cơm manh áo hàng ngày, tuân thủ pháp luật của Bộ Công an đặt ra và thi hành, lo đóng đủ loại hàng trăm thứ thuế, phí và lệ phí đầy đủ. Như thế có gì hấp dẫn đâu để cán bộ ráng làm công dân tốt?

Ngược lại ráng làm một đảng viên tốt ngay cả khi về hưu luôn luôn là mục tiêu phấn đấu hàng đầu. Phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lê, luôn học tập và noi gương “đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh”, không thắc mắc khi nào xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, vì cụ Nguyễn Phú Trọng đã xác định “không biết sang thế kỷ sau đã xây dựng xong chưa?”.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa khai mạc Hội nghị Thông bao nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 11 Khoá XI và học tập chuyên đề về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015. Ảnh: Laodongxahoionline.vn

Thỉnh thoảng cũng nên tuyên bố một vài câu đâm hơi về thời sự chính trị kinh tế để mọi người đừng quên mình và thấy được cái trí tuệ cao siêu của cán bộ lúc hết thời. Ngoài ra lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ cho con cháu, đàn em đủ mọi loại “chạy”, từ chạy chức, chạy ghế, đến chạy dự án, chạy giấy tờ, vân vân,... để chúng dễ dàng kinh doanh làm ăn, vơ vét tài sản quốc gia còn sót lại.

Như thế, làm một đảng viên tốt thì chắc chắn là dễ rồi, cán bộ nào biết ăn lương nhà nước, biết quơ quào cho bản thân lúc còn chức quyền đều làm được. Nếu có ai thắc mắc về mấy toà biệt thự, về nội thất giát vàng như cung điện, về nhà thờ tổ, nhà thờ họ lộng lẫy-hoành tráng,... thì chỉ cần nói là bản thân phải “lao động đến thối cả móng tay” (như nguyên Tổng Thanh Tra Chính Phủ Trần Văn Truyền đã nói) là chẳng ai dám thắc mắc nữa. Tấm gương lao đao “lên bờ xuống ruộng” của những người chống tham nhũng còn sờ sờ ra đó.

Làm Người tử tế

Nếu lời khuyên “ráng giữ gìn sức khoẻ” và lời khuyên “ráng làm người công dân tốt” của ông “nguyên thủ tướng” không có gì đáng phải bàn (như đã trình bày ở trên), thì lời khuyên “ráng làm người tử tế” lại rất đáng nghi ngờ. Vì trong quá khứ, bản thân thủ tướng và khoảng 15 tay chân của ông trong chính phủ bị cho nghỉ trước thời hạn không chứng minh được rằng họ từng là những người tử tế.

Là người đứng đầu chính phủ trong suốt gần hai nhiệm kỳ, ông Nguyễn Tấn Dũng không thể tự hào và thanh thản hạ cánh an toàn để cùng mọi người “ráng làm người tử tế”. Lý do là di sản của ông để lại quá lớn, tiếc thay lại là thứ di sản tồi tệ.


Không ai quên ông là người góp phần lớn lao trong vụ chìm lỉm của “quả đấm thép” và nhiều thứ Vina khác, dù ông giải trình trước quốc hội “chỉ chịu trách nhiệm chính trị chứ không làm gì sai”.

Thử hỏi trong 10 năm qua, dưới triều đại toàn quyền của ông có bao nhiêu blogger, người bất đồng chính kiến bị bắt bớ, bị bỏ tù hay bị công an côn đồ đánh đập tàn bạo? Ngay cả những tù nhân lương tâm sau khi mãn hạn tù, tiếp tục bị công an theo dõi, trù dập, triệt hạ đường sống điển hình như anh Trần Minh Nhật trong thời gian gần đây.
Tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật, một trong nhiều nạn nhân của triệu đài Nguyễn Tấn Dũng.

Trong khi đó thì mồm ông đã tuôn ra không biết bao nhiêu lời lẽ có cánh về dân chủ, về pháp quyền, về quyền của công dân, về chủ quyền đất nước,... Tất cả đều được ông nói ra đúng vào bối cảnh của sự việc khiến không ít người hồ hởi, phấn chấn. Nhưng rút cuộc thì tất cả chỉ là những xảo ngôn, còn hành động thì luôn luôn theo đúng nề nếp của những lãnh đạo cộng sản.

Cái di sản tồi tệ ấy còn thể hiện trong tình trạng tham nhũng trong đảng và chính phủ phát triển mãnh liệt do được kích thích tột độ bởi kinh tế thị trường hoang dại và lợi ích phe nhóm. Điểm nổi bật cần ghi nhận sự xuất hiện cái gọi là từ “lợi ích nhóm” được thêm vào ngôn ngữ Việt Nam trong triều đại ông Nguyễn Tấn Dũng.

Trước đó ngày 21/3 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người được nói là kế nhiệm chức thủ tướng nay mai phải thừa nhận trước quốc hội “nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ chính phủ đã vượt giới hạn quy định”. Cái núi nợ công ấy nay tính ra đã lên tới 50,3% GDP, so với mức ấn định 50%. Cũng chính vì thế, ngay từ những tháng đầu năm Việt nam đã phải vay tiền để trả nợ vay trước và chi tiêu vào những công trình “hoành tráng” khắp nơi mà xét ra chỉ là những công trình vô tích sự. Như đề án chi ra 1.400 tỷ đồng mua máy bơm nước chống ngập hay bỏ ra 1.000 tỷ đồng lót đá hoa cương cho vỉa hè Quận 1 thành phố HCM.

Kết luận

Theo định nghĩa thì sự tử tế là một chuẩn mực đạo đức quan trọng trong cuộc sống, là một phép tắc cần thiết trong giao tiếp giữa người với người. Ở đâu có tử tế thì ở đó có sự an vui, ở đâu thiếu tử tế thì ở đó mọi người bất hòa nhau và không tôn trọng lẫn nhau.

Sự tử tế chỉ có khi ngưới ta chân thành, tin tưởng và thương yêu lẫn nhau. Xã hội Việt Nam sau mấy chục năm dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản hai yếu tố vừa kể đã dần dần bị tiêu diệt, để trở thành một xã hội mà người ta “phải dối trá nhau để sống” (lời Luật Sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội), một xã hội mà người ta sẵn sàng dùng bạo lực với nhau chỉ vì những va quẹt nhỏ nhặt. Xã Hội Việt Nam, như vậy vì chính cái đảng đang cai trị đất nước đặt nền tảng sự cai trị của họ trên sự dối trá và bạo lực, những nền tảng phát sinh ra những hiện tượng vừa kể. Bởi vậy, tự thân đảng Cộng Sản không bao giờ là một đảng tử tế.

Không tử tế với dân đã đành (’ăn của dân không từ một thứ gì’), mà chính trong nhóm lãnh đạo của họ với nhau cũng chẳng bao giờ tử tế. Bởi vậy mới có những chuyện như ông Đỗ Mười nói “nó lật tôi thì tôi lật nó” hay chuyện nghị quyết “đểu” 244 của Nguyễn Phú Trọng để chặn chân “đồng chí” Nguyễn Tấn Dũng của ông ta.

Nguyễn Tấn Dũng là nhân vật chóp bu của cái đảng không hề tử tế, nay về vườn lại khuyên bảo nhau hãy sống cho tử tế thì quả là khó cho các “đày tớ nhân dân” dù về vườn hay tiếp tục “làm đầy tớ”, vì bản thân của họ chỉ là những thành phần cấu thành cái đảng không tử tế đó.

Cho nên ở vào lúc hoàng hôn của chế độ độc tài, ông Dũng cũng chỉ như các các lãnh đạo đầu sỏ của đảng trước đây lúc đã giả từ quyền lực, ráng rặn một vài câu thoạt mới nghe qua cũng hay hay.
Nhưng ngẫm lại chẳng ra gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét