Tương lai của Đảng CSVN và Thái thượng hoàng Nguyễn Phú Trọng sẽ kéo dài bao lâu trong thời đại bùng nổ mạng xã hội? |
Lãnh đạo CSVN đã thay thế ba chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội trong kỳ họp chót của Quốc hội khóa XIII, chẳng khác nào “đám cưới chạy tang”.
Họ viện dẫn rằng việc các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng không còn nằm trong Trung ương đảng và Bộ chính trị mới, mà lại tiếp tục nắm giữ 3 quyền nói trên cho đến sau bầu cử Quốc hội khóa XIV vào ngày 22 tháng 5, sẽ gây ra khủng hoảng quyền lực ở thượng tầng.
Núp dưới cái gọi là “ổn định chính trị”, Quốc hội CSVN đã thay thế ông Sang bằng ông Trần Đại Quang, ông Hùng bằng bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Dũng bằng ông Nguyễn Xuân Phúc trước thời hạn. Nhưng đây chỉ là thay thế tạm, đến tháng 7 này, những người nói trên phải trải qua cuộc bỏ phiếu chính thức sau khi xong bầu cử Quốc Hội khóa XIV.
Bộ ba (từ trái): Ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân. |
Những diễn tiến lạ thường nói trên nằm trong sự dàn dựng của ông Nguyễn Phú Trọng ngay từ tháng 11 năm 2015, với sự đồng lõa của Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng.
Nhanh chóng loại phe Nguyễn Tấn Dũng
Sau khi loại được ông Dũng ở hiệp cuối cùng tại Đại hội XII hôm cuối tháng Giêng, 2016, ông Nguyễn Phú Trọng thật sự chưa an tâm.
Ngày nào mà ông Dũng còn nắm ghế Thủ tướng, quyền lực của ông Dũng vẫn nổi trội hơn chức Tổng bí thư của ông Trọng. Vì thế mà non 6 tháng chuyển tiếp từ tháng Giêng, 2016 cho đến khi tân Quốc hội khóa XIV nhóm họp vào đầu tháng Bảy, 2016 để bầu lại chức Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, ông Trọng sẽ không thể sắp xếp đội hình nhằm củng cố lại uy quyền Tổng bí thư.
Hơn thế nữa, ông Trọng đã tốn công đẩy 14/23 Bộ trưởng thuộc loại tay chân của ông Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi Trung Ương đảng khóa XII, mà lại để ông Dũng và 14 ông Bộ trưởng tiếp tục “nắm quyền” trong nội các chuyển tiếp, chỉ giúp cho các nhóm lợi ích của phe ông Dũng tiếp tục làm mưa làm gió.
Việc thay đổi ba chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội vừa rồi, giúp cho ông Nguyễn Phú Trọng củng cố 2 điều:
Một là loại ngay quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng để không còn tạo ảnh hưởng lên bộ máy chính phủ của người kế nhiệm là Nguyễn Xuân Phúc, vốn không có nhiều khả năng như Nguyễn Tấn Dũng.
Nói cách khác, ông Trọng muốn nhanh chóng chấm dứt tình trạng sứ quân mà chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban phát cho các Bộ và các địa phương, cũng như ông Trọng muốn đưa việc kiểm soát bộ máy kinh tế vào trong tay đảng. Việc đưa ông Vương Đình Huệ, người rất thân cận của ông Trọng, nguyên trưởng ban kinh tế Trung Ương đảng, về làm Phó Thủ tướng thường trực bên cạnh ông Phúc, cho thấy ý đồ nói trên của ông Trọng.
Ông Vương Đình Huệ |
Theo sự phân công trong chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ trực tiếp theo dõi và chỉ đạo ngành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
Hai là với bộ ba mới, ông Trọng nhanh chóng sắp xếp nhân sự theo ý đồ riêng để có thể củng cố bộ máy đảng trong các cơ quan nhà nước, chính phủ, quốc hội nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Tổng bí thư qua Ban bí thư trung ương.
Nói cách khác, ông Trọng muốn chấm dứt tình trạng “cá mè” một lứa trong Bộ chính trị kéo dài từ thời ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư vào năm 2001 cho đến nay, nâng quyền lực của Tổng bí thư phải vượt lên trên tất cả.
Việc ông Trọng tóm thu quyền lực đồng nghĩa với việc củng cố thế lực của phe bảo thủ nhằm ngăn chận mọi ý đồ của phe nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng dùng chiêu bài dân chủ hóa để khuynh loát nội bộ và dư luận.
Củng cố vị trí Thái Thượng Hoàng
Nhưng thâm ý của ông Trọng không chỉ dừng ở việc tái kiểm soát lại bộ máy chính phủ mà còn chuẩn bị cho mình một vị trí mới khi phải ra đi vào năm tới.
Trong lúc chuẩn bị nhân sự tứ trụ cho đại hội 12 vào cuối năm 2015, Nguyễn Phú Trọng không chỉ muốn loại ông Dũng trong cuộc đua mà còn tự đề nghị chính mình ở lại vị trí Tổng bí thư thêm một năm.
Giải pháp ở lại của ông Trọng đã được Ban tổ chức và Ban tuyên giáo trung ương đảng gồm các ông Tô Huy Rứa, Đinh Thế Huynh, Vũ Ngọc Hoàng, Nguyễn Thế Kỷ ủng hộ và tung người đi vận động ở các địa phương.
Vì thế sau khi bầu cử xong Quốc hội khóa XIV và tái đề cử ba chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội một lần nữa vào tháng 7 tới đây khi tân quốc hội nhóm họp, Nguyễn Phú Trọng sẽ triệu tập Hội nghị lần thứ 3 của Trung ương đảng mới.
Tại Hội nghị 3, ông Trọng sẽ đề cập về việc ra đi của mình để Trung ương chọn người thay thế. Nhiều phần Đinh Thế Huynh, thường trực ban bí thư, sẽ là người được ông Trọng chấm là người kế vị Tổng bí thư.
Ông Đinh Thế Huynh |
Có như vậy, dù phải về hưu giữa nhiệm kỳ, những người mà ông Trọng đã sắp xếp ở Tứ trụ và tại các ban ngành Trung ương trong thời gian qua, sẽ coi ông Trọng là một “bố già” như Đỗ Mười đã từng làm khi trao quyền Tổng bí thư giữa nhiệm kỳ cho Lê Khả Phiêu vào năm 1997.
Nói cách khác, ông Trọng biết là không thể ngồi ghế Tổng bí thư đến hết nhiệm kỳ; nhưng cũng không muốn mất ảnh hưởng ở trong đảng, nhất là lo sợ phe cánh Nguyễn Tấn Dũng phục hoạt, nên tìm mọi cách gây ảnh hưởng để trở thành loại bố già đặc biệt.
Trong vị trí Thái thượng hoàng, Nguyễn Phú Trọng sẽ tìm cách:
1/ Ngăn chận mọi xu hướng vận động cải cách chính trị, tiếp tục kiên định trong lô cố Mác Lê-nin dù là “đến cuối thế kỷ này không thấy nó mặt mũi ra sao” như ông Trọng đã tuyên bố.
2/ Tiếp tục coi Trung Quốc là chỗ dựa về mọi mặt, và núp dưới chiêu bài “giữ ổn định tình hình” để tránh né mọi cuộc đối đầu với sự bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông.
3/ Để cho bộ máy an ninh gia tăng các cuộc đàn áp, khống chế những hoạt động của các đoàn thể xã hội dân sự, vì theo ông Trọng đó là mầm mống của “diễn biến hòa bình”.
Lý do dễ hiểu là ông Trọng rất lo ngại có những thay đổi nằm ngoài tầm kiểm soát của ông và của phe giáo điều trong tình hình hiện nay.
Họ biết tầm kiểm soát của đảng trong xã hội đang bị thu hẹp, nội bộ không còn thuần nhất, và tất cả dựa trên buôn quan bán chức, trong khi phải đối diện với sức mạnh của phong trào dân chủ đang vươn cao.
Tóm lại, những thay đổi nhân sự trong thời gian qua trên thượng tầng đều nằm trong sự dàn dựng của ông Trọng, với ý đồ tạo cho mình vị trí Thái thượng hoàng để vừa làm an lòng Bắc Kinh, vừa kiềm chế mọi xu hướng thay đổi hầu tiếp tục giữ chặt quyền lực đảng trong 5 năm tới.
Nhưng các ý đồ của ông Trọng hoàn toàn đi ngược với xu thế của thời đại dân chủ hóa đang phổ cập toàn cầu. Điều này cho thấy là tương lai của đảng CSVN nói chung và của chính ông Trọng nói riêng sẽ không còn bao lâu nữa vì Thái thượng hoàng của thời đại bùng nổ mạng xã hội khó duy trì.
Ông Trọng ra đi sẽ đồng nghĩa với sự rối loạn nội bộ của đảng CSVN và sự cáo chung của chủ nghĩa “hèn với giặc, ác với dân.”
Trung Điền
18/4/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét