2016/04/17

Chưa bắt đầu mà đã sợ không làm hết việc?

Phạm Nhật Bình


Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội Khóa 13 hối hả nặn ra xong, đảng liền xoa tay mừng vì chiêu trò “kiện toàn nhân sự” thành công. Có người khen thành phần chính phủ kỳ này có nhiều gương mặt “kỹ trị”, như thế là khá hơn chính phủ trước.

Chẳng hạn, Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến người trong thời gian giữ chức Bộ Trưởng Y Tế được dân gán cho danh hiệu “chích đâu chết đó” nay vẫn chễm chệ tại vị. Dân đen không biết “kỹ trị” nó tốt đến đâu nhưng cứ nhìn vào mặt chủ tịch nước Trần Đại Quang, không ai không thấy màu sắc “công an trị.”

Một trong những bộ trưởng rất đáng lưu ý là ông Trương Quang Nghĩa, được cử làm Bộ Trưởng Giao Thông thay thế ông thần nổ Đinh La Thăng. Đây cũng là một bộ mà trong thời gian qua mang nhiều tai tiếng hơn danh tiếng ngay giữa thủ đô Hà Nội, dù ông Thăng cố gắng nổ liên tục. Con đường “cong mềm mại” mang tên Trường Chinh mà ngành này xây dựng gây nhiều tranh luận trong dân cuối cùng vẫn tồn tại trong sự dè bỉu của mọi người.

Ông Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa có nhiều cái rất đặc biệt. Một trong những cái đặc biệt nổi bật nhất là trong suốt thời gian phục vụ đảng, ông chưa bao giờ dính líu đến ngành giao thông công chánh. Thế nhưng điều đó không cản trở quốc hội bỏ phiếu tán thành ông ngồi vào chiếc ghế khá béo bở này.

Ngay sau khi nhậm chức, trong một cuộc tiếp xúc với truyền thông quốc doanh, ông Nghĩa đã tỏ ra là một đày tớ dân năng nổ khi tuyên bố: “Việc còn rất nhiều và ngổn ngang, tôi e rằng trong 5 năm nhiệm kỳ khó có thể làm hết những gì mình mong muốn. Tuy nhiên, có một điều phải làm bằng được, đó là tiếp tục đổi mới. Chỉ có đổi mới, ngành mới có thể phát triển..."

Xem ra hai chữ “đổi mới” rồi cứ loay hoay trở về “đổi y như cũ”, sau hơn 30 năm vẫn còn ăn khách đối với các chính trị gia cộng sản. Đổi mới giống như một lá bùa vượt thời gian được đảng tán dương mỗi khi có dịp để minh chứng cho tài năng lãnh đạo của mình, mang tính “khai sáng” những gì thiên hạ đã bỏ lại sau lưng. Nay ông Bộ trưởng Nghĩa cũng vội vàng nhặt lấy hai chữ đổi mới để hô hào và lòe cán bộ ngành cũng như bịp dư luận.

Nếu đọc kỹ lý lịch ông này, người ta thấy bề dầy kinh nghiệm của ông là “16 năm công tác trong quân đội và 16 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh tại VINACONEX.”

Khi nhắc tới VINACONEX (Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam) người dân Hà Nội không thể nào quên “sự cố” 17 lần vỡ ống nước sạch Sông Đà sau ba năm sử dụng. Tổng Công Ty VINACONEX là chủ đầu tư công trình này, đã trình diễn một màn bi hài kịch có một không hai trong lịch sử phục vụ nhân dân!

Đường ống nước sông Đà bị vỡ lần thứ 17 ngày 31-12-2015, làm nhiều người dân khu vực Hà Nội bị thiếu nước sinh hoạt. Hình: Hà Nội Mới
Tân bộ trưởng nhà ta chưa có ngày nào làm việc trong Bộ giao thông - Công chánh. Thậm chí ông cũng không có những công việc gì liên quan đến giao thông mà toàn là những công việc hành chánh bên đảng, bên kinh doanh. Ông cũng thừa nhận “công việc còn rất nhiều và ngổn ngang”, nhưng ông chưa đủ thành thực hay kinh nghiệm để nhìn ra bộ máy giao thông tại Việt Nam đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất.

Việt Nam là nơi mà mật độ giao thông và nạn kẹt xe là cơn ác mộng của hàng triệu người, hàng ngày phải mất nhiều giờ để di chuyển qua những đoạn đường được báo cáo tiêu tốn bạc tỷ. Tai nạn giao thông ở Việt Nam nhiều không hề thua kém bất cứ nước nào riêng ở Á Châu. Nhiều năm qua, người dân vẫn ngậm ngùi sống chung với những dự án cao tốc nghìn tỷ, hôm trước thông xe tuần sau bong tróc, lún sụt. Và thật sự họ thấy túi tiền còm cõi của mình càng ngày càng vơi đi theo hàng chục loại phí và lệ phí giao thông.

Thế mà theo báo cáo của Bộ xây dựng, tiền đầu tư đường cao tốc 4 làn xe tại Việt Nam lên đến từ 7,4 – 28,2 triệu USD/km. Một con số cao đáng kinh ngạc so với nhiều nước, kể cả những nước phát triển như Hoa Kỳ.

Không thể nói gì khác hơn, đây chính là cái ổ tham nhũng nơi đã từng xuất hiện nhiều vụ án tham ô, điển hình như PMU 18 đầu năm 2006. Rồi hai năm sau, cuối năm 2008, vụ tham nhũng Xa lộ Đông Tây khiến phía Nhật bản tuyên bố đình chỉ các dự án ODA với Việt Nam. Năm 2009, những viên chức trách nhiệm trong dự án “Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn 1” đã vui vẻ nhận tiền lót tay của đại diện nhà thầu tư vấn JTC để sau đó cùng nhau âu sầu trước vành móng ngựa.

Ngay tại Hà Nội, ngành giao thông vận tải cũng ghi một điểm đen trong dự án Cát Linh – Hà Đông. Mặc dầu muối mặt chấp nhận “đội vốn” 250 triệu đô-la, mà nguồn vốn vay cũng do Trung Cộng cung cấp, Tổng thầu Trung Cộng vẫn gây khó khăn. Cho tới nay chưa biết đường sắt trên cao bao giờ mới hoàn thành để người dân thủ đô có thể ngồi tàu uốn lượn trên những đọa đường mềm mại trên không.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Mới nhận chức, thay vì trình bày chương trình hành động, ông Nghĩa tỏ ra có tinh thần phục vụ rất cao. Ông nói về đủ mọi vấn đề ở một bộ nhiều tai tiếng mà ông Đinh La Thăng để lại. Ông lại lo lắng là với một nhiệm kỳ 5 năm ngắn ngủi, sẽ không biết làm sao làm cho hết những việc như mong muốn. Lo lắng nhưng lại hô khẩu hiệu như ông Thăng là đổi mới… đổi mới hơn nữa để ngành giao thông phát triển.

Người dân hoàn toàn không biết ông Nghĩa sẽ đổi mới điều gì trong một ổ tham ô bê bối kinh niên. Nhưng có điều mà người ta thấy rõ nhất, là ông Nghĩa sẽ nhanh chóng đổi mới cách ăn hối lộ và tham nhũng sao cho kín đáo hơn, táo bạo hơn để bộ ông xứng đáng là lá cờ đầu trong việc xây dựng xã hội chủ nghĩa hoàn thiện vào cuối thế kỷ 21.

Ông Nghĩa sẽ không đủ khả năng la to hay múa gươm trảm tướng như người tiền nhiệm họ Đinh, nhưng với 5 năm chắc chắn ông đủ thời gian để đổi mới cách xà xẻo ngân sách quốc gia hay cùng nhà thầu chặt đẹp các dự án ODA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét