Radio Chân Trời Mới - Trần Quang Thành
Mấy ngày qua dư luận rất bức xúc trước việc ngư dân Trương Đình Bảy ở
tỉnh Quảng Ngãi đã bị bắn chết trong khi đang hành nghề tại khu vực
quần đảo Trường Sa. Hàng chục năm nay trên báo chí thường xuyên đăng tải
các tin tức ngư dân Việt Nam bị đe dọa tính mạng và tài sản khi đi đánh
bắt cá tại khu vực Hoàng Sa, Trường Sa. Có lúc bị tàu Trung Quốc rượt
đuổi bắt bớ, đánh đập trọng thương, tịch thu ngư cụ, tàu thuyền, sản
phẩm, bị tù đày phạt vạ. Có lúc những tai nạn đó là do tàu nước lạ gây
nên. Câu hỏi được đặt ra là: trách nhiệm của giới cầm quyền Cộng Sản
Việt Nam ở đâu trong việc bảo vệ ngư dân đi hành nghề tại vùng biển
thuộc chủ quyền của Việt Nam? Hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư được
trang bị đầy đủ do tiền thuế của người dân đã thực thi trách nhiệm của
mình ra sao? Từ Hà Nội Ls. Nguyễn văn Đài đã chia sẻ cảm nghĩ với phóng
viên Trần quang Thành như sau, mời quý vị cùng nghe:
Trần Quang Thành: Thưa Ls. Nguyễn văn Đài, mấy hôm nay dư
luận xã hội rất quan tâm đến vụ một ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã bị bắn
chết trong khi đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Trường Sa. Dư luận đang
đặt ra là có người bảo là Philippines bắn, có người thì bảo là có thể
Trung Quốc thuê người khác bắn, có nhiều chuyện chưa rõ ràng nhưng người
phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam thì có ra tuyên bố lên án hành
động man rợ này và yêu cầu phải làm sáng tỏ. Ông bình luận thế nào về
vấn đề này?
Ls. Nguyễn Văn Đài: Vâng, sau sự kiện một ngư dân Quảng Ngãi
bị bắn chết trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì một số báo chí Việt
Nam bình luận đây có thể do xâm phạm vùng lãnh hải của Philippines và
bị ngư dân Philippines bắn chết; có báo thì nói đây có thể là một vụ
cướp biển. Thế nhưng cả hai cái điều đấy theo quan điểm của tôi thì
không chính xác bởi thứ nhất, nếu là ngư dân Philippines thuần tuý thì
chúng ta biết rằng giữa Việt Nam và Philippines từ xưa đến nay rất ít
đụng độ với nhau, hầu như không có đụng độ với nhau trên biển; đặc biệt
người dân Philippines có trình độ dân trí rất là cao. Họ không bao giờ
có thể làm chuyện đó và họ hiểu rằng là khi họ làm chuyện như vậy thì sẽ
gây ra sự mâu thuẫn giữa hai nước Việt Nam và Philippines và không có
lợi cho cả Việt Nam và Philippines. Đấy là đứng khía cạnh người dân, tôi
tin người dân Philippines đều rất hiểu rõ điều này.
Thứ hai về cấp chính phủ không bao giờ chính phủ Philippines ra lệnh
hay chỉ thị hay bằng cách nào đấy để tác động vào người dân để thực hiện
những hành vi giết ngư dân của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa bởi vì
Philippines hiện nay mặc dù họ là đồng minh của Mỹ, đồng minh của Nhật;
thế nhưng họ cũng rất cần Việt Nam vì hai nước cùng là thành viên của
ASEAN, hai nước có rất nhiều lợi ích chung lớn hơn rất nhiều so với các
tồn tại tranh chấp từ xưa đến nay; cho nên về khía cạnh cấp chính phủ và
cấp người dân về phía Philippines cho rằng họ không có làm cái chuyện
đấy.
Về khía cạnh cướp biển thì cũng hoàn toàn không phải. Bởi vì theo
tường trình của những người ngư dân mà báo chí loan tải thì người thực
hiện nhiệm vụ giết người họ chỉ nhảy lên thuyền và họ nhắm thẳng vào ông
Bảy và bắn hai phát đạn rồi sau đó thì anh ta vứt súng và bỏ chạy chứ
anh ta không có ý định cướp tài sản hay có ý định tiếp tục bắn chết
những người khác. Thế thì tại sao lại như vậy? Mục đích ở đây chỉ muốn
giết người để hăm dọa, gây nỗi sợ hãi cho những ngư dân khác. Họ để cho
những người ngư dân khác sống để trở về đất liền để kể lại những cái
chuyện đó cho những người ngư dân khác để tạo sự sợ hãi không dám tiếp
tục ra khu vực ngư trường Trường Sa để tiếp tục đánh bắt cá nữa.
Cả hai lý do mà báo chí Việt Nam nêu lên hay những người khác bình
luận quan ngại thì tôi cho rằng hoàn toàn không chính xác. Theo quan
điểm của tôi, cho dù bất kỳ người thực thi nhiệm vụ giết người đấy là
người mang quốc tịch nước nào thì người chủ mưu đứng đằng sau chắc chắn
đó là một nước lớn, đó là Trung Quốc. Bởi vì chúng ta có thể hiểu rằng
là không có nước nào được hưởng lợi lớn hết trong khu vực quần đảo
Trường Sa khi mà ngư dân Việt Nam bỏ ngư trường truyền thống của mình;
thì đó là điều kiện để Trung Quốc từng bước họ tuyên bố chủ quyền của
họ. Trong suốt những năm qua họ đã tiến hành cưỡng chiếm những đảo đá
ngầm rồi trong hai năm trở lại đây thì họ liên tục xây dựng những điểm
đá ngầm đó trở thành các căn cứ quân sự và từng bước họ đang quân sự hoá
trên khu vực. Trước khi những ngư dân Việt Nam bị bắn chết thì tàu quân
sự Trung Quốc đã từng gần như tập trận chĩa vũ khí cũng như là hướng
cái nòng súng của họ về phía tàu vận tải phi quân sự của Việt Nam khi
đang đến tiếp tế cho các đảo có bộ đội Việt Nam ở trên đó.
Rõ ràng hành vi hiếu chiến, cố ý giết người ở trên khu vực Hoàng Sa,
khu vực Trường Sa cũng như Biển Đông nói chung trong những năm vừa qua
mang tính chất rất dã man tàn bạo mà hoàn toàn do phía Trung Quốc thực
hiện. Tôi cho rằng vụ mới đây nhất cũng không nằm ngoài cái khả năng do
Trung Quốc chủ mưu. Một lần nữa tôi nhắc lại là cho dù người thực thi
việc bắn giết ngư dân Việt Nam mang quốc tịch nước nào đi nữa thì những
kẻ chủ mưu thuê mướn hay ra lệnh đều là Trung Quốc cả.
Trần Quang Thành: Chính phủ Việt Nam có rất nhiều phương
tiện hiện đại để bảo vệ lãnh hải, bảo vệ người dân của mình. Ví dụ họ có
cả haải quân, có cảnh sát biển, có kiểm ngư đủ cả. Trong khi Trung Quốc
thì họ kiên quyết bảo vệ ngư dân của họ bằng các hành động rất là cụ
thể; Philippines, Thái Lan, Indonesia cũng vậy. Nhưng riêng ngư dân Việt
Nam hầu như là vắng bóng sự bảo vệ của những phương tiện của nhà nước
Việt Nam trên biển, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ls. Nguyễn Văn Đài: Vâng, điều đấy thì cũng rất rõ ràng. Theo
báo chí Việt Nam đưa tin thì ngay sau khi ông ngư dân của Quảng Ngãi bị
bắn chết thì tàu cá họ đã đến một hòn đảo có bộ đội Việt Nam đóng quân
gần nhất để trình báo về sự việc thì báo chí cũng không đưa tin những
người lính ở trên đảo đó họ có những hành động cụ thể nào; ví dụ như họ
gửi xuồng cao tốc hay có thể cử tàu tuần tra ra ngay địa điểm bị bắn
chết để truy tìm thủ phạm, vì theo người dân mô tả thì những người thủ
phạm đó họ chỉ đi trên những cái tàu đánh cá rất là bình thường chứ
không phải đi trên tàu quân sự hay tàu gì khác cả. Cho nên nếu như với
những phương tiện hiện đại của Hải quân Việt Nam được trang bị thì họ dư
sức đuổi theo hoặc truy tìm thủ phạm ngay lập tức khi mà được ngư dân
trình báo. Thế nhưng báo chí hoàn toàn không đề cập đến vấn đề này, đồng
thời chúng ta biết những năm qua thì mặc dù Hải quân Việt Nam cũng được
Cảnh Sát Biển, Kiểm Ngư được tiền thuế của dân bỏ rất là nhiều để đóng
mới các phương tiện tuần tra. Thế nhưng rõ ràng khi ngư dân đánh bắt ở
ngư trường truyền thống của mình trong bao nhiêu thập kỷ vừa qua hoàn
toàn không có bóng từ bộ đội biên phòng, cảnh sát biển cho đến kiểm ngư
để có thể sẵn sàng hỗ trợ bảo vệ ứng cứu kịp thời cho ngư dân Việt Nam
khi bị tấn công. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì các nước
trong khu vực họ làm. Đặc biệt là Trung Quốc khi ngư dân Trung Quốc đi
đánh cá thì đầu của họ đều là tàu quân sự, tàu kiểm ngư, tàu hải giám đi
theo để bảo vệ hỗ trợ cho họ. Philippines, Indonesia, Malaysia cũng
vậy, cho nên trong các nước trong khu vực thì ngư dân Việt Nam là bị các
nước trong khu vực bắt giữ nhiều nhất.
Trong chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang đến Philippines vừa qua thì
ông cũng đề nghị là chính phủ Philippines trả tự do cho khoảng trên
dưới một trăm ngư dân Việt Nam bị bắt trong năm vừa qua hiện đang bị cầm
tù; Indonesia, Malaysia thì cũng cầm tù rất nhiều những người ngư dân
Việt Nam khi mà họ xâm phạm cái vùng lãnh hải của các nước trong khu
vực. Thế thì rõ ràng là trách nhiệm của Hải quân hay là của lực lượng
kiểm ngư hay cảnh sát biển ngoài việc tuần tra bảo vệ bờ biển, an ninh
bờ biển ra thì họ còn có trách nhiệm hướng dẫn cho người ngư dân Việt
Nam thực thi đúng pháp luật quốc tế, đúng con đường ranh giới để tránh
chuyện bị bắt giữ, bị tịch thu tài sản hay bị phá hoại tài sản ở trên
khi họ thực hiện công việc làm ăn của mình trên biển. Rõ ràng là với
những đồng tiền thuế của dân bỏ ra như vậy nhưng họ hoàn toàn không có
làm tròn trách nhiệm của mình.
Những thông tin báo chí đưa tin vài tháng trở lại đây cho biết rằng
thậm chí bộ đội biên phòng rồi nhiều lực lượng đã ăn bớt tiền xăng dầu
để tuần tra, tức là họ khai báo là tuần tra mười lần chẳng hạn nhưng
trên thực tế họ chỉ tuần tra hai đến ba lần thôi. Còn lại bảy lần kia là
họ bán xăng bán dầu đi để họ chia chác nhau. Nạn tham nhũng ở trong các
lực lượng chịu trách nhiệm tuần tra trên biển thì rõ ràng đã ảnh hưởng
xấu đến vấn đề an ninh an toàn cho những ngư dân Việt Nam khi mà họ hàng
ngày hàng giờ phải đối diện với sự nguy hiểm đến tính mạng của họ; khi
mà họ kiếm sống cho bản thân rồi đóng góp thuế cho nhà nước để đủ nuôi
cái lực lượng đó, những lực lượng đó không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ
cho họ
Trần Quang Thành: Xin cảm ơn Ls.Nguyễn văn Đài.
Nguồn: Radio Chân Trời Mới
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét