2015/10/14
Trận chiến khác của TPP bắt đầu
Shawn Donnan - Financial Times
5/10/ 2015
Sau 5 năm thương thảo, các Bộ trưởng giao thương đã đồng ý với các điều khoản của TPP. Đây là một chiến thắng lớn cho Tổng thống Obama trong lãnh vực kinh tế. Tuy nhiên trận chiến vẫn chưa đến hồi kết thúc. Trước mặt là một trận đấu đá chính trị để TPP được quốc hội Hoa Kỳ thông qua. Một số đồng minh bên đảng Cộng Hòa mà ông Obama nhờ cậy đã bực bội với một số nhượng bộ mà Hoa Kỳ bị buộc làm để đạt được thỏa thuận.
Ngoài ra đây còn là mùa tranh cử tổng thống. Bên phía đảng Cộng Hòa, ứng viên đang dẫn đầu Donald Trump có khuynh hướng bảo hộ kinh tế. Ông Trump từng lên tiếng cho rằng “TPP đả phá doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đây là một hiệp ước tồi tệ”.
Không riêng gì Obama gặp khó khăn, Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng đang tái tranh cử vào ngày 19 tháng 10 mà hiện thời cả ba ứng viên đều ngang ngửa. Một đối thủ của ông hứa là sẽ xé bỏ TPP nếu đắc cử. Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đang không được lòng dân cho lắm mà lại phải tìm cách để quốc hội Nhật thông qua TPP. Ngay cả ở Việt Nam với chế độ độc đảng, việc thay đổi nhân sự lãnh đạo vào năm 2016 có nghĩa là sẽ phải đối diện với những khó khăn chính trị về TPP.
Hoa Kỳ gặp một số khó khăn về thủ tục cũng như về phương diện chính trị. Tổng thống Obama phải thông báo cho Quốc Hội biết trước 90 ngày ý định ký kết hiệp ước giao dịch, có nghĩa là ông không thể làm thế trước tháng Giêng. Một số đòi hỏi khác khiến cho đạo luật này có thể qua đến giữa năm sau thì Quốc Hội mới cứu xét.
Tổng thống Obama cần dựa vào hậu thuẫn của đảng Cộng Hòa để vượt qua sự chống đối của phe Dân Chủ thì mới mong TPP được Quốc Hội thông qua. Vấn đề mà Ông Obama đối diện là phía Cộng Hòa bực mình với một số tương nhượng mà phái đoàn đàm phán Hoa Kỳ đã làm như loại bỏ kỹ nghệ thuốc lá ra khỏi hệ thống giải quyết tranh chấp đầu tư, đồng ý loại trừ độc quyền ngắn hạn trên các loại thuốc “sinh học”. Phía Cộng Hòa cũng khó chịu với một số đòi hỏi của chính quyền Obama – chẳng hạn như tiêu chuẩn lao động khắc khe hơn cho Việt Nam – đến từ một số dân biểu phe Dân Chủ mà đã từng đòi phế bỏ TPP. Điều này đưa đến xác suất Tổng thống Obama không còn có thể cậy nhờ vào phía đảng Cộng Hòa để thông qua TPP trong Quốc Hội mà đảng Cộng Hòa đang nắm đa số.
Giới lãnh đạo Cộng Hòa cho rằng hiệp ước TPP phải đem lại lợi ích cho người dân Hoa Kỳ. TPP là một hiệp ước quan trọng lâu lắm mới diễn ra và do đó Hoa Kỳ không nên tương nhượng để có một hiệp ước xoàng không thiết lập được các quy luật giao thương tiêu chuẩn cao cho vùng Châu Á Thái Bình Dương.
Các giới chức trong chính quyền thì tin rằng một khi toàn bộ hiệp ước TPP được trình bày ra thì sự ngần ngại của phía Cộng Hòa sẽ tan biến đi. Cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã bày tỏ sự hỗ trợ cho TPP mặc dầu ngành dược phẩm có phàn nàn về một số điều khoản.
Họ cũng tin rằng một số điều khoản trong TPP như luật lao động và môi trường chặt chẽ, có thể chinh phục được giới Dân Chủ đã từng chống đối.
Nhưng không ai phủ nhận là Ông Obama nhiều phần không có đủ số phiếu hậu thuẫn đến từ chính đảng của ông để thông qua TPP mà phải dựa vào phiếu của phe Cộng Hòa. Đây là tình huống éo le. Rất có thể phe Cộng Hòa sẽ câu giờ để mong cuộc bầu cử 2016 sẽ cho ra được một vị tổng thống Cộng Hòa mới và chính quyền mới sẽ thương thuyết lại hiệp ước này để điều chỉnh những điều khoản mà họ cho là bất cập.
Hiệp ước TPP tuy đã được thương thảo xong rồi nhưng trận chiến để thông qua TPP tại các quốc gia vẫn còn nguyên đó.
Radio Chân Trời Mới - Hoàng Thuyên tóm lược
Nguồn: Financial Times
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét