Radio Chân Trời Mới
Ủy Ban Giải Nobel Hòa Bình làm mọi người ngỡ ngàng vào ngày thứ Sáu –
khi bỏ qua những nhân vật tiếng tăm như Đức Giáo Hoàng Francis, Thủ
tướng Đức Angela Merkel – để trao giải cho nhóm Bộ Tứ Đối Thoại Quốc Gia
Tunisian (Tunisian National Dialogue Quartet) vì “những đóng góp có
tính quyết định vào việc xây dựng nền dân chủ đa nguyên tiếp theo sau
cuộc Cách Mạng Hoa Lài năm 2011.”
Nhóm này chuyên chú vào việc mở ra đối thoại giữa các thành phần khác biệt trong xã hội Tunisian.
Bản tuyên bố của Ủy Ban Nobel cho biết, “Nhóm Bộ Tứ được thành lập
vào mùa hè năm 2013 khi tiến trình dân chủ hóa có cơ nguy sụp đổ vì
những vụ ám sát chính trị và bất ổn xã hội tràn lan. Nhóm này lập ra một
tiến trình chính trị khác có tính ôn hòa vào thời điểm quốc gia này bên
bờ vực thẳm của nội chiến. Nhóm đóng vai trò then chốt để giúp cho
Tunisia trong vòng vài năm thiết lập được một hệ thống chính quyền hiến
pháp bảo đảm những quyền căn bản cho tất cả mọi người, bất kể phái tính,
lập trường chính trị, tín ngưỡng.
Nhóm Bộ Tứ bao gồm một công đoàn lao động, một liên minh các ngành nghề, một tổ chức nhân quyền và một nhóm luật sư.
Một giải thưởng để cổ võ cho Mùa Xuân Á-Rập đang chùn bước
Ở bình diện rộng lớn hơn, giải thưởng lần này của Ủy Ban Nobel dường
như là một nỗ lực để cổ võ cho Mùa Xuân Á-Rập, khởi đi từ Tunisia vào
Tháng Mười Hai năm 2010.
Mùa Xuân Á-Rập hé nở với hy vọng và lý tưởng, và lan rộng khắp vùng
Trung Đông và Bắc Phi. Nhưng những lý tưởng đó bị sa lầy trong thực tế
phủ phàng ở nhiều quốc gia - đặc biệt là tại Syria, nơi mà cuộc nổi dậy
chống lại chế độ của Bashar al-Assad đã biến dạng thành một cuộc nội
chiến tàn khốc đưa đẩy hàng loạt cơn sóng tỵ nạn qua Âu châu.
Ủy Ban Nobel giữ bí mật rất khéo. Giới quan sát thời cuộc không bao
giờ nghĩ đến nhóm Tunisia có xác suất thắng giải. Người ta nghĩ đến Đức
Giáo Hoàng Francis vì lời kêu gọi của Ngài cho bình đẳng kinh tế trên
thế giới, hoặc Thủ tướng Merkel vì dũng khí của bà khi mở rộng vòng tay
đón nhận người tỵ nạn từ Trung Đông, nơi mà Mùa Xuân Á-Rập mở ra nhiều
hy vọng trước đó.
Trong tuyên bố của Ủy Ban Nobel có nhắc đến, “Mùa Xuân Á-Rập xuất
phát từ Tunisia trong khoảng 2010-2011, nhưng nhanh chóng lan qua một số
quốc gia khác tại Bắc Phi và Trung Đông. Tại những quốc gia này, cuộc
tranh đấu cho dân chủ và quyền căn bản đã khựng lại hoặc bị thoái lui.”
Mùa Xuân Á-Rập bắt đầu khi một người bán hàng rong ở Tunisia có tên
là Tarek el-Tayeb Mohamed Bouaziz tự thiêu vào ngày 17 tháng Mười Hai
năm 2010 để phản đối công an xách nhiễu. Trước sự phẫn nộ bùng dậy của
quần chúng, Tổng thống Zine el Abidine Ben Ali, nắm quyền lực trong suốt
23 năm trời, rời bỏ chức quyền tháng Giêng kế đó.
Trong vòng vài năm, các lãnh tụ tại Ai Cập, Yemen và Libya cũng bị
tước quyền cai trị. Quần chúng biểu tình khắp nơi tại các quốc gia trong
vùng Trung Đông và Bắc Phi, kể cả Syria.
Tuy nhiên đạp đổ những trật tự cũ dễ hơn là xây lại cái mới. Tính đến
năm 2013, như Ủy Ban Nobel có ghi nhận, “tiến trình dân chủ hóa có cơ
nguy sụp đổ vì những vụ ám sát chính trị và bất ổn xã hội tràn lan.”
Công của nhóm Bộ Tứ, theo Ủy Ban là, “lập ra một tiến trình chính trị
khác có tính ôn hòa vào thời điểm quốc gia này bên bờ vực thẳm của nội
chiến.”
Radio Chân Trời Mới - Hoàng Thuyên tóm lược theo nguồn CNN
Nguồn: CNN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét