2015/10/24

Hãy cứu Lê Văn Mạnh

Trung Điền

Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh đang kêu oan cho con trai.
Trên Facebook, luật sư Trần Vũ Hải đã chia xẻ về vụ án Lê Văn Mạnh ở Thanh Hóa, một tử tù sắp bị hành quyết vào ngày 26/10 và vụ án Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, một người từng bị kết tội giết người trong vụ án Vườn Điều, vừa được tại ngoại vào ngày 22/10, đã có những điểm giống nhau như sau:

1/ Ông Lê Văn Mạnh và ông Huỳnh Văn Nén đều bị bắt về vụ khác, trước khi bị buộc tội về tội giết người. Cả 2 vụ đều truy xét.

2/ Ngoài những lời nhận tội mà các bị án đều cho rằng do bị tra tấn, ép cung, không có chứng cứ nào khác có thể buộc tội họ. Lẽ ra chỉ lý do này cũng không được phép kết tội cho họ theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự.

3/ Sự trùng hợp kỳ lạ khi công an hai tỉnh Thanh hoá và Bình thuận đều sử dụng biện pháp nghiệp vụ giống nhau. Đó là sử dụng lời khai của những người cùng bị tạm giam rằng họ nghe thấy bị can A, B... kể chuyện rằng đã giết người X, Y... và thu giữ thư của các bị can gửi ra ngoài viết rằng họ đã giết người...

4/ Quyền bào chữa của các bị can bị vi phạm nghiêm trọng. Không có các luật sư trong các buổi hỏi cung trong khi theo luật bắt buộc có luật sư. Có trường hợp có luật sư được chỉ định tham gia phiên xét xử, nhưng họ không làm hết mình. Riêng ông Lê Văn Mạnh từ chối luật sư chỉ định, nhưng phiên toà phúc thẩm cuối cùng vẫn diễn ra với lý do bị cáo xin tự bào chữa.

Luật sư Trần Vũ Hải còn viết rằng vụ án ông Huỳnh Văn Nén chưa kết thúc nhưng chắc chắn phải sửa sai vì ông Nén đang được tại ngoại. Trong khi đó vụ Lê Văn Mạnh có thể sẽ không bao giờ được sửa sai, nếu tới ngày 26/10/2015, Lê Văn Mạnh bị thi hành án tử hình.

Để cứu tử tù Lê Văn Mạnh không bị chết oan, 5 luật sư gồm Trần Vũ Hải, Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân, Trần Thu Nam, Nguyễn Thị Huệ, Hà Anh Tú đã cùng đứng chung trong đơn gửi ông Trương Tấn Sang và các cơ quan liên hệ để yêu cầu hoãn thi hành án vào ngày 22/10.

Trong thư đề nghị hoãn thi hành án, các luật sư đã viết:

"Chúng tôi nhận thấy trong các bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm không có chứng cứ nào khác ngoài lời nhận tội của bị cáo, mà chính bị cáo phủ nhận toàn bộ tại phiên tòa. Điều này đã vi phạm quỵ định tại khoản 2 điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị án làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Theo Luật sư Trần Vũ Hải thì các nơi đều đã nhận kiến nghị xin hoãn thi hành án cho ông Lê Văn Mạnh, nhưng tòa án nhân dân tối cao lại từ chối không nhận kiến nghị của các luật sư mang đến.
Trong khi đó, cộng đồng mạng đã tích cực tham gia vào việc hỗ trợ bà Nguyễn Thị Viết mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh kêu oan cho con, qua cuộc vận động chữ ký trên mạng online ở địa chỉ:

https://docs.google.com/forms/d/1aaIgSWQ_o_m2iYOYxyZsHAj0AH184aw2d00V3pR7etI/viewform?fbzx=4931195865367617052

Trong khi đó, Tổ chức Ân xá quốc tế cũng đã nhập cuộc, vừa gửi thư cho ông Trương Tấn Sang yêu cầu hoãn thi hành án:

"Theo tin tức cho biết, bản án tử hình này được lên kế hoạch tiến hành vào ngày 26 tháng Mười năm 2015. Với những cáo giác có tra tấn trong vụ án xử ông Lê Văn Mạnh và với các nghĩa vụ của Việt Nam thể theo Công ước Chống Tra tấn và ICCPR, tôi kêu gọi Ngài Chủ tịch nước hãy ngay lập tức ra lệnh ngưng việc tử hình được dự trù đối với ông Lê Văn Mạnh và ra chỉ thị tiến hành điều tra trước các cáo giác rằng ông đã nhận tội do bị tra tấn và đã bị kết án oan sai."

Trong khi dư luận khắp nơi đều tích cực hỗ trợ việc kệu gọi hoãn thi hành án, thì công an Hà Nội lại đàn áp, ngăn cản việc gia đình đang kêu oan cho người thân của tử tù Lê Văn Mạnh.

Trước sự uất ức này, vào ngày 22/10 vừa qua, bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh cùng với gia đình 5 người đã đứng tên trong một bản tuyên bố lên án sự sách nhiễu của công an Hà Nội và đã tuyên bố:

“Nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thanh Hoá cố tình giết con trai tôi để lập thành tích phá án thì chúng tôi sẽ mang xác con trai tôi đi khắp thành phố Hà Nội, chúng tôi sẽ để xác con trai tôi vào thùng kính, ướp đá và muối mang đi đến các cơ quan trung ương cho đến khi những kẻ thủ ác, liên quan trong cái chết oan khuất của con trai tôi phải đền tội. Qua đây chúng tôi kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước hãy đồng hành cùng với chúng tôi. Để công lý được thực thi, và những kẻ sát nhân phải đền tội.”

Được biết ông Lê Văn Mạnh sinh ngày 25/12/1982 tại Thanh Hóa. Bị bắt ngày 20/04/2005 vì bị cáo ba tội: “Giết người” , “Hiếp dâm trẻ em”, “Cướp tài sản”. Ngày 29/07/2005, Tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa kết án tử hình vì 3 tội danh “Giết người”, “Hiếp dâm trẻ em” và “Cướp tài sản”.

Ngày 27/10/2005, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội hủy bỏ tội danh “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”, giao tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra. Ngày 13/03/2006, Tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa kết án tử hình vì 2 tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Ngày 26/07/2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xử y án tử hình.

Ngày 23/04/2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị 2 bản án trước đó và giao hồ sơ về Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết vụ án từ giai đoạn điều tra. Ngày 04/06/2007, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tiến hành giám đốc thẩm và hủy bỏ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm gần nhất.

Ngày 29/07/2008, Tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa kết án tử hình vì tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”. Ngày 25/11/2008, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xử y án tử hình.

Ngày 16/10/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa gửi thông báo về gia đình biết về việc thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh để gia đình làm đơn nhận tử thi đưa về an táng. Thời hạn cuối cùng nhận đơn là ngày 26/10/2015.

Theo bà Nguyễn Thị Viết, mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh nói trong đoạn YouTube rằng con bà bị đưa đi trái phép và bị hành hung trong quá trình hỏi cung ở Thanh Hóa. Bà cho biết là khi công an đến bắt Lê Văn Mạnh tại nhà hoàn toàn không có lệnh bắt, giấy triệu tập. Công an đã đánh và ép cung buộc Mạnh phải nhận tội.

Sự kiện ông Lê Văn Mạnh bị đánh, bị ép cung, bị kết tội tử hình không phải là người duy nhất dưới hệ thống tư pháp của CSVN. Đã có những vụ án oan và CSVN đã phải ngưng thi hành trước áp lực của dư luận như vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ án Nguyễn Văn Chưởng và mới đây là Huỳnh Văn Nén.

Vì thế cái chết của ông Lê Văn Mạnh đang tính từng giờ và tuỳ thuộc rất nhiều vào nỗ lực tham gia và vận động của chúng ta để cứu giúp một gia đình đang là nạn nhân của bộ máy tư pháp thoái hóa.

Trung Điền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét