2015/10/11

CSVN chưa quyết định nhân sự lãnh đạo

Trung Điền

(Trái qua phải) Tứ Trụ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng sẽ được lưu nhiệm đến năm 2018 hay không?

Hội nghị lần thứ 12 Trung ương đảng CSVN đã bế mạc hôm 11 tháng 10, sau 6 ngày hội họp tại Hà Nội từ ngày 5 đến 11 tháng 10 vừa qua.

Trọng tâm chính của hội nghị lần này là bàn thảo về vấn đề chuẩn bị nhân sự lãnh đạo đảng CSVN trong 5 năm tới, bên cạnh những thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2015, dự toán ngân sách 2016 và việc chuẩn bị bầu cử đại biểu quốc hội khoá 14 dự kiến diễn ra vào tháng 6/2016.

Theo thông báo của Hội nghị 12, Hội nghị đã tập trung thảo luận và thành lập bốn loại danh sách nhân sự.

Thứ nhất là danh sách những nhân sự mới lần đầu tiên được giới thiệu tham gia vào trung ương đảng khóa XII (cả ủy viên chính thức và dự khuyết).

Thứ hai là danh sách những ủy viên trung ương đảng khóa XI được tiếp tục đề cử tham gia vào trung ương đảng khóa XII tới.

Thứ ba là danh sách những uỷ viên bộ chính trị, ban bí thư khóa XI được tiếp tục đề cử vào danh sách bộ chính trị, ban bí thư khóa XII.

Thứ tư là danh sách và phương án chọn lựa bốn chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cho đại hội XII.

Theo dự kiến thì những danh sách thành lập trong Hội nghị 12 vừa qua sẽ được tiểu ban nhân sự và Bộ chính trị rà soát lại một lần nữa và đưa ra chung quyết trong Hội nghị 13 dự trù triệu tập vào trung tuần tháng 12 năm 2015, nếu mọi chuyện xảy ra suông sẻ trong 2 tháng trước mặt.

Nói cách khác là từ đây đến tháng 12/2015, nếu mọi sự đề cử về nhân sự hiện nay của Hội nghị 12 không thay đổi nhiều thì Hội nghị 13 của Trung ương đảng sẽ chính thức đưa danh sách đề cử trung ương đảng cho các đại biểu tham dự đại hội đảng XII biểu quyết thông qua vào tháng 1/2016.

Mặc dù các đề cử nhân sự được giữ kín nhưng theo nhiều nguồn tin thì vấn đề nhân sự Bộ chính trị đang là vấn đề tranh cãi nhiều nhất.

Nếu căn cứ vào tiêu chuẩn độ tuổi 65 phải nghỉ hưu, thì nhân sự Bộ chính trị khóa XI có ít nhất 10 phải về hưu. Đó là các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Ngô Văn Dụ, Tô Huy Rứa, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Phùng Quang Thanh, Lê Thanh Hải, Phạm Quang Nghị, Lê Hồng Anh.

Sáu người còn ở trong độ tuổi ở lại Bộ chính trị khóa XII là Trần Đại Quang, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Tòng Thị Phóng, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Quyết Định 244 về quy chế bầu cử trong đảng do Bộ chính trị đưa ra vào ngày 9 tháng 6 năm 2014, chức danh Tổng bí thư do trung ương đảng khóa trước đề cử nên chắc chắn là 6 người nói trên không lọt vào danh sách đề cử Tổng bí thư.

Trong thời gian qua, nhiều dự kiến đưa ra là ông Nguyễn Tấn Dũng được đề cử vào trách vụ Tổng Bí Thư và sẽ được tân trung ương đảng khóa XII biểu quyết vào tháng 1/2016.

Tuy nhiên, trong vài tháng qua, với tư cách là Trưởng tiểu ban nhân sự đại hội XII, ông Nguyễn Phú Trọng đã cùng ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban tổ chức Trung ương đã hoán chuyển nhiều nhân sự có tiềm năng ở lại Trung ương đảng khóa XII từ địa phương về các ban ngành ở Trung ương, để đưa những nhân sự mới vào nắm các bí thư Tỉnh mà sẽ trở thành ủy viên Trung ương đảng khóa XII.

Những sắp xếp này chắc chắn có ảnh hưởng đến cán cân quyền lực về nhân sự giữa hai phe Tổng bí thư và Thủ tướng. Đặc biệt là sẽ ảnh hưởng rất lớn lên số phiếu mà ông Nguyễn Tấn Dũng cần để được tân trung ương đảng khóa XII bầu làm Tổng bí thư, mặc dù ông Dũng đang nắm ưu thế về phiếu trong Bộ chính trị và Trung ương đảng nhiệm kỳ XI.

Vì thế mà trong những ngày vừa qua, nhiều thông tin đã “nhiễu” ra từ nội bộ lãnh đạo là đang có phương án giữ nguyên Tứ trụ cho đến Hội nghị giữa nhiệm kỳ vào năm 2018, để có đủ thì giờ tìm nhân sự mới cho 4 trách vụ nói trên.

Nói cách khác là hiện đang có phương án giữ nguyên 4 vị trí của ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng bí thư), Trương Tấn Sang (Chủ tịch nước), Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng), Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch quốc hội) đến đầu năm 2018 thì mới thay thế dựa trên danh sách tân Bộ chính trị được thành lập trong đại hội XII.

Nếu phương án nói trên xảy ra, một lần nữa đảng CSVN rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân sự xảy ra như vào năm 1995 khi Đại hội VII đã phải quyết định lưu nhiệm bốn nhân sự Đỗ Mười (Tổng bí thư), Lê Đức Anh (Chủ tịch nước), Võ Văn Kiệt (Thủ tương) và Võ Chí Công (Chủ tịch quốc hội) đến năm 1997 mới bầu Lê Khả Phiêu lên thay.

Tóm lại, vấn đề khủng hoảng nhân sự trong Đại hội VII vào năm 1995, chủ yếu là xung đột về đường lối. Trong khi khủng hoảng nhân sự lãnh đạo thượng tầng cho đại hội XII hiện nay chính là quyền lợi kinh tế mà các phe đã thao túng và tìm cách kiểm soát để không bị thiệt hại khi phe khác lên nắm vị trí chủ đạo.

Thông báo Hội nghị 12 đã cố che giấu sự bất thường trong việc bầu chọn nhân sự; nhưng nếu tinh ý người ta thấy rõ là phe ông Trọng đang tìm cách không cho phe ông Dũng dùng tiền để mua ghế Tổng bí thư. Chờ xem.

Trung Điền
11/10/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét