2015/09/23

Gia tăng đàn áp tại Việt Nam

Zachary Abuza - New Mandala
22/09/2015

Ảnh: Chitose Suzuki/AP.
Nhà cầm quyền bóp nghẹt đối kháng có chọn lọc và khéo léo hơn

Vào ngày 19 tháng 9 Việt Nam thả Tạ Phong Tần, cựu nhân viên công an trở thành blogger, một trong những nhà đối kháng nổi tiếng, và tống xuất bà qua Hoa Kỳ. Đây rõ ràng là một sự nhượng bộ trước chuyến viếng thăm Hà Nội của Tổng Thống Obama vào tháng 11 và cũng qua đó nêu bật tình huống nhân quyền khó khăn ngày càng tăng tại Việt Nam.

Các chuyến viếng thăm Washington DC và Tokyo của Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng là chỉ dấu rõ nét Hà Nội muốn xiết chặt quan hệ kinh tế và an ninh với Tây Phương.

Đảng CSVN đã từ bỏ niềm hy vọng ngây thơ vào tình hữu nghị anh em xã hội chủ nghĩa với Trung Quốc để mong rằng TQ nương tay với đà bành trướng tại biển Đông. Đảng giờ đây đeo đuổi chính sách ngoại giao thập phương.

Tuy nhiên đi theo với đà hội nhập thế giới sẽ có nhiều xem xét kỹ hơn về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Theo các thước đo thì việc bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam vẫn còn thiếu xót rất nhiều; Việt Nam đứng hạng thấp nhất tại Đông Nam Á về các quyền tự do dân sự, quyền chính trị, bảo vệ pháp luật, tự do tôn giáo và tự do hội họp.

Kiểm soát chặt chẽ

Đảng CSVN không chấp nhận bất cứ bất đồng ý kiến hay thách đố nào đối với quyền lực độc tôn của họ. Việt Nam có một hệ thống truyền thông được kiểm soát chặt chẽ nhất trên thế giới và là một trong những nơi cầm tù ký giả và blogger nhiều nhất.

Chính quyền đã từng đóng cửa nguyên một tờ báo, như tờ “Người Cao Tuổi” vì những bài phóng sự về tham nhũng, đuổi việc và bắt giữ các biên tập, dẫn đến tình trạng tự kiểm duyệt tỏa khắp. Gần đây nhất một ký giả có uy tín làm việc cho tờ Thanh Niên bị đuổi vì những lời nhạo báng Hồ Chí Minh.
Nhà cầm quyền Việt Nam cũng cố gắng kiểm soát Internet, tuy họ không bắt kịp với đà bành trướng của các công nghệ 3G và 4G cũng như sự hiện diện khắp nơi của mạng xã hội. Xã hội dân sự vẫn còn yếu và bị ngăn cản. Chính quyền tiếp tục sử dụng các điều luật an ninh mơ hồ như điều 88 và 258 của bộ luật hình sự bất kể các quyền hạn đã ghi trong hiến pháp.

Tuy thế Việt Nam cơ bản khác với cách đây 5 năm về trước, với những thay đổi sâu sắc về truy cập thông tin, tự do kinh tế, phát triển xã hội dân sự, quyền tín ngưỡng của cá nhân, và các cải tổ gần đây để chấm dứt tình trạng tra tấn và ép cung của công an.

Và đây cũng là điều bực dọc vì rất nhiều lời phê bình chỉ trích từ Tây Phương, đặc biệt là từ giới dân cử và các nhóm người Việt hải ngoại, vẫn còn nguyên đó từ thập niên 90.

Cam kết nhân quyền?

Trong chuyến thăm viếng Washington DC hồi tháng Bảy, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng “Việt Nam xem trọng vấn đề nhân quyền”, tuy ông nhìn nhận có những “giới hạn”.

Trong khi ông nhìn nhận rằng nhân quyền vẫn là vấn đề gây bức xúc trong mối quan hệ Mỹ-Việt, ông nói rõ là “không nên để nó làm cản trở đà gia tăng quan hệ song phương cũng như để nó ảnh hưởng đến việc xây dựng tin tưởng giữa hai quốc gia.”

Bây giờ khi đảng đã hậu thuẫn cải thiện quan hệ với Tây Phương, chính quyền phải tìm cách nào để vừa cản đối kháng vừa giảm thiểu những phản ứng ngoại giao không hay. Lực lượng an ninh hoạt động với sự dè chừng chưa thấy trước đây.

Ảnh: Paul Rodriguez / Orange County Register
Cuộc đình công hồi tháng Ba và Tư năm 2015 có kết quả yên ổn là chỉ dấu của áp lực quốc tế lên Hà Nội trong lúc các thương thảo về TPP trong giai đoạn chót. Tương tự vậy, Việt Nam chỉ mới bắt giữ có hai nhà đối kháng trong năm 2015, ít so với 2014. Cơ quan an ninh trở nên chọn lọc và khéo hơn.
Nhưng trước thềm Đại Hội Đảng 12 vào đầu năm 2016 thì không thể tha thứ cho các bất đồng ý kiến.
Trong kỳ ân xá nhân dịp kỷ niệm 70 năm độc lập, trong số 18,298 tù nhân được thả không có tù chính trị nào trong số đó. Rõ ràng là có giới hạn trong sự nhượng bộ của chính quyền, nhưng qua đó cũng cho thấy là nhân sự mới trong chính quyền chưa được sắp xếp trước đại hội đảng.

Tấn công các luật sự, nhà hoạt động và bloggers

Những lần bắt giữ và xét xử blogger và các nhà hoạt động như Tạ Phong Tần và Phạm Thanh Nghiên gây chú ý bất lợi từ giới truyền thông và ngoại giao, chính quyền làm năm việc để bịt miệng giới chỉ trích và răn đe những người khác.

Thứ nhất, họ tấn công vào các luật sư bảo vệ tù nhân chính trị. Trong khi Trung Quốc bắt giữ hơn 100 luật sư gần đây được loan tin, Việt Nam đã làm chuyện này trong nhiều năm qua. Chính quyền sẵn sàng bắt Lê Công Định, luật sư nổi tiếng nhất từng thắng kiện giao thương với Hoa Kỳ ở WTO, cho thấy điều đó.

Luật sư Định bị giam cầm từ 2009 đến 2013 chỉ vì bảo vệ các nhà đối kháng khác. Tuy đã được ra khỏi tù, ông bị tước bằng luật sự, một cảnh cáo cho các luật sư khác ngắm nghé các vụ án nhân quyền.

Các luật sư khác như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài và Võ An Đôn đã bị bắt, giam giữ, hoặc tước bằng luật sư vì các hoạt động nhân quyền, với hệ quả là thiếu sự bảo vệ pháp luật cho những người khác.

Đòn thứ nhì là dùng các cáo buộc hình sự khác để gạt những chỉ trích cho rằng họ là tù chính trị. Luật sư Lê Quốc Quân mới ra tù gần đây cũng như Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) năm 2008 bị kết án là vì phạm Điều luật 88, cả hai đều bị buộc tội trốn thuế.

Tương tự thế, chính quyền bắt đầu dùng luật phỉ báng để bịt miệng giới chỉ trích. Vào tháng Bảy 2012, tòa kết án ba nhà hoạt động về tội nói xấu Đảng CSVN. Một khi luật này được xếp đặt xong, chính quyền có thể bắt chước Singapore và Mã Lai dùng các vụ kiện phỉ báng để làm phá sản các đối thủ chính trị.


Thứ ba, vì xử án thì gây chú ý của quốc tế, cho nên việc hành hung của công an chìm trở nên phổ thông hơn là việc buộc tội chính thức. Tháng Mười 2014, một ký giả tự do bị đánh gần chết ở ngoại ô Tp.HCM. Tháng Mười Một 2014, Nguyễn Hoàng Vi, một nhà hoạt động dân chủ nữ và là blogger bị một đám tình nghi là công an nữ đánh hội đồng.

Nguồn: DemocracyVietnam.com
Cũng không riêng gì giới blogger độc lập: trong tháng Chín 2014, bốn ký giả truyền thông nhà nước bị đả thương trong lúc đi điều tra ở tỉnh Quảng Ngãi. Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền cho biết là trong năm 2014 có 14 ký giả bị hành hung.

Rồi còn vụ hành hung các nhà hoạt động. Mặc dầu chính quyền thành phố có thoái lui trong vụ chống đối chặt cây xanh tại Hà Nội, có sa thải một số viên chức, nhiều nhân sự trong chiến dịch chống đối bị hành hung tàn bạo. Gần đây nhất, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bút danh “Mẹ Nấm”, bị đánh đập dữ dội trong lúc bị tạm giam hồi tháng Bảy 2015, tuy không bị buộc tội gì.

Có hai nhà hoạt động bị tạm giữ tại phi trường khi trở về từ nước ngoài: Đoan Trang, một ký giả dân báo của trang tin tức nhân quyền Vietnam Right Now, và Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Tuy cả hai không bị buộc tội gì, việc giam giữ thật lâu và bị thẩm vấn nhằm mục đích đe dọa.

Đòn phép thứ tư là tập trung việc theo dõi trên mạng vào một số tụ điểm quan trọng. Đội quân kiểm duyệt của Hà Nội trên mạng theo không kịp 30 triệu tài khoản Facebook, cũng như các trang blog và mạng xã hội khác. Kiểm duyệt nhà nước dùng phương cách riêng để tìm các tụ điểm quan trọng. Dựa vào các nhóm nào có người tham gia, bài viết nào có nhiều chia sẻ, nhiều "thích" hoặc có nhiều lời
còm.

Điểm chót là chính quyền tập trung sức ép vào các trang web đang chuyển mình từ một trang blog cá nhân sang một trang thông tin với nhiều tác giả, có biên tập, đây là bước chuyển hóa cốt yếu trong tiến trình hình thành nền truyền thông độc lập.

Dẹp bỏ các diễn đàn chống đối

Việt Nam có nhiều blogger can đảm, nhưng việc tổ chức chứ không phải các phóng sự mới gây khó khăn pháp luật cho họ. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bày tỏ mối lo là hoạt động của Mạng Lưới Blogger Việt Nam đe dọa nhà nước hơn là các bài viết của cô.

Cô ấy nói đúng. Nhà nước bận tâm với sự phát triển của giới truyền thông độc lập có tổ chức.
Điều này thể hiện qua việc kết án. Bản án trung bình của 16 trong số 23 blogger và ký giả bị tù năm 2014 là 8.1 năm. Bản án trung bình của bốn ký giả/blogger viết về các vấn đề tôn giáo và tham gia hoạt động tôn giáo là 11.3 năm.

Bản án của ba người sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do là 13.5 năm. Chống đối là có tội. Chống đối có tổ chức là tội nặng hơn.


Trong bối cảnh đó, quyết định hồi tháng Năm 2015 của 20 nhà văn rời bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam để thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam là một quyết định vô cùng can đảm. Sự hình thành của một xã hội dân sự độc lập và mạnh mẽ là mối đe dọa lớn nhất cho chế độ.

Blogger Nguyễn Văn Hai, tức Điếu Cày, được thả gần đây và đẩy đi Hoa Kỳ. Ảnh: Robyn Beck/AFP
Có niềm hy vọng là sẽ có những cải thiện đáng kể. Tuy cố gắng hết sức, nhà nưóc không thể theo dõi nổi tất cả mạng xã hội. Tỷ lệ dùng Internet ở Việt Nam là 44 phần trăm – cao hơn nhiều quốc gia trong vùng giàu có hơn, phát triển kinh tế hơn. Tại thành phố, tỷ lệ đó còn cao hơn nữa.
  
Còn chỗ để cải tổ?

Mặc dầu việc chọn lựa nhân sự cho Đại Hội Đảng 12 chưa ngã ngủ, tình hình hiện thời có vẻ khả quan cho phe cải tổ và hội nhập với Tây Phương. Khó cho phe bảo thủ giáo điều trổi dậy. Và như thế


dần dà sẽ hình thành xã hội pháp trị.

Cạnh đó, giới lãnh đạo thường xuyên nhắc đến tham nhũng như mối đe dọa sống còn cho quyền lực độc tôn của Đảng. Tuy nhiên nỗ lực chống tham nhũng qua việc tấn công một số nhân vật tên tuổi, cũng không chặn được tình trạng tham nhũng trong một nền kinh tế lưng chừng giữa chỉ đạo và thị trường.
Hơn thế, các ký giả than phiền là khi họ được phép điều tra các nhân vật tham nhũng có tên tuổi có dính đến các quan chức cao cấp, thì họ bị dùng vào việc hạ bệ đối thủ chính trị chứ không làm đúng vai trò nhà báo.

Tuy một nền báo chí tự do không phải là thuốc bá bệnh cho tham nhũng, như trường hợp Phi Luật Tân cho thấy, nhưng đó là điều cần có. Nếu đảng vẫn muốn giữ tính chính thống, họ phải cho nền báo chí hoạt động tự do mà hiện thời ngày càng trở nên lỗi thời vì gặp cạnh tranh từ nhiều trang thông tin độc lập.

Cuối cùng có một số lời kêu gọi cải tổ từ thượng tầng. Thí dụ như vào giữa năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên tiếng than phiền về tình trạng công an tra tấn và ép cung ở nhiều nơi. Kể từ đó đây là một vấn đề cải tổ ưu tiên.

Có một số vụ án sai trái mà nạn nhân được trả tự do và đền bù, trong khi cảnh sát và thẩm phán thì bị kết tội. Việt Nam vẫn còn phải thay đổi nhiều, tuy nhiên có sự cải thiện đáng ghi nhận trong năm qua.
Trong tháng này, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng kêu gọi thay đổi các điều luật an ninh quốc gia mơ hồ, là công cụ chính để đàn áp: “Chúng ta không nên để cho các điều luật [an ninh quốc gia mơ hồ] hiện hữu để khiến cho bất cứ ai cũng có thể bị giam giữ.”

Tuyên bố hay lắm, nhưng chờ xem có làm không, và các blogger có được trả tự không.

Zachary Abuza là giáo sư tại National War College, chú trọng về tình hình chính trị và an ninh Đông Nam Á.

Radio Chân Trời Mới - Hoàng Thuyên lược dịch

Nguồn: New Mandala



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét