2015/09/23

Từ ghét Tàu đến ghét đảng

Nguyễn Thanh Văn


Đầu tháng 9 này, đúng vào ngày Trung Cộng tổ chức cuộc diễu binh đầy huê dạng ‘chưa từng có’ tại Bắc Kinh, Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center – PRC), có trụ sở tại Mỹ công bố kết quả cuộc khảo sát mới nhất được thực hiện trên 15.313 người ở 10 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ từ ngày 6/4 – 25/7/2015.

Kết quả cuộc khảo sát do Pew thực hiện và công bố cho thấy chỉ có 12% người Tàu và 25% người Hàn Quốc thích Nhật. Cũng có nghĩa là 88% người Tàu và 75% người Hàn Quốc từ không ưa đến ghét Nhật do thù hận lịch sử và tranh chấp lãnh thổ. Còn lại ở hầu hết các nước khác người dân đều ưa chuộng Nhật Bản. Riêng Việt Nam có tới 82% người Việt Nam thích Nhật, trong số này giới trẻ chiếm 59%. Trong khi chỉ có 19% nghiêng về phía Trung Cộng. Chẳng những vậy Việt Nam lại vượt lên đứng đầu danh sách các nước chuộng Hàn Quốc với 82%, mà đa số là giới trẻ.

Cũng theo kết quả cuộc khảo sát thì vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có tới 91% người dân Philippines và 83% người Việt quan tâm. Điều này cũng ít nhiều cho thấy nguyên nhân khiến người Việt và Philippines ghét Tàu.

Về cảm nhận đối với Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, 71% giới trẻ Việt Nam cho biết họ không tin tưởng ông này, trong khi 82% người Nhật có cùng quan điểm.

Ngược lại, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại được ủng hộ nhiều nhất ở Malaysia với 73%, kế đó là Việt Nam và Philippines với 68%. Trong số này, có 77% là người trẻ Việt Nam.

Thực ra việc người Việt Nam ghét Tàu không phải chỉ mới đến từ những tranh chấp trên biển Đông trong mấy chục năm vừa qua, mà đã có cỗi rễ sâu xa từ mấy ngàn năm lịch sử.

Từ trước đến nay, nước Tàu vẫn coi VN là một quận huyện của họ và họ sẽ “thu hồi” khi có cơ hội. Trong lịch sử, nước Tàu đã làm như vậy sau bao lần đánh chiếm và đô hộ VN.

Cho đến khi đảng Cộng Sản Việt Nam nắm quyền ở miền bắc thì Trung Cộng không cần úp mở mà nói thẳng với đảng Lao Động Việt Nam (tức đảng CSVN) về tham vọng đánh chiếm VN để sát nhập vào Trung Quốc. Điều này đã được chính đảng CSVN vạch rõ trong quyển “Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc 30 năm qua”, do nhà xuất bản Sự Thực ở Hà Nội phát hành vào tháng 10/1979.
Chẳng hạn như trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963, Mao Trạch Đông đã nói lên ý muốn của mình rằng: “Tôi sẽ làm chủ tịch của 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông nam châu Á”....Hoặc trong cuộc gặp giữa đại biểu bốn đảng cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, Inđônêxia và Lào tại Quảng Đông tháng 9 năm 1963, thủ tướng Chu Ân Lai nói: “Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông nam châu Á”. Trong cuộc họp của Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965, Mao Trạch Đông còn thẳng thừng khẳng định rằng: “Chúng ta phải giành cho được Đông nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapo…”

Những phát biểu của ông Mao và Chu Ân Lai nói trên đều công khai đối với lãnh đạo đảng CSVN. Thế nhưng, có điều lạ là, chính trong thời gian Mao và Chu có những phát biểu đó thì lại là lúc đảng CSVN triệt để tự nguyện lệ thuộc toàn diện vào Tàu. Đến nỗi nhiều đảng viên cao cấp đã bị bỏ tù trong vụ án “xét lại chống đảng” chỉ vì những người này có lời nói hay thái độ không phục tùng Tàu. Nhiều đảng viên tiến thân nhanh chóng trong đảng nhờ biết tôn sùng Mao một cách “thành khẩn”, hoặc sang Bắc Kinh để được xức “dầu thánh”. Một trong những trường hợp này là nhà báo Hữu Thọ (mới mất giữa tháng 8 vừa qua) từ cán sự bậc 5 đã nhanh chóng vượt qua các nhà báo đàn anh lên hàng lãnh đạo. Hay như tướng Nguyễn Chí Thanh đã chẳng mấy chốc lấn áp và loại bỏ tướng Võ Nguyên Giáp ra khỏi vị trí quyền lực nhờ có sự đỡ đầu của Bắc Kinh.

Trong những người lãnh đạo đảng CSVN lúc đó, ông Hồ Chí Minh cũng chẳng kém cạnh ai trong việc xu phụ Tàu. Trong “Hồ Chí Minh Toàn Tập”, của nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia năm 2002, từ trang 365 – 368, có đăng bài viết trên báo Nhân Dân ra ngày 1/7/1961, khoe rằng: “Hồ Chủ tịch cho biết Người đã hai lần đứng trong hàng ngũ Đảng CSTQ. Một lần trong những năm 1924-1927, với chức danh là “tuyên truyền đối ngoại”, viết bài về Đảng CSTQ cho một bài báo bằng chữ Anh và, một lần, vừa là binh nhì trong Bát lộ quân, vừa là Bí thư chi bộ của một đơn vị ở Hành Dương”.
Từ sự lệ thuộc Tàu toàn diện như vừa kể đến những năm sau đó, sau khi chiếm được miền Nam, trong bối cảnh hai đàn anh Trung – Xô hục hặc, do tưởng được Liên Xô đỡ đầu, bảo vệ, đảng CSVN đã phản phúc Tàu và bị Tàu “dạy cho bài học” vào năm 1979. Sau đó, từ hội nghị Thành Đô thần phục Tàu, đảng CSVN đã lần lượt nhượng đất, nhượng biển cho Tàu ra sao thiết tưởng không cần nhắc lại ở đây.

Điều cần nhấn mạnh và câu hỏi cần được trả lời của giai đoạn này là, tạo sao chỉ trong 10 năm (từ năm 2005 đến nay) Trung Cộng đã dễ dàng biến những vùng biển đảo của VN thành vùng tranh chấp, rồi từ đó lấn chiếm, thôn tính mà đảng CSVN chỉ phản ứng chiếu lệ khi bị bắt buộc phải lên tiếng?

Ai cũng biết, để làm được việc đó Trung Cộng hẳn phải có ảnh hưởng rất lớn và điều khiển được bộ phận lãnh đạo đảng CSVN, cụ thể là bộ chính trị. Nhưng Trung Cộng đã làm thế nào để âm thầm đạt được kết quả đó?

Trong một bài viết về nội tình đảng CSVN(*), nhà nghiên cứu Benoit de Tréglodé, chủ nhiệm chương trình Á đông ở Học viện Khảo cứu Chiến lược Trường Quân sự Pháp (IRSEM), đã nhận định về giới lãnh đạo CSVN như sau:

“Những lãnh đạo Việt Nam đều biết là những chức vụ chóp bu (Bí thư ĐCSVN, Thủ tướng, Chủ tịch nước và bộ trưởng bộ Quốc phòng) đều phải có sự ưng thuận ngầm của ĐCSTQ. Cái lobbying ấy cũng tốn rất nhiều tiền cho Tàu. Theo nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh phải bỏ ra 15 tỷ đô la dưới nhiều hình thức: đầu tư, những chương trình hợp tác, viện trợ Việt Nam tham dự những hoạt động của Asean, và nhất là tiền hỗ trợ thẳng vào túi các lãnh đạo.

Trong một đoạn khác, Benoit de Tréglodé đã viết về sinh hoạt bầu bán trên thượng tầng lãnh đạo đảng CSVN, giá trị cụ thể bằng tiền của mỗi lá phiếu trong những cấp bộ cao nhất của đảng CSVN ra sao. Từ đó người ta hiểu được tại sao Trung Cộng lại nắm và điều khiển được toàn bộ lãnh đạo CSVN cho những ý đồ của Bắc Kinh:

“Thủ tục từ trước tới nay là những món tiền quan trọng được trao tận tay, tùy từng trường hợp, cho mỗi lãnh đạo để đổi lại một sự hỗ trợ nào đó. Trong 2 nhiệm kỳ đứng đầu hành pháp, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thường xuyên cần củng cố ảnh hưởng của mình để có được đa số trong Quốc hội. Theo vài nhà quan sát, giá một phiếu trong quốc hội (498 đại biểu) phỏng chừng 100 ngàn đô. Giá còn cao rất nhiều hơn nữa nếu muốn có sự hỗ trợ của một ủy viên Trung ương (175 người) hay của một ủy viên bộ chính trị (16 người). Cái lo gíc này cứ tiếp tục tăng lên tùy theo thứ hạng trong bộ máy chính trị: để có được một ghế trong bộ Chính trị, vì phải có cuộc bỏ phiếu của Ủy ban Trung ương, phải bỏ ra chừng 1 triệu đô. Rõ ràng là Trung Quốc theo đường lối này, đã tìm thấy cách tăng cường ảnh hưởng của mình trong giới cầm quyền của nước CHXHCNVN và biến những kẻ nhận tiền thành những con nợ tinh thần của mình, phải chịu sự giám hộ của mình. Về phía Việt Nam, những tín hiệu, được lập đi lập lại về sự bảo vệ quyền lợi quốc gia đối với Bắc Kinh, lẽ tất nhiên chỉ hoàn toàn là giả tạo.”



******

Tóm lại, phần đầu bài viết này đã đưa ra những con số của cơ quan thăm dò PEW cho thấy quần chúng VN ghét TQ như thế nào. Cũng theo khảo sát của Pew thì vẫn có 19% người dân Việt vẫn còn ít nhiều cảm tình với Trung Cộng, số người này hầu hết là thuộc chính quyền, trong đó chắc chắn có đến gần 100 phần trăm người trong hàng ngũ lãnh đạo CSVN. Điều này hoàn toàn phù hợp với tình trạng “mắc nợ tinh thần” của lãnh đạo đảng CSVN đối với Bắc Kinh như được Benoit de Tréglodé nêu ra ở trên.

Người Việt Nam ghét Tàu từ trong lịch sử, tình trạng này càng được củng cố trước những hành vi xâm lăng ngang ngược của Tàu hiện nay. Người Việt Nam cũng ghét thậm tệ tham nhũng. Lãnh đạo đảng CSVN tham nhũng, nhận hối lộ của Tàu để giữ được những chiếc ghế quyền lực ngồi trên đầu trên cổ người dân. Vì vậy, nếu nói người Việt Nam ghét Tàu đồng nghĩa với ghét đảng CSVN là hoàn toàn hợp lý. 

- - -

(*) “Benoit de Tréglodé - Việt Nam, Đảng, quân đội và nhân dân: Duy trì sự chi phối chính trị trong giờ mở cửa”, https://www.danluan.org/tin-tuc/20150805/benoit-de-treglode-viet-nam-dang-quan-doi-va-nhan-dan-duy-tri-su-chi-phoi-chinh-tri

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét