2015/09/27

Việt Nam đi từ siêu lạm phát xuống ... số không

Patrick McGee - Financial Times
24/9/2015

Trong cơn lốc giảm phát lan tràn, vật giá tăng zêrô đã đến Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi có ghi chép.

Quốc gia Đông Nam Á này gia nhập vào câu lạc bộ của các quốc gia bên bờ giảm phát: những thành viên khác là Nhật Bản và Anh Quốc.

Ông Dominic Rossi, giám đốc đầu tư của Fidelity Worldwide Investment, đặt tên cho xu hướng này là “cơn sóng giảm phát thứ ba”, để phản ánh tình trạng nhu cầu tiêu dùng yếu, giá hàng hóa thấp và giá thành đi xuống.

Chỉ số lạm phát giá tiêu dùng tại Việt Nam không tăng lên 0.8 phần trăm như thị trường tiên đoán. Giá tăng zêrô là con số thấp nhất trong 10 năm ghi nhận dữ kiện.

Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặc lớn cho quốc gia từng khốn khổ vì lạm phát có lúc lên đến 774 phần trăm vào năm 1988. Một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc cho biết: “Nếu mức giá năm 1976 là 100 thì giá 1981 là 313, giá 1984 là 1.400 và của 1985 là 2.390”.

Việt Nam khá thành công trong việc kềm hãm lạm phát, nhưng cách đây hai năm giá cả tăng hơn 6 phần trăm mỗi năm. Cách đây bốn năm lạm phát là 22 phần trăm.

Vấn đề bây giờ là chỉ tiêu lạm phát ở mức 5 phần trăm. Hồi tháng Năm, khi giá cả tăng ở mức 1 phần trăm, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố chỉ tiêu vẫn là 5 phần trăm, tuy thế ông nhìn nhận tính cạnh tranh của Việt Nam có yếu đi.

Theo thống kê chỉ số giá tiêu dùng của Bloomberg thâu thập cho vùng Á Châu (không tính Nhật) thì con số cho toàn khu vực ở khoảng 2 phần trăm trong quý thứ nhì, chỉ bằng phân nửa so với đầu năm 2012, và hai phần ba dưới chỉ số của 2011.

Sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ hồi tháng Tám 2011, Việt Nam đối phó bằng cách nới lỏng biên độ giao dịch của tiền Đồng hai lần, từ 1 phần trăm lên 3 phần trăm, để cho tiền Đồng sụt giá và hỗ trợ xuất khẩu. Tiền Đồng từ đó mất giá 3 phần trăm và hiện ở mức 22.486 đồng = 1 đô-la.
Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thống Kê, cho biết là các biện pháp trên sẽ giúp nâng chỉ số giá tiêu dùng 0.7 phần trăm vào cuối năm. Ông nói là Việt Nam nên nhắm từ 5 đến 8 phần trăm tỷ lệ lạm phát để hỗ trợ tăng trưởng.

Lạm phát đi xuống là hệ quả của việc tụt giá dầu. Giá cả chuyên chở giảm 13.1 phần trăm trong 12 tháng. Nhưng giá thực phẩm cũng giảm 1.8 phần trăm và giá nhà cửa, vật liệu xây cất giảm 1.7 phần trăm.

Radio Chân Trời Mới - Hoàng Thuyên lược dịch

Nguồn: Financial Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét