2015/09/27

Những khó khăn của Trung Quốc

Nguyễn Ngọc Bảo


Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du chính thức Hoa Kỳ từ ngày 22/9, và được Tổng Thống Hoa Kỳ Obama tiếp kiến và mở tiệc khoản đãi quốc khách vào ngày Thứ Sáu 25/9. Đây là một chuyến công du được chuẩn bị công phu vừa đánh bóng vị trí lãnh đạo của họ Tập, vừa giải quyết những bất đồng, gia tăng hợp tác với siêu cường số một Hoa Kỳ trong một bối cảnh không còn mấy sáng sủa cho Tập Cận Bình. Những vấn đề đối ngoại và đối nội trong thời gian gần đây cho thấy triều đại Tập Cận Bình đang bước vào giai đoạn khó khăn và có thể trở thành sinh tử cho cả Trung Quốc trong một tương lai gần.

Tập Cận Bình đang phải đối diện cùng một lúc 2 khó khăn lớn trong nội bộ và một số khó khăn về mặt đối ngoại có khả năng ảnh hưởng lên tình hình nội bộ.

Có hai khó khăn lớn về nội bộ: thứ nhất sự củng cố quyền uy của phe cánh Tập Cận Bình không được thuận lợi như dự trù. Thứ hai lớn hơn là nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới của Trung Quốc đang gặp khủng hoảng, chưa tìm ra được hướng phát triển phù hợp với tình hình hiện nay và có thể dẫn tới sự bùng nổ của khủng hoảng xã hội.

Khó khăn về mặt đối ngoại cũng có hai điểm đáng chú ý: Thứ nhất, Trung Quốc đã để lộ bộ mặt đế quốc qua âm mưu xâm chiếm từng bước Biển Đông chiến lược và các hành vi gây hấn chung quanh đảo Điếu Ngư. Thứ hai là âm mưu cướp đoạt các kỹ thuật tiền tiến, chiến lược qua các cuộc tấn công trên mạng nhằm tranh thắng, tiêu diệt đối tác trên thương trường qua cạnh tranh bất chính và đạt ưu thế về sức mạnh quân sự, kỹ thuật.

Khó khăn nội bộ

Ngay khi lên cầm quyền, Tập Cận Bình đã tung ra chiến dịch chống tham nhũng từ năm 2012, nhằm tiêu diệt vây cánh của phe Giang Trạch Dân (1989-2002) và Hồ Cẩm Đào (2002-2012), nhất là các thành phần tướng lãnh cao cấp Công An và quân đội nằm trong Trung Ương Đảng, Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương, với một thành quả là diệt được những đối thủ hàng đầu như các cựu uỷ viên Bộ Chính Trị, Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, các cựu Phó Chủ Tịch Quân Uỷ Trung Ương Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu.

Từ năm 2013 hơn 180.000 cán bộ bị truy tố ra tòa về tội tham nhũng, trong đó có Cựu Phó tỉnh trưởng An Huy, Nghê Phát Khoa, cựu Thị trưởng Nam Kinh Quý Kiến Nghiệp, Lệnh Kế Hoạch, trợ lý thân cận của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, Mã Kiện, trung tướng Lưu Tranh, nguyên phó chủ nhiệm Tổng Cục Hậu Cần, Bí thư Thành ủy Nam Kinh Dương Vệ Trạch, Thiếu tướng Lưu Hồng Kiệt, sĩ quan cao cấp trong Tổng Cục Hậu Cần quân đội Trung Quốc. Tới 2015, vòng vây xiết lại dần chung quanh vòng đai thành phần thân cận nhất của các “con rồng”, các cựu Tổng Bí Thư, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào.

Nhưng từ hai năm qua, chiến dịch Đả Hổ đã gây hậu quả tai hại là làm cho guồng máy điều hành kinh tế ở cấp trung ương bị khựng lại, mọi quyết định lớn về đầu tư, vay mượn tín dụng, khuếch trương hạ tầng cơ sở đều bị hoãn lại vì lưỡi hái của bộ phận điều tra chống tham nhũng của Uỷ Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương với toàn quyền sinh sát trong tay.

Nhiều thành phần cán bộ, sĩ quan cao cấp bị giết hại, bỏ tù, tài sản bị tịch thu, hàm oan vì tư thù, bè phái, khiến cho bất mãn ngấm ngầm gia tăng trong quân đội Trung Quốc. Qua cuộc điều tra ChinaLeaks do International Consortium of Investigative Journalists tiến hành, ngay cả chính người anh rể trong vòng đai gia dình của Tập Cận Bình cũng dính vào các vụ tham nhũng lên đến hàng chục triệu MK tại thiên đường thuế khóa British Virgin Island. Theo nhiều nguồn tin từ phía trong nội bộ đảng CSTQ, hàng ngày có một cán bộ cao cấp tử tự chết để tránh bị truy tố ra tòa về tội tham nhũng. Nhiều cán bộ tham nhũng sau khi chuyển tiền ra ngoại quốc đã bỏ chạy qua Tây Phương và nhất là Hoa Kỳ để lẩn trốn và một số đã bị an ninh Trung Quốc chạy qua bí mật bắt về lại.

Sau hơn 66 năm dưới chế độ CS, tệ nạn tham nhũng cửa quyền tại Trung Quốc đã trở thành lối sống của toàn bộ guồng máy cán bộ, đảng viên. Do đó, nhiều phe cánh tỉnh ủy tại các tỉnh giầu có ven biển như Hà Bắc, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông đã tìm cách cấu kết, bao che cho nhau, chống đối lại cơ quan Điều Tra chống tham nhũng, chống lại Tập Cận Bình, để sống còn. Chuyến công du Hoa Kỳ xảy ra trong lúc sự tranh chấp ngôi vị chủ đạo vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ.

Mới đây, Tập Cận Bình đã công bố sẽ giảm 300.000 số quân của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc gồm khoảng 2,4 triệu người, lớn nhất thế giới. Đây không phải là một điều lạ lùng, vì với sự chính xác, tầm xa, khả năng tàn phá rất cao các võ khí hiện đại, việc tập trung quân như dưới thời Đệ II Thế chiến hay chiến tranh Triều Tiên không cần thiết nữa và sẽ là một sự tự sát.

Tuy nhiên sự thật là có sự lạm phát sĩ quan trong quân đội Trung Quốc, vì tình trạng tham nhũng tràn lan, tình trạng con ông cháu cha và với quân hàm sĩ quan, dễ được bố trí vào những vị trí không chiến đấu béo bở để bòn rút của công. Ngay cả khi Tập Cận Bình thanh toán được các đối thủ hàng đầu, sự đối kháng trong hàng ngũ quân đội hiện nay vẫn còn tiềm tàng và qua việc giảm quân, Tập Cận Bình muốn sa thải và vô hiệu hóa khả năng chống phá của thành phần sĩ quan tham nhũng, bất tài, cũng như cất nhắc người thân tín vào các chức vụ chỉ huy quan trọng.

Nắm vững quân đội vẫn là điều sinh tử cho mọi lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, kề từ sau biến cố Thiên An Môn để bảo vệ quyền uy và an ninh chính trị. Tuy guồng máy công an Trung Quốc rất lớn và có ngân sách bí mật khổng lồ có thể lớn hơn cả ngân sách quân đội (120 Tỷ MK 2013), để truy lùng các thành phần dân chủ, kiểm soát mạng Internet, tiêu diệt Pháp Luân Công nhưng chính các đơn vị quân đội của quân khu Thành Đô, gần vùng tự trị Tây Tạng lộ quân 13 và 14 thường được điều động nhằm đàn áp các cuộc nổi dậy của người Tây Tạng.

Khó khăn về hướng phát triển kinh tế

Sau hơn 20 năm phát triển không ngừng với tỷ lệ gần 10% và trở nền kinh tế thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ, với một Tổng Sản Lượng Nội Điạ lên đến 11.200 tỷ MK (Hoa Kỳ 18.200 Tỷ MK, nhưng với một dân số 4,5 lần ít hơn), nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc độ tăng trưởng từ vài năm gần đây từ 9-10%, xuống dưới 7%, nhưng vẫn duy trì mức phát triển nhờ vào các chính sách nhà nước hỗ trợ kinh tế như chương trình bơm vào guồng máy kinh tế 645 Tỷ MK xây cất địa ốc, hạ tầng cơ sở lớn như phi trường, đường cao tốc hỏa xa, xa lộ, phá giá đồng nhân dân tệ…khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh 2008.

Nhưng gần đây, mức phát triển đã giảm xuống hẳn lại vì cấu trúc chính trị, xã hội của Trung Quốc không còn phù hợp với mức tăng trưởng của một nền kinh tế đang đi dần vào hàng phát triển cao, khi vận hành kinh tế vẫn bao che cho tham nhũng (hơn 3000 tỷ MK thuộc loại tài sản phi pháp đã được giới cán bộ cao cấp tham nhũng bí mật chuyển ra nước ngoài trong 15 năm qua), không kiểm soát tín dụng, không khuyến khích sự trong sáng, cạnh tranh lành mạnh, dựa nhiều trên xuất cảng và không dựa trên thị trường nội địa.

Hậu quả: trước sự cạnh tranh của thế giới, mặt xuất khẩu các hàng hóa thường dụng không còn tăng, mặt xuất khẩu các mặt hàng cao cấp bị giới hạn vì phẩm chất kém, thị trường chứng khoán rơi vào khủng hoảng khiến cho hàng triệu cổ đông viên tư nhân bị vỡ nợ, số nợ công “chính thức” đạt mức kỷ lục (từ 30% TSLQG 2012 tăng lên 40% 4500 Tỷ MK vào năm 2014) vì hoàn toàn không kiểm soát được hành vi bòn rút của công các nhóm lợi ích nhờ ô dù rất mạnh, luôn tự do tung hoành qua mặt luật pháp.

Giá thành các sản phẩm xuất khẩu đã tăng nhanh, lương bổng công nhân, kỹ sư tại Trung Quốc không còn thấp như đối với một quốc gia kém phát triển. Lương trung bình tại Trung Quốc đã tăng 14% trong 6 tháng đầu 2014, hiện là 220€/Tháng (kỹ sư 480€/tháng), tức khoảng 1/10 (1/8 kỹ sư) mức lương tại Tây Âu, nhưng đã cao hơn mức lương tại Đông Âu như Lỗ Ma Ni, Bảo Gia Lợi. Do đó nhiều công ty đã hủy bỏ, không gia hạn hợp đồng đầu tư, chuyển công xưởng về Đông Âu, với giá nhân công rẻ hơn, cũng như tiền di chuyển, vận chuyển hàng hóa, liên lạc tiện lợi hơn.

Hiện Tập Cận Bình biết là Trung Quốc đang ở ngã 3 đường. Sau một thời gian phát triển cao, nhưng vẫn giữ được mô hình chính trị độc đảng, mô hình kinh tế chỉ huy và là nơi nuôi sống guồng máy đảng, bây giờ kinh tế Trung Quốc đang khựng lại và sẽ rơi vào khủng hoảng nếu không có một sự cải tổ toàn diện.

Tệ nạn chính hiện là tham nhũng quy mô từ trên xuống dưới, sự thiếu vắng một hệ thống pháp luật bảo vệ quyền dân sự, lao động, môi sinh, bản quyền và được thi hành và tôn trọng. Muốn gia tăng mãi lực của thị trường nội địa, cần phải gia tăng lợi tức cho hơn 900 triệu dân (trên tổng số 1,4 tỷ) vẫn còn nghèo, muốn như vậy phải hỗ trợ bằng tín dụng, huấn luyện, thuế khóa cho khu vực tư doanh, sự phát triển này sẽ cạnh tranh với các công ty quốc doanh vốn thường thua lỗ và dần dần đe dọa đến sức mạnh của đảng CSTQ.

Xã hội Trung Quốc ngày nay đã mở rộng với hơn 700 triệu dân cư mạng và không còn có thể bưng bít hoàn toàn với những tuyên truyền đối trá như trước đây, tin tức lưu chuyển rất nhanh trên các mạng xã hội. Thử thách đối với Tập Cận Bình là sẽ phải mở thêm về mặt kinh tế, quyền dân sự nhưng đồng thời mong muốn vẫn giữ được sự kiểm soát, 2 mục tiêu đối nghịch với nhau vì không có sự san xẻ trách nhiệm và phúc lợi chung.

Những khó khăn về mặt đối ngoại

Có hai vấn đề chiến lược nổi cộm trên lịch trình thảo luận. Thứ nhất là vấn đề Biển Đông, thứ hai là an ninh trên mạng (cybersecurity), ngoài những điểm thường lệ về hợp tác kinh tế, chống khủng bố IS, vấn đề võ khí nguyên tử của Bắc Hàn và Ba Tư.

Tổng Thống Obama khi tiếp kiến Tập Cận Bình đã công khai bày tỏ mối lo ngại về các âm mưu xây cất đảo nhân tạo nhằm chiếm chủ quyền trên Biển Đông, cũng như các cuộc tấn công của hackers gồm các sĩ quan quân đội nhân dân do Trung Quốc huấn luyện và hỗ trợ để lấy cắp các kỹ thuật tiền tiến và quốc phòng, cũng như dữ kiện cá nhân mật của gần 20 triệu nhân viên Liên Bang Hoa Kỳ.

Bối cảnh chung đằng sau 2 vấn đề trên là bản chất chiến lược của Biển Đông về kinh tế, quân sự và sinh tử cho nhiều quốc gia nếu bị khống chế, các hải lưu bị ngăn chặn, cũng như tấn công trên mạng là một võ khí chiến lược nhằm xoá dần hố ngăn cách về kỹ thuật tiền tiến, gây xáo trộn, làm cho ngưng hoạt động các hệ thống điện toán trọng yếu (critical) của một quốc gia tiền tiến đối thủ.

Ví dụ như các hệ thống điện toán điều hành không lưu các phi trường, các nhà máy điện nguyên tử và hệ thống vận chuyển điện lưc, hệ thống lọc và phân phối nước dùng, hệ thống quản trị tài chánh, ngân hàng và thị trường chứng khoán, quản trị các lưu lượng xuất tồn kho của thương mại điện tử, điều hành các cơ xưởng kỹ nghệ nặng chế tạo thiết bị cho máy bay, xe lửa, xe hơi, hạ tầng cấu trúc của mạng Internet...

Hiện nay âm mưu của Trung Quốc từng bước xác định chủ quyền trên các vùng quần đảo Trường Sa, trong âm thầm, không tiếng súng đã bị bại lộ và gặp phải sức đối kháng quyết liệt của các quốc gia lân bang (các cuộc biểu tình tại Việt Nam chống Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam (từ 2010) và chống giàn khoan Hải Dương 981 tháng 5/2014, tại Phi Luật Tân), và hiện đang có một sự hợp tác công khai giữa các cường quốc trong vùng Á Châu Thái Bình Dương như Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, Ấn Độ nhằm chống lại Trung Quốc.

Chủ trương đàm phán song phương của Trung Quốc để dễ áp lực, đã thất bại với Phi Luật Tân khi Phi công khai kiện Trung Quốc ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực tại Den Haag vào đầu 2013, bất chấp các áp lực đe dọa từ phía Trung Quốc.

Các quốc gia ASEAN từ Phi Luật Tân, Nam Dương đến Mã Lai, Việt Nam đều gia tăng ngân sách quốc phòng, tân trang hải quân và không còn mơ hồ về chiến lược tằm ăn dâu, từng bước lấn chiếm Biển Đông qua đường lưỡi bò 9 điểm bất chấp công pháp quốc tế về Luật Biển UNCLOS.

Ngày 19/9, Thượng Viện Nhật Bản cũng vừa mới thông qua điều luật nới rộng thẩm quyền can thiệp của Quân Đội Nhật ngoài lãnh thổ Nhật Bản (đặc biệt là Biển Đông). Các giới chức quân sự cao cấp của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc đều lên tiếng cho biết là sẽ vẫn tiến hành các chuyến tuần hải hỗn hợp trên hải phận và không phận quốc tế tại các vùng đảo do Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền, bất chấp các cảnh cáo của Trung Quốc.

Tập Cận Bình có nhu cầu biểu dương sức mạnh của Trung Quốc đối với các quốc gia nhỏ lân bang, nhất là đối với Việt Nam với sự tiếp tay, đồng lõa của lãnh đạo đảng CSVN và Phi Luật Tân, do đó chắc chắn sẽ không nhượng bộ trên biển Đông, trừ khi có những động thái quyết liệt hơn từ siêu cường mà Trung Quốc vẫn còn kiêng nễ là Hoa Kỳ.

Hiện nay tình hình Biển Đông vẫn bế tắc, không có lối thoát ôn hòa, trừ khi Trung Quốc ngưng việc xây cất, các phi trường trên các đảo nhân tạo, tháo gỡ các công trình do họ xây cất lên để xác định chủ quyền, chấp thuận đề nghị một hội nghị về An Ninh Biển Đông với sự tham dự của mọi quốc gia liên hệ, cũng như dựa trên Công Ước Quốc Tế về Luật Biển 1982 để tìm cách giải quyết ôn hòa.

Vấn đề an ninh mạng đã trở thành một vấn đề vô cùng quan trọng, khả dĩ có ảnh hưởng quyết định đến sự thăng tiến hay suy bại của một tổ chức, công ty, một quốc gia trong thế kỷ của thông tin toàn cầu qua mạng Internet. Nếu các bí mật kỹ nghệ, kỹ thuật, ngân hàng dữ kiện về khách hàng, kế toán bị lấy cắp hay phá hủy, vì hệ thống điện toán không được bảo vệ đúng mức, xác xuất công ty bị phá sản rất cao.

Đa số các cuộc tấn công có chủ đích (targeted) đều có phương tiện cấp quốc gia hỗ trợ, đều nhằm lấy cắp các kỹ thuật tiền tiến, các sáng chế để đạt thắng lợi trên thị trường hay trên mặt quân sự, hay mặt khác để làm gián đoạn, ngưng trệ các hệ thống điện toán trọng yếu, tức làm tê liệt khả năng điều động, chỉ huy, cũng như sự vận hành.

Từ 10 năm nay hầu hết các công ty, văn phòng chuyên về an ninh mạng Tây Phương đều chắc chắn, sau khi thẩm định các dấu (log) và mò tung tích lần lên phía gốc qua các máy chủ trung gian (relay server) đều biết rõ phần đáng kể các cuộc tấn công đều xuất từ các nhóm địa chỉ IP thuộc về Trung Quốc.

Vào đầu năm 2013, công ty an ninh mạng Mandiant đã công bố một bản điều tra rất công phu nhằm vào đơn vị quân đội nhân dân 61398 (APT1) tại Thượng Hải với đầy đủ chi tiết về điện thư, địa chỉ IP, nơi làm việc, tài liệu, để nhận diện tên tuổi, hình ảnh của 5 sĩ quan Trung Quốc liên hệ đến các cuộc tấn công nhằm vào Hoa Kỳ. Sau đó Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã truy tố 5 sĩ quan này về tội tấn công vào các hệ thống điện toán các cơ quan liên bang. Mới đây một văn phòng an ninh mạng đã vạch mặt một sĩ quan quân đội Trung Quốc, với cả các hình có tính chất riêng tư, về tội tấn công vào các hệ thống điện toán các công ty Hoa Kỳ và các quốc gia trong vùng Đông Á.

Trước quá nhiều bằng chứng hiển nhiên và hiểu rõ an ninh mạng là một điểm mà trên thế giới từ các giới chức quốc phòng, các cơ quan liên bang, các ngân hàng, các công ty thương mãi trên mạng (e-commerce) Hoa Kỳ cho đến các giới trách nhiệm về an ninh mạng của Liên Âu, Nhật Bản, Úc đặc biệt quan tâm đến thái độ của Trung Quốc, và khó có thể chối quanh, Tập Cận Bình đã nhượng bộ bằng cách chấp nhận một số đề nghị của Hoa Kỳ, tự đặt trong vị trí nạn nhân các cuộc tấn công trên mạng. Nhờ đó Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận ngưng chiến về cuộc chiến trên mạng. Tuy nhiên chắc chắn là cuộc chiến âm trầm nhưng rất tinh vi và hậu quả rất tai hại cho kinh tế và quốc phòng sẽ vẫn tiếp diễn trên mạng.

Kết luận

Chuyến công du Hoa Kỳ lần này của Tập Cận Bình không mang lại kết quả cụ thể gì, ngoài việc đánh bóng cá nhân, ngược lại 2 vấn đề mà Trung Quốc muốn né tránh là Biển Đông và An Ninh Mạng đã được Hoa Kỳ nêu lên như ưu tiên hàng đầu.

Hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới ngày càng xấu đi, mặc dù Trung Quốc cố gắng đầu tư vào Phi Châu, Nam Mỹ, và tặng không các công trình hạ tầng cơ sở: qua những âm mưu thâm độc nhằm tranh đoạt bất chính thị trường, qua việc bán phá giá, tung ra sản phẩm độc hại cho sức khỏe, qua việc chế ra hàng giả để khống chế hàng thật, bán rẻ tiền nhưng với phẩm chất rất kém để đánh lừa giới tiêu thụ.

Hình ảnh của Trung Quốc ngày nay là hình ảnh một quốc gia đế quốc, chuyên dựa trên sức mạnh kinh tế, quân sự để đè ép các quốc gia nhỏ hơn, coi thường công pháp quốc tế. Dư luận vẫn tự hỏi chưa rõ về thiện chí muốn chống tham nhũng, cải cách Trung Quốc của Tập Cận Bình hay chỉ là ước muốn củng cố quyền hành độc tôn.

Liệu Tập Cận Bình có thực tâm giải quyết khó khăn lớn nhất về nền kinh tế Trung Quốc và sự thịnh vượng chung của 1,4 tỷ dân Trung Quốc với hệ quả là sự tôn trọng các quyền dân sự và chính trị và trở thành một Gorbatchev Trung Quốc hay không, hay chỉ là một hoàng đế đỏ như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào?

Nguyễn Ngọc Bảo
Ngày 27/9/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét