2015/09/17

Đảo chánh!

Đỗ Đăng Liêu

Tony Abbott và Malcolm Turnbull

Tối ngày 14/9/2015, một cuộc "đảo chánh" đã diễn ra ở Canberra, thủ đô nước Úc!

Cuộc đảo chánh đã "lật đổ" đương kim Thủ Tướng Úc là ông Tony Abbott và ông Malcolm Turnbull đã lên thay, nắm quyền Thủ Tướng. Vào những giây phút xẩy ra cuộc đảo chánh thì trên mạng không khí sôi động, tin tức chuyển đi nhanh như điện, mọi người xôn xao, bàn tán, kẻ ủng hộ, người phản đối, kẻ lạc quan, người lo lắng cho tương lai của nước Úc. Nhưng có lẽ phần đông dân chúng bất cần, chẳng thèm để ý.

Không biết mọi người sẽ có cảm giác gì nếu ở những giòng trên đây các chữ "Úc" được thay bằng chữ "Việt Nam" và thay "Canberra" bằng "Hà Nội"? Phải chăng người ta sẽ hình dung ra ngay hình ảnh những đoàn xe tăng, thiết giáp, những binh đoàn rầm rập kéo về Thủ Đô Hà Nội, nghe các đài phát thanh tường thuật những cuộc nổ súng, giao tranh, số lượng binh sĩ thương vong, nghe tên những lãnh đạo bị bắt, … và một tân lãnh đạo mới với những tuyên bố nẩy lửa?!

Nhưng xin trở lại với sự thật lịch sự vừa xảy ra.

Nước Úc theo hệ thống tổ chức chính trị Westminster gốc từ Anh Quốc. Hiện ở Úc có 2 đảng chính trị lớn là Đảng Lao Động và Đảng Tự Do, thay phiên nhau nắm quyền và chẳng đảng nào nắm quyền được quá lâu. Ngoài ra còn có một số đảng phái nhỏ khác với những tham vọng giới hạn và đôi khi liên minh giai đọan với đảng nào nắm quyền có chính sách thích hợp với họ.

Bầu cử Quốc Hội Úc diễn ra 3 năm một lần, đảng hay liên minh các đảng nào chiếm được đa số dân biểu tại Hạ Viện thì được giao trách nhiệm thành lập chính phủ và người lãnh đạo đảng đó lên làm Thủ Tướng.

Ông Tony Abbott là Thủ Tướng Úc từ sau cuộc bầu cử Tháng 9 năm 2013, và như vậy Ông làm Thủ Tướng chưa đầy 2 năm khi bị ông Turnbull, là người cùng trong Đảng Tự Do, đảo chánh. Trước đó 4 năm, cũng trong một cuộc bỏ phiếu trong nội bộ Đảng Tự Do để chọn lãnh đạo, ông Abbott đã thắng ông Turnbull chỉ với 1 phiếu.

Đảo chánh trong chính trường Úc chỉ đơn giản là đòi thách thức vai trò lãnh đạo của người đương nhiệm trong cùng đảng với họ. Không có chuyện đảo chánh người lãnh đạo đảng khác đang nắm chính quyền. Muốn vậy thì chỉ có một cách duy nhất là đến kỳ bầu cử Quốc Hội mỗi 3 năm 1 lần, để dân chúng quyết định.

Cho nên, khi ông Turnbull thách thức vài trò lãnh đạo đảng của ông Abbott thì nội bộ Đảng Tự Do bỏ phiếu chọn. Và ông Turnbull thắng, trở thành lãnh đạo Đảng và theo luật trở thành thủ Tướng dù ông ta không phải là người coi như được dân Úc bầu ra trong cuộc bầu cử năm 2013 đưa Đảng Tự Do lê nắm quyền thay Đảng Lao Động vào thời điểm đó. Và rồi đây, trong thời gian 1 năm nữa, ông Turnbull sẽ là người lãnh đạo Đảng Tự Do trong cuộc bầu cử Quốc Hội Úc năm 2016, và nếu thua thì Đảng Lao Động sẽ trở lại nắm quyền.

Chỉ khoảng hơn nửa ngày sau khi được chọn thay thế ông Abbott trong vai trò lãnh đạo Đảng Tự Do, ông Turnbull ngày hôm nay đã tuyên thệ nhậm chức Thủ Tướng Úc trước mặt vị Toàn Quyền Úc Châu.

Đảo chánh ở xứ Úc này là như vậy thưa các Bạn. Không có quân đội, không có súng nổ, không có ai chết, không ai được phép giết, ám sát, thủ tiêu bất cứ ai khác, và cũng không ai muốn làm vậy.

Ngày mai đây, trong Quốc Hội Úc, ông Turnbull lên ngồi ghế lãnh đạo chính phủ và ông Abbott tụt xuống ngồi hàng ghế sau như những dân biểu quốc hội không chức tước khác trước khi chờ hết nhiệm kỳ dân biểu và về hưu, hoăc giả cũng có thể xảy ra trường hợp hi hữu như trường hợp ông cựu Thủ Tướng Kevin Rudd của Đảng Lao Động bị bà Julia Gillard đảo chánh, mất chức Thủ Tướng, xuống hàng ghế sau ngồi, rồi 2 năm sau quành lại, đảo chánh ngược bà Thủ Tướng Julia Gillard và trở thành Thủ Tướng lần thứ nhì trước khi mất chính quyền về tay ông Tony Abbott.

Trong hệ thống chính trị Úc, rất dân chủ, khi sinh hoạt trong Quốc Hội, ở vai trò chính phủ và đối lập, 2 phe cãi nhau, thậm chí chửi rủa nhau như kẻ thù. Nhưng khi hiện diện ở tất cả những buổi sinh hoạt chính trị quan trọng như những ngày lễ lớn như Quốc Khánh, tiếp đón quan khách quan trọng, các lãnh tụ cả 2 đảng đều hiện diện và chuyện trò trao đổi rất lịch sự thân thiện như những người … bạn tốt.

Ở vai trò đối lập, họ luôn phê bình và chỉ trích gay gắt, thậm chí bới móc những sai sót của đảng cầm quyền. Tuy nhiên, họ không chủ trương lật đổ chính phủ "với bất cứ giá nào". Điều cực kỳ quan trọng đối với cả hai phiá chính quyền và đối lập là họ đều bảo vệ quyền đối lập, quyền kiểm soát việc làm và phê bình chỉ trích những sai lầm của chính phủ để người dân được biết trong quan niệm là hôm nay mình là chính phủ nhưng chỉ ngày mai thôi mình sẽ bị rơi trở lại vào vai trò đối lập. Và chỉ có bảo vệ quyền hạn của đối lập, trao cho đối lập nhiều quyền hiến định để kiểm soát chính phủ, thì mới bảo đảm là chính phủ phải làm đúng và như thế quyền lợi tối thượng của quốc gia mới được phục vụ đúng cách và đúng nghiã.

Vì nhiệm kỳ chỉ có 3 năm, nếu người dân có "lỡ" chọn sai đảng cầm quyền làm chẳng ra hồn thì 3 năm sau họ sẽ chọn trao quyền cho đảng đối lập. Và ai cũng biết như thế. Không có chuyện ám sát, thủ tiêu, hay kéo quân đội về làm đảo chánh quân sự.

Đó là sự khác biệt căn bản giữa dân chủ và độc tài, giữa đa đảng và độc đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét