2015/08/27

Thảm kịch xét tuyển Đại học 2015

Mặc Thủy


Trong những ngày trung tuần tháng Tám 2015 vừa qua, song song với tin tức về hàng loạt vụ thảm sát nhiều người cùng một lúc xảy ra trên khắp Việt Nam như ở Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái, Tây Ninh, Gia Lai… giới truyền thông Việt Nam cũng sôi động dồn dập với những bài viết về sự bất bình của dư luận liên quan đến Kỳ xét tuyển Nguyện vọng 1 Đại học - Cao đẳng 2015, diễn ra từ 1/8 đến 20/8.

Hình ảnh các hội trường chật kín người với những gương mặt phờ phạc của phụ huynh và thí sinh nộp đơn; hoặc câu chuyện chiếc xe cấp cứu 115 được thuê chỉ để chở mẹ con một thí sinh đại học ra Hà Nội rút hồ sơ sao cho kịp nộp vào một trường khác; hay hàng trăm ngàn Facebooker kêu gọi Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận hãy có một lời xin lỗi, đồng thời từ chức; và đặc biệt nhất là cảnh một thanh niên trẻ đứng biểu tình trước văn phòng Bộ Giáo dục với một tấm ảnh chú chuột bạch sắp bị tiêm thuốc cùng dòng chú thích “Học sinh, sinh viên không phải là Chuột Bạch”… đã cho chúng ta thấy rõ nỗi thất vọng và sự bất bình của dư luận đối với cách thức tổ chức của kỳ xét tuyển đại học vừa qua.

Nhìn lại quá khứ

Trước năm 1975, nền giáo dục theo tinh thần Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa quy định con đường vào đại học có 2 cách là Thi tuyển và Ghi danh. Hệ Thi tuyển chỉ dành cho các ngành đào tạo chuyên môn, số lượng tuyển sinh khá giới hạn, vì vậy những thí sinh trúng tuyển đều là những học sinh thuộc loại khá. Còn hệ Ghi danh thì mở rộng cho tất cả những ai muốn nâng cao kiến thức với đầu vào rất dễ dàng đơn giản, nhưng đầu ra thì vô cùng khó, đòi hỏi sinh viên phải thật sự có lực học - xứng đáng đúng trình độ cử nhân tốt nghiệp đại học.

Sau năm 1975, mặc dù nền giáo dục theo tinh thần “cách mạng” của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã liên tục thực hiện nhiều cuộc cải cách - tính đến nay đã có được 40 lứa “chuột bạch” vào đại học và còn 11 lứa nữa đang trên các mái trường phổ thông - nhưng loay hoay mãi vẫn chưa thấy đâu là điểm dừng hợp lý.

Từ năm 1975 cho đến những năm 89-90, nhà cầm quyền CSVN siết chặt con đường vào đại học. Đầu vào đại học chỉ có một cách là vượt qua kỳ thi tuyển, nhưng đề thi thì vẫn được giao cho các trường tự ra. Học trò đạt điểm thì đậu, không đạt thì rớt - chẳng oán hận ai, chỉ biết trách mình. Tuy nhiên, cửa ải lý lịch của CSVN đã khiến nhiều thế hệ không có cơ hội bước vào ngưỡng cửa giảng đường.
Từ những năm 91-92, sự thay đổi của thời kỳ “đổi mới” cũng đã tác động vào ngành giáo dục. Với sự xuất hiện một số trường đại học tư và ngành học mới, đầu vào đại học mở ra thông thoáng hơn, đề thi vẫn do các trường tự ra, nhưng thí sinh có thể tham gia đến 3 kỳ thi đại học trong một mùa. Tuy nhiên, một điều tệ hại là từ thời kỳ này các giới chức CSVN bắt đầu hé cửa cho việc tuyển sinh tràn lan, thả nổi chất lượng đào tạo - hướng toàn xã hội vào tư tưởng trọng bằng cấp hơn thực học, hay còn gọi là chạy theo bằng cấp.

Từ năm 2005 trở đi, việc xuất hiện ồ ạt hàng loạt trường đại học cấp tỉnh và đại học tư (được coi là những bộ máy kiếm tiền và nơi ngồi của các quan chức cộng sản về hưu) đã khiến cho xã hội Việt Nam lâm cảnh “người người học đại học, nhà nhà học đại học”.

Do chạy theo lợi nhuận nên bùng phát thực trạng tuyển sinh tràn lan, thả nổi chất lượng đào tạo. Bộ Giáo dục nắm giữ luôn quyền ra một đề thi chung duy nhất cho toàn quốc. Vì số lượng trường quá nhiều, dẫn đến việc điểm chuẩn để đậu vào các trường không đồng đều, có những trường điểm rất cao, đồng thời cũng có nhiều trường điểm thấp không thể tưởng. Có những trường chỉ đạt 8 điểm/3 môn - tức là trung bình mỗi môn chưa tới 3/10 điểm.

Xã hội bắt đầu xuất hiện cảnh tréo ngoe, nhiều thí sinh điểm cao thì rớt đại học, còn vô số học sinh điểm thấp thì lại đậu. Để chữa cháy, Bộ Giáo dục tiếp tục ban hành quy chế Điểm Sàn, nhằm quy định mức điểm tối thiểu được vào đại học cho có vẻ công bằng. Tuy nhiên từ khi xuất hiện đến nay, chưa năm nào khung Điểm Sàn vượt quá ngưỡng 13.5 điểm/3 môn - tức là mỗi môn chưa đến 5/10 điểm.

Từ thời kỳ này, bắt đầu xuất hiện cảnh chạy đua rút và nộp hồ sơ vào những trường điểm thấp, tuy nhiên không đến nỗi gây ra thảm cảnh như hiện nay, vì thí sinh biết rõ điểm chuẩn của trường mà mình chạy đến nộp đơn.

Cũng từ thời gian này các ngôi trường sinh sau đẻ muộn, nhất là các trường tư, bắt đầu được Bộ Giáo dục cho phép đào tạo một lúc cả 3 hệ, gồm Trung cấp, Cao đẳng và Đại học. Tất cả những thí sinh dù thi đại học chẳng có được điểm nào vẫn có thể ghi danh học hệ Trung cấp ở một trường đại học nào đó, sau đó sẽ chuyển tiếp lên bậc Cao đẳng, rồi tiếp tục chuyển tiếp lên bậc Đại học - cuối cùng cũng đường hoàng tốt nghiệp đại học, chỉ có điều mất nhiều thời gian hơn chừng 2 năm (so với 4 năm của hệ đại học bình thường).

Thực trạng này tất yếu thúc đẩy chất lượng giáo dục xuống đến mức cùng cực. Xuất hiện hàng triệu cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ học giả bằng thực, dẫn đến thực trạng có bằng cấp cao nhưng thất nghiệp tràn lan.

Thảm kịch năm 2015

Năm 2015, Bộ Giáo dục CSVN tiến đến một bước cải cách mới là bỏ hẳn kỳ thi Đại học, các trường chỉ xét tuyển Đại học căn cứ điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Với tư tưởng đầy chất “bạo lực cách mạng” hơn là tính “nhân bản giáo dục”, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận hùng hồn khẳng định đây là “trận đánh lớn”.

Thế nhưng, tầm nhìn chiến lược của những bộ óc “đỉnh cao trí tuệ cộng sản” này đã khiến hàng triệu người lâm cảnh “thất bại”, họ hoảng loạn như đang chạy theo những con số của “thị trường chứng khoán” trong thời gian 20 ngày của tháng Tám vừa qua.

Nguyên cớ gây ra sự hoảng loạn và phẫn nộ là do thời gian ấn định nộp hồ sơ xét tuyển quá dài - đến 20 ngày. Với con số này, những thí sinh “khôn ngoan” sẽ án binh bất động hơn 2/3 thời gian để chờ xem xét tình hình. Trong khi đó hầu hết các thí sinh khác đều nhanh chóng đi nộp hồ sơ vào ngôi trường mình đã dự định ngay những ngay đầu tiên.

Sau khi đã nắm bắt được điểm số dao động và số lượng thí sinh đang nộp đơn vào các trường đại học, lúc gần đến thời điểm hạn chót, những thí sinh “khôn ngoan” sẽ bắt đầu nắm quyền chủ động nộp hồ sơ vào những trường mà họ biết mình chắc chắn sẽ đậu, không cần quan tâm đến việc sẽ học ngành nghề gì, chỉ cần là có nơi để học đại học là được.

Việc này dẫn đến làn sóng rút hồ sơ tháo chạy tán loạn của hàng loạt những thí sinh có điểm thi thấp nhưng đã nộp hồ sơ trước đó, sau đó ào ào tìm đến các trường khác nộp - rồi tiếp tục lập lại điệp khúc rút nộp ở nhiều trường khác… gây ra một thảm cảnh vỡ trận như ong vỡ tổ.

Nguyên ủy vấn đề

Nhìn kỹ thực trạng giáo dục từ sau 1975 đến nay, chúng ta có thể tóm lược sơ khởi 4 nguyên do dẫn đến thảm cảnh giáo dục hiện thời.

1/ Nguyên do đầu tiên là bởi giới chức CSVN chạy theo lợi nhuận trước mắt, cho phép thành lập quá nhiều trường đại học. Việc này dẫn tới sự mất cân bằng cung cầu, không cân đối được đầu ra sau khi tốt ngiệp, đưa đến mất cân bằng xã hội. Các trường vì chạy theo doanh thu nên thả nổi chất lượng cả đầu vào lẫn chất lượng đào tạo - đồng thời kéo cả xã hội lao đầu vào duy nhất con đường học đại học.

2/ Nguyên do thứ nhì là Bộ Giáo dục hiện nay không giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, khiến cả nhà trường lâm cảnh bị động trong việc quyết định chất lượng đầu vào và mức điểm chuẩn của mình.

3/ Nguyên do thứ ba là hệ quả trực tiếp từ nguyên do đầu tiên, đó là thực trạng thả nổi chất lượng đào tạo. Thực trạng thả nổi chất lượng đào tạo ở các cấp trung học khiến hầu hết thí sinh không hề nắm bắt được năng lực thực sự của mình nằm ở mức nào. Dẫn đến số lượng thí sinh cùng lúc dồn vào một số trường rất cao, dù năng lực thật chưa đạt tới. Dẫn đến cảnh phải tháo chạy khi những thí sinh có điểm số cao hơn kéo đến áp đảo.

4/ Nguyên do thứ tư cũng là hệ quả trực tiếp từ nguyên do đầu tiên, đó là thực trạng chạy theo bằng cấp. Thực trạng này khiến hầu hết phụ huynh luôn dồn ép con cái mình phải bằng mọi giá học đại học cho nở mày nở mặt. Dẫn đến việc thí sinh nhắm mắt lao vào con đường đại học chứ không chọn đi theo một hướng khác thực tế hơn và phù hợp năng lực hơn cho tương lai sau này.

Để có thể chấn chỉnh được thực trạng hỗn loạn trong việc xét tuyển hiện nay, đồng thời dần dần đưa nền giáo dục Việt Nam trở lại quỹ đạo phát triển chung, nhà chức trách chắc chắn còn rất nhiều điều cần phải làm. Nhưng 3 việc cần kíp nhất phải ưu tiên giải quyết là 1/ giảm số lượng trường Đại học xuống cho phù hợp với nhu cầu xã hội; 2/ giao quyền chủ động tuyển sinh cho những trường đó theo con số lượng thực mà xã hội cần; và 3/ chấn chỉnh lại chất lượng đào tạo ở cả các cấp phổ thông cũng như bậc đại học, theo hướng thực nghiệm và khai phóng với thế giới bên ngoài.

Mặc Thủy
27/8/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét