2015/08/28

Mô hình Trung Quốc sắp sửa hết thời

Financial Times
George Magnus - 21/08/2015
Trần Thi lược dịch



Quốc gia này đang trải qua một cơn khủng hoảng về chuyển tiếp chưa từng thấy từ thời Đặng Tiểu Bình

Người ta thường nói tháng Tám là tháng yên tĩnh ít có chuyện gì xảy ra, nhưng tháng Tám ở Trung Quốc hoàn toàn khác. Những diễn biến xảy ra với thị trường chứng khoán và tiền tệ và ngay cả vụ tai nạn công nghiệp kinh khủng ở Thiên Tân có thể chỉ là xui xẻo nếu xét từng chuyện một. Nhưng khi nhìn chung thì chúng là biểu hiện của đoạn cuối của mô hình kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Quốc gia này đang trải qua một cơn khủng hoảng về chuyển tiếp chưa từng thấy từ lúc Đặng Tiểu Bình bắt đầu xây dựng một tương lai cho Trung Quốc khác với thời Mao Trạch Đông.

Có dấu hiệu cho thấy mọi chuyện không được suôn sẻ lắm. Vừa muốn thắt chặt quyền hành tối thượng của đảng cộng sản, vừa muốn cải cách, cải tổ tài chánh, tái quân bình kinh tế, cùng lúc lại muốn giữa tăng trưởng ở tốc độ không thực tế là điều rất phức tạp và là những mục tiêu xung khắc.

Công việc cải tổ của họ Đặng trong một xã hội tiền công nghiệp không có tầng lớp trung lưu và không có truyền thông xã hội ở khía cạnh nào đó dễ hơn nhiều. Để tránh tập trung quyền lực vào một cá nhân, họ Đặng xây dựng quyền lực vào các cơ phận nhà nước và các bộ trưởng, đặc biệt là Quốc Vụ Viện và thủ tướng, và khuyến khích một không khí cởi mở và mô hình chính trị đồng thuận. Mọi thứ vận hành tốt cho đến đầu thế kỷ 21, rồi dần dà đi vào tình trạng sơ cứng. Hệ thống đảng rơi vào tình trạng tham nhũng và không màng đến mối quan tâm của quần chúng về xã hội, môi trường và độ an toàn của sản phẩm. Nền kinh tế mang nợ cao, sản xuất thặng dư và nghiện lối đầu tư nhiều nợ.

Để giải quyết những vấn đề trầm trọng này, Tập Cận Bình quay ngược chiều kim đồng hồ. Ông tập trung quyền lực nhiều hơn ai hết kể từ thời Mao và thường xuyên nhấn mạnh nhu cầu “trong sạch hóa đảng” để tránh bị số phận của đảng cộng sản Liên Xô. Trong số các chủ trương đầu tiên của ông là chiến dịch bài trừ tham nhũng vẫn đang tiếp tục. Ông vượt thẩm quyền của các cơ chế nhà nước bằng cách lập ra những bộ phận của đảng được gọi là “nhóm lãnh đạo nhỏ” nhiều hơn các bộ và có nhiều ảnh hưởng đến các chức năng quan trọng của nhà nước.

Có thể cần có nhu cầu tập trung quyền lực tại Trung Quốc để tiến hành những cải cách nhiều tham vọng. Tuy nhiên trong khi một số cải cách có tiến triển thì nhiều việc khác trở nên tệ hơn. Việc đàn áp xã hội dân sự, truyền thông, pháp lý và định chế NGO cũng không giúp ích gì. Một chính quyền trung ương quá mạnh, trớ trêu thay, lại làm trì trệ những cải cách quan trọng, tước đi quyền hạn và trách nhiệm của các định chế thực hiện và nảy sinh ra những quyết định trái ngược nhau.

Vì thế mà những sự việc xảy ra trong tháng Tám có ý nghĩa qua trọng. Khuyến khích thị trường chứng khoán được xem như một thử nghiệm cơ chế thị trường và là một cách phân phối vốn hữu hiệu hơn. Thế nhưng thị trường sụp đổ và nhà nước phải bơm vào 150 tỉ đô la để chống đỡ. Chỉ số thị trường chứng khoáng vẫn còn nhấp nhô ở đáy. Bị kẹt giữa hai lằn ranh cổ võ và điều khiển, nhà nước cho thấy họ không tin tưởng vào sức mạnh thị trường mà họ muốn đưa vào.

Việc phá giá chút đỉnh nhân dân tệ trong tháng này được giải thích là một thay đổi nhỏ trong việc cải cách tài chánh, nhằm để giúp cho việc kết nạp nhân dân tệ vào đơn vị Quyền Rút Vốn Đặc Biệt của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế vào cuối năm nay. Nhưng động thái này không được thông tin cho rõ ràng. Một lần nữa giới thẩm quyền bị dằn xé giữa một chính sách nhân dân tệ mạnh để giúp tái quân bằng kinh tế và một chính sách mềm hơn để ứng phó với tăng trưởng yếu dần. Các con số thống kê kinh tế mùa hè này rất thất vọng, đặc biệt cho xuất cảng, sản xuất và đầu tư, cho thấy hiệu quả kinh tế kém trong bốn năm qua tuy có những biện pháp kích cầu.

Một trọng điểm của các thách đố cho Trung Quốc là khả năng quản trị công ăn việc làm, một chỉ số nhạy cảm về chính trị hơn cả GDP. Con số tỷ lệ thất nghiệp chính thức là khoảng 4 phần trăm trong các năm qua là con số ảo. Nếu xét theo những diễn biến về đầu tư, xây dựng, số đăng ký tiền thất nghiệp thấp trong số không có hộ khẩu ở thành phố, yếu kém của hệ thống an sinh xã hội và tìm việc khó khăn cho 7 triệu sinh viên tốt nghiệp hàng năm thì con số thất nghiệp có thể là 6.3 phần trăm và ngày càng tăng, theo ước lượng của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế.

Chuyển tiếp kinh tế tại Trung Quốc luôn là điều khó khăn, nhưng các diễn biến năm nay cho thấy mọi chuyện không đi theo đúng bài bản. Việc tập trung quyền lực cho thấy là con dao hai lưỡi đối với cải cách, chiến dịch bài trừ tham nhũng bóp nghẹt sáng kiến và tăng trưởng và kinh tế không thể tiếp tục hoài trên con đường bành trướng không thực tế bằng kích cầu liên tục.

Đã đến lúc phải chấp nhận tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn thường trực. Nó sẽ thử thách tính chính thống và lòng khao khát cải cách của giới lãnh đạo Trung Quốc bằng những cách có tính cách định đoạt vận mệnh của quốc gia này trong những năm sắp tới.

Tác giả George Magnus là thành viên của China Centre tại đại học Oxford và là cố vấn cấp cao của công ty UBS.

Nguồn: Financial Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét