2015/08/09

Hội nghị Ngoại Trưởng ASEAN 48 và Diễn Đàn Khu Vực 22 đạt được gì?

Nguyễn Thanh Văn


Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 48 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nối tiếp sau đó là Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 22 tại Kuala Lumpur, Malaysia, đã diễn ra từ ngày 4 đến 6/08/2015 vừa qua. Tin Reuteurs cho biết, bản tuyên bố chung được công bố sau khi hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN kết thúc đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó (một số các vị bộ trưởng) nhấn mạnh đến những diễn biến gần đây trên Biển Đông đã làm xói mòn sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở vùng này. Bản tuyên bố chung cũng đề cập đến nhu cầu tham khảo giữa Trung Cộng (TC) và các nước ASEAN như là bước kế tiếp để ràng buộc các bên trong các ứng xử trên biển.

Nhận xét về bản tuyên bố chung vừa kể, ông Tan Sri Dr Munir Majid, Chủ Tịch Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (CIMB Asean Research Institute) trong bài viết nhan đề “Các Quốc Gia Đông Nam Á Cần Tiến Lên” (ASEAN – need to step up) đăng trên trang mạng The Star Online ngày 8/8 (1) cho rằng, thay vì đưa ra những điều chung chung, các nước ASEAN nên có những mục tiêu cụ thể và ưu tiên từng việc để thực thiện. Trong bài báo này, ông Tan Sri Dr Munir Majid còn nêu lên nhu cầu phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa hầu khối ASEAN có thể trở thành khối quốc gia có tầm vóc và thực lực hơn thì mới có thể tiến hành có kết quả những mục tiêu của mình.

Là nước gây nên sự căng thẳng trên Biển Đông từ nhiều năm qua, TC lo ngại rằng vấn đề an ninh Biển Đông sẽ được đưa ra thảo luận trong hội nghị ngoại trưởng khối ASEAN. Vì vậy trước hôm hội nghị khai mạc, ngày 3/8 thứ trưởng ngoại giao TC Lưu Chấn Dân tuyên bố là nên tránh thảo luận các vấn đề “nhạy cảm” như tranh chấp ở Biển Đông trong hội nghị ngoại trưởng Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Họ Lưu thêm rằng, những nước nằm ngoài khối ASEAN (ám chỉ Hoa Kỳ và Nhật Bản) không nên can thiệp vào chuyện của khối ASEAN, vì đó không phải là diễn đàn thích hợp. (2) Trước khi đến Mã Lai để phó hội, trong một tuyên bố với báo chí ở Singapore, ngoại trưởng Vương Nghị của TC lên tiếng bác bỏ đề nghị “Ba Ngưng” của Hoa Kỳ, gồm 1/ ngưng xây đắp các đảo nhân tạo; 2/ ngưng xây dựng các căn cứ; và 3/ ngưng các hành động gây hấn của TC.

Vương Nghị cho rằng đó là đề nghị “thiếu thực tế”, vì mỗi quốc gia có những cân nhắc vấn đề khác nhau; rồi tiêu chuẩn ngưng chỉ như thế nào? Ai sẽ giám sát sự ngưng chỉ đó?.... Họ Vương còn lên án Hoa Kỳ đã “quân sự hoá” Biển Đông qua việc cho tàu bè đi tuần tiễu và thao dợt quân sự ở Biển Đông.

Bất chấp những “đánh tiếng” như trên của TC, và mặc dù hồ sơ Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự chính thức, nhưng trong phiên khai mạc ngày 04/08/2015, Ngoại trưởng Malaysia, nước hiện là chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, đã bác bỏ đề nghị của TC và vấn đề Biển Đông cũng đã được đề cập đến.

Thực ra thì an ninh Biển Đông là vấn đề gai góc đối với Hiệp hội các nước Đông Nam Á, vì khối này vốn đã lỏng lẻo trong việc đối phó với tham vọng của TC. Không những thế lại còn có những quốc gia theo phái “cơ hội chủ nghĩa” như Kampuchia, Lào và đôi khi cả Miến Điện, tuỳ theo sự mua chuộc của Bắc Kinh, vẫn hay đứng về phía với TC. Vì vậy ASEAN khó có được tiếng nói chung mạnh mẽ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Lần này tuy vẫn chỉ có những ngôn từ chung chung nhưng không quốc gia ASEAN nào lên tiếng xuôi chiều với TC.

Với tình trạng vừa kể, 10 nước ASEAN chỉ là một phần vừa nhỏ vừa yếu so với Diễn Ðàn ASEAN (ASEAN Regional Forum – ARF) gồm đại diện của 27 quốc gia có liên hệ đến ASEAN như Nam Hàn, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ, v.v.... Trong ngày thứ nhì của Diễn Đàn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry một lần nữa đã nhấn mạnh đến sự quan ngại của Mỹ về các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành tại Biển Đông, cũng như lên án TC đã “mạnh mẽ quân sự hoá“ vùng biển này. Ông Kerry còn khẳng định rằng nước Mỹ không bao giờ chấp nhận để quyền tự do hải hành và không vận trong vùng Biển Đông bị hạn chế.

Việt Nam và Philippines là hai nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong tham vọng bành trướng của TC trên Biển Đông. Các nguồn tin ngoại giao cho biết, cả hai nước này đều thúc dục Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và Diễn đàn Khu vực phải lên tiếng mạnh mẽ trong đề tài nhức nhối này. Tuy nhiên, người ta chỉ thấy ngoại trưởng Philippines là ông Del Rosario lên tiếng ủng hộ lập trường “Ba Ngưng“ của Hoa Kỳ cũng như so sánh hành động lấn chiếm của TC giống như việc Đức Quốc Xã lấn chiếm các nước Âu Châu trong thế chiến II. (3) Ngoài ra, ông Del Rosario còn cẩn thận nói thêm rằng, Philippines không công nhận việc TC bồi đắp các đảo nhân tạo là hành động hợp pháp. Trong khi đó, ngoại trừ tuyên bố của ông Lê Lương Minh, Tổng Thư Ký khối ASEAN, bày tỏ quan ngại việc TC tôn tạo các đảo nhân tạo gây căng thẳng trong vùng, không thấy một nguồn tin quốc tế nào đề cập đến phát biểu nào khác của Hà Nội trong hai diễn đàn vừa kể. Mặc dù trước đó có nhiều hy vọng rằng, chuyến đi Mỹ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng như là dấu hiệu “chuyển trục“ của CSVN và Hà Nội sẽ lên tiếng mạnh mẽ trong hai diễn đàn ASEAN lần này.

Cho tới nay, trong các tranh chấp trên Biển Đông với các nước trong vùng, TC luôn tìm cách tránh né các diễn đàn đa phương và chỉ muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông song phương với từng nước, với chủ trương tách riêng lẻ từng nước nhỏ yếu hơn trong vùng để dùng sức mạnh quân sự và kinh tế dễ dàng bắt nạt. CSVN đã thực hiện đúng như điều TC mong muốn. Song song với thủ thuật vừa kể, TC còn mua chuộc một số nước trong khối ASEAN hầu chia rẽ khối này, cũng như hứa hẹn sẽ thực hiện bộ "Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông" (COC).

Tuy nhiên mới đây, vào ngày 29/07/2015 trong cuộc họp cấp cao giữa TC và ASEAN ở Thiên Tân để trao đổi ý kiến thêm về bộ "Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông", Bắc Kinh vẫn cho rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của họ và vùng biển trong đường 9 đoạn thuộc lãnh hải của TC, nên việc nước này xây dựng hay làm gì đó trên vùng biển này là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Bắc Kinh.

Trong một bài bình luận mới đây, nhà bình luận Ngô Nhân Dụng đã trích dẫn một nội dung được đăng tải trên mạng báo điện tử “Binh Khí Ðại Toàn” của Trung Quốc do đảng Cộng Sản kiểm soát và điều khiển (4), với hy vọng rằng Hà Nội nhận rõ hơn chân tướng của ông bạn “4 tốt, 16 chữ vàng” hầu vận dụng cơ hội diễn đàn ASEAN để có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Bài trên trang mạng vừa kể kêu gọi TC tấn công chiếm hết quần đảo Trường Sa, với những lời lẽ khát máu: “Phải đánh cho Việt Nam không kịp trở tay. Hãy giết chết bọn giặc Việt Nam để làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa.” (Họ gọi Trường Sa là Nam Sa). Bài trên báo Binh Khí Ðại Toàn công khai đề nghị Trung Cộng đánh Việt Nam để làm một cuộc diễn tập trước khi “giải phóng Ðài Loan!”

Tuy nhiên, dường như hy vọng này chưa có dấu hiệu nào sẽ có thể trở thành hiện thực.

Trở lại với hai diễn đàn ASEAN, sau khi bị chỉ trích nặng nề, hôm thứ tư vừa qua ngoại trưởng Vương Nghị của TC đã tuyên bố trong Diễn đàn Khu vực là nước này đã ngưng việc tôn tạo các đảo nhân tạo từ trước đó. Tuyên bố vừa kể được đón nhận trong sự ngờ vực của Diễn Đàn. Còn ông John Kerry thì nói với báo chí vào lúc kết thúc Diễn Đàn rằng, TC tuyên bố như vậy, nhưng thực hư ra sao thì hạ hồi mới biết!

Tại Diễn đàn Khu vực, Vương Nghị còn than phiền rằng, TC mới thực sự là “nạn nhân” ở Biển Đông vì một số đảo của họ trong vùng đã bị Philippines (không nhắc đến VN) chiếm đóng. Tuy bị....”thiệt thòi” như vậy, nhưng để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, Bắc Kinh đã phải “tự chế” rất nhiều (sic). Trong một tuyên bố được đưa ra vào trước nửa đêm hôm thứ năm, tức trước khi Điễn đàn Khu vực chấm dứt, Vương Nghị còn cáo buộc Philippines “theo đuôi” Nhật Bản để tấn công các chính sách tại Biển Đông của TC, và theo Vương Nghị thì lập trường của TC là chống lại những lời lẽ, hành động “thiếu xây dựng”, tạo nên sự “chia rẽ” và “thù hận” làm cho tình hình thêm căng thẳng.
Những lời qua tiếng lại trong các diễn đàn ASEAN được lập đi lập lại từ năm này sang năm khác, chưa biết bao giờ mới đạt được những điều như được đưa ra bản tuyên bố chung của hội nghị ngoại trưởng ASEAN, khi mà TC vẫn giữ nguyên ý định xem Biển Đông là ao nhà của họ và coi sự lấn chiếm, tôn tạo các đảo nhân tạo là việc đã rồi. Năm nay có một bước tiến nhỏ là sự thành lập đường “dây nóng“ giữa ngoại trưởng TC và các đồng sự của các quốc gia trong vùng để giải quyết các vấn đề khẩn cấp.“Bước tiến“ này khiến người ta nhớ lại Hà Nội và Bắc Kinh đã có đường “dây nóng“ nối kết ở cấp cao hơn cấp bộ trưởng ngoại giao, nhưng dường như chẳng có tác dụng gì.

- - -

(1) http://www.thestar.com.my/Opinion/Columnists/Comment/Profile/Articles/2015/08/08/Asean-need-to-step-up/

(2) http://www.nytimes.com/reuters/2015/08/03/world/asia/03reuters-asean-malaysia-china.html

(3) http://www.theguardian.com/world/2015/aug/04/asean-talks-us-and-philippines-to-defy-china-and-raise-south-china-sea-dispute

(4) http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=211296&zoneid=7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét