2015/07/19

Sau Chuyến Đi Mỹ, Quan Hệ Mỹ - Trung - Việt Trở Nên Phức Tạp

Radio Chân Trời Mới - Thanh Thảo


Radio Chân Trời Mới (Thanh Thảo): Ông Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc chuyến viếng thăm Hoa Kỳ từ ngày mồng 6 đến mồng 10 tháng 7 vừa qua. Truyền thông nhà nước CSVN gọi đây là cuộc thăm viếng lịch sử vì lần đầu tiên một Tổng bí thư đảng CSVN đã bước vào Tòa Bạch Ốc, trung tâm quyền lực của nước Mỹ. Điều này theo Hà Nội đã mang một thông điệp rất lớn là chính quyền Obama nói riêng và Hoa Kỳ nói chung đã công nhận thể chế chính trị tại Việt Nam.

Mặc dù truyền thông nhà nước gọi đây là chuyến viếng thăm đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa CSVN và Hoa Kỳ, nhưng sự thăm viếng xảy ra vào lúc Hoa Kỳ cực lực chống đối việc Trung Quốc cho bồi lấp một số đảo nhân tạo chiếm của Việt Nam từ năm 1988, với tham vọng quân sự hóa biển Đông, khiến dư luận nghĩ rằng CSVN đang thay đổi chính sách đối ngoại, hướng về phía Hoa Kỳ. Qua chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng, có thật sự CSVN đang xoay trục hay không, mời quý vị theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay.

Thanh Thảo: Tuy Hoa Kỳ không trải thảm đỏ, duyệt binh và đại yến để đón ông Nguyễn Phú Trọng như nhà cầm quyền Bắc Kinh đã làm, nhưng Tổng thống Obama và Phó tổng thống Joe Biden cùng đón ông Trọng tại Tòa Bạch Ốc, điều này đã nói lên ý nghĩa gì thưa ông?

Lý Thái Hùng: Tuy cuộc tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng ở Hoa Kỳ không bằng cuộc tiếp đón mà ông Tập Cận Bình dành cho ông Trọng ở Bắc Kinh, nhưng sự kiện một vị Tổng thống đứng đầu Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đón tiếp một nhân vật không phải là nguyên thủ quốc gia tại Tòa Bạch Ốc thì trước đây, chỉ có Cựu Tổng Bí Thư Gorbachev của đảng Cộng sản Liên Xô và bây giờ là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi.

Nói cách khác, Tổng thống Obama đã vượt lên trên nguyên tắc ngoại giao, tiếp ông Trọng tại Tòa Bạch Ốc cho thấy là cuộc đón tiếp ông Trọng mang ba ý nghĩa sau đây:

Thứ nhất là Hoa Kỳ đánh giá cao chuyến đi Mỹ của ông Trọng nên mới dành cho ông Trọng một sự tiếp đón - tuy không linh đình mang tính phô trương như Trung Quốc, nhưng ít ra đã giữ được tư thế của ông Trọng trong vị trí số 1 của đảng và nhà nước CSVN hiện nay. Đây cũng chính là điều mà phe nhóm ông Nguyễn Phú Trọng quan tâm, vì qua đó, giúp xây dựng tư thế của nhóm ông Trọng trong cuộc chạy đua quyền lực Đại hội đảng XII đối với nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng.

Thứ hai là Tổng thống Obama đã đưa ra một tín hiệu mới trong quan hệ hợp tác với CSVN khi cho thấy cả người số 1 là Tổng thống Obama lẫn số 2 là Phó tổng thống Joe Biden trong Tòa Bạch Ốc đã cùng đón tiếp và thảo luận với ông Trọng. Sự tiếp đón này tuy hình thức nhưng lại rất quan trọng vào thời điểm mà Hà Nội không còn coi Bắc Kinh là chỗ dựa an toàn như trước đây, khi mà tình hình Biển Đông ngày càng trở nên căng thẳng do những hành động bá quyền của Bắc Kinh gây ra.

Thứ ba là qua sự đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, chính quyền Obama muốn gửi một thông điệp đến người dân Việt Nam, đặc biệt là thành phần trí thức, cựu cán bộ đảng CSVN về thái độ dung dị, thân thiện của người Mỹ để mở ra một trang sử mới trong sự hợp tác. Nói cách khác là chính quyền Obama đã nhận ra tâm lý “thoát Trung” trong lòng người Việt Nam, nhất là nội bộ CSVN trong hơn 1 năm qua kể từ khi vụ giàn khoan HD 981 xảy ra, nên đã có cố gắng tạo ảnh hưởng để tác động cho xu thế này diễn ra nhanh hơn.

Nói tóm lại, việc Tòa Bạch Ốc đã dành cho ông Nguyễn Phú Trọng một nghi lễ đón tiếp cấp cao và thân thiện đã biểu hiện một chủ đích rõ rệt của Tổng thống Obama là tạo điều kiện để khuynh hướng “thoát Trung” chuyển biến nhanh hơn. Lý do là “thoát trung” có lợi cho cả hai phía trên đường dài.

Thanh Thảo: Những ngôn từ mà ông Trọng dùng để trao đổi với Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc hay trong buổi nói chuyện với giới nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược CSIS cho thấy rất từ tốn và cởi mở khác với những gì mà Hà Nội đã lên án Hoa Kỳ nhân 40 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam. Tại sao vậy thưa ông?

Lý Thái Hùng: Điều này cũng dễ hiểu vì nội dung phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng liên hệ đến các đối tượng mà đảng CSVN muốn nhắm tới.

Lên án Hoa Kỳ là đế quốc xâm lăng trong cuộc chiến trước năm 1975 và dùng lại nhóm từ “đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào” là để nói với đối tượng người Việt Nam, nhất là những người trong hàng ngũ CSVN. Tuy nó không còn phù hợp trong thời đại ngày nay, nhưng lãnh đạo CSVN vẫn còn có nhu cầu khoe khoang quá khứ để che lấp những yếu kém và sai lầm hiện nay.

Ca ngợi những hợp tác về kinh tế, quân sự, giáo dục từ phía Hoa Kỳ và nhấn mạnh đến sự quan tâm về nhân quyền trong lúc trao đổi với Tổng thống Obama hay nói chuyện tại CSIS là để nói với dư luận Hoa Kỳ chứ không phải đối tượng Việt Nam. Hà Nội đủ khôn ngoan để không gây ra những tác dụng ngược khi muốn được Hoa Kỳ ủng hộ hai điều tối cần vào lúc này: gia nhập TPP và mua vũ khí sát thương.

Tóm lại, ngồi trên nước Mỹ và được chính phủ Mỹ mời sang thăm viếng mà miệng lưỡi rặc mùi lên án Mỹ như tại Việt Nam là điều không ai chấp nhận được.

Thanh Thảo: Theo như sự phân tích của ông thì phải chăng ông Nguyễn Phú Trọng đã thay đổi đường lối đối với Mỹ, hay cụ thể hơn là họ không còn có thể dựa vào Bắc Kinh?

Lý Thái Hùng: Theo tôi thì hai vấn đề chị nêu ra cần phải nhìn tách bạch. Thay đổi đường lối đối với Hoa Kỳ và không còn có thể dựa vào Bắc Kinh là hai vấn đề khác nhau và tùy theo mức độ tác động của tình hình chung quanh.

Thứ nhất, khi ông Nguyễn Phú Trọng nói với Tổng thống Obama rằng sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là để hướng đến lợi ích chung, không chỉ cho hai nước mà cho các nước trong và ngoài khu vực. Tuy quan điểm này được chính thức đưa ra vào năm 2013 khi ông Trương Tấn Sang viếng thăm Hoa Kỳ và chuyển sự hợp tác Việt Mỹ từ đối tác chiến lược sang đối tác toàn diện; nhưng khi ông Tổng bí thư đảng CSVN, vốn là nhân vật thân Trung Quốc, nói lên “lợi ích chung” trong hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cho thấy là lãnh đạo CSVN đang muốn gia tăng sự tin cậy trong quan hệ với Hoa Kỳ.

Thứ hai, khi Bắc Kinh càng ngày càng gia tăng quân sự hóa Biển Đông, lãnh đạo CSVN thấy rất rõ là ngoài Hoa Kỳ ra, không có bất cứ quốc gia nào đủ khả năng ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc. Việt Nam muốn bảo vệ chủ quyền, dứt khoát phải cần sự hợp tác từ phía Hoa Kỳ và Nhật Bản, và không thể chờ đợi vào khả năng bảo vệ của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Nhận thức nói trên mới có gần đây sau vụ giàn khoan HD 981, và đó cũng là lý do vì sao ngoài ông Trọng, đã có hàng loạt Ủy viên Bộ chính trị viếng thăm Hoa Kỳ trong những tháng gần đây.
Thứ ba, trên bề mặt, CSVN cố gắng giữ quan hệ bình thường với Bắc Kinh và luôn luôn nhắc đến quan hệ đại cục để tự chế những hành động có thể dẫn đến những xung đột trên biển Đông giữa hai bên. Tuy nhiên, trên mặt dư luận, CSVN đã cho phép xuất hiện trên báo đảng những bài viết chỉ trích khá mạnh đối với Trung Quốc khi dùng các từ “xâm lược”, “bành trướng”, “bá quyền” để nói đến các hành động xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường sa của Trung Quốc gần đây. Các bài viết này đã tạo ra một cách nhìn mới trong giới phân tích tình hình rằng: CSVN đang muốn “thoát Trung” để xoay trục gần với Hoa Kỳ. Diễn tiến này thật sự còn quá sớm để cho thấy là CSVN thật sự muốn thoát Trung hay cũng chỉ là tiếp tục đu dây, nhưng nhích gần Hoa Kỳ.

Nói tóm lại, những phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến đi Mỹ lần này cho thấy là lãnh đạo CSVN đang xoay trục thân thiện và hợp tác tích cục hơn với Mỹ. Nhưng vì Hà Nội chưa có những động thái nào khác ngoài một vài phản đối chung chung trước các hành vi quân sự hóa biển Đông của Bắc Kinh nên chưa có thể kết luận là Hà Nội thật sự muốn “thoát trung”.

Thanh Thảo: Có một số người cho rằng, lãnh đạo CSVN đã quá giàu có và con cái của họ hầu hết được đưa đi học hay tu nghiệp ở Hoa Kỳ hoặc các quốc gia Âu Châu trong 30 năm cởi trói kinh tế vừa qua. Giờ đây họ muốn hạ cánh an toàn và cách hay nhất là dựa vào Mỹ để từng bước thay đổi. Ông nghĩ sao về lập luận này?

Lý Thái Hùng: Tôi không nghĩ như vậy. Những kẻ tham quyền lực và làm giàu bất chính một khi đã giàu lên họ chỉ muốn tiếp tục giàu có cũng như không muốn chia sẻ quyền lực cho bất cứ ai. Việc lãnh đạo CSVN đưa con cái ra học ở nước phương Tây mà không là Trung Quốc và chuyển nhiều tài sản sang Hoa Kỳ, Úc Châu, Pháp vì hai lý do:

Thứ nhất là họ cũng không tin Trung Quốc là nơi an toàn. Chế độ độc tài Bắc Kinh sớm muộn gì cũng tan rã như tại Việt Nam.

Thứ hai là Trung Quốc cũng tham ô, luật pháp không rõ ràng. Nếu có vấn đề gì, gia đình và cá nhân của chính họ - dù là thành phần lãnh đạo Việt Nam – cũng sẽ không được bảo vệ.

Cho nên việc lãnh đạo cao cấp CSVN chuyển tài sản ra hải ngoại không phải là muốn hạ cánh an toàn mà chỉ là chuẩn bị bỏ chạy khi có biến loạn.
 
Hơn thế nữa, việc lãnh đạo CSVN đang cố tiến gần đến Hoa Kỳ trong những lúc gần đây chỉ là vì Bắc Kinh quá hung hăng, làm cho dư luận người dân Việt Nam phẫn nộ, đe dọa đến sự tồn tại của lãnh đạo Hà Nội mà thôi.

Do đó, theo tôi, việc ông Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Hoa Kỳ hay lãnh đạo CSVN bắt đầu có những hợp tác tích cực hơn với Hoa Kỳ, không phải để giúp cho đất nước tốt đẹp hơn mà chỉ để làm sao giúp họ tiếp tục duy trì quyền lực.

Đó là lý do vì sao chúng ta - những người Việt Nam yêu nước – luôn luôn yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ tạo áp lực tối đa về mặt nhân quyền lên chế độ, nhằm giúp cho lực lượng dân chủ tại Việt Nam nhanh chóng lớn mạnh. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới nhanh chóng thay đổi dưới thể chế đa nguyên đa đảng và quyền lực của đất nước mới thực sự nằm trong tay người dân. Khi đó hòa bình và ổn định tại Biển Đông mới có cơ hội giải quyết rốt ráo.

Thanh Thảo: Theo ông thì liệu Trung Quốc có buông tha để cho Hà Nội đi gần với Mỹ khi cả ông Trọng lẫn ông Obama đều tuyên bố là hai nước vì lợi ích chung mà sẽ hợp tác về biển Đông?

Lý Thái Hùng: Trung Quốc có ba lý do sau đây để không buông tha CSVN:

Thứ nhất, Trung Quốc cần một cửa ngõ để đi ra Thái Bình Dương. Biển Đông là cửa ngỏ quan trọng và thích hợp nhất để cho Bắc Kinh làm việc này. Việt Nam là nơi mà Trung Quốc rất cần, đặc biệt cảng Cam Ranh sẽ đóng vai trò chiến lược để giúp Trung Quốc duy trì các căn cứ quân sự trên quần đảo Hoảng Sa và Trường Sa, hầu khống chế đường giao lưu của các tàu bè qua lại trên biển Đông.
Thứ hai, Trung Quốc muốn đi xuống phía Nam Á Châu thì phải đi qua Việt Nam. Trước đây Bắc Kinh chọn Miến Điện nhưng nay gặp rất nhiều khó khăn đối với chính quyền Miến Điện, nên Trung Quốc chỉ còn có thể dùng Lào, Campuchia và Việt Nam để bành trướng xuống phía Nam qua eo biển Malacca và tiến vào Ấn Độ Dương. Làm được như vậy, Trung Quốc sẽ dùng Việt Nam làm bàn đạp ôm choàng thế giới ở hai vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Thứ ba, Việt Nam rất quan trọng cho sự ổn định vùng đất phía Nam của Trung Quốc. Nếu Việt Nam trở thành quốc gia thân Hoa Kỳ hay trở thành một thể chế tự do, dân chủ thì chắc chắn sẽ đe dọa sự tồn tại của lãnh đạo Bắc Kinh.

Chính những lý do nói trên, Trung Cộng sẽ dùng 4 thủ đoạn sau đây: mua chuộc gây phân hóa nội bộ CSVN; đe dọa bằng những hành động quân sự; phá hoại kinh tế để tạo xáo trộn xã hội; xúi dục Campuchia tạo ra những xung đột biên giới. Bắc Kinh đã và đang tiến hành những thủ đoạn này để cột CSVN vào vòng kim cô “16 Vàng, 4 Tốt”, nhất là đang xúi giục Campuchia gây hấn về đường biên giới phía Nam hiện nay.

Nói tóm lại, CSVN hiện đang đối phó với các áp lực từ Trung Quốc rất lớn, và đây là hậu quả của việc khấu tấu Bắc Kinh tại Thành Đô năm 1990, ngay sau khi chỗ dựa Liên Xô tan rã.

Thanh Thảo: Cảm ơn ông Lý Thái Hùng.

Nguồn: Radio Chân Trời Mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét