2015/07/15

’Cái oai’ và sự ’tự diễn biến’ của ông Nguyễn Phú Trọng

Lê Vĩnh

Cuối tuần qua Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã trở lại Việt Nam sau chuyến đi Hoa Kỳ mang đầy tính chất biểu tượng của ông. Kết quả chuyến đi như thế nào thì đã được báo chí lề đảng nhân lên những cái nửa sự thực để phô trương. Trong khí đó thì báo chí lề dân và các cơ quan truyền thông ngoại quốc soi rọi vào nhiều góc cạnh của chuyến đi để phân tích đủ mọi chiều; khen có, chê có.

Giữa những lời khen, tiếng chê cùng sự phô trương rầm rộ đó, ông Nguyễn Phú Trọng đã đạt được ít nhất là hai điều trong chuyến đi này. Một cho cá nhân và một cho đảng Cộng Sản của ông. Cho cá nhân là cái “khâu oai” của ông: “Mình phải thế nào thì người ta mới mời mình chứ !” Còn cho đảng CS của ông là tinh thần “tự diễn biến” mà ông đã công khai thực hiện.

***************

Hai năm trước, sau chuyến đi Âu Châu gặp gỡ một số nguyên thủ quốc gia và Đức Giáo Hoàng về, ngoài những tin tức loại “một nửa sự thực” trên báo đảng mà vốn dĩ có độ khả tín rất thấp, không mấy ai biết gì nhiều về chuyến đi đó của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông ta đã nói với báo chí về chuyến đi của mình một câu đầy tự hào: “Mình phải thế nào thì người ta mới mời mình chứ !” Nhiều người hoài nghi về sự tự hào đó, vì ông Nguyễn Phú Trọng chỉ có vai trò của đảng, mà các quốc gia Âu Châu thì không làm việc theo kiểu giữa đảng này với đảng kia thay cho vai trò giữa chính phủ này với chính phủ kia.

Cho đến khi biết nội dung cuộc gặp gỡ giữa Liên Âu (EU) và ông Nguyễn Phú Trọng qua một thông báo của EU thì người ta mới biết đích xác là do sự tệ hại về nhân quyền ở VN nên ông bị triệu đến để nghe “quở trách” về vấn đề này. (Toàn văn và bản dịch lá thư của Liên Âu ở cuối bài).

Về chuyến đi Mỹ lần này, trước khi ông Trọng lên đường sang Hoa Kỳ nhiều người đã nhắc lại câu nói “tự hào” nêu trên của ông Trọng để chế diễu. Nhưng lần này thì khác, báo chí lề đảng cố tô đậm câu “được tổng thống Obama mời” nhằm tạo nên ấn tượng “oai phong lẫm liệt” của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông không ở cương vị đứng đầu chính phủ của một quốc gia, lại là quốc gia nhược tiểu, thế mà được nguyên thủ cường quốc số một thế giới mời thì oai quá đi chứ còn gì nữa!

Tuy nhiên, khi tìm hiểu đầu đuôi chuyến đi thì người ta mới biết ông Trọng chẳng oai như vậy. Ngược lại là đằng khác. Ông đã bắt đầu “tự diễn biến” từ cả năm qua, trước khi ông bắt đầu chuyến đi Mỹ.

Lúc đầu, phía Hoa Kỳ đưa đề nghị mời ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước cộng sản Việt Nam (CSVN), thăm viếng Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 20 năm bang giao giữa CSVN và Hoa Kỳ, theo đúng nguyên tắc ngoại giao. Nhưng quyết định sau cùng của Bộ chính trị CSVN là muốn Hoa Kỳ chính thức mời ông Nguyễn Phú Trọng và được đón tiếp như quốc khách. (1)

Bài báo tựa đề “From Foe to Frenemy” (Từ kẻ thù đến bạn đểu) của ký giả David Brown đăng trên trang mạng Foreign Affairs (2) viết rõ hơn về quá trình chuyển biến của ông Nguyễn Phú Trọng và cho biết, nguyên nhân quan trọng nhất để có chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng là chính do ông ta yêu cầu”.

David Brown viết rằng: “là một chuyên gia về chủ nghĩa Mác-Lênin, ông Nguyễn Phú Trọng luôn luôn cảnh giác với các nước dân chủ cùng động cơ của họ và đã đưa ông ta đến sự nghi ngờ rằng Washington có ý định xấu với chế độ Hà Nội. Trong những năm qua, Trọng và các đồng minh của ông đã tô vẽ hình ảnh của Hoa Kỳ như một cái gì xấu xa và không quan tâm đến mong muốn của Hà Nội.”

Ông Trọng và các đồng minh bảo thủ của ông là những người cổ vũ cho những lời lẽ tiêu cực chống lại Hoa Kỳ. Bốn mươi năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, những lời lẽ tiêu cực ấy vẫn còn dẫn dắt học thuyết của đảng. Cán bộ các cơ quan an ninh nội bộ của Việt Nam khó có thể viết ra một đoạn văn về Hoa Kỳ mà không bao gồm những từ ngữ như "đập tan các âm mưu của kẻ thù" chống lại chính quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân. Phương tiện truyền thông của Đảng thường xuyên cảnh báo chống lại "kịch bản diễn biến biến hòa bình", một quan điểm cho rằng các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam (đặc biệt là những tổ chức được Washington hỗ trợ) sẽ lật đổ và kích hoạt những biến động như những gì từng lật đổ chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu.”

Với não trạng như vậy, đối với ông Trọng và phe thân TQ trong đảng thì TQ vẫn là chỗ dựa đáng tin cậy, còn "Mỹ là kẻ thù cơ bản lâu dài”. Bởi thế nên mới có những người như đại Tá Trần Đăng Thanh đi rao giảng phải cảnh giác với Mỹ và biết ơn TQ; dù rằng từ năm 2009 TQ gia tăng bành trướng theo chiến thuật dùng quân sự lấn chiếm và đuổi bắt ngư dân ta trong mùa biển lặng, sau đó dụ dỗ Hà Nội đàm phán trong mùa biển động.

Sự lấn chiếm trắng trợn của TQ đối với Việt Nam đã khiến không chỉ dân chúng, mà ngay cả đảng viên CS ngày càng thấy có nhu cầu phải rời xa TQ để tiến đến gần Mỹ hơn. Một thăm dò đầu tháng 6 vừa qua của cơ quan thăm dò PEW cho biết, có đến 78% người dân Việt Nam có cái nhìn tích cực về nước Mỹ, tỷ lệ này lên đến 88% trong giới trẻ. Trong khi đó chỉ có 19 % người Việt Nam có cái nhìn thiện cảm đối với TQ và 74% coi TQ là nguy hiểm.

Rõ ràng là “ý đảng – lòng dân” cách xa nhau một vực. Thế nhưng, David Brown cho biết đảng vẫn cố bám lấy TQ cho đến ngày không thể bám được nữa, đành phải quờ quạng bám cái phao Mỹ. Cái phao mà ông Nguyễn Phú Trọng và những người tiền nhiệm của ông đã ra lệnh cho báo chí chửi bới hết năm này sang năm khác. David Brown mô tả tiến trình “tự diễn biến” của ông Nguyễn Phú Trọng như sau:

Mặc dù các nhà lãnh đạo đảng Việt Nam thường xuyên đi Bắc Kinh, hy vọng sửa chữa "mối quan hệ đặc biệt" và "xây dựng sự hiểu biết sâu sắc hơn," nhưng hành vi của Trung Quốc trong những năm gần đây đã khiến ngay cả Trọng và các đồng minh ý thức hệ của ông cũng phải phật lòng. Được biết, họ đã rất ngạc nhiên bởi việc năm ngoái Trung Quốc triển khai một giàn khoan nước sâu vào vùng biển rõ ràng, hợp lý thuộc về Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Không lâu sau đó, Trọng âm thầm cho biết rằng ông muốn đi thăm Washington.

Nhiều bài viết về chuyến công du Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng trên các cơ quan truyền thông quốc tế cho biết, nhà nước CSVN đã cố gắng vận động suốt cả một năm qua để ông Nguyễn Phú Trọng có được chuyến đi Mỹ vừa rồi.

Tóm lại, việc các cơ quan truyền thông của nhà nước CSVN cố tô đậm chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng là do được tổng thống Mỹ mời nhằm đề cao cá nhân ông Trọng và đảng CSVN, nhưng thực sự đó lại là do chính sự mong muốn của ông ta. Tiếp theo là những nỗ lực vận động, hay nói theo cách dễ hiểu hơn là...”năn nỉ” của nhà nước CSVN, để phía chính phủ Hoa Kỳ bỏ qua những thủ tục về ngoại giao để ông Trọng được gặp tổng thống Obama, hầu có thể giải quyết được những nhu cầu về an ninh của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, trong đó VN được để mắt đến vì vị trí địa dư chiến lược trong vùng.

Như thế, rõ ràng là ông Nguyễn Phú Trọng chẳng “oai phong” như báo đảng đề cao. Bên cạnh đó, việc ông Trọng chuyển biến từ bám TQ sang mong muốn được đi thăm Hoa Kỳ, quốc gia được đảng CSVN mô tả là “tên đế quốc đầu sỏ” luôn luôn có “âm mưu” lật đổ và kích hoạt những biến động để tiến đến xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa như đã từng làm ở Đông Âu, là một điều rõ ràng khác về sự “tự chuyển biến” của ông Nguyễn Phú Trọng.

- - -

Ghi Chú
(1) http://www.viettan.org/Ong-Nguyen-Phu-Trong-Tham-Hoa-Ky.html
(2) https://www.foreignaffairs.com/articles/2015-06-29/foe-frenemy



Bản dịch

Cuộc gặp gỡ giữa ông Chủ Tịch Liên Âu, Barroso và ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng CSVN, đã là cơ hội để đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng đến mối liên hệ giữa Liên Âu và Việt Nam. Nhân dịp này, một cuộc đối thoại thẳng thắn, trực tiếp và sâu xa về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ông Chủ Tịch Barroso đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhà nước pháp trị và tôn trọng nhân quyền cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Ông Barroso đã nêu lên quan tâm của Liên Âu trước các biến chuyển gần đây, đặc biệt liên quan đến vấn đề tự do ngôn luận. Ông Barroso đã cho biết quan tâm đến việc gia tăng đối thoại giữa Liên Âu và VN về vấn đề nhân quyền như là một phương tiện quan trọng, để không những duy trì một đối thoại toàn diện về vấn đề nhân quyền mà còn liên quan đến một số trường hợp cá biệt. Ông Barroso đã khuyến khích VN phúc đáp thuận lợi các quan tâm của Liên Âu và đạt được nhiều kết quả hơn về nhân quyền, quy tắc điều hành và pháp trị, trong mục tiêu gia tăng các quan hệ song phương.

Thư cùa Ranieri Sabatucci gởi cho Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Bỉ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét