2015/07/16

Bi kịch thu hồi đất ở Việt Nam

Ls. Ngô Ngọc Trai
Xung đột giữa các lực lượng thu hồi và người dân khiếu nại đất đai xảy ra ở nhiều nơi tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Báo chí và mạng xã hội đang ồn ào về vụ việc xảy ra tại khu công nghiệp thuộc tỉnh Hải Dương, một chiếc xe ủi đất của đoàn cưỡng đã chèn lấn làm bị thương một người phụ nữ.

Theo thông tin mới nhất thì hoạt động thi công đã bị dừng và cơ quan công an huyện Cẩm Điền nơi xảy ra vụ việc đã vào cuộc điều tra làm rõ.


Ở Việt Nam suốt hàng chục năm qua, rất phổ biến tình trạng người dân khiếu nại phản đối thu hồi đất, nhiều trường hợp tập trung đông người chống đối việc cưỡng chế dẫn đến thương vong cho cả người dân và cán bộ chính quyền.

Vậy việc thu hồi đất có lý do chính đáng không, người dân thực hiện quyền khiếu nại có chính đáng không? Và trách nhiệm của quan chức chính quyền như thế nào trong những việc này?

Cảm nhận thực tế

Vài lần tôi đi công tác Bắc Giang bằng xe khách từ bến xe Mỹ Đình, Hà Nội vào buổi sớm. Có rất nhiều nam nữ công nhân cũng đi làm sớm, tôi thấy họ chào hỏi khi lên xe gặp nhau, họ nói chuyện nhỏ nhẹ với nhau hoặc có người ngủ gà gật trên xe. Tôi thấy họ xuống xe ở khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh nơi có nhà máy SamSung.

Khi đi qua các khu công nghiệp vào buổi sớm hoặc buổi chiều tan tầm thì thấy hàng vạn nam nữ
công nhân đi ra đi vào, khi đó mới thấy được vai trò ý nghĩa lớn lao của các khu công nghiệp trong việc tạo việc làm cho lao động.

Nhiều người đã phải đi xa từ Hà Nội đến Bắc Ninh để làm việc cho thấy sự cần thiết của việc làm, nhiều bạn bè hay người thân của tôi từ Nam Định cũng phải đi làm công nhân trong các khu công nghiệp ở Bình Dương hay Tp. HCM.

Với những tình cảnh như vậy, tôi mong sao có nhiều nhà máy như SamSung ở Việt Nam. Và điều đó đặt ra sự cần thiết phải thu hồi đất.

Việc thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp hay khu đô thị là điều tất yếu và chính đáng.
Vậy tại sao lại hay bị người dân khiếu nại phải đối, mà xem việc làm của người dân thì thấy họ nhận thức về việc làm của mình cũng có tính chính đáng đến mức chấp nhận hy sinh.

Khiếu nại chính đáng
 
Hình ảnh vụ xe xúc ở Hải Dương cán lên người một phụ nữ khiếu nại đất đai gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.

Bản thân tôi là một luật sư cũng từng tham gia tư vấn cho người dân trong nhiều vụ khiếu nại thu hồi đất. Qua quá trình tham gia và từ thực trạng khiếu nại phổ biến cho thấy người dân không tin vào việc làm của giới cán bộ.

Việc khiếu nại thì có mấy nguyên do như việc cán bộ đo đạc kiểm đếm tài sản không đầy đủ, hay xác định sai địa vị pháp lý thửa đất nên áp khung giá bồi thường không đúng hoặc ngay bản thân khung giá đền bù bị cho là thấp nên người dân không đồng tình.

Nhiều trường hợp người dân khiếu nại đúng và qua đấu tranh của luật sư đã buộc cơ quan giải quyết phải tăng mức bồi thường.

Ví như diện tích thửa đất thực tế lớn hơn so với số liệu trong giấy chứng nhận do người dân đã tôn tạo khai khẩn thêm trong quá trình sử dụng. Hoặc các công trình phụ trợ cho việc trồng cây như đường ống nước máy bơm, mương bê tông đã xây, giếng nước đã khoan… không được kiểm đếm đưa vào đền bù.

Cũng có những trường hợp người dân khiếu nại do không đồng tình với dự án, không chấp nhận dự án và không chấp nhận cho thu hồi đất, ví như việc mở bãi rác gần khu dân cư của họ.

Việc người dân khiếu nại là quyền chính đáng thể hiện ý thức làm chủ và là một hình thức giám sát tạo áp lực buộc cơ quan công quyền phải đưa ra chủ trương chính sách hợp lý và việc thực thi phải minh bạch.

Tuy vậy thực tế cho thấy, đứng trước tình trạng người dân khiếu nại phổ biến, các cơ quan nhà nước đã tìm ’chiêu trò’ để đối phó, thay vì đối diện để giải quyết thấu đáo tận gốc thì lại lảng tránh chối bỏ vấn đề.

Ngăn chặn khiếu kiện?
 
Luật đất đai mới ban hành năm 2013 đã đưa vào luật quy định về trình tự thủ tục thu hồi đất, nội dung này trước đó chỉ quy định trong Nghị định của Chính phủ, việc nâng cấp đưa quy định lên thành luật cho thấy đã có sự coi trọng vấn đề thu hồi đất.

Theo quy định tại Điều 69 thì trong việc thu hồi đất cơ quan nhà nước ban hành hai văn bản quan trọng, đó là quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ. Theo luật mới thì người dân chỉ được gửi cho quyết định về việc bồi thường mà không được giao quyết định về việc thu hồi đất.

Nội dung này xem qua thì đơn giản nhưng có ý nghĩa lớn, theo đó người dân chỉ có khả năng đồng tình hoặc phản đối về mức bồi thường mà mất cơ hội bày tỏ ý kiến về quyết định thu hồi đất.
Tức là theo tinh thần của quy định mới thì bản thân việc thu hồi đất là không thay đổi được, mà người dân chỉ có khả năng có ý kiến về mức bồi thường mà thôi.

Vậy có thực là việc thu hồi đất hay bản thân các dự án luôn hợp lý đúng đắn không? Và vì sao người ta vận động đưa ra quy định như vậy?

Mánh khóe tránh trách nhiệm
 
Tác giả, luật sư Ngô Ngọc Trai (đứng) cho rằng có sự trốn tránh, chối bỏ trách nhiệm ở một số cấp có thẩm quyền khi gặp khiếu nại đất đai của người dân.

Lâu nay chính quyền chịu nhiều áp lực từ việc khiếu nại, để tìm cách ngăn chặn, trước kia thì họ không giao (mặc dù có quy định phải giao) nay thì họ thể hiện thẳng trong luật bỏ đi quy định người dân được giao nhận quyết định thu hồi đất.

Trong khi khiếu nại là một hình thức giám sát đòi hỏi trách nhiệm giải trình của giới cán bộ và việc ngăn chặn người dân bày tỏ ý kiến liên quan đến quyền lợi chính đáng của họ, điều này sẽ chẳng mang lại gì tốt đẹp.

Kìm nén người dân khi họ cảm thấy sự bất chính trong hoạt động công quyền, điều này dẫn đến sự phẫn uất mà đã có tình trạng người dân tìm bắn cán bộ như sự việc đã xảy ra ở Thái Bình năm 2013.
Tinh thần của quy định luật là không muốn người dân khiếu nại về quyết sách thu hồi đất, vậy thử hỏi chất lượng quyết sách đến đâu mà đòi người dân im miệng đồng tình? Hãy khảo sát qua những số liệu được báo chí cung cấp sẽ thấy.

Bài báo ‘Lãng phí khu công nghiệp bỏ hoang’ trên báo Thanh niên điện tử cho biết về tình trạng sử dụng đất của các khu công nghiệp. Theo thông tin bài báo thì từ Bắc đến Nam hầu như địa phương nào cũng có khu công nghiệp bỏ hoang gây lãng phí lớn.

Theo một khảo sát của chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tại Cần Thơ cho thấy, Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 74 Khu chế xuất (KCN) và 214 cụm công nghiệp (CCN) được đưa vào quy hoạch, xây dựng với tổng diện tích hơn 42.000 ha. Tuy nhiên, hơn 92% diện tích chưa đưa vào sử dụng. Phần lớn các KCN, CCN chỉ sử dụng khoảng 5 - 40% diện tích đất, số còn lại hầu như bị bỏ hoang phí.

Còn kết quả giám sát của thường trực Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Trị cho biết, đối với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch phần lớn sử dụng đất chưa đến 50% diện tích đất được thuê và có nhiều sai phạm.

Chẳng hạn, tại KCN Nam Đông Hà có 9 dự án chưa sử dụng đất xây dựng giai đoạn 2 với diện tích 79.001 mét vuông, có 10 dự án sử dụng đất không đúng mục tiêu đầu tư với diện tích 12.330 mét vuông.

Còn theo bài báo ‘Danh tính các khu công nghiệp có nguy cơ bị thu hồi’ trên báo Hà Nội Mới điện tử thì theo khảo sát của Bộ kế hoạch và đầu tư, hàng loạt khu công nghiệp ở các tỉnh, địa phương Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ninh Thuận v.v... nằm trong diện ‘có vấn đề’…

Động cơ lợi ích đằng sau
 
Xung đột đất đai là một trong những vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần giải quyết thông qua cải thiện luật pháp, chính sách, theo tác giả.

Những thông tin báo chí cho thấy nhiều tỉnh thành phố đua nhau mở khu công nghiệp dẫn đến thừa mứa lãng phí, chứng tỏ nhiều quyết sách không hợp lý. Vậy nên người dân hoàn toàn chính đáng khi đặt dấu hỏi nghi ngờ về sự xác đáng của việc thu hồi đất thể hiện qua việc khiếu nại.

Ở phương diện quản lý đất nước, việc người dân khiếu nại là có lợi vì nó đặt ra nhu cầu phải đánh giá kiểm tra thật kỹ mỗi dự án, cái mà giới cán bộ vì mờ mắt lợi ích nên làm lơ ngó qua. Họ cũng e ngại lo sợ những bê bối sẽ bị phơi bày ra qua việc khiếu nại.

Có thể hình dung đa phần những dự án bỏ hoang trong các bài báo nêu trên là do các cấp chính quyền tỉnh thành phố phê duyệt và thu hồi đất. Họ đã đánh giá tính toán không kỹ các số liệu dẫn đến kết quả sai.

Mà cũng chính tầng nấc cán bộ này lại là chủ thể chính trong việc giải quyết khiếu nại. Do vậy họ đã tìm cách ngăn chặn người dân khiếu nại để giảm bớt áp lực, ngoài ra còn giúp giảm tránh trách nhiệm giải trình về các dự án.

Đối với họ thì dân khiếu nại về mức bồi thường thì không sao vì tiền do chủ đầu tư bỏ ra có thể bổ sung nâng lên, nhưng dân phản đối bản thân dự án thì không được vì phê duyệt và chịu trách nhiệm về dự án chính là họ.

Luật được thông qua bởi Quốc hội nhưng nhiều khả năng các đại biểu không chú ý đến quy định này và không nhận ra thâm ý đằng sau, mà rồi lợi ích riêng của một tầng nấc cán bộ được bênh vực trong khi lợi ích chung thì gánh chịu hậu quả.

Giải pháp nào?
 
Trách nhiệm nhà nước trong giải quyết xung đột, khiếu kiện đất đai vẫn là chính, theo tác giả.

Tình trạng nhiều khu công nghiệp bỏ hoang và nhiều khu đô thị xây rồi bỏ không, cho thấy sự cần thiết phải để người dân được khiếu nại quyết định thu hồi đất, qua đó thẩm tra đánh giá lại tính xác đáng của mỗi dự án.

Và qua những khu công nghiệp có các nhà máy như SamSung lại cho thấy việc thu hồi đất là cần thiết tất yếu, trong khi việc khiếu nại của người dân cũng là chính đáng, vậy phải làm sao?
Theo tôi thì nhà nước cần làm mấy việc sau.

Thứ nhất là tăng cường chất lượng của các quyết sách, đánh giá kiểm soát thật kỹ mỗi chủ trương dự án để không xảy ra tình trạng thu hồi nhiều, mở nhiều khu công nghiệp để rồi cỏ mọc không hoạt động.

Thứ hai là tăng cường minh bạch trong việc triển khai thu hồi đất, lâu nay người dân bức xúc khiếu nại phần nhiều do không tin tưởng vào giới chức, nghĩ rằng có sự cấu kết ăn chia trên lưng trên cổ người dân.

Do vậy mỗi một dự án cần đưa nhiều đại diện cho người dân vào các ban bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng người đưa vào không phải là quan chức về hưu hay đảng viên biết nghe lời được chọn.
Điều đó giúp người dân yên tâm về dự án, giúp cho doanh nghiệp đỡ mất tiền bôi trơn cho cán bộ mà đúng ra tiền đó phải chảy vào ngân sách nhà nước.

Qua sự việc xảy ra ở Hải Dương cho thấy trách nhiệm của nhà nước vẫn là chính, phải làm sao để dung hòa được các vấn đề và qua đó đòi hỏi tầng lớp cán bộ phải có năng lực và công tâm tức là đội ngũ cán bộ phải có chất lượng.

Có thế mới tránh được bi kịch của thu hồi đất, trong khi giải quyết được vấn đề công ăn việc làm thì lại tạo ra vấn nạn mới là tình trạng bạo lực chống đối thu hồi đất.

Nguồn: BBC




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét