2015/07/23

Bắt cựu Chủ tịch PVN hé lộ ’lỗi hệ thống’

BBC

Về vụ cựu Chủ tịch tập đoàn PVN ông Nguyễn Xuân Sơn bị khởi tố, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng “về nguyên tắc, nếu như một người bị phát hiện có sai phạm mà vẫn được đề bạt là không nên”, theo trang VOV.

Nhưng vẫn theo bài báo trên trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam, “thời điểm ông Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm làm Chủ tịch PVN (tháng 7/2014), tình hình Ocean Bank - nơi ông Sơn từng làm tổng giám đốc - chưa đến nỗi nào, thì người ta mới đề bạt”.

Trước đó, theo VOV, đã có trường hợp ông Dương Chí Dũng - từ Chủ tịch HĐTV Vinalines đã được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ GTVT).

Chưa đầy nửa năm sau đã bị khởi tố do hành vi phạm pháp liên quan tới thời gian còn làm Chủ tịch của Vinalines.
Vụ cựu lãnh đạo PVN nhắc lại vụ ông Dương Chí Dũng
Còn Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu thành viên ban tư vấn của thủ tướng Việt Nam thời gian trước, nói với BBC hôm 22/07 rằng vụ ông Nguyễn Xuân Sơn cho thấy “vấn đề lớn về mặt bổ nhiệm nhân sự tại Việt Nam”.

"Về mặt thủ tục bổ nhiệm, Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị từ các bộ và có thủ tục về mặt xét duyệt về phía Đảng và các hội đồng quản trị", ông nói.

"Vụ việc như thế này là câu hỏi lớn về thể chế và sự xét duyệt và cho thấy rõ thiếu một cơ quan giám sát độc lập, nên các thủ tục, các việc xét duyệt làm không được chặt chẽ, dẫn đến những việc bổ nhiệm như trong trường hợp của ông Xuân Sơn này."

Vấn đề của bộ máy

Tuy nhiên, TS Doanh cho rằng đây là biểu hiện của vấn đề sâu xa hơn và tổ chức của bộ máy:
"Tôi nghĩ rằng phải thay đổi thể chế, tách cơ quan giám sát khỏi cơ quan quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu để cơ quan này thực sự độc lập và làm việc theo pháp luật."

Còn ông Thăng Văn Phúc thì cho rằng vụ cựu Chủ tịch PVN là bài học cho những người làm công tác tổ chức, cán bộ:

“Làm sao phải tìm nguồn một cách thận trọng, phải quản lý cán bộ thật sâu sát. Sâu sát với cán bộ sẽ vừa giúp phát hiện kịp thời những sai lầm, vừa giúp họ trưởng thành trong quá trình phát triển” - ông Phúc nói trên trang VOV hôm 22/07/2015.

Chính phủ Việt Nam bổ nhiệm mọi chức vụ cao trong ngành kinh tế
Điểm dường như truyền thông tại Việt Nam chưa khai thác hoặc nhận chỉ đạo không khai thác là thời gian chồng chéo khoảng hai năm khi ông Sơn làm lãnh đạo tại cả PVN lẫn OceanBank.

Việc có "chân trong chân ngoài" đặt ra câu hỏi về khả năng xung đột lợi ích khi vừa lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lại vừa điều hành ngân hàng tư nhân và dùng tiền doanh nghiệp nhà nước để góp vốn và kinh doanh chứng khoán, xây dựng, bất động sản...

Báo Vnxpess đưa tin tháng 7 năm ngoái, ông Sơn là "ứng viên duy nhất" được tập đoàn và Bộ Công Thương giới thiệu vào cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên sau khi người tiền nhiệm nghỉ hưu và ông được Thủ tướng Dũng bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch PVN vào 08/07/2014.

Theo báo chí Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Sơn vừa có chuyến thăm Hoa Kỳ cùng đoàn của TBT Nguyễn Phú Trọng.

Hồi cuối năm ngoái, ông cũng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tháp tùng đoàn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao ASEAN– Hàn Quốc2014 tại Busan từ 10- 12 tháng 12.

Xôn xao dư luận

Vụ bắt ông Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục thu hút sự chú ý lớn của dư luận Việt Nam, kể cả các bạn đọc trang Facebook của BBC Tiêng Việt.

Chẳng hạn Thái Thành viết: "Vấn đề cốt lỏi là Cơ Chế Quản Lý. Nếu cứ khư khư giữ lấy cơ chế quản lý bất cập như thế này thì muôn đời vẫn vậy. Đâu chỉ các Tập đoàn kinh tế Nhà Nước ...Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhũng nhiễu đã và đang trở thành một phong trào lan tỏa mạnh mẽ bao trùm lên đời sống của Nhân Dân cả nước dưới mọi hình thức và mọi lĩnh vực, từ trung ương đến cấp cơ sở nhỏ nhất."

Còn Facebooker có tên là Caphedene Na thì viết: "Phải dùng từ "cấu kết" với nhau sử dụng tiền NN, tức tiền thuế của toàn dân trục lợi cá nhân. Thử hỏi các DN NN hiện nay được sử dụng vốn ko mất tiền lãi suất vay, được hỗ trợ, độc quyền... nhưng lợi nhuận họ mang lại toàn âm, lỗ, lỗ nặng cấu kết cán bộ quản lý trục lợi để có nhà cửa hoành tráng, con cái đi học NN thử hỏi tiền lương nào? Ở đâu có?"

Có vẻ như trước những vụ việc gây chấn động dư luận, các giải pháp của quan chức cao cấp tại Việt Nam vẫn là đề cao ’đạo đức, tư tưởng’.

Cùng ngày 22/07, tới dự Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 ở Hà Nội, ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thừa nhận rằng "tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp".
Cùng dự Đại hội, ông Đào Ngọc Dung, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho rằng "nếu từng đảng viên không thật sự gương mẫu và hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống chính trị".

Vì thế, theo ông, "nhiệm vụ hàng đầu và thường xuyên của Đảng bộ là làm thật tốt công tác tư tưởng".

Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhũng nhiễu đã và đang trở thành một phong trào lan tỏa mạnh mẽ
Trong khi đó, cộng đồng mạng lại chia sẻ các ý kiến khác về giải pháp.

Trần Hùng Cương viết trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt: "Cách tốt nhất là Nhà nước rút ra khỏi các doanh nghiệp, không làm kinh tế nữa, chỉ quản lý và thu thuế, ban hành pháp luật giống như Các Mác và Ăng ghen đã nói..trong một cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi, quyền lực vô hạn sẽ gây ra tiêu cực, thất thoát, tổn hại đến kinh tế thôi..."

Nguồn: BBC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét