2013/11/10

Việc cấm cản chia sẻ thông tin trên mạng điên rồ của Việt Nam

Slate Magazine
Ariel Bogle
Một công an ngăn cản một phóng viên ngoại quốc chụp hình bên ngoài phiên xử giảng viên và blogger Phạm Phạm Minh Hoàng năm 2011.

Nếu bảo là Việt Nam có mối quan hệ bất ổn với Internet là chỉ mới nói một cách khiêm tốn. Mặc dầu nhà nước cố gắng kiềm chế, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook rất phổ thông tại Việt Nam, với mức sử dụng ước lượng là 70% trong tổng số người sử dụng mạng. ([Khoảng một phần ba dân số 90 triệu của Việt Nam có vào mạng.) Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng cố gắng ấp ủ gầy dựng một “Silicon Valley” riêng, và có một số mạng xã hội nội địa như Zing Me và HaiVL.

Tuy nhiên giới thẩm quyền cho đến nay không thể rập khuôn bức tường lửa khổng lồ (Great Firewall) của Trung Quốc để chận các nội dung không thân thiện với chế độ, và đã ra tay đàn áp giới đối kháng mạng bằng phương pháp cổ truyền – xách nhiễu và giam giữ. Nói cách khác, “bắn người đưa tin”, theo lời của ông Phil Robertson, Phó Giám Đốc Á Châu sự vụ của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch). Ước lượng cho tới nay trong năm đã có 46 bloggers và nhà hoạt động bị giam cầm tại Việt Nam, đứng thứ nhì sau Trung Quốc, và được xếp hạng 172 trong số 179 quốc gia trong bảng chỉ số Tự Do Báo Chí của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Without Borders).
Sự mong muốn kiểm soát chặt chẽ thông tin trên mạng của nhà nước bộc phát thường xuyên. Vào tháng Mười, cùng ngày mà một người Việt Nam bị kết án vì một bài đăng trên Facebook kêu gọi thả người anh, một nhà hoạt động khác lên Facebook để phổ biến tin tức về việc anh bị công an bắt giữ.
Nỗ lực vận động của Đinh Nhật Uy để thả người anh, một nhà hoạt động bị giam giữ, bị nhà nước kết án 15 tháng tù treo chỉ vì 4 bài viết đăng trên Facebook bị cho là “lạm dụng tự do dân chủ”, theo lời Phóng Viên Không Biên Giới.

Trong khi đó, bạn bè của một blogger cổ xúy cho dân chủ Nguyễn Lân Thắng đăng một video clip trên Facebook sau khi anh bị bắt giữ ở phi trường Hà Nội, trong đó anh nói “Nếu bạn thấy video này thì chắc chắn là tôi đã bị công an bắt giữ.” Đầu năm nay, giới chức Hoa Kỳ bày tỏ thái độ không hài lòng khi một luật sư nhân quyền từng du học Hoa Kỳ và là một blogger quen thuộc, Lê Quốc Quân, bị kết án 30 tháng tù giam về tội trốn thuế mà người ta tin là vì động lực chính trị.

Nhưng kinh ngạc hơn hết là trong nỗ lực bảo vệ tầm ảnh hưởng của truyền thông nhà nước và bóp nghẹt các quan điểm gây tranh cãi, Việt Nam đã ra đạo luật cấm chia sẻ tin tức trên mạng. Đạo luật này có hiệu lực vào tháng Chín cấm người sử dụng mạng xã hội đăng tin tức thu thập từ các nguồn thông tin vì lý do “an ninh quốc gia” và ngăn ngừa vi phạm bản quyền.

Đạo luật soạn thảo một cách mơ hồ ghi rằng, “Các trang thông tin điện tử cá nhân chỉ được phép đăng tải tin tức do chính cá nhân đó sở hữu, và không được phép “trích dẫn”, “thu thập” hay tổng hợp thông tin từ các cơ quan báo chí hay trang mạng nhà nước”, theo lời ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Quản Lý Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử. Luật còn cấm không được đăng trên mạng xã hội “thông tin chống lại nhà nước Việt Nam, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đoàn kết dân tộc… hoặc đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.”

Đối với một người dân Mỹ bình thường mà trên Facebook của họ đầy tin tức phê bình chỉ trích chính quyền thì việc có thể bị bắt giữ chỉ vì chia sẻ tin tức thật là kinh ngạc. Việc này cũng báo trước nỗ lực “Silicon Valley” của Việt Nam không ổn tí nào. Tuy nhiên càng có nhiều người Việt Nam vào mạng thì khả năng của chính quyền mong muốn công dân họ chỉ tìm được “thông tin đúng và trong sạch trên mạng” không kéo dài được lâu.

WebVT chuyển ngữ

Nguồn: Slate

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét