Ngô Văn
1. Lại rò rỉ nước nhiễm phóng xạ ở Fukushima
Sau khi tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra (11/03/2011)
thì vùng biển ở tỉnh này cũng như các tỉnh lân cận bị nhiễm phóng xạ
trên mức quy định nên ngư dân ở đó không hành nghề được. Tổng công ty
điện lực Tokyo cũng như chính phủ Nhật đều cam kết sẽ dồn nỗ lực giải
quyết vấn đề. Sau gần hai năm, mức độ nhiễm phóng xạ ở vùng biển Đông
Bắc Nhật dần dần sạch phóng xạ và khi đến mức an toàn theo quy định thì
ngư phủ ở tỉnh Ibaragi kế bên Fukushima bắt đầu hành nghề, nhưng cá đánh
lên phải qua khâu kiểm phóng xạ mới được đem bán. Ngành Ngư nghiệp tỉnh
Fukushima tuy còn phải chờ thêm một thời gian nữa, nhưng ai nấy đều đầy
hy vọng vì mức độ nhiễm phóng xạ của nước biển ngày một giảm. Tuy chưa
đánh cá được, nhưng với mức độ phóng xạ đo được trong nước biển vào ngày
26/06/2012, thì ngư dân có thể bắt đầu thả bào ngư xuống biển để nuôi
(và chờ 4 năm sau thu hoạch). Ngư phủ ở Fukushima tái khởi nghiệp bằng
việc thả xuống biển nuôi 2 vạn con bào ngư.
Mọi chuyện đang tiến hành khá tốt đẹp thì vào giữa tháng 8/2013, nồng
độ phóng xạ đo được trong nước biển ở Fukushima bỗng nhiên tăng lên đến
mức báo động. Ai cũng biết tác nhân gây ra không ai khác hơn là nhà máy
điện hạt nhân Fukushima nên dân chúng kéo đến hỏi cho ra lẽ. Lúc đầu
Ban Giám đốc điều hành tổng công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) phủ nhận
chuyện nước nhiễm phóng xạ chứa trong các bồn chứa lớn tại nhà máy điện
hạt nhân Fukushima rò rỉ ra biển, và chỉ hứa là sẽ gởi chuyên gia đến
hiện trường kiểm chứng ngay.
Tưởng nên nhắc lại là trong khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai
ichi bị tai nạn sóng thần vào tháng 3/2011, giới thẩm quyền đã phải sử
dụng một lượng lớn nước biển, chừng 300 ngàn tấn, để làm giảm nhiệt lò
phản ứng. Lượng nước khổng lồ này sau đó được chứa trong khoảng 1000 bồn
chứa lớn dựng ngay trong khuôn viên nhà máy.
Thật ra TEPCO đã biết về hiện tượng rò rỉ từ tháng 7/2013. Theo các
dữ kiện mới được tiết lộ thì vào khoảng thời gian đó, TEPCO đã phát hiện
một số bồn chứa nước bị nghiêng do độ lún của mặt đất. Hậu quả là có
một số nước nhiễm phóng xạ bị rò rỉ ra bên ngoài. TEPCO tuy đã tức tốc
cho xây thêm một số bồn mới để chuyển số nước trong các bồn bị nghiêng
đi. Tuy nhiên, nay họ vẫn bị phê phán là "vô trách nhiệm" vì đã không
cho người đi kiểm tra toàn bộ 1000 bồn chứa, mà chỉ tìm cách bít lại tạm
thời những bồn đã nghiêng quá rõ cho đến lúc xây thêm bồn mới.
Tổng giám đốc TEPCO lại một lần nữa phải cúi đầu xin lỗi dân chúng và
hứa sẽ tìm cách khắc phục. Bộ trưởng Kinh tế & Công nghiệp đã tức
tốc bay đến hiện trường thị sát và chỉ thị cho các giới chức hữu trách
phải tìm cách chận đứng tình trạng rò rỉ này ngay. Và tiền thuế của dân
lại phải đổ thêm nữa vào cho nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Cùng lúc Ủy ban Quy chế Nguyên tử lực Nhật Bản gởi chuyên gia đến
thẩm định nồng độ nhiễm phóng xạ của nước biển quanh vùng Fukushima. Kết
quả được công bố là đã lên tới mức nguy hiểm cho con người — cấp 3
trong tổng số 7 cấp. Các chuyên gia quốc tế còn lo ngại rằng nếu nước
nhiễm phóng xạ trong các bồn chứa rò rỉ thấm vào lòng đất rồi sau đó từ
từ chảy ra biển thì không có cách nào ngăn chận lại được. Đó là chưa kể
mối đe dọa của một cơn động đất khác làm nghiêng đổ hay tan vỡ các bồn
chứa nước này.
2. Dân Nhật làm phim báo động và phản đối việc bán kỹ thuật điện hạt nhân cho VN
Càng ngày, dân Nhật càng chán ngán các nhà máy nguyên tử, đặc biệt là
các nhà máy gần bờ biển. Họ gọi đây là các "của nợ". Và chính trong
tình cảnh chưa biết giải quyết các "của nợ" này thế nào - cứ bịt chỗ này
lại thủng chỗ khác - mà ngày càng nhiều tổ chức NGO tại Nhật phản đối
mạnh mẽ việc xuất cảng kỹ nghệ điện hạt nhân của Nhật sang Việt Nam.
Đáng chú ý nhất gần đây là sự ra đời của cuốn phim Shinobiyoru Genpatsu, tạm dịch là Điện hạt nhân âm thầm đến
của đạo diễn Nakai. (Xem xong cuốn phim thì ai cũng biết Điện hạt nhân
đang âm thầm đến đâu). Cuốn phim được trình chiếu tại Liên hoan Điện ảnh
Á châu ở Fukuoka vào tháng 7/2013 và đã thu hút sự chú ý của nhiều
giới. Chủ điểm của phim là sự kiện chính phủ Nhật đang "xuất cảng những
nguy hiểm và khổ đau của người dân Fukushima sang Việt Nam". Dù với
trình độ kỹ thuật cao và đông đảo như lực lượng chuyên gia điện hạt nhân
của Nhật, các hiểm họa vẫn quá lớn và vượt quá khả năng chống đỡ của
trình độ công nghệ hiện nay. Hậu quả là cái giá kinh khủng cho dân chúng
quanh các nhà máy điện hạt nhân, cho cả nước, và cho toàn vùng lân cận.
Đoàn quay phim của đạo diễn Nakai đã sang Việt Nam phỏng vấn một số
người dân tại Ninh Thuận, Phan Rang, nơi đang có kế hoạch xây 2 lò
nguyên tử và cũng rất gần bờ biển. Ông Nakai muốn biết người dân Ninh
Thuận nghĩ gì về điện hạt nhân để so sánh với người dân Fukushima. Các
câu trả lời mang những ý chính sau đây: "Nghe nhà nước nói thiếu điện
nên cần phải xây nhà máy phát điện hạt nhân"; "Nhà nước nói Nhật xây thì
an toàn tuyệt đối"; "Nhà nước hứa sẽ đền bù thỏa đáng và sẽ cho công ăn
việc làm tại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khi xây xong"; "Nhà nước
đã ra lệnh giải tỏa mặt bằng thì chẳng ai dám phản đối"; .... Trong số
những người được phỏng vấn, chỉ có một cụ già thuộc gia đình liệt sĩ
nhất quyết không chịu di dời vì bảo rằng đây là đất đai của dòng họ để
lại nên phải ở để gìn giữ.
Đạo diễn Nakai cũng nhắc lại những công trình xây dựng của Nhật tại
Việt Nam trong quá khứ đã bị rút ruột và để lại hậu quả nghiêm trọng như
vụ xập cầu Cần Thơ, vụ hối lộ ông Huỳnh Ngọc Sĩ trong dự án đại lộ Đông
Tây ở Sài Gòn, v.v... Từ những kinh nghiệm thực tế đó, cuốn phim kết
luận với tình trạng tham nhũng như hiện nay, xây nhà máy điện hạt nhân
Ninh Thuận là một việc làm quá
nguy hiểm.
Phản ứng đầu tiên của nhà cầm quyền Hà Nội sau khi phim Điện hạt nhân âm thầm đến ra mắt ở Fukuoka là cấm đạo diễn Nakai và những chuyên gia cộng tác với ông không được đến Việt Nam nữa.
Hình hái nho ở Ninh Thuận trên bìa dĩa DVD có tên Shinobi Yoru Genpatsu, tức Điện hạt nhân âm thầm đến.Trong thời gian ngắn trước mặt, phim này sẽ có phụ đề Việt ngữ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét