Mai Hương
Nhạc sĩ Trần Tiến có một bài nhạc viết về đời sống của dân tộc Raglai
và cây đàn chapi rất dễ thương. Ông bảo ở cái miền đồi núi ấy không có
mùa đông, không có nắng mưa, chỉ có một mùa yêu nhau. Ở nơi ấy có đàn dê
trắng nhởn nhơ, có mái nhà sàn, dù ai nghèo lắm cũng có cây đàn chapi.
Và ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi mà nghe người Raglai gảy đàn.
Nhạc sĩ Trần Tiến gọi tên ca khúc này là “Giấc mơ chapi”.
Ai nghe bài hát này mà không muốn được sống như người Raglai, không
muốn được mơ giấc mơ chapi !? Có lẽ cuộc đời thường không như là mộng,
nên con người ngủ thường hay nằm mơ và hay kể về giấc mơ của mình. Tuy
nhiên, các khoa học gia lại bảo động vật cũng nằm mơ và đặc biệt là loài
chim cũng ngủ mơ. Có những giấc mơ của con người đã làm biến đổi cả
lịch sử thế giới, như giấc mơ của Hán Minh Đế đã giúp Phật giáo được
truyền vào Trung Quốc. Và Hoàng đế Constantinus I Đại Đế đã giúp cho
Ki-tô giáo được phát triển ở La Mã cũng chỉ sau một giấc mơ.
Nhưng đó là giấc mơ của những vị Đại đế đầy quyền năng, đối với người
bình thường, thực hiện giấc mơ của riêng mình còn dễ đạt được, thực
hiện giấc mơ cho tha nhân thường có cái giá không nhỏ. Ngày 28 tháng 8
vừa qua, Tổng thống Obama và dân Mỹ đã làm lễ tưởng niệm 50 năm ngày mục
sư Martin Luther King đọc bài diễn văn bất hủ “Tôi có một giấc mơ”. Bài
diễn văn lịch sử này đã trở thành động lực cho sự ra đời của nhiều điều
luật nhân quyền sau này.
Hôm đó đúng vào ngày 28/8/63 giữa một đám đông gồm 250 ngàn người đổ về từ khắp nơi, Martin Luther King đã đọc lời diễn từ: “Rồi
có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con của nô lệ và
con của chủ nô sẽ ngồi lại cùng nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ. rồi
có một ngày vùng đất hoang mạc Mississippi, bức bối vì hơi nóng của bất
công và áp bức, sẽ chuyển mình để trở thành ốc đảo của tự do và công
bằng. Tôi đã mơ giấc mơ này…”
Lúc đó Martin Luther King còn rất trẻ, ông bị ám sát vào ngày 4/4/68
khi đang đứng trên ban công của một khách sạn để chuẩn bị dẫn đầu một
cuộc tuần hành. Ông bị bắn vào hàm, và một người bạn của ông có mặt lúc
ấy đã thuật lại rằng, ông đã nói lời sau cùng với nhạc sĩ Ben Branch
người được sắp xếp có màn trình diễn vào đêm hôm ấy: “Này Ben, hãy hứa với tôi là đêm nay anh sẽ chơi bài ‘Take My Hand, Precios Lord’ và phải chơi thật hay.”
Câu chuyện của vị mục sư trẻ vào những giây phút cuối đời và lời bài
hát này làm tôi nhớ đến câu chuyện của cô bé gái 17 tuổi và người anh
lớn vô tình cô được quen biết. Bài hát có những câu tôi nhớ loáng
thoáng: khi bóng tối xuất hiện và đêm đến gần, khi ngày đã ra đi, đã
trở thành quá khứ, hãy nắm lấy tay tôi, hãy hướng dẫn bàn chân tôi.
Cô bé đó tên là Yến và người anh lớn của cô là anh Lê Quốc Quân một
chiến hữu của anh Trần Văn Bá. Khi cộng sản chiếm miền Nam, Yến đang là
học sinh trường Gia Long. Cha và các anh trai của cô đều bị đi "tù cải
tạo". Yến rất buồn, những giờ học chính trị của lớp, Yến chán nản thường
hay trốn ra ngoài ngồi nhìn qua sân tennis. Ở đây cô được gặp anh Lê
Quốc Quân, như một người anh, anh đã an ủi và hướng dẫn tinh thần cô.
Đến bây giờ cô vẫn nhớ mãi câu nói của anh: “Em đừng lo, lúc này nước đang ở trong chai thì nó phải mang hình chai, rồi có lúc nước sẽ trở thành đại dương.”
Ngày anh bị xử bắn cùng anh Trần Văn Bá, cô đạp xe vòng quanh thành phố
trong mưa và mặc cho nước mắt rơi. Giờ đây, cô bé 17 tuổi vẫn mang theo
giấc mơ của người anh lớn ngày nào, và cô hoạt động tích cực trong
những công tác của cộng đồng.
Những giấc mơ lớn luôn cần sự góp tay của rất nhiều người. Hoa Kỳ là
một quốc gia đi đầu về những giá trị về tự do và nhân quyền. Nhưng để có
được những giá trị đó ngày hôm nay, đã có rất nhiều người Mỹ chịu hy
sinh cho những giá trị cao quý đó. Đến nỗi nhà thơ Allen Ginsberg đã
phải kêu lên: “ Nước Mỹ, tại sao tự do của ngươi lại tràn đầy nước mắt
!”
Cũng đúng vào cái ngày mục sư Martin Luther King đọc bài diễn văn
“Tôi có một giấc mơ”, hai mươi bốn năm sau, ngày 28/08/87 đã có những
người con Việt Nam âm thầm ngã xuống cho tự do của quê hương họ. Nơi
những người Kháng chiến quân này nằm lại chỉ còn cách biên giới đất mẹ
vào khoảng 20 cây số. Đó là Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh và những chiến hữu
của ông - những con người yêu nước hơn xa mạng sống của chính mình -
trên con đường Đông Tiến.
Đó là một mùa thu ảm đạm, đau thương nhất cho những người trong cuộc!
Những người còn lại đã vuốt mắt cho các chiến hữu của họ bằng sự son
sắt nối tiếp con đường gian nan. Chắc chắn đã có nhiều tiếng thở dài xen
lẫn đắng cay nhưng con đường vẫn tiếp nối. Bởi chưa có con đường nào
dẫn tới sự tươi đẹp cho cả một dân tộc lại được trải đầy hoa.
Có nhiều người Mỹ gốc Việt đã tham dự ngày tưởng niệm Martin Luther
King trong ngày ông đọc bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ”, nhưng ít ai
biết về giấc mơ của những người lính đã nằm lại nơi biên giới Thái Lan
ngày hôm ấy. Anh Nguyễn Trọng Hùng, một chiến hữu sát cánh bên cạnh Phó
đề đốc Hoàng Cơ Minh đã viết về giấc mơ của anh trong một lá thư gởi về
cho con: “Bố đi cứu nước và đợi ngày các con thành tài hồi hương kiến
quốc. Có như thế bố con chúng mình mới kiêu hãnh ngẩng mặt dưới ánh
sáng mặt trời nhận mình là giống dân Hồng Lạc.”
Tôi yêu giấc mơ của Martin Luther King và tôi yêu giấc mơ của những
người kháng chiến quân này. Những người tha thiết với giấc mơ của mình
cho đến tận những giây phút cuối của cuộc đời!
Ngay cả đến những giây phút cận kề với cái chết, Phó đề đốc Hoàng Cơ
Minh vẫn thiết tha yêu cuộc sống. Tôi còn nhớ ông đã viết một câu trong
bút ký của ông khi còn là một thiếu uý trẻ: “chỉ có người lính mới không sợ chết, và cũng chính người lính mới biết sự sống đáng quý đến dường nào.”
Xin được cúi đầu tạ ơn những người lính Việt Nam, những Hoàng Cơ
Minh, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Ngô Chí Dũng, Vũ Đình Khoa, Trương Ngọc
Ni, Trần Hướng Việt… Các anh đã trao tặng cái quý giá nhất của mình để
thực hiện cho bằng được giấc mơ của biết bao con dân Việt Nam. Tưởng nhớ
đến các anh, chúng tôi xin nguyện cùng đồng hành, cùng chia chung ước
mơ với các anh Điếu Cày, Vi Đức Hồi, Việt Khang, Lê Quốc Quân, Trần Vũ
Anh Bình, Nguyên Kha, Phương Uyên, 17 thanh niên yêu nước... và rất
nhiều anh chị em khác đang cọ xát với gian nan và hiểm nguy bên ngoài
song sắt của lao tù.
Tạ ơn các anh. Xin các anh yên nghỉ. Giấc mơ Việt Nam đang được thực hiện bởi rất nhiều, rất nhiều những người trẻ hôm nay.
2013/09/05
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét