2013/08/21

Mẫu mực chống tham nhũng sắp áp dụng tại Việt Nam

Ngô Văn

Cuối năm 2012, khi lên nhậm chức Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nhà nước Trung quốc, ông Tập Cận Bình cũng đã tuyên bố như bao nhiêu vị tiền nhiệm của mình là phải triệt để phòng chống tham nhũng. Hiển nhiên, dưới các chế độ Cộng sản độc tài, lãnh đạo ở thượng tầng dù không làm theo những gì mình tuyên bố thì cũng chẳng ai dám bắt bẻ, cũng như trong hậu trường ông Tập Cận Bình còn bộc bạch rằng hiện nay chống tham nhũng chỉ như "quậy nồi canh đang sôi cho khỏi trào thôi" chứ không làm gì hơn được. Tuy nhiên, trên mặt trận tuyên truyền, lãnh đạo vẫn phải làm một vài chuyện gì đó, đủ để báo đài ca ngợi là "dám nói, dám làm".

Theo các nhà hoạt động xã hội ở Hoa lục thì đã 8 tháng qua, không có một vụ tham nhũng, hối lộ nổi cộm nào được báo đài loan tin. Họ giải thích thêm rằng chẳng phải vì thành phần đang nắm chức quyền quá sợ ông Tổng bí thư mới đến độ ngưng lập tức mọi mối làm ăn phi pháp, mọi mạng lưới tham nhũng, mà PHẢI HIỂU NGƯỢC LẠI. Theo giới quan sát này, ông Tập Cận Bình đang sợ đủ loại phe nhóm theo ban ngành, theo từng địa phương, theo từng thành viên Bộ chính trị, theo khuynh hướng tư tưởng chính trị tả hay hữu, v.v... và không dám đụng đến "lãnh thổ làm ăn" của các phe khi cái ghế của ông còn quá mới. Hơn thế nữa, chính ông Tập và gia đình cũng đang nắm nhiều tài sản mà không sao giải thích được bằng số tiền lương của một người "suốt đời cống hiến cho đảng, cho nước".

Trong lúc báo chí phương Tây có vẻ trầm trồ về việc ông Tập Cận Bình ra tay "đập tham nhũng" rất sớm sau ngày lên ngôi chứ không chờ vài năm sau như ông Hồ Cẩm Đào, thì giới trí thức Trung Quốc hiểu rất rõ lý do. Chính việc ra tay sớm đó là một bằng chứng nữa cho thấy đợt "đập tham nhũng" này chỉ mang tính hình thức. Điều tiên đoán này đã được ông Tập nói huỵch toẹt ra trong Đại hội cán bộ cao cấp bị thu lén và tung ra mạng Internet.

Ngay cả đối với con dê Bạc Hy Lai bị Ôn Gia Bảo đưa ra tế thần, nhiều nguồn tin từ đất Trung Quốc cũng cho thấy ông Tập đã mặc cả xong với phe ủng hộ họ Bạc. Sẽ không có chuyện tử hình hay chung thân gì cả đối với ông Bạc mà chỉ một tội nhẹ để phạt cho có là xong. Đi xa hơn thế nữa, ông Tập còn hứa hẹn là sẽ dùng lại nhiều chính sách của Mao Trạch Đông mà cánh Bạc Hy Lai chủ trương. Việc ông Tập đến tận Vũ Hán để thăm ngôi biệt thự ven hồ của ông Mao và tuyên bố sẽ biến nó thành trung tâm giáo dục thanh niên về lòng yêu nước, yêu cách mạng, đã làm phe khuynh tả nói chung và cánh ủng hộ ông Bạc rất hoan hỉ.

Một cách giải quyết nữa của họ Tập là khuyến khích các quan chức có tai tiếng hãy "hạ cánh an toàn" ở nước ngoài. Trong chiều hướng đó, vào ngày 14 tháng 8 vừa qua, tờ Nhân Dân của đảng Cộng sản Trung quốc đăng tin chính quyền tỉnh Quảng Tây đã không còn biết ông Vương Nhạn Uy, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung quốc (một tổ chức giống như Mặt trận Tổ quốc của nhà nước CSVN) bây giờ ở đâu. Bài báo cũng nói thêm, ngoài ông Vương ra còn có thêm hai quan chức khác tại tỉnh Hồ Nam cũng biệt vô âm tín. Tờ Nhân Dân không tiết lộ nguồn tin nhưng lại khẳng định cả ba quan chức đó đã bỏ trốn ra nước ngoài. Nếu cộng thêm ba quan chức này thì trong 5 năm qua đã có trên 6.220 cán bộ cấp cao bỏ trốn ra nước ngoài.

Theo điều tra của Viện Xã hội & Khoa học Trung quốc (tức chính học viện của nhà nước) thì từ năm 1990 đến giữa năm 2013 đã có từ 16 ngàn đến 18 ngàn cán bộ, quan chức cấp cao tại các bộ, ban, ngành và các xí nghiệp quốc doanh đã bỏ trốn ra nước ngoài cùng với tài sản của mình. Số tài sản này, theo Viện XH&KH (mà dù nhiều người tin rằng nhỏ hơn nhiều con số thực) trên 800 tỷ nhân dân tệ.

Hiện nay, chỉ có tờ Nam Phương nhật báo dám chỉ trích chính quyền tỉnh Quảng Tây và tỉnh Hồ Nam thiếu trách nhiệm trong việc phòng chống tham nhũng. Điều khá lộ liễu là tờ báo Nam Phương nhật báo mà còn biết ông Vũ Nhạn Uy hiện đang "chữa bệnh ở Úc" nhưng giới lãnh đạo tỉnh Quảng Tây, Bộ Công An Bắc Kinh, và Ủy ban Phòng chống tham nhũng trung ương không biết ông Vương ở đâu. Tờ Nam Phương còn cho biết cuối tháng 6/2013, ông Vương đã nạp đơn xin từ chức để sang Úc chữa bệnh. Hai quan chức ở tỉnh Hồ Nam cũng xin từ chức với lý do như ông Vương. Cả ba đơn từ chức đều được chính quyền Quảng Tây và Hồ Nam chấp thuận. Do đó, việc ra đi - hay "bỏ trốn" - này rõ ràng được sự đồng ý và biết trước của cấp trên. Và đây chỉ là 1 thí dụ cho chính sách "phòng chống tham nhũng" của Tập Cận Bình.

Theo giới theo dõi tình hình xã hội, chính trị Trung quốc, việc một quan chức ở Hoa lục từ cấp Phó trưởng ty trở lên có trương mục ngân hàng ở các nước ngoài đã quá bình thường. Ai không có mới là chuyện bất thường và bị đồng nghiệp cho là đóng kịch. Hầu hết cũng đã lo xong từ lâu cho vài đứa con hoặc thân nhân ruột thịt quản lý tài sản của họ ở nước ngoài. Ba quan chức vừa mới "bỏ trốn" chắc chắn không là ngoại lệ.

Và sau hết trong chính sách Phòng Chống Tham Nhũng của cả Hồ Cẩm Đào lẫn Tập Cận Bình là không phạt quá nặng để tránh oán hận trong nội bộ (không khác gì tuyên bố thành lời của TBT Nguyễn Phú Trọng). Theo luật hiện hành của Trung quốc, quan chức nào có hành vi hối lộ, biển thủ ngân quỹ nhà nước từ 100 triệu đồng nguyên trở lên sẽ phải chịu mức án tử hình. Năm 2011, một cán bộ Tài chánh tỉnh Giang Tây thụt két 100 triệu đồng nguyên rồi bỏ trốn sang Singapore. Khi cán bộ này bị bắt và dẫn độ về Trung quốc, ông ta bị xử án 15 tháng tù. Trường hợp mới đây nhất là ông Lưu Chí Quân, cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung quốc bị án tử hình vì nhiều vụ hối lộ tổng cộng trên 130 triệu mỹ kim. Ông Lưu bị án tử hình nhưng lại là án treo vì "đã có công đóng góp và xây dựng Đảng". Nói tóm lại, cho đến nay chưa có một quan chức lớn nào bị xử bắn vì tội tham nhũng, hối lộ theo luật định.

Nếu vẫn dùng công thức: Chuyện Trung Quốc cộng 9 tháng thành chuyện Việt Nam, thì Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương đang chuẩn bị hộ chiếu và giấy thông hành cho nhiều quan chức "đi chữa bệnh" trong năm 2014, kể cả cho các thành viên của hai ban.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét