RFI
Hôm qua, 01/02/2013, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã ra một thông cáo tại Bangkok lên án Việt Nam về vụ bắt giữ blogger độc lập Lê Anh Hùng, đưa về giam trong một trại tâm thần. Tổ chức CPJ kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho anh Hùng và những nhà báo khác đang bị giam giữ với những tội danh «ngụy tạo».
Trong thông cáo nói trên, CPJ nhắc lại là sáu nhân viên an ninh đã bắt giữ blogger Lê Anh Hùng ngày 24/01 tại thành phố Hưng Yên, miền Bắc Việt Nam, lấy cớ là để hỏi về những vấn đề liên quan đến giấy tạm trú. Anh Hùng bị đưa về Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 2, một trại tâm thần ở Hà Nội. Sau đó giám đốc trung tâm này nói rằng anh Hùng đã bị đưa vào đây theo yêu cầu của mẹ anh và anh không được phép gặp ai vào thăm.
- Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ (Reuters)
Nhưng trong một tuyên bố đưa ra ngày 30/01, Đài Quan sát bảo vệ các Nhà bảo vệ Nhân quyền, một nhóm quy tụ Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (OMCT) và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, có trụ sở tại Pháp, khẳng định là mẹ của blogger Lê Anh Hùng không hề yêu cầu đưa con vào tâm thần.
Bản tuyên bố nói trên cũng cho biết là trước khi bị bắt, anh Hùng đã thường xuyên bị công an sách nhiễu, tra hỏi và đe dọa, lý do là vì blogger này đã viết nhiều bài trên mạng tố cáo nạn tham nhũng của các quan chức cao cấp và nạn lạm quyền trong Đảng Cộng sản.
Đại diện khu vực Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo Shawn Crispin tuyên bố: «Vụ bắt giam anh Lê Anh Hùng cho thấy các quan chức nay trở nên nhạy cảm như thế nào đối với những lời chỉ trích trên mạng. Thay vì dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến trên mạng, chính quyền Việt Nam nên lắng nghe nỗi bất mãn ngày càng tăng đối với chế độ, được bày tỏ trên các trang blog độc lập.»
Trong bản thông cáo hôm qua, CPI nhắc lại là ngày 09/01/2013 vừa qua, năm blogger độc lập ở Việt Nam đã bị kết án từ 3 đến 13 năm tù với tội danh liên quan đến an ninh quốc gia, do những bài viết chỉ trích được đăng trên mạng. Việt Nam hiện đang giam giữ 14 nhà báo, đưa nước này trở thành quốc gia đứng hàng thứ sáu trong số các nước giam giữ phóng viên nhiều nhất thế giới.
Nguồn: RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét