2013/01/26

Những phiên tòa Việt Nam


Wall Street Journal

Việt Thi chuyển ngữ
Hà Nội kết án chính công dân của họ vì hoạt động phản kháng ôn hòa.
Một tòa án Việt Nam đã kết án 14 nhà dân chủ tuần trước và tuyên án một loạt bản án từ tù treo đến 13 năm tù giam. Nguồn tin từ giới đối kháng cho biết phiên xử Nguyễn Quốc Quân - một công dân Hoa Kỳ có thể bị lãnh án nặng vì hoạt động cổ xúy cải tổ chính trị ôn hòa - dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Danh sách thù địch
Danh sách và bản án của 14 nhà đấu tranh bị xét xử vào ngày 8-9 tháng 1:
Hồ Đức Hòa (13 năm tù giam, 5 năm quản chế)
Đặng Xuân Diệu (13 năm tù giam, 5 năm quản chế)
Paulus Lê Sơn (13 năm tù giam, 5 năm quản chế)
Nguyễn Văn Duyệt (6 năm tù giam, 4 năm quản chế)
Nguyễn Văn Oai (3 năm tù giam, 2 năm quản chế)
Hồ Văn Oanh (3 năm tù giam, 2 năm quản chế)
Nguyễn Đình Cương (4 năm tù giam, 3 năm quản chế)
Nguyễn Xuân Anh (3 năm tù giam, 2 năm quản chế)
Thái Văn Dung (5 năm tù giam, 3 năm quản chế)
Trần Minh Nhật (4 năm tù giam, 3 năm quản chế)
Nông Hùng Anh (5 năm tù giam, 3 năm quản chế)
Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc (án tù treo)
Nguyễn Đặng Minh Mẫn (9 năm tù giam, 3 năm quản chế)
Đặng Ngọc Minh (3 năm tù giam, 2 năm quản chế)
Đây là lần thứ nhì ông Quân phải qua hệ thống "công lý" Việt Nam. Năm 2007 ông đã bị bắt cùng một nhóm người hoạt động tại một tư gia trong lúc chuẩn bị phát tán tờ rơi về đấu tranh bất bạo động. Ông đã bị trục xuất sau 6 tháng tù giam, có lẽ nhờ sự vận động từ Washington.
Vào tháng 4 năm ngoái, ông Quân đã bị bắt tại phi trường Tân Sân Nhất Tp. HCM khi ông tính đi vào Việt Nam. Giới chức cho rằng ông dùng tên giả để về Việt Nam trong thời gian vừa qua để huấn luyện về kỹ năng bất bạo động cho mục tiêu chống đối đàn áp. Trong trường hợp tệ nhất, ông có thể lãnh án hơn 10 năm tù giam.
Phần đông những bị can trong phiên xử tuần trước, trong đó đa số là ở tuổi 20 và 30 và bị bắt vào năm 2011, đã bị cáo buộc vào một số tội chống đối nhà nước. Có những người được cho là đi vận dụng người khác tham gia hoạt động đấu tranh dân chủ. Những người khác là bloggers hoặc viết những lời chống chính quyền trên tường, hoặc phổ biến những tin tức về biểu tình chống Trung Quốc ra bên ngoài. Phần đông là đạo Công giáo. Danh sách tên tuổi ở trên.
Ông Quân và các bị can này đều có mẫu số chung là bị cho rằng có dính dáng đến Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, hay Việt Tân, một nhóm có trụ sở tại Hoa Kỳ cổ võ dân chủ hóa một cách ôn hòa. Hà Nội dán nhãn Việt Tân là "khủng bố", mặc dù Hà Nội thừa nhận rằng bất cứ lúc nào nhà chức trách bắt thành viên Việt Tân chỉ thấy mang theo máy ảnh nhỏ và sách vở về biểu tình ôn hòa, chứ không phải súng hoặc bom đạn.
Những phiên xử dàn dựng như vậy có vẻ như là chỉ dấu về sức mạnh của chế độ. Những năm gần đây, Hà Nội đã thành công trong việc bố ráp phần đông những người đi đầu trong nhóm dân chủ nảy nở ở giữa thập niên qua. Phiên xử tuần trước thì đặc biệt vì tất cả các bị can được cho rằng có liên hệ đến cùng một tổ chức. Hơn nữa, "kẻ thù" của chế độ gần đây là những luật sư hoặc blogger đơn lẽ, chứ không là thành viên của bất cứ nhóm chống đối có tổ chức.
Trên một phương diện khác, Hà Nội có vẻ như đang vất vả trong việc đè nén giới phản kháng. Những phiên xét xử những nhà đối kháng trước đây đã trở nên điểm tập trung biểu tình, vì vậy tuần trước chế độ đã dàn dựng phiên tòa ở một thành phố nhỏ hơn cách xa Hà Nội và Tp. HCM. Nguồn tin từ Việt Tân cho biết lực lượng công an đã ngăn chặn ngoài tòa án, và truyền thông nhà nước đã không đi tin về phiên xử một cách chu đáo như thường lệ. Những người vừa trẻ vừa rành rẽ kỹ thuật như nhóm bị can này là một nhức nhối đối với giới chức trách.
Hiện nay Hà Nội đang trên cơ đối với công dân của họ, nhưng những phiên xử thế này cho thấy các ước muốn cho một cơ chế tốt hơn đang gia tăng. Và đó là lý do để các chính quyền ngoại quốc, và đặc biệt là Washington — nơi mà Hà Nội bày tỏ ước mong thắt chặt mối quan hệ — phải gia tăng áp suất lên chính quyền Việt Nam để thả các tù nhân chính trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét