2012/12/13

Có nên đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam không?


VRNs

(12.12.2012) - Sài Gòn - Gần đây vấn đề gặp gỡ, đối thoại giữa môt số cán bộ cao cấp của chính quyền Việt Nam với một vài nhân vật trong cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hải ngoại đã dấy lên sự tranh cãi và chống đối. Bên chống thì cho rằng chính quyền Viêt Nam chỉ lợi dụng những buổi đối thoại này để tuyên truyền, gây phân hóa chứ không thực tâm lắng nghe để thay đổi. Bên ủng hộ thì cho rằng cần phải có những đối thoại song song với những vận động chống đối để áp lực CSVN chấp nhận những thay đổi tốt hơn .
Đây là một vấn đề rất phức tạp, tế nhị trong tình hình chính trị hiện nay; nhưng nó là một diễn trình có thể xảy ra nếu cả hai phía (CSVN và các đảng phái không cộng sản) có những bước ngoặc thay đổi khi tìm ra những đồng thuận cần phải giải quyết trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Thomas Việt của Truyền Thông Chúa Cứu Thế (VRNs) và Radio An Phong xin mời quý vị theo dõi quan điểm của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân về vấn đề đối thoại với chính quyền VN - một đảng chính trị mà CSVN cho là lực lượng nguy hiểm nhất cho họ hiện nay.
Thomas Việt, VRNs (PV): Kính chào ông Lý Thái Hùng. Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt hôm nay về chủ đề đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam. Như ông biết là hiện nay, chính quyền Viêt Nam có cử ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao và là Chủ tịch Hội người Việt Nam ở nước ngoài mở một số cuộc đối thoại kín đáo với vài nhân vật có quá trình hoạt động chống cộng trong Cộng đồng người Việt hải ngoại như tại Paris (Pháp), Orange County (Nam California) và Houston (Texas). Ông nghĩ sao về những cuộc gặp mặt, đối thoại này thưa Ông?
Ông Lý Thái Hùng (LTH): Thưa anh, đây không phải là chuyện xảy ra lần đầu tiên. Trong vai trò chủ tịch Hội người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Thanh Sơn đã từng đi nhiều nơi, gặp gỡ một số người trong Cộng đồng hải ngoại không ngoài 3 mục tiêu: Một là chiêu dụ một số người về Việt Nam làm ăn, đầu tư; hay kêu gọi hợp tác một số dự án nào đó mà chế độ đang cần. Hai là giải thích, biện minh cho một số đường lối, chính sách của chế độ để qua đó vô hiệu hóa một phần các chống đối. Ba là tìm cách mua đứt hoặc hùn hạp với một số cơ quan truyền thông tại hải ngoại để làm loa cho chế độ. Đặc biệt, ông Sơn còn lên tiếng mời một số nhân vật được coi là “chống cộng” trong Cộng đồng về nước tham quan mà chính ông Sơn sẽ là người ra đón tại phi trường.
Tôi không nghĩ đây là những cuộc đối thoại mà chỉ là một số cuộc tiếp xúc nửa kín nửa hở mà chế độ, qua ông Nguyễn Thanh Sơn, tìm cách lung lạc một số người và qua đó khuấy lên sự tranh cãi, hầu gây phân hóa Cộng đồng hải ngoại. Trước đây, CSVN coi việc chiêu dụ đầu tư, hợp tác kinh tế từ Cộng đồng hải ngoại là chính. Nhưng từ vài năm trở lại đây, Hà Nội rất lo ngại về tiềm lực đóng góp của Cộng đồng hải ngoại cho các hoạt động của phong trào đấu tranh tại quốc nội nên họ tìm cách gây phân hóa, lũng đoạn, kể cả việc tung hỏa mù về đối thoại như đang thấy.

Gần đây, những cuộc gặp gỡ của ông Nguyễn Thanh Sơn thường chú trọng vào việc giải thích, biện minh cho những chính sách của nhà cầm quyền Hà Nội liên quan đến vi phạm nhân quyền, và ứng xử tại biển Đông.
Dĩ nhiên chúng ta đã thấy trong thực tế những cảnh lừa đảo để trấn lột hết tài sản của những người Việt về nước đầu tư, cũng như sự thật về thái độ quá sức hèn nhát của Hà Nội, không dám đối đầu với Bắc Kinh mà chỉ hùng hổ đàn áp những người dân muốn bảo vệ đất nước. Điều đáng buồn là đáng lẽ thực tế đó tự nó đủ để phủ nhận hết các ngụy biện của ông Nguyễn Thanh Sơn, nhưng vẫn có người, dù là chỉ một số ít, vì quyền lợi riêng vẫn chạy theo làm những điều mà chế độ muốn.
PV: Thưa ông, lịch sử chính trị Việt Nam trong gần 100 năm nay đã có những cuộc đối thoại giữa hai phe đối nghịch chính kiến nào hay chưa?, cụ thể ra là giữa những người Cộng sản và không Cộng sản?
LTH: Thưa anh, nói đến kinh nghiệm lịch sử thì chúng ta phải nhắc đến hai biến cố đã là bài học đáng nhớ như sau:
Bài học thứ nhất là cuộc hợp tác giữa lực lượng CSVN (lúc đó gọi là Việt Minh) với một số đảng phái quốc gia (Việt Nam Quốc Dân Đảng gọi tắt là Việt Quốc và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Cách) trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 1 năm 1946. Lúc đó, các đảng phái quốc gia có 70 ghế trong Quốc hội và nhất là tham gia vào chính phủ liên hiệp lâm thời do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Nhưng chỉ mấy tháng sau đó, lực lượng CSVN tìm cách cô lập các hoạt động của những đảng phái quốc gia và chính quyền liên hiệp bắt đầu rạn nứt sau khi ký hiệp định sơ bộ với Pháp vào tháng 6 năm 1946, khi ông Hồ chấp thuận để 15 ngàn quân Pháp ra Bắc thay thế 10 ngàn quân Tưởng Giới Thạch rút về nước.
Và từ tháng 7 năm 1946, lấy cớ điều tra có người dự tính ném bom vào đoàn diễn hành Pháp nhân ngày Quốc khánh Pháp (14/7), công an CSVN đã tung chiến dịch lục soát các cơ sở của các đảng phái quốc gia và công bố một số tài liệu, vũ khí cáo buộc rằng hai đảng Việt Quốc và Việt Cách có âm mưu vũ trang lật đổ chính quyền liên hiệp. Trước sự trấn áp thô bạo của lực lượng CSVN, ông Nguyễn Hải Thần lãnh đạo Việt Cách và các thành viên của Việt Quốc, Việt Cách trong đó có có hai nhân sự trong chính quyền liên hiệp là ông Nguyễn Tường Tam, Vũ
Hồng Khanh phải chạy lánh nạn sang Trung Quốc. Hợp tác giữa CSVN với các đảng phái quốc gia chấm dứt từ đó và mở ra một trang sử đen tối khi CSVN càn quét và tiêu diệt những ai không theo chủ nghĩa cộng sản.
Bài học thứ hai là cuộc Hội đàm Paris để chấm dứt chiến tranh và lập lại Hòa Bình tại Việt Nam giữa bốn bên gồm Việt Nam Cộng Hòa (Chính quyền Miền Nam), Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Chính quyền Miền Bắc), Chính quyền Hoa Kỳ, Mặt trận giải phóng Miền Nam. Cuộc hội đàm kéo dài từ tháng 5 năm 1968 đến tháng 1 năm 1973 với sự ra đời của Hiệp định Paris vào ngày 23 tháng 1 năm 1973, dựa trên nền tảng: “các nước tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận bởi Hiệp định Genèva ra đời vào tháng 7/1954.
Thế nhưng Hiệp định Paris chưa ráo mực thì đầu năm 1975, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Miền Bắc) đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lăng, tấn công quân sự trên toàn lãnh thổ miền Nam và đã tiến chiếm Thủ đô Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Thay vì thực thi chủ trương hòa giải dân tộc sau chiến tranh như họ tuyên truyền trước đó, lãnh đạo Miền Bắc đã áp dụng chính sách trả thù tàn ác, đưa hàng trăm ngàn quân cán chính Miền Nam vào các trại tù tập trung cho chết dần và đẩy gần cả triệu thường dân vô tội lên vùng rừng thiêng nước độc dưới mỹ từ xây dựng vùng kinh tế mới.
Không chỉ bội ước đối với chính quyền Miền Nam, lãnh đạo Cộng sản Miền Bắc còn phản bội cả Mặt trận giải phóng miền Nam qua cái gọi là “hiệp thương Nam Bắc” để xóa sổ toàn bộ bộ phận lãnh đạo Mặt trận và thống trị cả nước từ tháng 1/1977. Vô số chiến sĩ, cán bộ, đảng viên cộng sản từ cả miền Nam lẫn miền Bắc đột nhiên bừng tỉnh, thấy mình bị lừa.
Từ hai kinh nghiệm lịch sử đó, những ai đang ráng dùng mỹ từ “đấu tranh đối thoại” thì chỉ hoặc đang ngụy biện để che đậy những ý đồ nào khác, hoặc đang tự lừa dối chính mình mà thôi, thưa anh.
PV: Việc ông Nguyễn Thanh Sơn đi gặp gỡ kín đáo một số người trong cộng đồng chỉ là những bước thăm dò. Tuy nhiên theo ông thì chúng ta (các đảng phái không cộng sản và nhân dân Việt Nam) có nên chọn giải pháp đối thoại với chính quyền Cộng sản Việt Nam?
LTH: Trong đấu tranh bất bạo động, có đối thoại hay thương lượng chứ. Nhưng chỉ có thể là loại đối thoại như để tạm án binh bất động mọi phía hầu có thể di tản những người dân bị thương vì bạo lực của công an; hay như để những cá nhân muốn từ giã lực lượng độc tài có đường rút lui mà không bị người dân truy đuổi, hay ngay cả như thương lượng để một thiểu số lãnh đạo độc tài chạy ra nước ngoài, hóa giải lực lượng bảo vệ chế độ và nhờ đó tránh đổ máu cho dân chúng, v.v...
Nhưng không thể nào là loại đối thoại để tiếp tục kéo dài sự tồn tại của một chế độ độc tài. Kinh nghiệm đấu tranh bất bạo động của nhiều dân tộc cho thấy — và có lẽ càng đúng trong trường hợp Việt Nam hiện nay — là đối thoại với chế độ độc tài gần như luôn luôn là cái bẫy nguy hiểm cho lực lượng dân chủ và có hại cho quốc gia. Chúng ta có thể tạm liệt kê một vài ý đồ như:
- Để biết hết nhân sự và nguồn lực của lực lượng dân chủ rồi phá hoại, hay ngay cả thủ tiêu nhân sự.
- Để tạo phân hóa trong hàng ngũ dân chủ bằng cách mặc cả riêng với từng thành phần dân chủ, hay tạo ấn tượng đang liên kết với thành phần dân chủ này để cô lập thành phần kia.
- Để bòn rút tối đa tài sản đất nước và đổ tội cho các lực lượng dân chủ trước khi trốn chạy.
- Để kéo dài thời gian rối loạn và biện minh cho việc trở lại độc tài để “ổn định xã hội” như đang thấy tại Nga hiện nay.
Do đó trong phản kháng chính trị, yếu tố chính tạo ra những thay đổi xã hội là lực lượng dân chủ phải kiên định mục tiêu đấu tranh giành lại tự do dân chủ thật sự và chấm dứt nạn độc tài độc đảng, chứ không phải là những cuộc đối thoại trên bàn hội nghị, vì nó chỉ giúp cho chế độ độc tài tiếp tục tồn tại với một vài hứa hẹn thay đổi nào đó.
PV: Miến Điện đã có những thay đổi rất ngoạn mục trong hơn một năm vừa qua. Ông nghĩ gì về cuộc đối thoại giữa Tổng Thống Thein Sien và bà Aung San Suu Kyu của Miến Điện?
LTH: Khi lên làm Tổng thống vào tháng 3 năm 2011, ông Thein Sein đã đối diện với 2 trong nhiều vấn đề đe dọa đến sinh mệnh chính trị của ông và nước Miến.
Thứ nhất là Trung Quốc đã không chỉ khống chế mọi mặt kinh tế, quân sự, thương mại tại Miến mà còn đang giúp vũ khí cho hai sắc tộc người Kachin và người Shang chống lại quân đội Miến để đòi độc lập, tách ra khỏi liên bang Miến.
Thứ hai là Hoa Kỳ và quốc gia Phương Tây không chỉ cấm vận kinh tế, phong tỏa ngoại giao nước Miến mà con ra lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản, trương mục ngân hàng của hơn 5 ngàn tướng lãnh, nhân viên cao cấp của chính quyền Miến kể cả gia đỉnh ông Thein Sein tại hải ngoại.
Muốn tháo gỡ hai đe dọa nói trên, ông Thein Sein phải tự chấm dứt sự lệ thuộc vào Bắc Kinh và phải chấp nhận sự tồn tại của bà Aung San Suu Kyu và lực lượng đối lập thì mới bãi bỏ các cấm vận kinh tế từ phía thế giới tự do.
Từ tháng 5 năm 2011, Tổng thống Thein Sein đã cho đại diện của ông là Bộ trưởng bộ lao động U Aung tiếp xúc riêng với bà Aung San Suu Kyu để dàn xếp một cuộc đối thoại với Tổng thống Thein Sien dựa trên 4 điểm căn bản:1/ Cùng nhau nỗ lực vì hoà bình, ổn định và phát triển của đất nước theo nguyện vọng của nhân dân; 2/ Hợp tác vì phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng hệ thống dân chủ; 3/ Tránh đưa ra các quan điểm xung đột, nỗ lực hợp tác trên cơ sở cùng có lợi; 4/ Tiếp tục thúc đẩy đối thoại.
Ngày 19 tháng 8 năm 2011, cuộc đối thoại chính thức giữa Tổng Thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyu lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đã diễn ra tại dinh Tổng thống. Trong cuộc đối thoại này, Tổng thống Thein Sein đã hứa sẽ trả tự do khoảng 6.000 tù nhân lương tâm qua nhiều đợt, bãi bỏ kiểm duyệt báo chí và ngôn luận, chấp nhận sự hoạt động của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ vốn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ngược lại ông Thein Sein kêu gọi bà Aung San Suu Kyu hợp tác với chính quyền Miến bằng cách kêu gọi các quốc gia, nhất là Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận kinh tế và phong tỏa ngoại giao.
Mấu chốt của cuộc đối thoại giữa Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyu là đã đặt quyền lợi của quốc gia và sự tự do, dân chủ và hạnh phúc của dân tộc Miến lên trên quyền lợi của phe nhóm riêng và đã vượt qua những xung khắc chính trị của quá khứ. Kết quả của cuộc đối thoại này đã mở ra một viễn cảnh rất tươi sáng cho Miến Điện hiện nay mà cả thế giới ai cũng nức lòng ngưỡng mộ về sự sáng suốt của Tổng Thống Thein Sein và sự dũng cảm của bà Aung San Suu Kyu.
PV: Nếu đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố công khai đối thoại với các đảng phải thì điều kiện cần thiết họ phải làm trước khi đối thoại là gì, trên quan điểm của Việt Tân, thưa Ông?
LTH: Thưa anh, hiện tại thì tôi không nhìn thấy bất cứ dấu hiệu gì là nhà cầm quyền CSVN sẽ chấp nhận một cuộc đối thoại như Tổng thống Thein Sein đã thực hiện cùng với bà Aung San Suu Kyu vì họ vẫn tiếp tục coi những lực lượng chính trị khác với đảng Cộng sản Việt Nam đều là các nhóm phản động và coi đa nguyên đa đảng là nguyên nhân của hỗn loạn và bất ổn xã hội.
CỨ TẠM THEO CHỮ NẾU trong câu hỏi của anh, một ngày nào đó, đảng Cộng sản Việt Nam tự dưng đổi đời tuyên bố công khai đối thoại với các đảng phái khác như anh đề cập, thì điều kiện tối thiểu CSVN cần phải tỏ thiện chí trong tình trạng nguy ngập hiện nay của đất nước là:
1/ Ngưng ngay các hành vi bán nước quá nguy hiểm hiện nay. Ngưng ngay việc tiếp tay với Bắc Kinh bịt mắt dân tộc Việt Nam về mối quan hệ hữu hảo không hề có.
2/ Thả hết những tù nhân lương tâm, những nhà yêu nước đang bị giam giữ một cách phi lý và phi nhân trong suốt mấy thập niên vừa qua.
3/ Trực tiếp đối thoại TRƯỚC HẾT với giới trí thức, các nhà dân chủ, các nhà yêu nước ngay tại quốc nội một cách nghiêm túc. Các đảng viên Việt Tân chúng tôi trong nước sẽ cùng đứng với các nhà yêu nước trong giai đoạn thử thách cam go đó.
4/ Từng bước bỏ các điều luật đang xiềng xích đất nước như điều 4 Hiến pháp, điều 79, điều 84, điều 88 luật hình sự, v.v.
Tóm tắt là nền tảng căn bản của đối thoại - nếu phép lạ Miến Điện xảy ra - KHÔNG phải là tìm cách để độc tài cộng sản tiếp tục cai trị và chỉ nhả ra cho người dân thêm chút quyền. Nhưng mục tiêu phải là đặt nền tảng để chuyển sang thể chế dân chủ thật sự. Thể chế đó không nhằm truy lùng tiêu diệt người cộng sản, nhưng đảng cộng sản chỉ được phép là một trong những tập hợp chính trị vận động để được dân tộc chọn và trao cho trách nhiệm lãnh đạo đất nước trong một khoảng thời gian nhất định. Và dù được chọn hay không, mọi đảng phái PHẢI hoạt động bên dưới pháp luật quốc gia.
Tôi không nghĩ những điều tối thiểu nêu trên quá tầm tay của những người cầm quyền hiện nay. Nếu họ tạm ngưng vơ vét một chút thôi và nghĩ đến tương lai của chính con em của họ, chứ chưa nói gì đến vận mạng của đất nước, thì đã đủ để họ thấy là nên làm những điều như tôi vửa nêu ra ở trên. Vì một khi đã mất nước rồi hay dân chúng đã tức nước vỡ bờ rồi thì cái núi tiền mà họ vơ vét đó để làm gì? Có giữ được không, dù chạy ra nước khác?
PV: Xin cám ơn ông Lý Thái Hùng, Tổng bí thư đảng Việt Tân
Thomas Việt, VRNs
Nguồn: VRNs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét