Đặng Vũ Chấn
Cuộc bầu cử 2012 tại Mỹ đã qua, nhưng dư âm vẫn còn với những bàn tán sôi nổi. Đây là cuộc bầu cử mà khắp nơi trên thế giới đều hào hứng theo dõi. Ở Việt Nam, những phân tích về cuộc bầu cử trên các diễn đàn mạng cho thấy bà con theo dõi rất sát và có khi còn chứng tỏ am hiểu tình hình chính trị tại Mỹ hơn nhiều người ở ngay đất nước của Obama-Romney.
Ta thấy gì qua cuộc bầu cử này?
Đây là trận so găng giữa hai đảng chính trị đối lập nhau một cách toàn diện vì không phải chỉ là chạy đua vào Nhà Trắng, mà còn đụng độ trên nhiều cấp từ Thượng Viên, Hạ Viện Liên Bang, Thống Đốc, quốc hội tiểu bang, tới cấp thành phố. Có người cho rằng đây bản chất là một cuộc tranh giành quyền lực, dân chủ hay độc tài, tự do hay cộng sản, cũng đều là đấu đá nhau để giành quyền cả. Nhưng sự tranh giành đấu đá nhau để giành quyền khác nhau rất xa:
Ở chế độ dân chủ trận đấu diễn ra công khai minh bạch dưới ánh mặt trời, với luật chơi rõ ràng qua đó nhân dân vừa là khán giả, vừa là trọng tài, giám khảo. Vì công khai, nên những trò chơi đểu, đánh dưới thắt lưng quần đều được quần chúng thấy rõ và sẽ phải trả giá đắt, bị lên án, la ó. Trong khi đó sự đấu đá trong chế độ độc tài CS được diễn ra trong bóng tối cung đình, người dân không được biết hay chỉ được biết những gì các phe đấu đá muốn cho biết. Cứ nhìn cách kiểm soát thông tin chặt chẽ không khí ngột ngạt trong Đại Hội Đảng 18 bên Tàu đang vừa diễn ra thì biết; trong lúc Đại Hội Đảng, dân Bắc kinh bị cấm cả thả chim bồ câu, thả bong bóng bay, cấm hạ kính xe đằng sau khi đi taxi v.v.... Không có luật chơi rõ ràng, hay trọng tài và giám khảo nhân dân, thì những đòn càng đểu và độc trong bóng tối bấy nhiêu càng dễ làm nên chiến thắng, cho nên kẻ chiến thắng thường là những tên ma đạo cao cấp.
Ở chế độ tự do dân chủ như Mỹ, người dân cảm thấy cuộc bầu cử là của mình. Mình ủng hộ các ứng viên giống như mình là fan của của một đội banh, nên háo hức tham gia để ủng hộ gà nhà. Trận so găng càng ngang ngửa, người dân càng đi bầu đông vì thấy mình có vai trò quyết định thắng thua. Ví dụ trong kỳ bầu cử tại Mỹ vừa qua một ông cụ tại Southfield, tiểu bang Michigan đang bầu thì đứng tim đột quỵ. Khi được hồi sinh cấp cứu tỉnh lại, câu hỏi đầu tiên của cụ trước khi được chở đi nhà thương là tôi đã bầu chưa. Tương tự thế, cô Galicia Malone chuyển dạ chỉ 5 phút sau khi đến điểm bỏ phiếu ở hạt Cook, tiểu bang Illinois, sáng 6-11. Nước ối bắt đầu vỡ nhưng dù mọi người giục đi nhà thương ngay, Malone nhất định phải chờ bỏ phiếu cho được. Cô kiểm tra phiếu bầu rất kỹ và chỉ khi chắc chắn phiếu của mình đã được bỏ một cách hợp lệ, Malone mới chịu đi bệnh viện.
Trong khi đó những cuộc bầu cử tại xứ độc tài CS là những lúc người dân bị cảm thấy phiền hà thêm, chỉ mong chóng qua cho trả xong nợ quỷ thần. Chẳng có gì hào hứng trong một cuộc bầu cử khi người ta đã biết kết quả đã được sắp đặt trước. Người dân bàng quan vô cảm vì đó là chuyện của Đảng và Nhà nước chứ chẳng phải của mình. Người dân biết rằng lá phiếu của họ chẳng hề có một giá trị nào nhưng vẫn phải bị bắt buộc phải "hồ hởi đi bầu" dưới áp lực của các tổ dân phố, của nhà trường, của những đe dọa cho sinh hoạt hàng ngày cho đời sống kinh tế và sự an toàn của bản thân và gia đình, nếu trên thẻ cử tri không có con dấu xác nhận đã đi bầu. Trên diễn đàn của sinh viên Đại Học Kinh Tế Quốc Dân (*) có những chia sẻ tin tức về nỗi lo lắng sẽ bị trừ điểm tổng kết, trừ điểm hạnh kiểm, thậm chí bị đuổi học hoặc không được xét cấp bằng, nếu thẻ cử tri nộp lại cho phòng “công tác chính trị” không có dấu xác nhận đã đi bầu. Cho nên chẳng có gì là ngạc nhiên khi số người “hồ hởi” đi bầu ở xứ Tàu và xứ Việt luôn luôn đạt từ 98 đến 100 phần trăm danh sách cử trị, trong khi người dân ở các xứ đó lại thích thú theo dõi cuộc bầu cử tại Mỹ hơn là những cuộc bầu bán tại chính nước mình.
Khi cuộc tranh giành quyền lực ngã ngũ có kẻ thắng người thua, tại chế độ dân chủ tự do, không thấy ai bị thủ tiêu, bắt bớ tù đầy; không thấy những sáo trộn chính trị, xã hội; và mọi người trở lại với công việc thường ngày. Người ta thấy một tinh thần thể thao thượng võ như những vận động viên quyền anh xong trận đấu ôm nhau. Ông Romney cũng theo truyền thống này, sau khi biết mình thua, đã gọi phone chúc mừng đối thủ Obama, và kêu gọi các ủng hộ viên của mình: “Quốc dân đã lựa chọn, hãy cùng tôi cầu nguyện tốt lành cho Tổng Thống”. Phía ông Obama cũng đã bày tỏ sự kính trọng của mình, khen ngợi đối thủ đã chiến đấu hết mình và cám ơn sự phục vụ nhân dân của hai thế hệ gia đình Romney, bày tỏ sự hòa giải sẽ cùng ngồi lại với Romney để thảo luận cách giải quyết những khó khăn của đất nước. Trong khi đó, cuộc đấu đá quyền lực tại cung đình CS thường đưa đến những thanh toán thủ tiêu nhau (như những đại hội đảng Cộng Sản Nga, Tàu và Việt Nam trong thời chiến tranh lạnh), hoặc nhẹ tay hơn, là những bắt bớ như vụ Bạc Hi lai, Vương Lập Quân tại xứ Tàu; Bầu Kiên, Trầm Bê, Đặng Thành Tâm v.v tại xứ Việt. Các đối thủ chỉ thỏa hiệp hoà giải với nhau khi cùng ý thức rằng nếu không thỏa hiệp, các phía đều cùng thiệt hại và khó mà duy trì quyền lực và quyền lợi của mình. Kết quả hội nghị trung ương 6 đảng Cộng Sản Việt Nam là thí dụ còn nóng hổi về sự thoả hiệp này.
Không có hiện tượng được làm vua thua làm giặc tại các xứ dân chủ sau các cuộc bầu cử. Vì người dân và kẻ thua tin vào luật pháp mà dù ai nắm quyền đi nữa thì cũng phải tuân thủ hiến pháp và luật pháp. Nói một cách khác, từ chính phủ đến người dân đều tách biệt được nhà cầm quyền với chế độ, hiến pháp. Kẻ thua vẫn có hy vọng mình còn cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử tới. Người dân đi bầu nếu cảm thấy họ đã lựa chọn sai lầm thì vẫn có thể cho kẻ chiến thắng về vườn sau khi hết nhiệm kỳ nếu không làm tốt công việc được dân tín nhiệm giao phó. Những tiếng nói thiểu số vẫn thấy mình có cơ hội đồng đều để được lên tiếng, vận động, thuyết phục quảng đại quần chúng nghe theo mình. Cuộc tranh đua vẫn có thể tiếp tục trong khuôn khổ của luật chơi chung. Nhà cầm quyền có thể thay đổi, các đảng phái có thể thay nhau lên xuống, nắm quyền nhưng chế độ, được biểu hiện qua Hiến Pháp do dân chọn, luôn ổn định.
Trong khi đó, chế độ độc tài phong kiến, kẻ nắm quyền lực là nắm tất cả và luôn tìm cách duy trì ngôi cai trị vĩnh viễn của họ. Kẻ thua luôn bị tiêu diệt để không còn đường ngoi dậy đe dọa quyền lực của kẻ thắng. Điển hình nhất của điều này là chính sách lý lịch của các đảng cộng sản. Trong thời toàn trị, con em dòng dõi của thành phần “địa chủ” hay tiểu tư sản, “nguỵ quân, nguỵ quyền” không thể nào ngóc đầu lên nổi với 14 loại lý lịch làm nền tảng thăng tiến trên con đường học vấn. Không có học vấn không thể lãnh đạo quần chúng đe doạ quyền lực của đảng. Cùng lúc đó thì kẻ thắng luôn đồng hóa mình với chế độ, và đồng hóa chế độ với tổ quốc nên không thể để bất cứ ai thách đố vị thế của mình nhân danh sự ổn định của đất nước, của chế độ, mà thực chất chỉ là sự ổn định chính ngai vua của mình. Cho nên kẻ thua chỉ còn con đường duy nhất là phải tìm cách đạp đổ kẻ thắng, trước hết là vì sự sống còn của chính mình. Và vòng tròn luẩn quẩn của những đối thủ tìm cách tiêu diệt nhau đến tận cùng cứ tiếp diễn.
Cho nên ta thấy hai quan niệm ổn định trái ngược. Tại xứ tự do dân chủ, xã hội có thể ồn ào, nhiều tranh cãi, biểu tình như cơm bữa, chính quyền thay đổi thường xuyên. Điều này làm cho xã hội thêm sinh động, với những cách tân đột phá, nhưng chế độ chính trị lại rất ổn định với cơ chế vững vàng. Tại xứ độc tài phong kiến CS, xã hội bị đè nén, bên dưới bề mặt yên ổn là những bức xúc chực chờ bùng vỡ như nồi súp de, sự ổn định chính trị không dài hơn tuổi thọ của Đảng độc quyền.
Và với xu thế toàn càu hóa cùng trào lưu dân chủ đang lan rộng thẩm thấu dần khắp nơi, cùng với khả năng bưng bít thông tin càng ngày càng suy giảm của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ta có thể tin tưởng rằng sự ổn định tại chỗ của Đảng độc tài này đang lung lay bên bờ sụp đổ. Những vẫy vùng gia tăng trấn áp trù dập người đối kháng gần đây nhân danh ổn định chế độ chỉ cho thấy sự hoảng loạn sợ hãi của kẻ cầm quyền đang ngày càng thấy rõ sự bất ổn định của chính mình.
Đặng Vũ Chấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét