Nguyễn Hưng Quốc
Lâu nay, vào các trang web hoặc blog của những người được xem là độc lập ở trong nước, thấy rộ lên những lời tố cáo và lên án dữ dội đối với giới lãnh đạo và công an Việt Nam. Những chữ như “tàn bạo”, “dã man”, “không thể gọi đó là người”, “ngu” và “đểu”… được tung ra ào ạt. Tràn lan trên mạng. Ở đâu cũng gặp. Ngay ở những cây bút thường có vẻ khá hiền lành và hòa nhã.
Thời gian gần đây, hầu hết các lời tố cáo và lên án ấy đều xoay quanh chuyện công an đánh hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long lúc họ đang tác nghiệp tại Văn Giang, nơi diễn ra vụ cưỡng chế đất đai gây ồn ào dư luận khắp nơi. Qua video clip được công bố, mọi người có thể thấy cảnh công an đánh phóng viên như đánh một con chó dại: kẻ thì thụi, người thì đạp, kẻ thì đá, người thì cầm gậy quất tới tấp. Cuối cùng, “chân dung” của nạn nhân được trình làng: mặt mày sưng húp, môi thì bị dập và vêu lên trong khi mũi thì phù căng, trông rất dị dạng và thê thảm.
Nhưng từ những chuyện như vậy mà kết tội nhà nước là dã man hay vô nhân đạo thì tôi cho là hơi…phiến diện. Cũng từ báo chí trong nước, chúng ta có thể bắt gặp vô số trường hợp chứng tỏ nhà nước Việt Nam rất nhân đạo. Với rất nhiều tội trạng, nếu ở ngoại quốc, tội nhân có thể dễ dàng bị cách chức hoặc bị phạt tù, nhưng ở Việt Nam, người ta được tha bổng hoặc chỉ bị cảnh cáo hay hưởng án treo. Ông Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang bị phát hiện xài bằng giả ư? – Cảnh cáo! Ông Lữ Ngọc Cư, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk lợi dụng quyền chức cho vợ làm giàu một cách bất chính và phi pháp, bổ nhiệm người và lập dự án trái nguyên tắc gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế trong tỉnh ư? – Cảnh cáo! Phó trưởng công an giao cấu với trẻ vị thành niên ư? - Tù treo! Lâu lâu, thật họa hoằn, mới có cảnh một công an bị kết án vài ba năm tù giam (như trường hợp trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng vào đầu năm 2011).
Đó là những sự việc được đem ra xét xử và công bố trước dư luận. Còn vô số các trường hợp khác, dân bị đánh thương tích rành rành hoặc có cả hình ảnh được chụp hoặc được quay video, thậm chí được tung lên mạng, vẫn được nhà nước bỏ qua với lý do: Chưa đủ chứng cớ!
Đọc những bản tin như thế, chúng ta không thể không đi đến kết luận: nhà nước Việt Nam rất hiền lành. Họ không muốn kết tội ai. Và cũng không muốn phạt tù ai cả. Họ luôn luôn tìm cách biện hộ cho những người có tội.
Rất hiếm có một nhà nước nào độ lượng đến như vậy.
Bạn không tin ư? Thì hãy chờ xem. Tôi cam đoan với bạn là tất cả những kẻ dùng gậy gộc đánh hai phóng viên đài Tiếng nói Việt Nam cũng như các nông dân ở Văn Giang vừa rồi sẽ không hề hấn gì cả. Hoặc người ta sẽ nói: không có chứng cớ; hoặc người ta đưa ra tòa xét xử, và cuối cùng, mọi người sẽ bị cảnh cáo hoặc nặng nhất, bị án treo.
Bởi vậy, nếu chỉ căn cứ vào những chuyện công an đánh dân, có khi đánh đến chết mà bảo nhà nước Việt Nam vô nhân đạo, thì người ta chỉ nhìn thấy một khía cạnh. Tôi gọi “phiến diện” là vì vậy. Theo tôi, cần thấy cả khía cạnh thứ hai, khía cạnh “nhân đạo” của họ.
Chỉ có điều là họ chỉ nhân đạo với người của họ. Với công an. Với cán bộ.
Ngỡ như nghịch lý. Nhưng không. Hai hiện tượng trái ngược nhau ấy tiết lộ rất nhiều về bản chất của chế độ.
Thứ nhất, như cái điều họ vẫn thường tuyên bố, với họ, sự ổn định về chính trị và xã hội là một ưu tiên hàng đầu. Căn cứ vào ưu tiên ấy, tội lớn nhất không phải là việc đánh dân, thậm chí đánh đến chết, mà là việc chống lại mệnh lệnh và chính sách của nhà nước, cho dù là những mệnh lệnh và chính sách sai trái. Những việc gọi là chống lại mệnh lệnh và chính sách ấy rất đa dạng, từ việc chống cưỡng chế đến việc biểu tình chống Trung Quốc, từ việc đòi đất đến việc đòi hỏi tự do tôn giáo, v.v. Dưới mắt nhà cầm quyền, việc thâm lạm công quỹ hay lợi dụng chức quyền, gây tổn hại cho ngân sách quốc gia đến hàng tỉ Mỹ kim không nguy hiểm và không đáng sợ bằng việc một số giáo dân thắp nến cầu nguyện cho dân chủ; một số công dân tụ tập hô đả đảo bá quyền Trung Quốc.
Thứ hai, khi cho phép công an đánh dân và khi nằng nặc bào chữa, bênh vực cho những tên công an đánh dân như vậy, nhà nước đã xem dân như một thành phần thù nghịch, hoặc nếu chưa, họ cũng đang dần dần đẩy dân chúng vào thế đối nghịch.
Chính ở đây, chính quyền Việt Nam sẽ phải đối diện với nghịch lý lớn nhất của họ. Để bảo vệ sự ổn định, họ xua công an trấn áp dân chúng; nhưng càng trấn áp, họ càng làm gia tăng sự phẫn uất của dân chúng.
Có hai điều chưa ai có thể trả lời ngay lúc này được: Một, khi nào sự phẫn uất ấy lên đến cực điểm và sẽ biến thành hành động; và hai, liệu lúc ấy, công an có thể bảo vệ được chế độ và duy trì được sự “ổn định” mà chế độ mong muốn hay không?
Chờ xem.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét