2012/03/29

Tầm nhìn quy hoạch thủy điện


Bs. Hồ Hải

Bất kỳ ai là người Việt, hay kể cả những du khách đến với Hội An cũng được nghe câu ca dao trở thành câu hát: "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/Rượu Hồng Đào chưa uống đã say". Say tình, say nghĩa và say cả nét e ấp của người con gái xứ Quảng. Nhưng đất cũng làm say lòng người, khi vùng đất này là đất của địa linh nhân kiệt, của Ngũ Hành Sơn và đất của đá vôi, nên chưa mưa đã thấm là vậy.
Với kiến thức khoa học bậc phổ thông thôi, bất kỳ người nào cũng có thể hiểu đất đá vôi mềm và tan ra khi thấm nước. Nên vùng xứ Quảng này mới có Động Phong Nha Kẽ Bàn nổi tiếng cho du lịch, ngoài khu phố cổ Hội An một thời sầm uất giao thương.
Câu chuyện đập thủy điện Sông Tranh 2 nứt và rò nước, cho đến nay các cơ quan chức năng chỉ làm việc an lòng dân là chính, mà chưa có một phương án giải quyết triệt để. Nó làm tôi nhớ những chuyến về miền Trung nắng cháy đầu, mưa thối đất ngày nào. Nếu ai có dịp về miền Trung Trung Bộ thì chỉ cần đến Sa Huỳnh xứ Quảng Ngãi đã thấy hiển hiện một màu trắng xóa của cát pha đất đá vôi chạy suốt hết vùng xứ Quãng.
Cách đây hơn một năm, tôi đã có viết một số bài ảnh hưởng xấu của thủy điện đến môi sinh và động đất. Mặt trái của thủy điện rất nhiều, không chỉ riêng có biến đổi môi sinh. Nếu ai đã từng quan tâm đến tác hại của thủy điện thì đều nắm những tác động của con đập Hoover hay còn gọi là đập Boulder chắn dòng Calorado hồi thập niên 1930s, nó đã gây tác hại không chỉ một miến Tây Bắc Mexico mà cả vùng Tây Nam nước Mỹ như thế nào?
Cũng cách đây gần một năm động đất đã xảy ra ở phía Bắc huyện Trà My xứ Quảng Nam đã minh chứng một cách khoa học hùng hồn rằng việc khảo sát các đập thủy điện vùng này có vấn đề. Báo chí còn lên tiếng do những cảnh báo của các nhà khoa học rằng tình trạng động đất còn xảy ra 5 năm nữa quanh vùng đập thủy điện Sông Tranh 2. Nhưng rồi câu chuyện đã bị lãng quên. Đó là cái nét văn hóa rất đặc trưng kiểu nông dân của nước Việt, để lâu cứt trâu hóa bùn.
Cả tuần nay tin nóng cứ dồn về cái đập thủy điện Sông Tranh 2 nứt, nước chảy từ những khe nứt thành dòng như thác nước tự nhiên. Các cơ quan liên đới, kẻ thì lên tiếng do khe dãn nhiệt hở nước thoát ra là chuyện bình thường. Người đi kiểm tra cấp cao thì cho là đập thủy điện Sông Tranh 2 sai mọi giai đoạn. Nhưng chưa thấy ai quan tâm đến giai đoạn khảo sát địa chất, để đánh giá nền móng về mặt cơ học xứ Quảng có đủ tiêu chuẩn để làm thủy điện hay không?
Làm nhà phải xây móng. Đi học phải nắm kiến thức cơ bản là quan trọng nhất để biết mình học cái gì, sử dụng kiến thức đó cho việc gì, để biến kiến thức thành ý tưởng, rồi vạch ra phương án khả thi, và thực hiện phương án ấy tối ưu nhất. Nên khâu khảo sát địa chất là quan trọng bậc nhất trong tất cả các khâu cho xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, kết cấu công trình.
Nước chảy thì đá phải mòn. Đó là quy luật.
Bê tông mà thấm thì, nếu bê tông có cốt thép, thép sẽ sét rĩ, khi sắt rĩ thì sắt nởvà co bong tróc, làm quá trình bung nứt bê tông tiếp tục nặng thêm. Nếu bê tông không có cốt thép thì độ xói mòn khe nứt do nước gây ra còn nhanh hơn và tương lai của cái đập ai cũng có thể đón nó sẽ như thế nào?
Với cột nước tỉnh hơn 100 mét và áp lực của hàng trăm triệu mét khối nước ở hồ thủy điện Sông Tranh 2, liệu đập thủy điện này có sức chịu đựng đến bao lâu nữa trên một nền đất đá vôi đang ngậm nước. Nhưng người ta đang dùng vải trộn với xi măng và phụ gia trám vào khe nứt, sau khi khoan lên vết nứt, và người ta còn khoan "giải áp" làm thành những vòi nước giải áp cho khe nứt, với cái gọi là biện pháp an toàn.
Nên nhớ rằng việc dùng keo trám vết nứt đốt hầm Thủ Thiêm khác với cái cách trám vết nứt của đập thủy điện Sông Tranh 2. Một là phát hiện trước khi dìm đốt hầm xuống nước, nên việc trám nứt là chủ động. Còn một là khe nứt sau khi bị động đất gây ra, việc trám khe nứt là việc thụ động, khó có khả năng để kết dính.
Nứt do động đất gây ra, nhưng ông tổng giám đốc công trình 5.000 tỷ vẫn ngụy biện là khe dãn nhiệt. Công nhân trám thủ công không thể kết dính như vieo clip của đài truyền hình Việt Nam đưa tin. Nhưng đến hôm nay thì đã là nứt đập chứ không là do khe dãn nhiệt như ông tổng giám đốc công trình đã phát biểu.
Có mấy vấn đề đặt ra ở câu chuyện không chỉ đập Sông Tranh mà cho cả tất cả các chiếc đập khác quanh vùng xứ Quảng.
Thứ nhất là, quan sát mấy ngày qua trên phương tiện truyền thông đại chúng, tôi có cảm nhận là các cơ quan liên đới đến khảo sát để làm sao đổ tội cho nhau và/hoặc cùng nhau chia nhỏ tội của mình, sau khi có lệnh của thủ tướng, hơn là đưa ra phương án giải quyết cấp kỳ khi mùa mưa sắp đến ở miền đất đầy đau thương và oanh liệt này.
Thứ hai là, cần có một sự quan tâm đến những con đập còn lại từ Bình Định đến Nghệ An để đánh giá vấn để khảo sát địa chất, thiết kế, xây dựng và thám sát công trình. Điều này phải làm xong trong năm nay để có hướng giải quyết trong tương lai. Và cũng đã đến lúc chính phủ phải rà soát lại bản đồ địa chất một cách chuẩn mực không chỉ cho thủy điện, mà còn cho quy hoạch các thành phố, khu đô thị trong tương lai lâu dài.
Thứ ba là, quan trọng nhất và cấp kỳ nhất trong ngắn hạn phải đình chỉ phát điện, tiến hành xả đập có tính toán lưu lượng để không ảnh hưởng đến thượng và hạ nguồn. Đồng thời bắt đầu trồng rừng thượng nguồn, để giữ đất và giữ nước khi mùa mưa đến. Sau khi xả đập, thì phải tiến hành đặt mìn hủy đập để ngăn chặn hậu họa nếu xảy ra, thì nó còn thảm khốc hơn sự cố vỡ đập Bản Kiều ở tỉnh Hồ Nam Trung Hoa năm 1975, không chỉ với 171 ngàn dân tử nạn. Vì phía dưới đập Sông Tranh 2 là cả một khu phố cổ Hội An và biển Đông, với bao di tích có giá trị hơn trăm lần cái đập thủy điện Sông Tranh 2, nếu tính về cả kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị, v.v...
Với những phát thảo đơn sơ của một người không chuyên ngành bằng hiểu biết của kiến thức khoa học phổ thông. Tôi chỉ có thể đề nghị với chính phủ phải nhanh chân trước khi mùa mưa năm nay đến với khúc ruột miền Trung. Hãy dẹp tất cả mọi phàn nàn, ngụy biện và những giải pháp mỵ dân, mà phải bắt tay vào việc hủy đập cấp kỳ khi chưa muộn. Vấn đề khoa học sâu hơn hãy để tính sau. Thà mất 5.000 tỷ còn hơn mất đến 5 triệu tỷ trong tương lai bất định đang treo lơ lửng không chỉ đất Quãng Nam, mà còn cả một đất nước sau này. Tôi nói thế không biết có đúng không?
http://bshohai.blogspot.ca/2012/03/tam-nhin-quy-hoach-thuy-ien.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét