2012/03/13

Ở nơi đất nước mặt trời lặn


Trần Khải Thanh Thủy

Có lẽ chưa ở đâu chất lượng công dân lại thấp kém như ở Việt Nam. Nếu Abraham Maslow đã từng đưa ra thuyết năm nhu cầu của con người gồm:Nhu cầu tồn tại, nhu cầu an toàn, nhu cầu giao tiếp, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu tự khẳng định mình thì ở Việt Nam, chiêm nghiệm từ cá nhân tôi và gần 80 triệu dân kém may mắn khác, cả năm nhu cầu đó đều bị khiếm khuyết trầm trọng, xin được dẫn chứng cụ thể sau:
I- Nhu cầu tồn tại (gồm ăn, mặc, ở):
Ai cũng biết Việt Nam là một đất nước nghèo nhất nhì khu vực Đông nam á, với thu nhập GDP vẻn vẹn dưới 1000 USD một đầu người một năm (*) kém cả Lào, Căm pu Chia, còn so với các châu lục khác trên thế giới, Việt Nam đứng ở vị trí 184 trên tổng số hơn 200 nước, chỉ hơn vài hòn đảo Châu Phi mà thôi. Cho dù ở thập kỷ 70, so sánh giữa Sài Gòn (hòn ngọc viễn đông) với Thái Lan, Việt Nam cao gần gấp đôi. Nói chính xác hơn, nền kinh tế của Thái Lan khi đó chỉ bằng 55% của Việt Nam. Hàn Quốc cũng chỉ bằng 85%. Khắp mảnh đất trù phú phương Nam đã mọc lên hàng nghìn trang trại nuôi bò, đìa tôm, rừng thông, đồn điền cao su. Công nghiệp có cả hãng sản xuất hon đa, ô tô của Nhật. Từ khi “giải phóng Miền Nam”, “thống nhất đất nước”, người dân cũng được “giải phóng” khỏi sự giàu có, sung sướng (một hạnh phúc có sẵn và mức sống trên thời đại do “chế độ Mỹ - Thiệu” để lại). Vì điều nhỡn tiền này mà người dân phải đặt thành lời ca câu hát, nghe thật nghịch nhĩ nhưng trung ngôn: “Đi ta đi giải phóng Miền Nam, đi đến khi nào người dân không còn cái quần, thì ta còn chiến đấu quét sạch chúng đi, lời bác xui dại bên tai, chiến đấu cho đến ngày Nam Bắc nghèo bằng nhau”.
Nền kinh tế Miền Nam đang từ một xã hội phát triển, tiêu thụ (từng là thị trường đầu tư của Mỹ), chỉ vì dính líu đến Miền Bắc xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế quan liêu bao cấp (đồng nghĩa với sự bố thí) nên buộc phải mang nghiệm âm. Kinh tế sa sút, đói kém chưa từng thấy. Người người ra đi, nhà nhà ra đi, trong khi nhà nước ra sức tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh về một cuộc chiến tranh thần thánh, về cuộc sống mới tươi đẹp đang mở ra trước mắt (trong một xã hội giàu đẹp, văn minh, nhân đạo gấp triệu lần tư bản), thì người dân ngậm đắng nuốt cay với những câu châm ngôn bất hủ của thời đại mình: “Hoặc là con nuôi má, hoặc là con nuôi cá, hoặc là má nuôi con (trong tù)...” Kết cục, dù nhà nước dùng mọi biện pháp ngăn chặn làn sóng di tản ồ ạt này, song số người ra đi vẫn trùng trùng lớp lớp. Không phải Nam tiến, Bắc tiến mà là...Biển tiến. Người chết la liệt trên bờ biển Đông. Ngàn vạn con cá mập sống bằng thân xác thuyền nhân. Biển biến thành mồ vùi chôn vĩnh viễn cả triệu con người... Ngoài ước vọng tự do, họ còn phải ra đi vì nhu cầu tồn tại, bởi cả ba yếu tố ăn, mặc, ở khi đó đều không đáp ứng được nguyện vọng tối thiểu của họ. Ăn chỉ có: “Bo bo trộn với mì, và đồng lương mỗi tháng dăm ngàn, ngày đi như trong đêm sâu, qua hết rồi những tháng năm vui tươi”... Đói vàng mắt, đói triền miên, đói thấy ông bà ông vải. Cái đói len lỏi vào tận bữa ăn, giấc ngủ. Bao nhiêu đứa trẻ lớn lên, ba mươi năm sau còn bị ám ảnh bởi câu nói của ba má khi đó: “Thôi hôm rày hổng có chi đâu, tụi bay lên giường mà ngủ sớm, ráng giữ sức mà sống, mai tính tiếp”. Có lẽ không câu nào chính xác hơn câu nói mà người dân tự đặt ra trong thời kỳ này: “No đột xuất, đói triền miên”, và câu hát của bọn trẻ trong những đêm mất ngủ: “Đói lắm nội ơi, suốt đêm em nằm em quấy, rét lắm ba ơi, sao nhà chẳng có chiếu chăn, đói khổ thế này bao giờ mới được ăn no?”

Cho đến bây giờ dù sau 25 năm đổi mới (tính từ thời điểm 1986, khi tổng bí thư Đảng là Nguyễn Văn Linh ra khẩu hiệu: “Đổi mới hay là chết? Phải biết rẽ ngoặt tư duy”) tình hình có biến chuyển hơn. Song so với thế giới, giữa thời hội nhập toàn cầu này vẫn là một trời một vực, bởi sự nghèo khó nào cũng có nguyên nhân sâu sa, căn bản của nó, đó là nạn tham nhũng tràn lan, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
Là dân thường nhưng hầu như ai cũng biết tầng lớp lãnh đạo Việt Nam có cả vài chục tỉ đô la gửi ở ngân hàng Thụy Sĩ (nhờ tiền bán đất đai tài nguyên thiên nhiên làm sân golf, bãi biển, nhà hàng, khu vui chơi, du lịch, giải trí, kéo dài cả 30 đến 50 năm cho liên doanh nước ngoài), còn người dân mỗi ngày bị thu hẹp diện tích sử dụng trên chính mảnh đất quê hương mình.
Trong khi nhu cầu ăn, mặc ở của đa số lãnh đạo vượt quá mức cần thiết thì phần đông người dân không được đáp ứng. Về ở, lãnh đạo nào cũng có dăm bảy biệt thự, khách sạn nhà hàng, trải khắp ba miền đất nước, rộng vài trăm mét vuông, thì người dân kiếm được 5 đến 10 mét vuông đã khó.Ngay chỉ thị của nhà nước cộng sản đề ra: “Phấn đấu mỗi đầu người dân từ 5 mét vuông trở lên”, song nhiều nhà vẫn ba, bốn thế hệ, cả chín, mười con người ở chen chúc trong những căn hộ sập sệ cấp bốn, vẻn vẹn 20 đến 30 mét vuông. Sinh viên, học sinh, công nhân thuê nhà cũng chỉ dám mỗi người từ 2 đến 3 mét, kẻo tiền thuê nhà choán hết quỹ lương của họ, trong khi còn bao nhu cầu thiết yếu khác, đâu chỉ có ăn, mặc, ở? Vì thế khi nhà nước yêu cầu các đối tượng này phải thuê nhà với diện tích mỗi đầu người từ 5 mét vuông trở lên thì dân tình la oai óai, bởi một nhà 9 đến 12 mét vuông cho bốn đến sáu người đã là 1,2 đến 1,5 triệu một tháng. Nếu gấp đôi thì hỏi họ đào đâu ra? Ai chẳng có nhu cầu ăn sung mặc sướng, song cứ vung tay quá trán trong khi quỹ lương quá hẹp, họ đành chép miệng làm theo câu ví dân gian: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Với mức lương chưa đầy 1,5 triệu 1 tháng, tiền thuê nhà đã chiếm mất một phần ba đến một phần tư, họ chỉ ăn quấy quá rau cháo cho xong, mặc thì hoặc là hàng chợ Trung Quốc, hoặc hàng thùng si đa, cốt lành lặn, kín đáo là được, ai dám chơi cái áo vài triệu bạc, calavát 250 ngàn, hay áo lót hàng hiệu trên dưới trăm ngàn?
Ngay trong thời kỳ “đổi mới tư duy” này, nhà văn quân đội Khuất Quang Thụy cũng rẽ ngoặt tư duy thơ để bần thần thốt lên:
Sống mới khó làm sao
Nữa là còn sáng tạo
Nữa là còn tranh đấu
Nữa là còn yêu nhau?
Xem ra nhu cầu thiết yếu đầu tiên trong 5 nhu cầu mà Abraham Maslow đưa ra với người dân Việt Nam, có đến 80% không được đáp ứng, chỉ 20% còn lại thuộc tầng lớp lãnh đạo, con ông cháu cha hoặc con cháu Việt Kiều là được toại nguyện, thỏa mãn. Điều nghịch lý mà không hề nghịch nhĩ là trong khi bụng cán bộ lãnh đạo biến thành nấm mồ chôn sơn hào hải vị thì bụng người dân là một nấm mồ rỗng hoặc chỉ được lèn bằng rau dưa, thậm chí nhu cầu rau xanh cũng không đủ đáp ứng. Vùng rừng núi Quảng Bình nơi Tố Hữu từng viết” Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”, thiếu rau đến nỗi người dân phải đẽo hết gai xương rồng đi, đem ngâm nước cho chảy mủ rồi luộc lên ăn thay rau... Thật chưa khi nào khoảng cách giữa giàu và nghèo lại lớn như ở Việt Nam hiện nay. Nói cách khác, chưa thời nào làm quan sướng như thời Cộng sản, và ngược lại chưa thời nào làm dân khổ như thời Cộng sản. Bản thân người viết bài này, nhờ mạnh dạn đi bên lề trái, biết rẽ ngoặt tư duy, dám buôn lậu chữ nghĩa qua biên giới, lật mặt trái tấm huân chương của Đảng, đòi hỏi tự do cho Việt Nam mà đựơc anh em, bè bạn, bà con, cô bác và các tổ chức tiến bộ trên thế giới biết tới, đùm bọc, che chắn nên nhu cầu trên mới được cải thiện. Nếu không dù làm giáo bản, giáo làng hay làm phóng viên báo đảng, vẫn là cảnh “ăn theo, nói leo” hoặc “ăn cơm rau vật nhau với trẻ”, nghèo mạt vận, nghèo kiết xác, sớm muộn cũng bị dồn vào cái máng lợn khổng lồ như số đông người dân Việt Nam, đặc biệt là các tầng lớp nông dân, công nhân, sinh viên và dân nghèo thành thị (vì không chịu làm bồi bút, bốc thơm các tư tưởng độc đoán, dốt nát, bốc mùi độc tài của đảng)
II- Nhu cầu an toàn:(Gồm cả an toàn về tính mạng và tài sản)
Kể từ khi cướp được chính quyền từ tay nhân dân, Đảng cộng sản đã áp dụng phương pháp cộng tất cả tài sản của người dân lại bỏ vào túi cán bộ. Hàng ngàn ngôi biệt thự cao cấp của Pháp để lại, mỗi lãnh đạo chiếm cứ một căn riêng, rộng từ 150 đến vài trăm mét. Các căn may mắn còn sót lại lập tức biến thành khu chung cư chật chội đông người. Cả 15, 20 gia đình gồm hơn 100 con người bị dồn vào đó, ăn đời, ở kiếp, sinh con, đẻ cái mà diện tích mỗi người không quá 2 mét vuông, còn tài sản thì bị cướp trắng. Sau mỗi đợt cải tạo công thương nghiệp ở Miền Bắc, cải tạo tư sản mại bản ở Miền Nam, dưới những khẩu hiệu mỹ miều: “Không tồn tại chế độ người áp bức bóc lột người”. Vì vậy trừ tầng lớp lãnh đạo, tất cả phải nghèo khổ, mạt hạng như nhau. Biết bao gia đình giàu có do làm ăn chân chỉ hạt bột, thức khuya dậy sớm bị quy thành địa chủ, bị cướp trắng cả tài sản lẫn tính mạng. Bao công ty hợp doanh bị xung vào công quỹ...
Trên thực tế, sau ngày Miền Nam bị cưỡng chiếm, tuy không xảy ra một cuộc tắm máu nào nhưng sau vẻ hiền hòa êm ả giả tạo đó là cả một hỏa diệm sơn nóng bỏng thiêu đốt bao thân phận con người. Người ôm hận mà chết vì cả đống tài sản tích lũy được do năng động, đầu tư phút chốc rơi vào tay cán bộ lãnh đạo và bọn lâu la dưới quyền. Hàng triệu người phải đi học tập cải tạo (thực chất là chết dần chết mòn trong nhà tù khổng lồ của cộng sản).Không những tính mạng không đảm bảo mà cả tài sản cũng không cánh mà bay.
Trong khi người dân Miền Nam bàng hoàng vì sự cướp bóc mang tầm thế kỷ, thì người dân Miền Bắc cũng phải trải qua thời kỳ đen tối không kém. Hễ nhà nào mọc lên hai tầng thì y như rằng được coi là “tài sản bất minh”, do buôn lậu đầu cơ, tích lũy gian lận mà có, và lập tức phải xung vào công quỹ như: Vườn trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học một thời gian để sau đó hợp pháp hóa thành nhà riêng của các lãnh đạo cơ quan đầu thành, đầu tỉnh. 
Cho đến tận thời điểm 2011 này, sự an toàn về tài sản và tính mạng của người dân vẫn chưa hề được đảm bảo. Đối với người dân, tài sản của họ chính là đất đai của tổ tiên, song: “Khi dân ở chỉ là nơi đất ở, khi quan mua đất bỗng hóa tấc vàng”, nên lãnh đạo địa phương tha hồ bỏ tấc đất, tấc vàng vào túi mình, dưới các dự án treo, trung tâm dịch vụ ma v.v Ngay vùng rừng núi Bắc Ninh, Bắc Giang núi đồi thưa thớt, đất trống hoang hóa, cũng bị cái lưỡi công nghiệp hóa và bàn tay cáu bẩn của lãnh đạo cộng sản liếm láp. Nhiều nhà mất toi cả ngàn mét vuông. Bình quân mỗi đầu người hiện tại chỉ còn trên dưới 100 mét vuông, không thể trồng lúa được, họ đành vứt ráo cả cày bừa, liềm hái cho đồng nát rồi đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn... Từ kho thóc, đụn gạo cất giữ trong mỗi nhà thành vác rá ăn đong từng bữa... Đồng tiền gắn liền khúc ruột, vì mất đất vô cớ mà bao nhiêu con người phải vùng lên đánh đổi tính mạng mình để tài sản không rơi vào tay lũ cướp ngày là bọn ma cô cộng sản, song ruộng đất cứ mất, người vào tù cứ vào, nườm nượp, bất chấp lý do, nguyên cớ.
Đối với các nhà đối kháng dân chủ, bất đồng chính kiến, thì nhu cầu an toàn còn bị đe đọa từng ngày. Kể từ đầu năm 1999, khi tác giả gửi chùm bài đầu tiên ra nước ngoài, qua một người bạn ở Đức về, lập tức bị công an Đảng bám riết từng ngày. Từ cửa nhà đến khu vườn trẻ (nơi tác giả gửi con), chợ búa hay tòa soạn báo (nơi tác giả làm việc )... đâu đâu cũng có bóng dáng slochome nội hóa, mặc thường phục theo dõi, bám đuổi từng ngày, từng giờ, cuối cùng là bắt nóng vào ngaỳ 22-10-2002, chỉ vì trong túi có một tập tài liệu trên mạng và vài bài viết của chính tác giả mà công an cho là tài liệu ngoài luồng, phản động, cấm phổ biến, phát tán. Ngay trong ngày hôm đó cả nhà tác giả bị lật tung tận nóc để thu đi hơn một ngàn đầu tài liệu (trọng lượng 6 kg giấy tờ, văn bản) trong đó có cả vài tác phẩm kinh điển như “Đêm giữa ban ngày”, “Tổ quốc ăn năn”, “Viết cho mẹ và quốc hội” v.v.
Tính cho đến thời điểm này, sau hàng chục lần bị chặn đường bắt giữ, với đủ thứ lý do trâng tráo, bịa đặt (chứng tỏ bản chất bỉ ổi, đê tiện, hạ đẳng của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)... Nào buôn ma túy, nào bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, nào có hành vi đe dọa giết người, nào sử dụng Internet trái phép v.v và v.v, còn thêm hai lần ngồi tù, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, nhà cửa bị phá nát, giá trị tài sản gồm phương tiện đi lại và phương tiện làm việc như xe máy, ổ USB, máy computer, máy in, máy scan, điện thọai di động v,v lên tới vài trăm triệu đồng... Bởi cứ mỗi lần bị bắt, bị khám xét hành chính là mỗi lần tài sản bị cướp trắng, được hóa giá ngay trong các văn phòng, công sở của cơ quan công an... Đó chỉ là một ví dụ hùng hồn sinh động trong số hàng nghìn các chiến sĩ dân chủ dân oan, lực lượng đối kháng khác, như tôn giáo, nhà báo, doanh nhân v.v Người nào cũng bị đe dọa về tính mạng và tài sản. Hơi một chút là bị bắt, bị tịch thu trắng.
Tất nhiên, nếu chịu đựng được kiếp sống như giun như dế mù lòa, đảng bảo sao nghe vậy, bắt bán đất đang canh tác với giá rẻ mạt, tự nguyện chấp nhận cuộc sống nghèo nàn, túng quẫn, chịu thiến hết chất anh hùng thời đại đi, chỉ còn lại chất tôi đòi hèn mạt; nghèo đói cũng không được mở miệng ta thán; khổ sở cũng cắn răng mà chịu đựng, bao bất công ngang trái cũng phải vùi chôn; khi đó cái tính mạng tả tơi, rách tướp mới được đảm bảo và chút tài sản không đáng giá mới không bị tịch thu. 
(Còn tiếp)
- - -
* Con số do đảng cộng sản đưa ra, nhưng thực chất chỉ là 5-600 USD / năm/ một đầu người. Bởi hiện tại ở Việt Nam, nhiều người dân thu nhập không nổi 1 USD/ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét