2012/03/13

Ở nơi đất nước mặt trời lặn (Kỳ 2)


Trần Khải Thanh Thủy

III- Nhu cầu giao tiếp
Nhà giáo dục đại tài của Nga - Xulômkhinxki nhận định: “Ta sống giữa mọi người, niềm vui lớn nhất là niềm vui giao tiếp”. Song ở Việt Nam, ngôn ngữ giao tiếp chỉ ở trong giới hạn cho phép, ví dụ trong công việc xã giao, trong vòng vây của cuốn sổ chi tiêu gia đình chật hẹp... Ngược lại, nếu không biết giữ mình trong giới hạn đảng quy định, lập tức lên trình diện tại đồn công an phường dài ngày hoặc đi tù mút chỉ ngay. Chỉ cần năm bảy người tụ tập giao tiếp với nhau, lập tức có con mắt thần của Đảng chiếu vào, tóm sống, đơn giản vì nếu không gặp nhau tụ tập mở xới bạc, cũng là hành động mờ ám, khuất tất: Hội họp để tuyên truyền kích động chống đối chính quyền v.v.
Trong tình trạng xã hội hóa về mặt nói dối ở Việt Nam thì những người càng có nhu cầu giao tiếp lành mạnh, càng hay bị chú ý, không đơn thuần như cách ví dân gian: Giếng ngọt bị cạn trước, cây thẳng bị chặt trước, mà còn là tội không chịu đồng nhất mình với đảng, trưởng thành trong nỗi...coi thường các đồng chí. Từ lãnh đạo đảng viên đến những kẻ ăn theo, nói leo, tự nguyện ôm chân các đồng chí đều coi việc nói dối là phương tiện cứu cánh trong mọi trường hợp v.v cho nên thói quen nói dối để lấy lòng cấp trên, nói dối để được việc đã trở thành phổ biến. Từ trước năm 1945, trong bóng đêm nô lệ, người dân chỉ đồn thổi, lưu truyền câu ca: “Thằng cuội ngồi gốc cây đa, bỏ trâu ăn lúa gọi cha bời bời”, thì giờ đây thằng cuội đã ngồi gốc trung ương rôì... Càng quyền cao chức trọng, càng giao tiếp lắm, thì càng gian dối nhiều. 

Từ đầu năm 2006, đích thân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hùng hồn phát ngôn: “Nếu không chống được tham nhũng, tôi sẽ xin từ chức”... Song từ chức vị thủ tướng, bao gian dối đẻ ra bời bời. Vì thế câu ca mới được người dân Việt Nam truyền khẩu:
Thằng cuội ngồi gốc trung ương 
Bỏ dân chết đói, tha hương xứ người...
Năm xưa Cuội nói cuội cười, 
“Tham nhũng không chết tôi rời ghế ngay”
Năm nay vẫn chiếc ghế này
Cuội bai bải cãi: “Tại mày bầu tao”

Cuội ơi từ chức đi nao
Kẻo quân Tàu cộng nó vào Việt Nam
Cuội càng gian, nhũng càng tham 
Dân Nam đói khổ, băm vằm Cuội ra
Kể từ năm 1945, khi đảng nắm quyền cai trị dân, nhu cầu giao tiếp đã bị thay đổi tận gốc, đặc biệt sau cuộc cải cách long trời lở đất, long cả đạo lý cha ông (1953-1957) một loạt địa chủ bị quy oan, chỉ vì đảng bằng sự “tài tình và sáng suốt” của mình, đã phát động phong trào đấu tố gay gắt trong gia đình làng xã, nơi bao năm yên bình lịch lãm, nghĩa tình thơm thảo sẻ chia, bảo ban nhau theo đạo lý cha ông:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra 
Một lòng thờ mẹ kính cha 
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Đảng cộng sản Việt Nam, chui từ quốc tế cộng sản ra, lại dạy ngược lại:
Công cha như rác, như phân 
Nghĩa mẹ như nước... trong quần chảy ra 
Giơ tay chỉ mặt mẹ cha 
Tao là cộng sản tao xa lìa mày 
Từ đó giao tiếp ngày càng rời xa giá trị căn bản của đời sống. Đạo đức luân lý bị đảo lộn, giao tiếp chỉ còn mang tính xã giao cho qua ngày đoạn tháng, theo kiểu bằng mặt chứ không bằng lòng. Khi buộc phải nói thật, lập tức trên miệng họ roi rói những câu chửi thề, chửi tục. Tệ nói bậy, nói láo, nói lấy được, nói không cần suy nghĩ đã trở thành đặc tính căn bản của người Việt Nam trong thời đại xã hội chủ nghĩa. Nếu tiếng nói là hơi thở của tâm hồn thì thật kinh hãi cho nhu cầu giao tiếp ở Việt Nam, vì đó là những tâm hồn bệnh hoạn, mù lòa, bẩn tưởi, tăm tối của đa số người dân Việt, cũng là sản phẩm tất yếu dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng... Tất cả những gì đi chệch sự lãnh đạo đúng đắn này đều bị đe dọa nghiêm trọng, đến mức người dân phải lẩy Kiều của Nguyễn Du để thở than:
Đau đớn thay lời thật thà
Không vào nhà đá cũng là trại giam
Hoan hô cộng sản Việt Nam
Bắt người lương thiện dẫu nhầm không tha
IV- Nhu cầu được tôn trọng và Nhu cầu tự khẳng định mình
Có lẽ hai nhu cầu này ở Việt Nam vẫn còn là điều xa lạ với số đông người dân. Trong khi một công dân Mỹ trẻ được người lớn giáo dục: “Nếu mày giỏi, mày có thể ra ứng cử tổng thống, mày dốt thì làm thợ mộc, nhưng phải bảo vệ quan điểm của mày đến cùng, có như thế mới là mày.”
Ở Việt Nam, từ khi có đảng đến nay, người dân đã quen với việc “cha mẹ sinh con; đảng, đoàn, xã hội chủ nghĩa sinh tính”. Nhất nhất phải tuân theo đảng và lãnh đạo cấp cao. Tất cả đều bị cào bằng, sơ đồ hóa, đều chằn chặn như những ngọn cỏ bị xén, nhìn xa tưởng đẹp, nhưng còn đâu chỗ đứng cho thiên tài? 
Nhờ nhu cầu này – được tôn trọng và tự khẳng định mình mà nước Mỹ có một Edison lừng vang thế giới với hơn một nghìn sáng kiến lớn nhỏ khác nhau, trong đó nổi bật lên là điện chiếu sáng, điện thoại, máy điện toán v.v, từ bóng đêm nô lệ, nhờ điện, loài người thực sự thay đổi, làm chủ khoa học, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, thông qua các phát minh vĩ đại của Edison. 
Trong bối cảnh Việt Nam, vì cách hiểu bình quân chủ nghĩa, lối áp dụng máy móc và đơn giản hóa mọi chuyện đã xóa đi không biết bao nhiêu phẩm chất cá nhân độc đáo và riêng tư. Tất cả, từ luật sư, kỹ sư, doanh nhân, đến học sinh đều ước lệ, tẻ nhạt, tự thỏa mãn ở mức trung bình, vô thưởng vô phạt. Trình độ dân trí vì thế bị hạ thấp và đánh đồng như nhau, tất cả đều dừng ở mức phong trào, mang nặng tính phổ cập nhưng không thể nâng lên tầm chuyên nghiệp trong mọi lĩnh vực văn hóa, khoa học, xã hội, kinh tế v.v... Thật đáng buồn và không khỏi lo lắng cho tương lai dân tộc, vì sẽ để lại hậu quả lâu dài. Về kinh tế, 50 năm sau có thể hồi phục, duy trì, thoát khỏi nghiệm âm (so với thời điểm 1970 tại Miền Nam, Việt Nam), song tâm lý đã ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc thì cả trăm năm sau khó có thể xóa nhòa, thay đổi được.
Vì muốn khẳng định mình, tạo ra bước tiến cho dân tộc Việt Nam mà một loạt các nhà dân chủ, lực lượng đối kháng xuất hiện, người mở lớp dạy nhân quyền cho học viên (Lê thị Công Nhân) người thành lập ủy ban nhân quyền (Nguyễn văn Đài), người thành lập khối 8406 (Đỗ Nam Hải), người ra mắt hội dân oan Việt Nam, người tổ chức treo khẩu hiệu, thả bóng bay nhân quyền (Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Hùng, Nguyễn văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Kim Nhàn, Nguyễn văn Tính, Phạm văn Trội, Ngô mạnh Sơn), người tọa kháng tại nhà phản đối chính sách ươn hèn của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong việc dâng đảo Hoàng sa và một phần Trường sa cho Tàu cộng (Phạm Thanh Nghiên), người tham gia vào diễn đàn kinh tế, viết bài chỉ rõ vị thế của đồng tiền Việt Nam đang bị mất giá thảm hại, lạm phát từ đầu thiên niên kỷ thứ 3 đến nay là 80% (Trần Huỳnh Duy Thức), người không chịu tuyên thệ trung thành với đảng cộng sản Việt Nam (Nguyễn Tiến Trung), người dịch trang web: “Thế nào là dân chủ” của Đại sứ quán Mỹ sang tiếng Việt (Phạm Hồng Sơn), người chỉ rõ nguy cơ của Việt Nam dưới sự lãnh đạo “sáng suốt” của đảng: Chính trị lùng nhùng, kinh tế bế tắc, đạo lý đảo lộn, nhân cách xói mòn, pháp luật tồi tệ, đời sống đói nghèo, dân tình kiệt quệ (Nguyễn Vũ Bình), v.v mà lần lượt tất cả phải vào tù, tra tay vào còng, đứng trước vành móng ngựa của đảng cộng sản, lĩnh án từ 3 đến 16 năm tù.
Một nghịch lý ở Việt Nam là càng hiểu biết, càng trở nên nguy hiểm, càng không được tôn trọng, càng bị phân biệt đối xử. Trong khi ở Singapore, một nhân viên bảo vệ khách sạn cũng phải biết ít nhất ba ngoại ngữ, tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh, tiếng Pháp...thì ở Việt Nam vang vọng câu ca: “Giàu nó ghét, nghèo nó khinh, tài giỏi thông minh, nó không sử dụng”. Người tài, dù khắc phục mọi hạn chế, đội trần vượt lên, vẫn không được xã hội cộng sản chấp nhận, huống hồ “dân ngu cu đen” còn bị bỉ bai, miệt thị đến mức nào?
Tóm lại để tồn tại ở Việt Nam, nơi đất nước mặt trời lặn, nơi đảng cộng sản cầm quyền cai trị, thì người dân Việt không được đòi hỏi bất cứ nhu cầu nào hết, ngoài nhu cầu tuân theo lệnh đảng, phải chia động từ “sợ” trong mọi lúc, mọi nơi, phải ép chặt ước mơ, phải kiềm chế nỗi buồn, phải gọt bớt cảm quan, phải xén mòn tâm tưởng... nghĩa là phải chịu bé hơn chính bản thân mình và mọi người, càng bé hơn tư tưởng ngu si của đảng bao nhiêu thì càng được hưởng thái bình bấy nhiêu. Nếu không viễn cảnh: “Toa dồn toa, chỉ vì hai tiếng tự do, nối tiếp dắt nhau ra tòa, cùng chung một kiếp tù đày” như hầu hết các nhà dân chủ đối kháng, bất đồng chính kiến khác đang phải chịu đựng trong nhà tù cộng sản, từ Hỏa Lò (Hà Nội) đến Khám Chí Hòa (Sài Gòn), Trại Xuân Lộc (Đồng Nai), Trại 5 (Thanh Hóa), Ninh Khánh (Ninh Bình); Ba Sao (Hải Hưng) v.v và v.v, không có gì là khó hiểu... Dù trong thời hội nhập thì tại Việt Nam - dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản – trong một chừng mực nào đó vẫn là ốc đảo, bị bưng bít, khuất lấp trở thành góc tăm tối cuối cùng trong hành tinh nhân loại, chỉ vì chịu sự kiềm tỏa, độc đoán chuyên quyền, dốt nát và ngu muội của cái gọi là lãnh đạo. 
Buồn lắm thay, nơi đất nước mặt trời lặn, nên cả năm nhu cầu từ ăn, mặc ở, giao tiếp v.v đều không tồn tại, nếu không nói trắng ra là chỉ tồn tại trên miệng lưỡi lãnh đạo cộng sản mà thôi./.
Trại tù, tháng 6 -2011
Sacramento 1-3/ 2012
TKTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét