2011/11/30

Thân ếch

Trần Khải Thanh Thủy

Xưa ông bà mình có câu: “Thuốc có cam thảo, nước có lão thần”. Ý nói thuốc phải có cam thảo mới dung hòa được các vị thuốc, để các vị thuốc không công nhau đồng thời cam thảo còn giúp các vị thuốc ngấm vào từng mạch máu tế bào. Ngược lại, nước phải có các lão thần can gián để vua, quan không làm những điều hôn quân vô đạo, trái nước, ngược gió, cũng không sa đà đắm đuối vào chuyện mây mưa chăn gối với các cung tần mỹ nữ mà bỏ quên bàn dân thiên hạ. Có như thế thì triều đình mới bền vững, xã tắc mới yên ổn.
Vậy mà ở Việt Nam hiện tại, 500 đại biểu quốc hội, quanh đi quẩn lại chỉ vài tên tuổi: Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông, Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc...dám bày tỏ thái độ trong các cuộc họp quốc hội, còn lại hơn 490 đại biểu khác là nghị gật, theo kiểu: “Im lặng là vàng”, “Im lặng là đồng ý”. Hoặc: “Ý quốc hội là ý Trời”, còn bọn họ tuy giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy đảng và nhà nước, từ chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng bộ nọ, kia v.v đều là những “tín đồ” ngoan đạo. Trời bảo múa thì múa, bảo thu hồ lô, gậy gộc vào cất kỹ trong bị cũng thu — bỏ mặc vận nước gian nan, mặc cho dân tình chết ngẹn với bao nhiêu con người tài chí uất hận... Họ chỉ cần biết miễn bổng lộc vẫn còn và khẩu phần dạ dày của họ không bị vơi như hàng triệu “dân ngu cu đen” là được.
Trớ trêu thay, một số kẻ “điếc không sợ súng” còn “té nước theo mưa”, nói lấy được, bàn lấy được, dù bao nhiêu ý kiến phản hồi cũng mặc, miễn...tiền mình bỏ túi còn dân tình “sống chết mặc bay”. Những kẻ đó trong thời điểm hiện tại của Việt Nam đúng là đông như ruồi. Vì trang viết có hạn, chỉ xin lấy vài ví dụ điển hình
Ông Lê Thanh Phong đại biểu Lâm Đồng phát biểu:
“...Qua tiếp xúc cán bộ, cử tri và nhân dân trong tỉnh, chúng tôi chưa thấy ý kiến phản ảnh hoặc phản bác không đồng tình triển khai dự án. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh, nhân dân tỉnh Lâm Đồng luôn chấp hành và hoàn toàn ủng hộ các dự án đầu tư lớn do chính phủ quyết định tại địa bàn tỉnh, trong đó có dự án khai thác bauxite-alumina và than khoáng sản đang triển khai...”
Không hiểu ông đã kịp làm một cuộc điều tra xã hội học khi nào mà dám liều mình như chẳng có, mở miệng nói lấy được như vậy: “Qua tiếp xúc cán bộ, cử tri và nhân dân trong tỉnh”... Chả lẽ 1.186.786 người dân của tỉnh Lâm Đồng, tương đương với 149 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 118 xã, 18 phường và 13 thị trấn) lại nhất loạt nghe theo quyết định ngu kỳ diệu này của đảng cộng sản Việt Nam ư? Trong khi từ nhóm trí thức Đà Lạt như: Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh ,Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Minh Thảo, Hà Sĩ Phu v.v là những người lên án đầu tiên, chưa kể biết bao nhiêu phản biện đanh thép của nhiều trí thức trong và ngoài nước, kèm sự phân tích tỉ mỉ mọi góc cạnh từ hiệu quả kinh tế, hủy hoại môi trường đến gây ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh quốc gia. Ngay cả đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người sống vắt ngang hai thế kỷ 20 và 21, trước khi “nói tiếng đất, quên tiếng trời” cũng phải thều thào mà trăn trối lại: “Ký hợp đồng với Trung Quốc khai thác bô xít tại các vùng quan trọng của đất nước là mối nguy hiểm nhất”
Cho dù nằm trên cao nguyên cao nhất của Tây Nguyên là Lâm Viên - Di Linh (cao 1500 mét so với mặt nước biển) ông Lê Thanh Phong không nghe được tiếng người dân nói, không nhìn thấy những việc làm đồi bại của Trung quốc trong việc khai thác bauxite-alumina thì khi về hội trường họp quốc hội ông cũng phải nghe đồng sự của ông là đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu chứ: “Câu chuyện bauxite Tây Nguyên thấp thoáng câu chuyện Vinashin”. Chỉ một vụ Vinashin thôi, gần 90 triệu người Việt Nam, từ đứa bé mới lọt lòng mẹ đến cụ già gần đất xa trời, mỗi người phải góp 1.500.000 VND mới đủ số tiền thất thoát của Vinashin, ông cứ muốn người Việt Nam è cổ ra gánh thay cho sự ngu dốt của tầng lớp lãnh đạo đảng mãi sao?
Trần Tiến Cảnh, đại biểu Hà Nam bàn về đường sắt cao tốc: “...Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc... đường sắt cao tốc có nhiều ưu điểm về kinh tế kỹ thuật, tốc độ nhanh, ô nhiễm môi trường nhẹ, độ thoải mái cao. Điều quan trọng nhất là đi tàu rất an toàn, tôi đã đi thử một số tuyến đường tàu cao tốc ở nước ngoài. Trẻ em đi học, bà mẹ đi làm, đi đến cửa hàng... Việt Nam không phải là nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây.”
Nếu được phép phát biểu, chắc người dân đề nghị phải xây... mộ cho ông mới hợp tình, hợp lý(!) Vì việc xây đường sắt cao tốc Bắc Nam tốn 56 tỷ USD, chưa kể phải thu hồi 1500 ha đất nông nghiệp, nếu “đầu xuôi đuôi lọt”, không vấp phải trở ngại gì thì tính chi ly ra 45 năm sau mới hoàn được vốn, vì giá vận chuyển đắt ngang vé máy bay (2.200.000 VND/ một người, một lượt), vậy thì ai đi hở ông? Người dân làm lấm lưỡi cả tháng cũng chưa đủ một ngày ba bữa “vắt mũi bỏ vào mồm” kia, ông nói cao xa những gì mà hoang tưởng thế? Hay là cố tình vay vốn nước ngoài xây lên rồi chỉ để cho đám “gáy phẳng bụng phệ” các ông đi, còn dân thì è cổ gánh nợ, không phải 45 năm mà cả trăm năm sau? Cứ “đời cha lặp lại đời ông, đời con cháu giống mãi đời cụ kỵ, gánh trên vai cả trăm khoản nợ”?
Quả là từ bé ông chưa biết khái niệm thế nào là “tàu cao tốc” nên mới dám phát biểu nhăng cuội “tôi đã đi thử một số tuyến đường tàu cao tốc ở nước ngoài. Trẻ em đi học, bà mẹ đi làm, đi đến cửa hàng...Có lẽ tàu cao tốc ông tả chỉ đi với tốc độ...ô tô buýt hoặc tàu điện ngầm bình thường thôi chứ làm sao đạt tốc độ 350km/h như quy định trên thế giới được? Lần sau “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe ông ạ”
Đỗ Văn Đương (tiến sĩ luật) bàn về lạm phát: “Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực... theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải có giá 200 nghìn đồng nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn... cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này có đúng không, theo tôi lạm phát ở Việt Nam không phải là cao nhất...”
Không hiểu ông tiến sĩ thật hay rởm mà không biết mức lạm phát ở Việt Nam hiện đang cao nhất Châu Á, từ giờ đến cuối năm có thể lên 24-25%, có nghĩa là mức sống của 90 triệu dân Việt Nam sắp nghèo đi ¼, tức 25% ông biết không? Và cứ cái đà này thì vật giá sẽ trở thành giá...vật(giá cả vật người tiêu dùng giãy lên đành đạch hoặc chết tươi không kịp ngáp). Và trong lúc dân đen ngoi ngóp như thế, loại cán bộ đảng cao ngất ngưỡng như ông vào những khách sạn cỡ nào ở Thượng Hải để ăn một đĩa rau muống giá 200 nghìn? Có em chân dài nào ngồi trong lòng gắp cho ông từng cọng rau không vậy? Nhiều người dân khốn khó không kiếm nổi một ngày 20.000 VND, thậm chí cán bộ công nhân viên nhà nước chỉ trên dưới 2 triệu/ một tháng(khoảng 100 USD). Ông càng nói, người dân càng chỉ thấy bật lên hình ảnh những “ông lợn”. Nhưng có lẽ chính xác hơn, ngẫm đến 500 đại biểu của quốc hội cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi lại thầm liên tưởng đến những vần thơ ngụ ngôn của Việt Nam tả về còn ếch:
Thân ếch, nhái, bé như quả trứng
Lại muốn trương cho xứng với bò
Trợn mắt ếch, lòi bụng ra
Nổ phình... ruột lộn ngoài da... người cười
Ngẫm trong thế sự chuyện đời
Ngu như ếch... vẫn có người làm theo!!!
Quả là lãnh đạo sao thì đại biểu hao hao làm vậy. Lãnh đạo Việt Nam nổi tiếng là “Ếch ngồi đáy giếng” chuyên môn phán bậy, làm sằng. Vậy mà “Ngu như ếch... vẫn có người làm theo”. Bao giờ bộ mặt xã hội Việt Nam thay đổi được và sẽ tránh sao khỏi nạn can qua đây?
Sacramento 11-10-2011
TKTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét