Lý Thái Hùng
Sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam đi thăm Trung Quốc và ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước đi thăm Ấn Độ diễn ra trong cùng một thời gian, từ ngày 11 đến 15 tháng 10 vừa qua, đã khiến cho dư luận đánh giá rằng Bộ chính trị CSVN đang muốn dùng Ấn Độ để cân bằng sức ép của Trung Quốc trên biển Đông. Nhất là sau Ấn Độ, ông Sang còn đi thăm Phi Luật Tân vào ngày 26 tháng 10, ký kết với Phi một thỏa thuận giải quyết đa phương vấn đề tranh chấp biển Đông. Ngoài ông Trọng và ông Sang, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN, đi Nhật từ ngày 30 tháng 10 để vận động “vay tiền” và thắt chặt hợp tác chiến lược mà trước đó ông Phùng Quang Thanh đã ký xong thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Nhật.
Cả ba ông lớn trong Tứ Trụ của đảng CSVN cùng thực hiện những chuyến viếng thăm một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Nhật Bản đang có ít nhiều liên hệ đến tình hình căng thẳng của biển Đông, khiến người ta nghĩ rằng:
1/ Phải chăng Hà Nội muốn nghiêng về phía những quốc gia đang đối trọng với Trung Quốc về biển Đông khi thấy Mỹ bắt đầu chuyển hướng chính thức về khu vực Á Châu Thái Bình Dương.
2/ Phải chăng Hà Nội đang đi tìm một thế liên minh mới, đặc biệt là với Ấn Độ để cân bằng các ảnh hưởng của Trung Quốc và giảm đi hình ảnh quá lệ thuộc vào Trung Quốc như hiện nay.
Dù diễn ra ở khía cạnh nào, nếu dư luận có những phân tích nói trên, quả thật là Bộ chính trị CSVN đã thành công trong việc “tạo ấn tượng” là Hà Nội đang du dây và nhất là cho thấy họ không phải là con rối của Bắc Kinh, ngậm miệng im lặng như những năm qua.Có thật như vậy không?
Lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam từ ông Hồ Chí Minh trở xuống đều có tài “diễn xuất” để tạo ấn tượng cho những nhu cầu riêng của họ rất tài tình. Chỉ cần nhớ lại cái gọi là “biển Đông” dậy sóng vào tháng 8 năm 2010, chúng ta sẽ thấy tài diễn xuất của họ về những đối phó với Trung Quốc và biển Đông.
Suốt trong nhiều năm dài, bất kể ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc khống chế, uy hiếp, Hà Nội vẫn im lặng. Mãi đến đầu năm 2010 khi thái độ xâm phạm biển Đông của Trung Quốc ngày một hung hăng, các quốc gia Mã Lai, Phi Luật Tân và Nam Dương có những hành động mạnh chống lại Trung Quốc và khi làn sóng người dân Việt Nam chống Bắc Kinh lan rộng ở trong nước, CSVN rơi vào thế không thể tiếp tục im lặng nên đã lên tiếng phản đối. Tháng 8 năm 2010, Hà Nội đứng ra tổ chức Hội nghị Diễn Đàn An Ninh Khu Vực tại Hà Nội với tư cách là nước chủ tịch ASEAN. Tại Hội nghị này, bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã lên tiếng phê phán các hành vi bá quyền của Trung Quốc và kêu gọi quốc tế hóa biển Đông theo phương thức đàm phán đa phương. Quan điểm của bà Clinton được dư luận chung của ASEAN tán đồng và yêu cầu Hoa Kỳ cũng như Nhật Bản trực tiếp giúp đỡ các cuộc đàm phán đa phương.
Đương nhiên, Trung Quốc hoàn toàn không hài lòng về các phát biểu của bà Clinton. Điều ngạc nhiên vào lúc đó là CSVN qua Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc Phòng đã có những phát biểu rất “yêu nước”. Nguyễn Chí Vịnh đã xuất hiện liên tục trên các tờ báo và đài truyền hình tuyên bố rằng Việt Nam sẽ chiến đấu đến cùng để chống lại mọi thế lực xâm lược. Các phát biểu quá mạnh của Nguyễn Chí Vịnh đối với Trung Quốc khiến cho người ta nghĩ rằng CSVN đang vùng dậy và sẵn sàng ăn thua đủ với Trung Quốc. Không những thế, Nguyễn Chí Vịnh đã sang Úc, Phi, Ấn Độ và Nhật kêu gọi ủng hộ giải pháp đàm phán đa phương. Điều này đã làm cho dư luận có ấn tượng vào lúc đó là CSVN muốn tìm một thế liên minh mới, tách ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và nhất là chống lại các sức ép của Bắc Kinh trên biển Đông.
Nhưng những phát biểu mạnh mẽ của CSVN nói trên chỉ kéo dài khoảng 4 tháng thì chìm xuống, sau khi Hà Nội hoàn tất việc tổ chức Hội Nghị Quốc phòng giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN với Nhật, Hoa Kỷ, Trung Quốc, Nam Hàn, Nga và Ấn Độ vào khoảng đầu tháng 12 năm 2010. Nói cách khác, Hà Nội đã diễn xuất rất đạt, tạo được ấn tượng là CSVN đang muốn đi gần với ASEAN và Hoa Kỳ. Nhưng “ấn tượng” này đã chấm dứt sau khi Hà Nội trao ghế chủ tịch ASEAN lại cho Nam Dương vào cuối năm 2010.
Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2011, lãnh đạo CSVN chìm đắm trong những vấn đề khó khăn của chính họ nên không còn bận tâm nhiều về biển Đông. Đó là giải quyết những tranh chấp nội bộ để tổ chức đại hội toàn đảng kỳ XI và nhất là giải quyết tình trạng lạm phát phi mã, đồng bạc Việt Nam mất giá và khủng hoảng kinh tế. Vào lúc này, CSVN đã phải quay đầu trở lại vận động Trung Quốc giúp vay tiền nhẹ lãi để giải quyết tình trạng khó khăn tài chính vì Nhật Bản bị cơn Sóng Thần hồi tháng 3 năm 2011 không thể tiếp tục giúp đỡ như trước. Bắc Kinh ra điều kiện: Sẵn sàng cho CSVN vay tiền nhưng phải để các công ty Trung Quốc trúng thầu các dự án. Thế là hàng ngàn công nhân Trung Quốc lũ lượt kéo sang Việt Nam ngày một đông hơn.
Cuối tháng 5 đầu tháng 6 xảy ra vụ tàu Hải Giám Trung Quốc xâm phạm biển Đông và cắt cáp hai chiếc tàu Bình Minh 02 và Viking 02 của Tập đoàn dầu khí đang nghiên cứu trên thềm lục địa Việt Nam. CSVN có lên tiếng phản đối và tố cáo Trung Quốc vi phạm lãnh hải… lấy lệ nhưng rồi thôi. Trước sự gây hấn rõ rệt này của Trung Quốc, làn sóng phẫn uất lại bùng nổ trong dân chúng, dẫn đến cuộc biểu tình quy tụ hàng ngàn người tham gia trước tòa đại sứ và lãnh sự quán Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn. Rút kinh nghiệm năm 2007, CSVN đã không dám đàn áp ngay mà thả nổi cho biểu tình; nhưng lại tung công an theo dõi, hù dọa thậm chí còn đánh đập những người đi biểu tình.
Tuy số người tham gia biểu tình không đông nhưng kéo dài 11 tuần lễ liên tục khiến cho Trung Quốc khó chịu và bắt đầu nghi ngờ CSVN thay đổi thái độ. Do đó mà Trung Quốc đã áp lực Hà Nội phải giải quyết sòng phẳng vấn đề biển Đông, nhất là ngăn chận các cuộc biểu tình trước khi tiếp tục vay mượn tiền của Bắc Kinh. Ngày 21 tháng 8, Hà Nội đã ngăn chận và bắt giữ toàn bộ những người tham gia biểu tình. Ngày 24 tháng 8, ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ ngoại giao sang Bắc Kinh, họp cùng với ông Đới Bình Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện đặc trách đối ngoại Trung Quốc, thảo luận về các biện pháp giải quyết tranh chấp biển Đông. Ngày 26 tháng 8, Thông Tấn Xã Xinhua loan báo rằng Hồ Xuân Sơn đã đồng ý với Trung Quốc về cách giải quyết hữu nghị song phương và hứa với Bắc Kinh là sẽ dẹp mọi cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam.
Mọi chuyện tưởng như xong. Quan hệ giữa CSVN và Trung Quốc tiếp tục trôi im lìm dưới ánh sáng của 16 chữ vàng hữu nghị. Nhưng giữa tháng 9 năm 2011, sóng gió biển Đông bắt đầu nổi trở lại khi Trung Quốc lên tiếng cấm Ấn Độ không được hợp tác với CSVN nghiên cứu dầu khí ngoài khơi biển Đông. Ấn Độ đã phản công lại và cho rằng cấm đoán của Trung Quốc là phi lý, vi phạm Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Ấn Độ cho biết là tiếp tục hợp tác với CSVN thăm dò dầu khí. Ngay lúc xảy ra cuộc đấu võ mồm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Phi Luật Tân lại lớn tiếng cảnh cáo thuyền đánh cá của ngư dân Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và tuyên bố không trả lại những chiếc tàu đang bị hải quân Phi bắt giữ.
Sự cứng rắn của Ấn Độ và Phi Luật Tân trước các “hăm dọa” của Trung Quốc trên biển Đông đã làm cho người ta nhớ lại bối cảnh của tháng 8 năm 2010 khi bà Hillary Clinton tuyên bố phải quốc tế hóa Biển Đông khi dự hội nghị an ninh khu vực tại Hà Nội. Lúc đó, hầu hết các quốc gia ASEAN, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và cả CSVN đều thấy “ánh sáng cuối đường hầm” trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông khi Hoa Kỳ tích cực đề xướng đàm phán đa phương. Lần này cũng vậy, chính tuyên bố của bà Hillary Clinton khi coi Á Châu Thái Bình Dương là trọng tâm của chính sách tương lai của Hoa Kỳ trong thế kỷ 21 - được phổ biến trên tạp chí Foreign Policy vào cuối tháng 9/2011, đã thúc đẩy Ấn Độ và Phi Luật Tân tích cực hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc.
Chính trong bối cảnh đó, Bộ chính trị CSVN không muốn bị dư luận Việt Nam và quốc tế nhìn thấy sự hèn kém của họ đối Bắc Kinh. Do đó để khỏa lấp chính sách đàm phán song phương theo ý đồ của Bắc Kinh núp sau bốn chữ “đàm phán hữu nghị” mà Nguyễn Phú Trọng phải chứng kiến trong buổi lễ ký kết bản thỏa thuận Việt – Trung về những nguyên tắc ứng xử biển Đông, Bộ chính trị CSVN đã vội vã sắp xếp chuyến đi Ấn Độ cho Trương Tấn Sang xảy ra cùng lúc ông Trọng đi Bắc Kinh. Tại Ấn Độ, ông Sang cũng chứng kiến việc ký kết 6 văn kiện hợp tác Việt – Ấn, trong đó văn kiện hợp tác khai thác dầu khí giữa CSVN và Ấn Độ trên thềm lục địa Việt Nam được coi là quan trọng nhất. Văn kiện này đã giúp cho Hà Nội giải quyết hình ảnh độc lập của mình, dù Trung Quốc không muốn Ấn Độ khai thác dầu khí với Việt Nam.
Là một siêu cường đang lên và có thái độ trung lập với mọi nước, Ấn Độ sẽ là đối tác tốt nhất để giúp cho CSVN thực hiện kịch bản đu dây khi mà Hoa Kỳ đang trở về Á Châu và tìm cách cô lập chủ trương “trổi dậy” của Trung Quốc. Hơn thế nữa, trong sự quay trở lại Á Châu Thái Bình Dương, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ tiếp cận nhiều hơn với các quốc gia ASEAN trong đó có CSVN, vì thế mà Bắc Kinh càng phải vói tay ôm lấy Hà Nội để giữ chặt biển Đông. Trong thế trận như vậy, Hà Nội rất khó buông khỏi Bắc Kinh vì đã làm chư hầu suốt 2 thập niên qua. Tuy nhiên, vì không thể tảng lờ những kêu gọi đối thoại đa phương từ nhiều phía, CSVN đã phải tung ra những chiêu múa hỏa mù để che đậy thỏa thuận “bán nước” mà Nguyễn Phú Trọng vừa cho ký.
Nói tóm lại, CSVN không thể rời khỏi Bắc Kinh và Bắc Kinh không thể kiểm soát biển Đông nếu không có tay sai Hà Nội. Bản thỏa thuận Việt Trung về những nguyên tắc ứng xử biển Đông đã biểu hiện rất rõ mối quan hệ nói trên mà Nguyễn Chí Vịnh mới đây giải thích trên tờ Tuổi Trẻ rằng đó là để xây dựng “sự tin cậy” trên cái nhìn “đại cục”. Giải thích theo ý nghĩa dân gian bình thường qua câu nói của Nguyễn Chí Vinh thì đó chính là đồ “triều cống” của CSVN cho Phương Bắc để được bảo hộ… trọn đời.
Lý Thái Hùng
Ngày 1/11/2011
Ngày 1/11/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét