2011/11/03

Biểu tình và biểu đừng

Nguyễn Vũ - RadioCTM

Khởi đầu vào ngày 17/9/2011, khoảng hơn một chục thanh niên sinh viên đem lều ra cắm trại và ngủ qua đêm ngay tại công viên Zuccotti trong thành phố New York để phản đối cách làm ăn thiếu lương tâm của giới ngân hàng Mỹ. Cuộc biểu tình của họ liền được dân chúng chung quanh ủng hộ. Nhiều người đem thức ăn và nước uống đến tặng. Từ đó, cả một phong trào tự phát mang tên "Chiếm phố Wall - Occupy Wall Street" lan ra các thành phố lớn của Hoa Kỳ và khắp thế giới.
Từ đó đến nay, tức chỉ trong khoảng 1 tháng rưỡi, hơn 950 thành phố thuộc 82 quốc gia, kéo dài từ Châu Âu sang Châu Á, trong số đó có Hồng Kông, Đài Bắc, Seoul, đã có các cuộc biểu tình tương tự.
Tại Hoa Kỳ, khẩu hiệu của phong trào là “99%”. Tức là, theo những người biểu tình, thì ở Hoa Kỳ có đến 99% dân số là người nghèo hoặc vừa đủ ăn. Trong khi đó 1% còn lại là người rất giàu, làm chủ đến khoảng 40% tài sản trong cả nước. Theo giới truyền thông thì tuyên bố này có phần xa sự thật, đặc biệt là con số 99%, vì giới trung lưu tại Hoa Kỳ mới là thành phần đa số.
Tuy rất nhiệt tình, nhưng khối người biểu tình hầu như không có một mục tiêu hay nguyện vọng chung rõ ràng. Đa số bày tỏ sự phẫn nộ khá tổng quát về sự tham lam của “thiểu số giàu có, bao gồm chủ nhân các đại công ty và ngân hàng.” Họ quan niệm rằng hệ thống thuế khóa thiếu công bằng đã dẫn đến nạn thất nghiệp tăng cao và khoảng cách giàu nghèo cách biệt qúa lớn. Họ yêu cầu chính phủ phải đánh thuế trên những người giầu nhiều hơn nữa. Họ cũng yêu cầu giới ngân hàng chấm dứt việc xiết nhà vì chủ nhà thất nghiệp, không có khả năng trả nợ. Cũng có người còn mở rộng hơn, yêu cầu chính phủ rút quân ra khỏi các nước Hồi giáo hầu dành chi chí quốc phòng cho các nhu cầu sinh sống nội địa. Sinh viên đòi ngưng tăng học phí tại các đại học, v.v.
Mặc dù các cuộc biểu tình không có mục tiêu rõ ràng, nhưng nhiều các nhân sự trong nhiều cuộc biểu tình đang cố gắng nối kết với nhau để gia tăng động lượng toàn cầu đúng vào thời điểm có cuộc họp thượng đỉnh nhóm G20 của đại diện chính phủ thuộc các cường quốc trên thế giới, được tổ chức tại Pháp ngày 3 và 4 tháng 11 tới đây.
Giới phân tích thời cuộc tự hỏi tại sao làn sóng biểu tình này lại lan nhanh và rộng khắp toàn cầu đến như vậy? Câu trả lời có nhiều điểm khác biệt tùy theo tình hình tại từng nước nhưng có điểm chung là sự bức xúc vì tình trạng kinh tế suy thoái toàn cầu. Từ sự suy thoái này, các công ty lớn dù đang nắm trong tay nhiều tiền mặt vẫn không dám thuê mướn nhiều nhân công và vì thế tình trạng thất nghiệp không cải thiện dù cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã kéo dài qua năm thứ 3.
Riêng tại Hoa Kỳ, người biểu tình cũng mạnh mẽ chỉ trích chính phủ Obama, trong nỗ lực bung tiền ra giúp đỡ hệ thống ngân hàng khỏi phá sản năm 2008, đã nghiêng về phía giúp đỡ người giầu chứ người nghèo chẳng được giúp là bao. Họ cũng liệt kê những thí dụ bất công khi một số công ty tài chính xin chính phủ trợ giúp mà lại chia tiền thưởng cho các viên chức cao cấp đến hàng chục triệu mỹ kim mỗi người.
Về phía cảnh sát tại hơn 950 thành phố có biểu tình, tin tức tổng hợp cho thấy họ đều rất tự chế trong khi thi hành nhiệm vụ bảo vệ cho những người biểu tình thực thi quyền tự do ngôn luận của mình. Số người vi phạm các luật lệ về vệ sinh, an toàn, bạo động đến độ bị bắt đem đi đều rất ít. Riêng tại thành phố Oakland, California, Hoa Kỳ, cảnh sát thành phố đang bị điều tra vì một người biểu tình bị một vật bay từ phía cảnh sát đập vào đầu đến độ phải vào nhà thương. Tại nhiều nơi, vì tình trạng vệ sinh quá nồng nặc, cảnh sát buộc phải giải tỏa các khu biểu tình để lính cứu hỏa đến xịt nước tẩy rửa trước khi cho người biểu tình trở lại.
Cho đến nay, hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra khá ôn hòa. Chỉ có một trường hơp ngoại lệ là cuộc biểu tình tại Rome để phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm vãn hồi tình trạng kinh tế tồi tệ của nước Ý. Một số người biểu tình đã đốt xe, đập phá ngân hàng, cũng như làm cháy một tòa nhà quân đội tuy không làm ai thiệt mạng.
Cả phía chính phủ và những người phối hợp trong các cuộc biểu tình đều công nhận chỉ có một số rất nhỏ người biểu tình trở nên bạo động. Đại đa số còn lại có bức xúc chính đáng và muốn chính quyền phải lắng nghe nguyện vọng của họ. Chính vì vậy mà giới chức cầm quyền tại các thành phố có biểu tình dù đang trong tình trạng tài chính khó khăn đều phải cung cấp thêm phương tiện để bảo vệ người biểu tình và ngăn chặn những thành phần qúa khích. Theo các nhà tâm lý xã hội thì đó là chính sách không những đúng pháp luật (dân được làm những gì pháp luật không cấm và các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, v.v..) mà còn rất hữu ích cho mục tiêu ổn định xã hội. Khi người dân có bức xúc cao về bất kỳ lãnh vực nào, họ phải có nơi để bộc phát ra các bức xúc đó một cách ôn hòa, chứ không tích tụ thành sóng căm phẫn ngầm để rồi bùng nổ khi quá sức chịu đựng. Các hình thức bộc phát chung này cũng giúp các chính quyền, đặc biệt là quốc hội, biết được ý nguyện của dân và biết đâu là những chỗ phải cải thiện gấp rút. Vì các quan chức này biết nếu không cải thiện được các mặt đó, khối dân chúng bất bình sẽ chọn người khác vào vị trí điều hành đất nước.
Trong khi đó, Bắc Kinh và Hà Nội nhanh chóng gọi các cuộc biểu tình nêu trên là cuộc xuống đường của “nhân dân chống chủ nghĩa tư bản”. Bình Nhưỡng còn gọi đó là thêm 1 dấu hiệu cho thấy “tư bản đang giẫy chết”. Tuy nhiên, các ban tuyên giáo trung ương tại các nước này đều không giải thích “chống chủ nghĩa tư bản” là chống cái gì và chống ai. Họ cũng quên nhắc đến hệ thống kinh tế mà Bắc Kinh và Hà Nội gọi là “kinh tế thị trường” đều phát sinh và đặt nền tảng trên chủ nghĩa tư bản. Họ lại càng tránh so sánh khoảng cách giàu nghèo tại các nước tư bản với khoảng cách khủng khiếp giữa dân chúng và các quan chức nắm quyền tại Trung Quốc và Việt Nam. Sau hết, cũng không thấy nhà xã hội học nào tại Trung Quốc và Việt Nam dám phân tích nếu 2 dân tộc này được để tự do bày tỏ bức xúc của mình thì sẽ có bao nhiêu cuộc biểu tình và số người tham gia các cuộc biểu tình đó sẽ đông đảo tới mức nào.
Nhưng chỉ cần nhìn vào những gì đang xảy ra tại Việt Nam hôm nay, người ta cũng đã có một bảng so sánh vô cùng đáng buồn. Thiểu số tư bản đỏ ở thượng tầng lãnh đạo, dưới 1% dân số, hiện đang nhập nhằng giữa công và tư để nắm giữ toàn bộ các công ty khai thác dầu khí, khoáng sản, biển rừng; toàn bộ các công ty xuất nhập cảng; toàn bộ các công ty viễn thông và cửa ngõ vào Internet; toàn bộ các công ty sản xuất và chế biến lớn trên cả nước. Nói cách khác, thiểu số 1% này đang nắm giữ trên dưới 90% tổng số sản lượng quốc gia và chuyển một phần lớn vào túi riêng của họ.
Trong khi đó, đại đa số nhân dân Việt Nam chưa kịp phản đối tình trạng đào khoét tài nguyên quốc gia làm của riêng này, mà chỉ mới kéo nhau đòi lại kế sinh nhai qua miếng đất, mảnh nhà bị các quan chức gốc Việt cướp mất; và kéo nhau phản đối những mảnh đất nước bị các quan chức gốc Tàu và gốc Việt cùng nhau cắt lìa khỏi xương thịt Việt Nam.
Mặc dù những người dân oan rách rưới sống vờ vật trên vỉa hè ngày này sang tháng khác gần các “trụ sở Tiếp Dân” để kêu oan và biểu tình rất ôn hòa để đòi lại quyền sống của mình, họ vẫn bị đủ loại lực lượng an ninh, cảnh sát cơ động đàn áp dã man — từ bấm huyệt tê người đến xách dân như heo gà ném lên xe; từ đánh đập dân trên xe và tại các đồn công an, đến chở họ ra khỏi thành phố và thả bơ vơ giữa vùng hoang vắng để tự tìm đường về quê. Riêng những ai đứng ra giúp đỡ dân oan khiếu kiện đúng nơi đúng luật đều bị bắt và kết án nhiều năm tù. Những người dân oan đầy lòng thương người như Dương Kim Khải, Trần Thị Thúy, Lê Thị Ngọc Đa, v.v. đều đang ngồi rũ tù thay vì đang hướng dẫn các cuộc biểu tình như ở New York, ở Hồng Kông.
Mặc dù những người biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược hoàn toàn không bạo động suốt từ cuộc biểu tình đầu tiên vào cuối năm 2007 đến nay và chỉ làm bổn phận của những con dân khi đất nước gặp nguy biến, họ vẫn bị đủ loại công an chìm nổi xô, đánh, giật, quật và đạp vào mặt giữa ban ngày; bị bắt về đồn giam cầm, bỏ đói, dọa nạt, và tiếp tục đánh đập; bị đuổi học, đuổi nhà, đuổi hãng; và bị nhiều trò xách nhiễu đê tiện khác.
Chính sách đàn áp biểu tình của lãnh đạo Hà Nội không chỉ vi phạm mọi ký kết về nhân quyền với thế giới, vi phạm chính hiến pháp của họ, mà còn cho thấy mức ấu trĩ của họ trong lãnh vực duy trì ổn định xã hội. Khi nồi nước uất hận quân xâm lược đang sôi sục, lãnh đạo Đảng chỉ biết vừa dùng công an kềm chặt nắp nồi lại vừa thêm củi đốt bên dưới bằng những chuyến đi yết kiến thiên triều của Nguyễn Phú Trọng cùng với những ký kết “hội nghị song phương” của Hồ Xuân Sơn. Đây là biểu hiện của sự cực kỳ khinh thường người dân hay tính cực kỳ kiêu căng của lãnh đạo Đảng hay cả hai?
Cả nhân loại văn minh ngày nay đã xem biểu tình là chuyện quá bình thường, đương nhiên được bảo vệ. Chính quyền còn phải lắng nghe người biểu tình để đề ra chính sách đúng ý dân. Tiếc thay, ngay trong lãnh vực này, đất nước chúng ta cũng tụt hậu nốt!
Nguồn: http://diendanctm.blogspot.com/2011/11/bieu-tinh-va-bieu-ung.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét