2011/09/17

Các lò nguyên tử Việt Nam sẽ ra sao khi có sóng thần?


Ngô Văn

Có lẽ do tốt nghiệp ngành Vật lý ứng dụng tại đại học nổi tiếng Tokyo Kogyo nên cựu Thủ tướng Nhật Kan Naoto, mới vừa từ chức vào cuối tháng 8/2011, đã nghiêng về phía ủng hộ phát triển điện hạt nhân. Tháng 6 năm 2010, khi mới lên nhậm chức Thủ tướng, ông Kan tuyên bố rằng ông muốn gia tăng nguồn điện hạt nhân của Nhật từ 30% lên thành 53% vào năm 2030. Nhưng chỉ một năm sau đó, ông Kan phải tuyên bố dự tính đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật vì chúng quá nguy hiểm khi có thiên tai, cụ thể như loại sóng thần vào tháng 4/2011.
Ngay sau khi ông Kan Naoto tuyên bố như trên, trong phiên họp Ủy ban Ngân sách Hạ viện Quốc hội Nhật vào ngày 20/07/2011, một số dân biểu chất vấn ông Kan rằng: nếu ông đã tuyên bố sử dụng điện hạt nhân rất nguy hiểm, cần phải loại bỏ, thì dự tính bán kỹ thuật xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam có còn được xúc tiến nữa hay không. Thủ tướng Kan Naoto ấp úng trả lời theo kiểu mua thời gian rằng: “Mọi thủ tục ngoại giao đang tiến hành và tôi cũng muốn thảo luận kỹ về vấn đề này với đối tác”. Để làm rõ câu trả lời ấp úng đó, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, ông Edano, cho hay: “Chúng tôi đã trình bày cho Việt Nam biết về những nguy cơ khi xảy ra tai nạn nhà máy điện hạt nhân, điển hình là nhà máy Fukushima, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn muốn Nhật xúc tiến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam bằng mọi giá, vì vậy chúng tôi quyết định tiếp tục xúc tiến”.
Đến nay, cựu Thủ tướng Kan vẫn còn thấy lạnh xương sống mỗi khi nhớ lại tai nạn sóng thần. Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Tokyo Shinbun, ông cho biết rõ hơn về lý do ông thay đổi ý kiến từ ủng hộ sang chống đối chính sách phát triển điện hạt nhân. Mở đầu bài phỏng vấn này, ông Kan thú nhận sau khi nghe báo cáo về nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị rò rỉ phóng xạ, ông không ăn, không ngủ nhiều ngày liền. Bốn ngày sau khi tai nạn xảy ra, ông đích thân đến tổng công ty điện lực Tokyo ra lịnh thành lập ngay một Ban liên lạc trực tiếp với văn phòng Thủ tướng để báo cáo tình hình hiện trường. Mỗi khi có thay đổi dù lớn hay nhỏ phải báo cáo lập tức. Ông Kan nói thêm rằng: “Tôi phải đích thân đến tổng công ty điện lực để cho mọi người thấy tình hình đang ở mức báo động đỏ. Mà quả thật đúng như vậy vì trước đó vài giờ ông Bộ trưởng Kinh tế & Công nghiệp báo cáo với tôi rằng một số chuyên gia nguyên tử lực khuyên chính phủ phải gấp rút chuẩn bị kế hoạch sơ tán tất cả dân chúng ở các tỉnh kế cận nhà máy điện hạt nhân Fukushima, kể cả thủ đô Tokyo. Các lò phản ứng hạt nhân có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Nghĩ đến cảnh thủ đô Tokyo cũng như 4 tỉnh phải bỏ hoang, quả thật tôi lạnh xương sống. Và thực tế không thể nào sơ tán nổi trên 30 triệu người dân cùng một lúc trong tình trạng đường sá bị hư hại quá nặng nề bởi trận động đất và sóng thần vừa mới xảy ra … Có thể nói vào thời điểm đó nước Nhật đứng trước nguy cơ suy sụp. Bây giờ nhắc lại chuyện này tôi còn nổi da gà. Theo tôi thì hiện nay xã hội Nhật không nên dựa vào nguồn điện hạt nhân nữa. Rất nguy hiểm.”
Có thể nói Nhật Bản là một trong những quốc gia hàng đầu về điện hạt nhân. Họ có nhiều chuyên gia lỗi lạc trong ngành nguyên tử năng và có một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật cao tay nghề. Bên cạnh đó là truyền thống tận tâm, trách nhiệm nghề nghiệp như đã thấy nơi những đoàn chuyên viên “cảm tử” tình nguyện đi vào bên trong lò nguyên tử Fukushima để lấp, sửa các chỗ rò phóng xạ. Thế mà nay chính người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng Kan Naoto còn muốn chia tay với điện hạt nhân.
Trong khi đó, Việt Nam hầu như chưa có đội ngũ kỹ thuật hay kinh nghiệm gì về thiết lập hay bảo trì nhà máy điện hạt nhân, thì có nên tiến vào ngành này không? Ai sẽ là người phải chịu hậu quả khi các tai nạn xẩy ra? Trong cuộc hội thảo quốc tế tại Hà Nội vào hai ngày 5 và 6/09/2011 với chủ đề ‘’Nguy hiểm động đất & sóng thần và các hệ thống cảnh báo sớm cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương’’, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về địa điểm thiết lập nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam tại Ninh Thuận. Nhà máy này nằm trong vùng có thể bị sóng thần. Nếu động đất ở cấp 8,3 độ richter xảy ra ỏ khu vực rãnh biển sâu Manila sẽ có thể tạo sóng thần cao 5,2 mét ở Quảng Ngãi và 2,1 mét ở Nha Trang. Thời gian sóng thần từ rãnh sâu Manila di chuyển tới bờ biển Việt Nam chỉ khoảng 2 giờ. Nhưng cảnh báo này hầu như hoàn toàn nằm ngoài tai giới lãnh đạo đảng CSVN, đặc biệt là ông Nguyễn Tấn Dũng. Ngay cả những kế hoạch sơ tán, chuẩn bị phương tiện cấp cứu số đông khi có tai nạn nguyên tử cũng chẳng ai buồn nói tới.
Nhiều chuyên gia quốc tế nêu câu hỏi: Tại sao lại phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam vào lúc này khi mà ngay cả các nước tiên tiến còn muốn giảm thiểu điện hạt nhân và chuyển nhanh sang điện lấy từ năng lượng mặt trời và gió. Đối với công luận Việt Nam sau khi thấy các vụ Vinashin, Bôxít Tây Nguyên, tàu cao tốc, v.v…, câu trả lời rất đơn giản: các quan chức cần những dự án lớn cỡ đó thì mới đáng để chia nhau ở cấp thượng tầng. Còn khi xảy ra các tai nạn, dù là lũ lụt, bể hồ chứa bùn đỏ hay nổ lò điện nguyên tử, thì chỉ dân chúng Việt Nam phải gánh chịu thảm họa. Giới lãnh đạo và gia đình họ đều ở rất xa hay sẽ nhanh chóng chạy ra nước ngoài sau khi mắng vài câu kiểu Phạm Quang Nghị: “Nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm.”
Bà con bình dân ta có câu “Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ’’. Liệu cái “quan tài” thật bên Nhật có đủ là cảnh báo để các quan chức Việt tránh “đổ lệ” cho dân không? Riêng cộng đồng người Việt tại Nhật, đặc biệt là các nạn nhân trực tiếp của lò nguyên tử Fukushima, rất lo ngại cho số phận của các đồng bào tại miền Trung nếu việc xây các nhà máy nguyên tử cứ tiếp tục tiến tới dưới bóng các cơn sóng thần không biết ập xuống lúc nào.
Nhưng nếu nhìn kinh nghiệm Bôxít Tây Nguyên và tàu cao tốc, khi số tiền chia chác đã lên tới cấp hàng chục tỉ mỹ kim, chắc chắn giới lãnh đạo CSVN lại khẳng định quyết tâm và tìm mọi ngõ ngách thực hiện cho kỳ được… vì đó là “chủ trương lớn của Đảng”. Chấm hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét