Cánh Cò
Tôi tình cờ được quen với các thành viên trong nhóm Bảo Vệ Sự Sống vài tháng trước, mãi tới bây giờ khi những việc làm tốt lành của họ vẫn còn in đậm trong lòng tôi thì tin họ bị bắt giữ là nỗi ám ảnh tôi trong suốt hai tuần qua. Ai và tại sao lại bắt họ vẫn là một im lặng ghê gớm. Rõ ràng người ta muốn khủng bố tinh thần những người còn lại bên ngoài hơn là trừng phạt những người đang bị quản thúc đâu đó trong các nhà tạm giam.
Tôi không muốn bàn về nguyên ủy nào khiến họ bị bắt, mà chỉ muốn mở ra một trang nhật ký của tôi để ai đó có thể đọc và hiều việc làm thật sự của những con người này.
Câu chuyện bắt đầu từ vài tháng trước, lúc mẹ tôi buộc phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe giảm sút vì thiếu máu trầm trọng. Tôi cứ tưởng, chuyện mua thuốc, mua máu ở bệnh viện sẽ dễ dàng vì mẹ tôi không dùng thẻ bảo hiểm. Nhưng thật không ngờ, khi tôi lên phòng huyết học để mua máu cho mẹ, thì bác sĩ từ chối và nói máu trong ngân hàng đã hết. Nếu muốn có máu cho bệnh nhân thì người nhà phải trực tiếp cho máu. Tôi trình bày hoàn cảnh neo người của mình nhưng bác sĩ cứ khăng khăng từ chối. Bước chân ra khỏi phòng huyết học, lòng tôi băn khoăn đến khó tả. Tôi không thể lấy máu cho mẹ vì sức khỏe quá yếu.
Đêm đó, trong căn phòng chật chội, bẩn thỉu và đầy hơi người của bệnh viện, tôi ngồi bệt dưới chân giường sát chỗ mẹ nằm, nghe tiếng thở mệt nhọc của mẹ trong giấc ngủ chập chờn lòng tôi tràn ngập nỗi lo lắng. Hai giờ sáng, không thể nào chợp mắt. Bước chân ra khỏi phòng, bất chợt, tôi nhấc chiếc điện thoại, máy móc bấm số gọi cho một người bạn trong nhóm Bảo vệ sự sống ở Vinh mà tôi vừa tình cờ quen cách đó mấy hôm.Tự dưng, tôi òa khóc khi nói với bạn tôi về những lo lắng hiện tại của mình vì không biết ngày mai, tôi lấy đâu ra máu để bác sĩ chuyền cho mẹ. Mà nếu không có máu, thì mẹ sẽ ra sao? Bạn tôi yên ủi tôi, bảo tôi cố ngủ đi, đừng lo lắng thêm nữa mà kiệt sức, ngày mai sẽ có rất nhiều máu cho mẹ.
Khoảng 8 giờ sáng hôm sau, khi tôi và những người nhà của bệnh nhân ra khỏi phòng bệnh để các bác sĩ đi khám bệnh cho bệnh nhân. Bất chợt, bạn tôi đến vỗ vai, hỏi tôi sao lại đăm chiêu đến thế. Ở phía ngoài, có các em sinh viên trong nhóm Bảo vệ sự sống đang chờ để hiến máu cho mẹ, em ra gặp các em một chút đi. Tôi đi nhanh ra phía các em đang đứng đợi.
Người đầu tiên tôi gặp là anh JB Nguyễn Hữu Chắc, trưởng nhóm Bảo vệ sự sống. Anh nói với tôi là sáng nay khi nghe bạn tôi kể chuyện của mẹ tôi, anh đã liên lạc với các em trong nhóm và hiện nay, có hơn 20 em sẵn sàng hiến máu cho mẹ. Lúc đó, tôi thấy các em vẻ mặt rạng ngời, tươi vui đang chờ câu trả lời của tôi. Thật không thể nào diễn tả hết niềm hạnh phúc vô bờ của tôi khi đó.
Vậy là mẹ tôi được cứu sống. Buối sáng hôm đó, cả em Đức, và em Dương cũng tham gia hiến máu cho mẹ. Anh Chắc cho 8 em vào thử máu và sau đó, có 4 em tham gia hiến máu vì mẹ tôi chỉ cần 1 lít máu. Các bác sĩ bắt 4 em còn lại đóng tiền thử máu, tất cả là gần 1 triệu đồng. “vô lí, vô lí, đã đi hiến máu rồi lại còn phải đóng tiền, như thế là trái quy định của pháp luật”. Các em không chịu chấp nhận luật rừng của các bác sĩ phòng huyết học nên đã phản đối dữ dội, không chịu nộp tiền thử máu khi đi hiến máu.
Trong khi tranh cãi giữa anh Chắc với các bác sĩ, tôi mới biết, nhóm BVSS ở Vinh là một địa chỉ hiến máu quen thuộc của các bệnh viện trên địa bàn thành phố Vinh. Khi các em hiến máu xong, thì bệnh viện trả cho 4 em mỗi em 180.000 đồng, còn tôi thì đã có máu cho mẹ nhưng vẫn phải mua máu theo giá của bệnh viện. Bạn tôi bảo, máu của người nhà mình, nhưng vẫn phải mất thêm hơn 1 triệu nữa mới mua được.
Hơn một tuần sau, mẹ tôi ra viện. Tôi đưa mẹ về quê và sau đó đến thăm trung tâm BVSS ở giáo xứ Yên Đại. Đó là một căn nhà xây đơn sơ, không lấy gì làm tiện nghi cho lắm, nhưng đủ để cho những ai có tấm lòng bác ái cùng sinh hoạt với nhau.
Hàng ngày, vào các giờ rỗi, trung tâm đều có người đến các thùng rác của bệnh viện nhặt các thai nhi, vì một lí do nào đó người ta không muốn giữ lại, để đem vể nghĩa trang anh hài bên Hà Tĩnh, cách trung tâm gần 20km để chôn cất. Có những thai nhi gần đủ tháng đủ ngày chào đời đã bị vứt vào sọt rác bệnh viện khi hơi thở còn thoi thóp. Các em đi tìm các bà bầu đa phần là tuổi teen và đưa về trung tâm chăm sóc, cho đến khi các bà bầu mẹ tròn con vuông.
Các em đi thu gom sắt vụn đem về bán, góp quỹ cho trung tâm. Trung tâm BVSS còn là địa chỉ hiến máu quen thuộc và tin cậy của các bệnh viện. Vào mùa bão lũ năm ngoái, rất nhiều em sinh viên cùng với các anh cựu trong nhóm BVSS như anh Hòa, anh Diệu,… đã lội nước đến tận vùng bão lũ để dựng lại nhà, và phát gạo cho bà con vùng lũ, nâng đỡ bà con lúc hoạn nạn bằng tình thương và sự quan tâm tận tình.
Những việc làm hàng ngày của các thành viên trong nhóm BVSS mà họ vẫn làm trong suốt thời gian qua lẽ nào lại trở thành mục tiêu chú ý và tiêu diệt cái tốt của nhà cầm quyền?
Vậy mà các anh em trong nhóm BVSS gồm anh Hòa, anh Diệu, anh Oai, anh Đức, anh Dương đã bị bắt mà không biết vì lí do gì, vì tội gì. Cho đến nay, có người bị bắt đã 2 tuần vẫn chưa được thả. Lòng tôi hoang mang vô cùng. Tôi hoang mang không phải vì người Công giáo bị bắt mà vì cái tốt đang dần bị tiêu diệt. Trong một xã hội mà cái tốt không có chỗ đứng như hiện nay, đó là dấu hiệu báo trước ngày tàn của nền văn minh tâm hồn mà dân tộc Việt Nam đã dày công xây dựng bao năm.
Hôm nay, trước giờ các giáo dân Thái Hà thắp nến cầu nguyện, tôi nhớ đến các ân nhân là các thanh niên Công giáo yêu nước với lòng biết ơn sâu sắc, đang bị giam cầm mà đến nay người thân của các anh không biết các anh hiện đang ở đâu, tình trạng sức khỏe ra sao. Tôi nhớ đến các anh, những người bạn tuyệt vời của tôi, những tấm gương sống động cho tôi noi theo về một đời sống nguyện cầu, âm thầm phục vụ tha nhân và hiến dâng mình cho quê hương và cho giáo hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét